Tản mạn thử luận bàn về nguồn gốc dân tộc Việt
Hiện cuộc tranh luận về nguồn gốc dân tộc Việt đang đi đến hồi ngã ngũ. Trong khi chúng ta chờ đợi những công trình khoa học quy mô xác định, chúng tôi muốn lạm bàn về chuyện này với tư cách không chuyên nghiệp và bằng những hướng tiếp cận khác nhau. Dưới đây là những mẩu chuyện, tư liệu rời rạc vui buồn, nhưng chắp mối lại có thể hình dung ra những điều mà người Việt mang bản sắc của mình rất rõ không thể trộn lẫn với dân tộc nào khác.
Chưa có công trình khoa học nào nói người Việt là người “Tàu” lai, hoặc gốc Hán nhưng trong các câu chuyện phiếm, hoặc vì thực hiện "học thuyết âm mưu" nhiều người lại đưa ra những luận thuyết có vẻ rất “khoa học”, đó là trong nghìn năm Bắc thuộc chúng ta bị đồng hóa, nên rất có thể gen giống bị lai tạp. Hồi sinh viên những lúc “dư hơi” thường đưa ra vấn đề này và tranh cãi nảy lửa, phe của bọn tôi lúc nào cũng thua vì mớ lý luận: “Giao Chỉ đã là tên dùng để gọi một Bộ trong 15 Bộ của Nhà nước Văn Lang. Người Giao Chỉ có đặc điểm bàn chân các ngón tõe ra như càng cua. Thế sao giờ không có? rõ ràng phải bị lai!”.
Hồi trước chỉ là sinh viên không có nghiên cứu, chẳng có mấy thực tế nên chẳng cãi được nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi đã tin chắc từ rất lâu rằng sau này các nhà khoa học, các nhà sử học, các nhà nhân chủng học sẽ có những bộ sách thú vị minh chứng thêm cho sự thật này. Dưới đây, tôi chỉ xin kể lại những điều nghe và thảo luận từ thực tế; Đó là những mẩu chuyện rời rạc nhưng chắp mối lại có thể hình dung ra những điều mà người Việt mang bản sắc của mình rất rõ không thể trộn lẫn với dân tộc nào khác.
Việt Nam có ông tổ chung
“Người Việt” (Việt nhân), hay “Việt tộc”, “Kinh tộc” là một khái niệm được sử dụng trong vài trăm năm trở lại đây chỉ “dân tộc Kinh”. Tất cả những thuật ngữ này cần được phân biệt với khái niệm “dân tộc Việt Nam”, “người Việt Nam”; khi hai thuật ngữ này mang tính chính trị chỉ tất cả các tộc người sống trên đất nước Việt Nám. Ví như Ngô Sĩ Liên (1479) đã sử dụng khái niệm “Việt nhân” trong sự đối lập với “Hán nhân”. Đào Duy Anh trong “Vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam” (1957) dùng khái niệm “dân tộc Việt Nam” mang tư tưởng của các nhà lý luận của chủ nghĩa Marx về dân tộc. Nguyễn Văn Tố (1889-1947) trong “Đại Nam dật sự” (1943-1945) dùng khái niệm “người Nam” trong tương quan với “nước Nam”, đối lập với “người Tàu”, “nước Tàu”. Phan Bội Châu trong “Việt Nam quốc sử khảo” (1906) gọi “người nước ta” để khu biệt với “người châu Âu”, “người Nhật Bản”...
Việt tộc (Người Kinh) chiếm 86% dân số Việt Nam, có phong tục giỗ tổ Hùng Vương và được coi là quốc lễ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Lễ xuất hiện từ thời Thục Phán - An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có trời đất chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. PGSTS Bùi Quang Thanh – Chuyên viên cao cấp Viện Văn hóa Việt Nam, người tham gia bảo vệ Di sản thờ cũng tổ tiên Đền Hùng thành di sản văn hóa phi vật thể được UNECO công nhận từng khẳng định với tôi: “ Mình chắc chắn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc và cũng là di sản văn hóa tiêu biểu của nhân loại”. Dẫn ra vậy để thấy rằng nếu cãi lý thì các nhà sử học Trung Quốc sẽ phản đối bởi nếu dân tộc ta có nguồn gốc người Hán thì không thể coi Hùng Vương là ông tổ được.
