Vệ tinh Elon Musk đấu 5G Huawei hay chiến tranh Mỹ - Trung?

Khi nghe một GS người Mỹ nói về sự tiến bộ từng giây của Công nghệ thông tin, tôi đã không bất ngờ nhưng vẫn hoài nghi. Vị GS này ví von khi một sinh viên Đại học Công nghệ thông tin Mỹ nhận bằng tốt nghiệp ra trường thì đã lạc hậu với thực tế ba tháng, còn sinh viên Việt Nam thì lạc hậu tới ba năm. Một thông số chứng minh cho điều này là theo khảo sát của Viện Chiến lược Bộ Thông tin và Truyền thông trong 50.000 cử nhân CNTT ra trường mỗi năm, chỉ có 30% làm được việc ngay, còn 70% phải đào tạo lại. Nguyên do của sự đào tạo lại ấy có nhiều song sự lạc hậu không bắt kịp với sự phát triển của CNNTT là một yếu tố quyết định. Nhưng câu chuyện chiến tranh giữa 12 nghìn vệ tinh Mỹ và 5G Trung Quốc là câu chuyện rất nóng cho thấy tốc độ phát triển của CNTT là ghê gớm mà cụm từ so sánh “Như vũ bão” hình như không diễn tả đủ. Hệ quả của nó là các quốc gia nếu thực sự không có khả năng dự báo và bồi dưỡng năng lực công nghệ mà đầu tư ứng dụng 5G vội vã, thụ động có thể sập cả nền kinh tế.

Trung Quốc với tham vọng đứng đầu về công nghệ 5G

 Các thông tin báo chí cho chúng ta biết rằng năm 2019, Trung Quốc đang đặt tham vọng trở thành cường quốc số 1 và thống trị thế giới về công nghệ 5G, từ hệ thống mạng đến thiết bị đầu cuối. Khát vọng này đặt nhiều lên đôi vai của Huawei (Công ty trách nhiệm hữu hạn kỹ thuật Hoa Vi) là công ty đang chiếm ưu thế và dần vượt lên các hãng Âu, Mỹ trong lĩnh vực cung cấp mạng viễn thông và smart phone, đặc biệt công nghệ 5G. Hiện tại sản phẩm của Huawei có mặt tại hơn 170 quốc gia. Hơn 1.500 đối tác giúp cung ứng sản phẩm và dịch vụ tới 1/3 dân số thế giới. Năm 2018 đã vượt qua Apple trở thành nhà cung cấp smartphone lớn thứ hai trên thế giới sau Samsung. Doanh thu năm 2018 của công ty đạt 108,5 tỉ USD. Cuộc chạy đua này ai cũng nhìn thấy sự thắng thế và tin chắc việc Huawei vươn lên ngai vàng thống trị chỉ còn là yếu tố thời gian.

Tuy vậy nhiều vụ việc liên quan đến Huawei làm người ta quan ngại, trước tiên là vấn đề an ninh. Liệu có hay không mối liên hệ mờ được che giấu kỹ càng giữa Công ty này với Cục tình báo trung ương Trung Quốc? Chỉ biết hàng loạt vụ bắt bớ của cảnh sát các nước đã diễn ra với các lãnh đạo của tập đoàn này là những minh chứng tự tiết lộ sự thật về mối liên hệ ấy. Theo đó, tháng 12/2019, nhà chức trách Canada đã bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) bà Meng Wanzhou của Huawei theo đề nghị của Mỹ. Mặc dù được thả ra với số tiền bảo lãnh 7,6 triệu USD vào ngày 11.12, nhưng bà Meng hiện phải đeo vòng theo dõi mắt cá chân để giám sát tại Vancouver. Tiếp theo kênh truyền hình Ba Lan Telewizja Polska (TVP) ngày 08.01.2020 cho hay Giám đốc kinh doanh của Huawei bị nhà chức trách nước này bắt giữ vì bị nghi là gián điệp... Những vụ bắt giữ là bằng chứng mới nhất cho thấy Huawei đang bị "soi" trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nhà mạng đã và đang loại bỏ thiết bị của Huawei vì lo ngại các sản phẩm này bất ổn an ninh bởi Công ty này có liên quan tới cơ quan tình báo Trung Quốc.