Lại bàn thêm về “Tiếng nói”, bất cứ dân tộc nào dù di dân đi đâu chăng nữa thì trong khoảng 5000 năm vẫn giữ được tiếng nói riêng. Hiện không có tài liệu nào cho thấy tiếng Hán là tiếng dùng trước đây của người Việt. Thực tế, nghìn năm Bắc thuộc tiếng Việt vẫn được dân tộc sử dụng đồng hành với tiếng Hán. Tài liệu của các vương triều phong kiến viết về các lần đi sứ thần đều nói phải chọn cử người tinh thông ngoại ngữ tiếng Hán hoặc có phiên dịch. Như vậy rõ ràng tiếng Việt có nguồn gốc Việt nó được bảo vệ lưu tồn chắc chắn trong những làng xã – một kiểu cấu trúc đặc thù của dân tộc Việt mà chính vì thế dù dân ta mất nước nghìn năm, nhưng những cái làng thì không bao giờ mất. Đất nước ta là đất nước của hệ thống những cái làng liên kết bằng tiếng nói Việt!
Người Hán Trung Quốc chưa bao giờ nói là “Anh em cùng gốc” với người Việt
Cần nói ngay rằng trong chính sử Đại Việt triều Lê, Nguyễn Trãi từng coi Triệu Đà như là vị hoàng đế mở đầu cho truyền thống chính trị ở nước Việt (Bình Ngô đại cáo), còn Ngô Sĩ Liên (thời Lê Thánh Tông) đã kiến tạo nên một phả hệ Hán trong dòng sử chí Nho giáo, theo đó “người Việt” có nguồn gốc là “người Hán”. Các hoàng đế quân chủ của thời Nguyễn như Gia Long- Minh Mệnh- Thiệu Trị- Tự Đức và các sử gia Nho thần, coi rằng mình là hậu duệ chính thống của Hán nhân, là những người tiếp nối chính đáng nhất của nền chính trị Nho giáo.
Các nhà nghiên cứu sau này đã kết luận rằng: “ cuốn sử của Ngô Sĩ Liên là một sản phẩm sử chí trong dự án chính trị của Lê Thánh Tông: dùng lịch sử và việc chép sử để củng cố cho tính chính thống của quyền lực chính trị đương thời. Thủ pháp của Ngô Sĩ Liên là “dĩ sử chứng kinh” (dùng sử để chứng minh cho kinh điển), và ngược lại, những gì trong kinh điển Nho giáo (như kinh Thư) đã được tái dụng để chắp nối, kéo dài cho những trang sử chính thống của Đại Việt. Những “Dự án chính trị” kiểu này nói một cách giản đơn là các triều phong kiến muốn chứng minh họ cũng là một Thiên tử (con trời) thứ thiệt cùng gốc do ông trời đẻ ra và cũng “thuần chủng” dòng máu như cái anh Hán tộc kia! Song tiếc rằng cái gì cũng có hai mặt những “Dự án chính trị” của tiền nhân đã làm con cháu sau này đâm khốn khổ. Song thật may, chính cái anh Hán tộc kia lại chưa bao giờ công nhận điều này.
Nếu dõi theo lịch sử, các vương triều Trung Quốc xưa luôn coi dân tộc ta là “Man di” và chỉ có chủng người Hán mới là thượng đẳng văn minh. Vì thế hán tộc luôn bành trướng thôn tính các tộc khác để đồng hóa. Cuộc xâm lược đầu tiên của Hán tộc là nhằm vào Bách Việt, đó là cuộc chiến của Tần Thủy Hoàng khoảng năm 218 - 217 TCN. Cuộc chiến dài khoảng 10 năm, trong đó người Âu Việt đụng độ quân Tần trong khoảng 6 năm (từ năm 214 TCN). Các tộc người Đông Việt, Mân Việt, Nam Việt… trong đó có Âu Việt và Lạc Việt là 2 tộc của Việt Nam. Kết quả nhiều tộc Việt bị chinh phục chỉ riêng người Âu Việt đã chiến thắng. Theo các sử gia Việt Nam hiện đại, sau cuộc chiến chống Tần thắng lợi, thủ lĩnh người Việt là Thục Phán đã thay thế Hùng Vương của Văn Lang thống nhất Âu Việt và Lạc Việt, thành lập nước Âu Lạc vào khoảng năm 207 TCN. Minh chứng này cho thấy tộc Việt không phải là Hán tộc.
Xem 26 bộ chính sử Trung Quốc thì 17 bộ có thông tin liên quan đến Việt Nam. Đó là các bộ: Sử ký Tư Mã Thiên, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử và Thanh sử cảo. Trong Tống sử, có đoạn nói về Lê Hoàn ở chương viết về Giao Chỉ: "Hoàn tự nói là năm gần đây giao chiến với giặc man, bị ngã ngựa gãy chân, nên nhận chiếu không bái lạy". Các thất bại của quân đội Trung Quốc xâm lược nước ta cũng bị viết nhẹ đi rất nhiều. Như trong cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba của quân Nguyên, trận tướng Trần Khánh Dư tập kích đoàn thuyền lương của quân Nguyên tại Vân Đồn do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy, Nguyên sử chỉ thừa nhận: "Quân sĩ bị mất 220 người, cùng 11 chiếc thuyền, và hơn 14.300 thạch lương". Năm 1288, Nguyên sử cũng chỉ viết: "Quân do thám cho biết Nhật Huyên (Trần Thánh Tông) cùng Thế tử và Hưng Đạo vương chia hơn 300.000 quân, đóng giữ Nữ Nhi quan và núi Khâu Cấp, nối nhau hơn 100 dặm để chặn đường về quân Nguyên. Trấn Nam vương bèn từ huyện Đơn Kỷ chạy sang Lộc Châu, theo đường tắt mà ra, đến châu Tư Minh". Minh sử chép về trận Chi Lăng năm 1427: "Thăng tiến binh đến dốc Đảo Mã, bị giặc vây hãm, chết trận. Hậu quân đến sau cũng nối nhau chết cả. Thông nghe tin, sợ lắm, tập hợp cả quân dân quan lại, ra sông Hạ Tiếu (tức sông Hồng), lập đàn cùng Lợi minh thệ, hẹn lui quân". Thanh sử cảo viết về trận đánh vào thành Thăng Long mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789) của vua Quang Trung: "Quân địch dùng voi chở đại pháo xung phá quân ta, quân ít không địch nổi số đông, trong đêm tự dẫm đạp lên nhau mà chạy. Tôn Sĩ Nghị vượt sông Phú Lương (sông Hồng), rồi lập tức chặt cầu phao để đoạn hậu, vì vậy những quân trên bờ, Đề đốc Hứa Thế Hanh, Tổng binh Trương Triều Long, cùng quan quân phụ dịch hơn 10.000 người, đều chen nhau chết đuối cả"… Một vài dẫn chứng trên đây có thể thấy, Trung Quốc luôn coi ta như “địch”, tức là một thế lực, họ thừa nhận ý chí bất khuất của các cá nhân lãnh đạo các cuộc kháng chiến hoặc thừa nhận những thất bại thảm hại của mình. Mặt khác cũng cho thấy dã tâm xâm lược và đồng hóa dân tộc Việt bất thành của các Vương triều phương Bắc.