Thứ nữa, sau khi bị Mỹ áp lệnh cấm mua công nghệ Mỹ, tập đoàn Huawei đã bộc lộ nhiều lỗ hổng của mình. Trước hết là  cách thức thay thế Google. Bởi nếu không có được ứng dụng dẫn đường và phần mềm của Google (Hệ điều hành Android của Google, đang được cài đặt trên 80% điện thoại di động) vốn là đặc tính của điện thoại thông minh (smartphone) thì Huawei trở nên vô giá trị. Bên cạnh đó là Chip dùng cho điện thoại, máy tính xách tay  - chip Intel và chạy Windows, nói cách khác hầu hết  sản phẩm CPU và GPU  đều thuộc  những công ty sản xuất  của Hoa Kỳ và bị Chính phủ Mỹ cấm bán cho Huawei đẩy công ty này vào thế lúng túng khó tìm được nhà cung ứng có năng lực tương đương. Cùng với đó, nếu Mỹ và liên minh của mình chống lại Trung Quốc tẩy chay Huawei  thì riêng mảng kinh doanh thiết bị mạng của Huawei chiếm vốn đóng góp 40% tổng doanh thu của tập đoàn (khoảng 45 tỷ USD) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi không thể tiêu thụ được số sản phẩm này tại các thị trường tiềm năng dồi dào…

12.000 vệ tinh không trung Mỹ “vô hiệu hóa” 5G?

Khi mà các nhà phân tích đang hướng vào việc bàn bạc chủ đề các hãng công nghệ Mỹ đã bị tụt hậu từ công nghệ 4G không thể cạnh tranh được với Huawei, hoặc lại có trường phái tính toán về sự sụp đổ có thể xảy ra của Huawei khi Mỹ và liên minh tẩy chay… thì đùng một cái Hoa Kỳ công bố và thực hiện kỳ tích mới bằng sự kiện vào 9h30 sáng ngày 25/5/2019 (giờ Việt Nam) Elon Musk và SpaceX (Mỹ) phóng 60 vệ tinh phát sóng Internet lên không trung quĩ đạo tầm thấp 400 km, kèm theo kế hoạch phóng 400 vệ tinh để bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu vào cuối năm 2020. Và theo tuyên bố của Musk và SpaceX, trong vòng 5 năm tới họ sẽ phóng tiếp 12.000 vệ tinh lên không trung. Để dễ hình dung ta có thể tưởng tượng hệ thống vệ tinh này sẽ cung ứng dịch vụ Internet cho mọi hang cùng ngõ hẻm của trái đất và đặc biệt với tốc độ nhanh hơn công nghệ hơn 5G từ 10 đến 50 lần. Sự thật này là cú sốc quá lớn với giấc mơ bá chủ bằng 5G của Trung Quốc.

Trước hết nói theo luật chơi của phạm trù kinh tế thì để truyền phát tín hiệu 5G hay 6G các quốc gia cần tới hàng triệu trạm thu phát sóng BTS, hệ thống dây cáp Internet buộc phải bắc qua các không gian núi cao, biển sâu… rõ ràng sẽ thua thứ công nghệ truyền thẳng từ vũ trụ xuống máy tính đặt ở bất cứ đâu. Một ưu việt khác là về yếu tố kỹ thuật độ nhanh nhạy của vệ tin intenet gấp 50 lần so với truyền phát của 5G. Với những tính năng nổi trội như vậy, thì rõ ràng chỉ có những nhà kinh tế mù mới lựa chọn 5G là bạn hàng. Bên cạnh đó, sự thật là khó quốc gia nào kể cả mạnh hay yếu về Công nghệ có thể liều lĩnh hợp tác với một công ty công nghệ thông tin cao (đang bị nghi là có hoạt động gián điệp) để rồi an ninh của đất nước mình bị nó nghe nhìn ngay trong phòng ngủ.

Như vậy việc bị Mỹ và liên minh Mỹ phối hợp tấn công đã trở thành ác mộng với Huawei. Đặc biệt người dẫn đầu lực lượng này là Tổng thống Trump – con diều hâu đầu đàn của Đảng Cộng Hòa từng tuyên bố  trước các phóng viên trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 29.5 rằng Trung Quốc “do thám để lấy cắp bí mật công nghiêp” Mỹ, và sự thật FBI cho biết đang điều tra hơn 1.000 vụ đánh cắp sở hữu trí tuệ được cho là có liên quan đến Trung Quốc… thì rõ ràng tạo thành một nguy cơ hiện hữu làm  Huawei và Trung Quốc khó đỡ! Mặt khác, xét về độ lớn mạnh của khoa học thì khi mà tập đoàn Elon Musk (Mỹ)  đẩy tư duy Internet và viễn thông vệ tinh trên không trung và trên sao hoả với khả năng ứng dụng chưa từng thấy mà Huawei (Trung Quốc) mới đang đi trên mặt đất với tư duy 5G thì giấc mộng bá chủ mạng viễn thông chỉ còn là giấc mộng.

Việc tung “cú đòn” kỹ thuật đỉnh cao công nghệ kết hợp với các biện pháp trả đũa của Mỹ và liên minh của mình trên toàn cầu giống như chiêu “song kiếm hợp bích” nhằm Huawei mà truy sát chắc chắn sẽ làm cho Công ty này khó chống đỡ. Niềm tin, cánh cửa đột phá thống trị thế giới mà Trung Quốc gửi gắm vào Huawei vì thế có lẽ cũng dần khép lại.

NĐM