Gần đây, vào đầu thế kỷ 20, vị “Quốc phụ” nước Trung Hoa, Tôn Trung Sơn trong bữa tiệc với Thủ tướng Nhật Kitsuyoshi Inukai (giữ chức từ 1931 đến 1932 bị ám sát) cũng từng nhận định: “Người Việt Nam có căn tính nô lệ, xưa họ bị chúng tôi thống trị nay lại bị người Pháp thống trị, họ không thể có một tương lai thực sự sáng sủa”. Tuy nhiên đã bị Thủ tướng Nhật phản đối: “Tôi không đồng ý với ngài về điểm này. Mặc dù hiện nay họ chưa độc lập, họ đã là dân tộc duy nhất trong nhóm Bách Việt đã chống lại thành công quá trình Hán hóa. Một dân tộc như vậy sớm muộn cũng dành được độc lập của chính mình”. Ở đây ta không bàn chuyện Kitsuyoshi Inukai “đá xoáy” Tôn Trung Sơn ở chỗ họ Tôn là người Quảng Châu và không phải dân tộc Hán nhưng lại bị Hán hóa tới mức mất hoàn toàn bản sắc văn hóa như vậy mà muốn nói cách nhìn của 2 nhân vật (Một khinh miệt, một ca ngợi) đều cho thấy Người Việt không phải là người Hán, không bị Trung quốc hóa!
Tại Trung Quốc, cộng đồng người Hán gồm 1.2 tỷ người, chiếm 92% tống dân số. Trong đó, chưa tính Đài Loan 22 triệu người và 40 triệu Hoa kiều ở các nước khác trên thế giới. Cộng đồng này từ ngàn xưa cho đến bây giờ chưa khi nào coi dân tộc Việt là “Người anh em” chung huyết thống phải ly quê cả; Trong khi đó nó luôn duy trì những Hội đen, Hội đỏ, những tổ chức “Hoa kiều” ở mọi nơi trên trái đất và hướng về quốc mẫu.
Chống đồng hóa, sáng tạo và đồng hóa lại
Đọc sách về Tôn Trung Sơn, tôi thấy ông có một nhận định sắc sảo về dân tộc mình, đại ý Hình ảnh của nước Trung Hoa là hình ảnh của anh chở xe ba gác. Cứ làm ăn thật nhiều sau đó lại đi ẩu đả ở đâu đó một trận. Hầu hết trận nào cũng thua nhưng sau đó lại về nghề xe ba gác nuôi hận phục thù. Người Việt ít có máu phục thù dân tộc. Truyền thuyết Thánh Gióng với hình ảnh Gióng về trời sau khi giặc tan; đã hình tượng hoá một sự thật : Binh lính Việt sau chiến tranh giữ nước lại về các làng quê “ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi). Tinh thần quật cường chỉ trở thành cao trào khi có giặc ngoại xâm đến và nó trở thành “ một làn sóng nhấn chìm lũ cướp nước”- (Hỗ Chí Minh).
Sự ảnh hưởng của giao lưu văn hoá là tất yếu. Có một nhà sử học nào đó đã nói nước Việt như một cô gái đẹp nên Tây Tàu đều muốn ve vãn cả. Sự thật thì cuộc ve vãn ấy đã diễn ra cả ngàn năm Bắc thuộc và trăm năm Pháp thuộc và bây giờ các chàng Tây Tàu vẫn đang tiếp tục ve vãn. Trong cái quá trình ấy, sức mạnh của một nền văn hoá cao thì sẽ ra sức đồng hoá văn hoá thấp, điều ấy tưởng như một logic, nhưng sự thật chưa chắc vậy. Xem phim ảnh, ta thấy có quá nhiều nghi lễ tập tục của ta giống Tàu. Nhưng người Việt đã cải tiến nó đi rất nhiều, ví dụ tập tục cưới hỏi của Tàu gồm : Xem mặt, dạm ngõ (cho phép tìm hiểu), lễ hỏi (Đính ước), Xin cưới , Vu quy, lại mặt. Người Việt đã giản đơn hoá Chỉ còn 2 lễ gồm Lễ hỏi ( gồm cả xin cưới) và vu quy (Về nhà chồng). Các câu chuyện khác theo “quy trình Tàu” hầu như quên lãng. Người Hán khi bị Mãn Thanh chinh phục, phải cạo đầu buộc tóc đuôi Sam, nhưng người Việt chỉ có nữ tóc dài thả bó và nam luôn cắt tóc ngắn. Đặc biệt tục lễ hỏi cưới có trầu cau và tục ăn trầu thuốc giữ răng đen thì Trung quốc không hề có. Bạn tôi, một lãnh đạo của Báo Quảng Ninh từng làm luận văn Thạc sỹ tại Trung Quốc, anh tâm sự: tôi rất ngạc nhiên khi người Trung Quốc sử dụng rất nhiều ca dao tục ngữ của Việt Nam. Xét trong lĩnh vực dân ca thì hầu như không có sự ảnh hưởng nào, nhiều loại hình sân khấu của Tàu đã xuất hiện nhưng thành thật ít được người Việt chào đón nhất là tầng lớp bình dân. Sự thật thì cái gì cũng có 2 mặt, người Việt có bản lĩnh xóa bỏ cái không thích nghi để chọn lọc và sử dụng, đồng hóa lại cái đồng hóa mình hoặc tự sáng tạo ra cái để tự dùng. Một bằng chứng rất rõ là về chữ viết, theo đó, từ rất xa xưa cha ông ta phải mượn chữ Hán để học tập và giao lưu văn bản viết, nhưng sau đó đã tự chuyển hóa thành chữ Nôm để thể hiện bản lĩnh dân tộc. Cho đến thế kỷ XX thì loại bỏ hoàn toàn thứ chữ tượng hình này và thay bằng chữ quốc ngữ hiện nay, với hệ thống ký tự mang tính quốc tế cao, trong khi nhiều nước châu Á vẫn còn ảnh hưởng.
Tính nữ quyền của người phụ nữ Việt
Người Trung Quốc coi trọng nam quyền, người Việt coi trọng nữ quyền. Kết luận này có vẻ khôi hài nhưng quả đúng vậy. Thần thoại Trung Quốc có nữ Oa vá trời nhưng trên thực tế vị trí thờ cúng của vị thần này không đáng kể trong tập tục. Ở Việt Nam, từ xưa trong chùa đình người Việt đâu cũng có bàn thờ thánh Mẫu. Thờ Mẫu thành tập tục tín ngưỡng của người Việt, chỉ đáng tiếc là chưa thành tôn giáo vì hệ thống giáo lý về Thánh mẫu không hoàn thiện, trong tình trạng Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo; Đặc biệt bị ngàn năm đô hộ bởi Trung Quốc nên “Đạo Mẫu” đã bị chèn ép và bào mòn đi theo thời gian. Tuy nhiên trong các đình chùa thờ Phật theo con đường truyền giáo từ Trung quốc sang vẫn có một vị trí của bàn thờ Mẫu.
Xét trong hệ ngôn ngữ nói hằng ngày hầu như đa số hiện vật gì biểu thị bằng danh từ cũng đều bắt đầu từ tiếng “Cái”. Từ chỉ loại “cái” trong tiếng Việt có ba nét nghĩa cơ bản: Một là cá thể hóa sự vật, sự việc với nghĩa rất khái quát (cái ăn, cái mặc, cái hay, cái dở...), hai là, chỉ đơn vị riêng lẻ thuộc loại vô sinh (cái bàn, cái nhà) và ba là, chỉ từng cá thể động vật thuộc một số loại, thường là bé nhỏ hoặc được nhân cách hóa (con ong, cái kiến...). Chỉ cần thế, từ này đã bao hàm khối lượng khổng lồ với ý nghĩa chỉ “giống cái” trong đó chỉ cả vai trò “to, chính” (cột cái, đường cái), thậm chí “Cái” còn ép dùng cho cả giống đực như hiện tượng “Cái hóa”, trong những ngữ cảnh nhất định ví dụ: “Cái nhà anh này vớ vẩn!”. Đặc biệt những dòng sông yếu tố chính tạo nên sự sinh tồn của cư dân Việt thì tất cả các dòng sông lớn đều được gọi là sông “Cái”. Dường như chỉ có trong văn thơ mới có 1 dòng sông gọi là dòng “Sông Đực” theo nghĩa ẩn dụ (Con sông ở biên giới phía bắc chỉ toàn lính trận tắm hàng ngày) mà thôi.
Trong ứng xử hàng ngày, Người Trung Quốc phân biệt rõ Nam nhi quân tử và nữ nhi tiểu nhân do ảnh hưởng nặng của Nho giáo. Người đàn ông trong gia đình quyết mọi vấn đề. Thời Khổng giáo thống trị, đạo “Tam tòng”- Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử đã trói buộc người phụ nữ như một nô lệ phụ thuộc hoàn toàn vào người đàn ông suốt cuộc đời. Lịch sử Trung Quốc cũng từng có nữ vương như Võ Tắc Thiên và nhân vật khống chế triều chính là Từ Hi Thái Hậu, song được nhìn như những vết đen trong lịch sử. Ngược lại Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh lại là những phúc thần dược lưu trong sử Việt. Ngày nay phụ nữ ở các thành thị của Trung Quốc có mức lương vào khoảng 67,3% mức lương của nam giới và đối với phụ nữ ở vùng nông thôn, con số này còn thấp hơn - chỉ có 56%. Trong hệ thống quyền lực chỉ cần nhìn vào giới tinh hoa chính trị Trung Quốc để thấy được sự chênh lệch giữa tỷ lệ nam và nữ: chỉ có một phụ nữ trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên, Ban Thường vụ Bộ Chính trị quyền lực chưa từng có một thành viên nữ nào. Trong số 204 ủy viên Ban chấp hành Trung ương, chỉ có 10 người là nữ. Ở Việt Nam tuy có ảnh hưởng, nhưng hầu như quyền áp đặt vẫn thuộc về Nữ. Xem tranh “Đánh ghen” Đông Hồ, thấy người Nam quả là lép vế như bị xé đôi ra bởi những nữ nhân. Hầu hết đàn ông Việt sợ vợ dù quyền cao chức trọng “Lệnh ông không bằng cồng bà”. Mới đây, tôi có dịp được một người bạn giữ chức vụ cực lớn của một tỉnh cũng cực lớn chiêu đãi. Kết thúc tiệc bạn đưa tôi 2 gói quà, ngỡ bạn đưa nhầm vì một túi là nột gói caphe lớn loại cực phẩm kèm theo cả bộ đồ lọc lấp lánh, còn một túi toàn đồ lót phụ nữ loại hàng xịn mác Hàn Quốc, tôi đưa mắt có ý dò hỏi. Bạn cười ngất: Ông ơi cái túi ấy gấp 5 lần gói quà của ông đấy! Nếu không quan tâm đến “nửa kia” thì mọi việc đôi khi rắc rối to… Điều này khác với Trung Quốc, người phụ nữ phải nhẫn nhịn phục tùng. Ngay trong cách ứng xử hàng ngày, người chồng làm ra tiền của, nhưng chủ tài khoản lại là vợ. Các giao dịch đàn ông trực tiếp làm nhưng đa phần quyết theo ý vợ. Nếu mua một con lợn chẳng hạn sau khi ngã giá với người chồng mà tưởng chắc ăn là hỏng. chỉ khi nào cả 2 vợ chồng thuận bán 1 giá thì mới ăn chắc. Và số tiền bán được, người đàn ông chỉ có quyền nghĩ đến mà thôi. Tôi từng nghe thầy giáo tôi kể câu chuyện vui cười ra nước mắt “Lừa được vợ là sướng nhất”. Chuyện rằng thời bao cấp vợ chồng thày nuôi được một con lợn. Tết đến ngoài chút lương tòng teo chỉ có con lợn “tăng gia thêm” phải cần bán gấp để về quê tận Thanh Hóa. Lợn cân xong được 60 kg, giá đúng thị trường, nhưng cô không chịu bán vì còn phải chờ cô chạy đi đi khảo giá mấy nơi xem có đúng không. Khảo giá xong mất ngót một tiếng, nhưng cô vẫn chần chừ. Cô nói “Nếu để đến 29 tết giá phải tăng lên 2 hào/ký”. Trời ơi, 29 tết mới bán được thì còn đi về quê sao đây, bởi ngày ấy từ Hải Phòng về Thanh Hóa để tiết kiệm phải đèo nhau bằng xe đạp, đường đi lại xấu phải mất hơn một ngày, tối ngủ ở Ninh Bình. Cuối cùng thày nghĩ ra một sáng kiến bèn nói nhỏ vào tai tay thợ thịt: “Thôi mày cứ nhất trí mua theo giá bà ấy, tao sẽ bù số tiền ấy cho mày”. Tay thợ thịt hiểu ra cười khì khì… còn Thày mất đứt 12 đồng “vốn riêng” dự định mua thêm mấy tút thuốc lá và mừng tuổi người thân…
Sự quan tâm đến chính trị
Năm 2006 tôi có dịp ghé qua Trung Quốc, đến cửa khẩu Lạng Sơn đoàn được chuyển cho Du lịch Trung Quốc phụ trách. Ngồi cạnh tôi là một nữ tiếp viên du lịch xinh đẹp, hỏi thì được biết do đoàn tôi là đoàn khách tri thức nên công ty cử đoàn tiếp viên đều có trình độ học vấn đại học văn hoá du lịch và đích thân Giám đốc có trình thạc sỹ tham gia hướng dẫn. Bữa trưa tôi được bố trí ngồi cùng mấy bạn Trung Quốc trong đoàn tiếp viên, tôi hỏi :
- Sắp tới là đại hội đảng Trung Quốc, theo bạn ai sẽ là tổng bí thư? Tất cả im lặng nhìn nhau và cô hướng dẫn xinh đẹp kia nói chen ngang một câu :
- Em nghe nói Hải Phòng có khu du lịch Đồ Sơn đẹp lắm, em mong sớm có dịp sang đó.
- Uh ! đẹp lắm , nhưng bạn chưa trả lời mình.
- Anh miêu tả xem nó như thế nào?...
Ban đầu tôi nghĩ, các bạn ít vốn tiếng Việt, nên không hiểu, nhưng nghĩ lại tôi thấy không phải vì Lương Minh - Giám đốc từng kể với tôi anh cùng tuổi tôi và sinh ra tại Phố Hoàng Hoa Thám thành phố Hải Phòng, năm 18 tuổi (1979) mới vể Trung Quốc và đoàn hướng dẫn viên này hầu hết đều học đại học, khoa Tiếng Việt tại Việt Nam cơ mà! Thấy ánh mắt thắc mắc của tôi các cô tiếp viên giả vờ cầm rượu đi chúc các mâm khác. Minh nói nhỏ “Bạn nói gì thì nói, đừng nói chuyện chính trị”. Sau này, khi học cao cấp chính trị tôi kể chuyện này với giáo sư Nguyễn Văn Vĩnh thày nói : “ Mình có dịp nghiên cứu 8 tuần ở Trung Quốc mình biết điều này. Ở Việt Nam cứ 3 người là cao hứng bàn chuyện chính trị, bất kể đâu trong nhà, cơ quan hay vỉa hè quán nhậu… nhưng ở Trung Quốc nếu 1 trong ba người nói chuyện chính trị là 2 người còn laị bỏ đi liền. Đó là phong cách của dân tộc họ”. Đây là sự thật, bởi dân Trung quốc chịu sức nặng của Nho giáo và những vụ đàn áp đẫm máu các thời đại, nên họ né tránh những thảm họa có thể đến với mình, đến nỗi hình thành cả một nét tính cách truyền thống như vậy. Sau này có nhiều dịp sang Trung Quốc tôi thấy điều Giáo sư Vĩnh Nói là đúng, trong khi ở Việt Nam ngày xưa các cụ đã tung hoành ý nghĩ: “Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”; Và ngày nay, từ quán cóc, đến bàn trà, mỗi lần có sự kiện chính trị là toàn dân tham gia bình luận với lý luận và ngôn ngữ như “ông trời con” xếp vị trí các chức danh lãnh đạo từ thôn xã đến trung ương, hoặc chê bai ông này, phê phán ông kia!
Căn cứ khoa học Gen dân tộc Việt