Có thể bạn quan tâm
Phiêu dạt lênh đênh nơi Biển hồ đất khách
Cư dân Việt những bọt bèo trên biển ngọt.
Khởi hành từ Xiêm Riệp qua 17 km, trên một con đường nhựa do Nhật bản tài trợ; dừng lại trên bén cảng biển hồ do Hàn Quốc giúp đỡ, trước mặt là muôn trùng sóng nước và cây xanh lúp xúp, đó là hồ nước ngọt rộng Tonle Sap chiều dài trên 100km, diện tích hơn 10.000km2. Thuyền máy chạy chừng 20 phút một khu làng nổi hiện ra nổi nênh trên mặt nước Biển Hồ, đó là làng người Việt.
Tháng 8 chưa phải là mùa nước nổi. Theo người hướng dẫn viên nói vào khoảng tháng 10,11 dương lịch biển hồ sẽ mênh mông nước trắng và độ sâu sẽ là từ 9-14m.
Lãnh đạo huyện Xiêm Riệp, cho biết, làng Việt thuộc xã Chang Khnia trên Biển Hồ Tonle Sap, có 364 hộ người Việt. Họ sinh đẻ tự do và gần như phó thác cho tự nhiên chọn lọc. Có gia đình để tới hàng chục đứa con, nếu chết bệnh hoặc đuối nước lại đẻ tiếp. Tất cả các hộ dân người Việt ở đây đều sống trong những căn nhà thuyền và sống bằng nghề chài lưới, cuộc sống rất khó khăn. Làng Việt bố trí hai bên như 2 dãy nhà nổi. Hầu hết là nhà trên thuyền được neo lại, và di chuyển tản mạn khắp hồ trong mùa nước. Tuy nhiên cũng có 1 số nhà chôn cọc gỗ xuống lòng hồ. Những ngôi nhà kiểu này thường chỉ cần 4 người thanh niên là có thể khiêng di dời dễ dàng khi nước lên. Nếu không chạy kịp, người dân buộc đá để ghìm nó xuống lòng hồ đợi năm sau mùa nước cạn lại về trục vớt lên để sinh sống tiếp.
Cộng đồng người việt quần cư trong làng chừng trên 2000 người. Không có giá trị văn hóa nào lưu tồn trong họ. Hỏi có biết Việt Nam không? Trả lời: có! Việt Nam có những gì nổi tiếng? Trả lời: Không biết đâu! Hỏi có biết rằm tháng bảy không? Tất cả chỉ cười…
Họ đến từ nhiều con đường : tồn tại từ lâu đời trên đất Cam, đi làm ăn rồi lạc bước về tá túc tại đây lâu dần thành cư dân, thua lỗ rôì di dân tự nhiên qua biên giới tìm gặp người Việt rồi ở lại. Anh Phan Văn Định quê Tây ninh kể “Em sang đây 13 năm dạt vào Biển hồ rồi lấy vợ ở lại luôn. Em muốn về lắm, nhưng không có tiền. Có ông đại gia người Việt bảo cho tiền nhưng em lại không có giấy tờ gì nên chẳng thể về được”. Câu chuyện anh kể như đùa, nhưng thực sự là vậy. Khu vực làng Việt cách Xiêm Riệp (cố đô cũ của Campuchia) có trên 20 km nhưng phần lớn chưa ai đến. Có những em bé 5 tuổi mà chưa một lần chạm chân đến …đất! Những người dân ở đây khi chết đều vùi mồ trong những gò đất. Mùa nước, không chôn cất được thì bó vào lưới buộc đá dìm xuống nước đóng cọc làm dấu. Rồi mùa cạn quay về tìm hài cốt làm ma lại.
Theo anh Hào (Không nhớ họ của mình) là cư dân ở đây thuyết minh, làng Việt có rất nhiều thứ. Nhìn những mái tranh tuyềnh toàng trong gió lộng, những mái tôn han rỉ úp xúp của 2 dãy ổ chuột nước chao đảo trong sóng hồ, khó khăn lắm mới nhận ra những điều mà anh Hòa kể. “Nhà máy điện” là 1 chòi trên thuyền đang sạc chừng 50 cái Ắc quy, “Nhà máy cơ khí” chỉ thấy 1 người thơ đen thui đánh vật với 4 cái đầu Điêgen mà chúng ta thường tháy ở những chiếc công nông máy dọc đã bị cấm dùng ở Việt nam… duy nhất chỉ có nhà máy lọc nước là cao vượt lên ngạo nghễ. Nhà máy này do Hàn Quốc tài trợ, ban đầu cấp nước miễn phí, nhưng hiện thời thu tiền với giá 7.500 đồng tiền Việt một bình 20 lít nước lọc.
Làng Việt sống chủ yếu bằng đánh cá trên Biển Hồ. Ban ngày khó nhìn thấy một người đàn ông nào vì họ còn ngủ để đêm đi đánh cá. Thường thì chập tối, từng đàn thuyền rời làng lao vào mênh mông Biển Hồ săn bắt cá, đến 4h sáng trở về. Sau khi trao đổi hàng hóa với thương lái người Cam và người Việt họ lăn ra ngủ cho lại sức. Những đàn ông không vợ, hoặc vợ yếu đau, thì tự nấu nướng rồi cũng ngủ vùi trên sóng. Tôi chợt hiểu, những người đàn bà nơi đây vì sao đôi mắt cứ cháy lên những ánh man dại dù thân hình tòng teo khô quắt như những thanh củi mục. Và vì sao có cả một chiếc thuyền chất đầy đồ “Thủ dâm” dành cho nữ, sản xuất tại Trung Quốc bày bán công khai!
Chiếc thuyền máy du lịch chở chúng tôi đi trên luồng, phải liên tục tránh vì vài chục chiếc thuyền lao ra bám sát. Trên thuyền những người đàn bà mặt héo quắt và những đứa trẻ nhem nhuốc ngồi vẫy tay xin tiền. Duy nhất có 1 chiếc xuồng do anh Tú lái, chiếc xuồng có đàn ông duy nhất ấy lại là một người cụt 1 cánh tay. Anh kể “Em bị cánh quạt xuồng máy chém khi đi đánh cá vô tình rớt xuống”. Nhìn cảnh cha con anh, một bé gái vắt qua cổ 1 con trăn và 1 bé trai cởi truồng phơi mình dưới nắng xin tiền, ai cũng ứa nước mắt. Tôi chạnh lòng khi nhìn thấy, những hiếc thuyền người Âu, họ quay phim, chụp ảnh liên tục. Những ánh mắt ngạc nhiên của họ nhìn người Việt ở đây như những sinh vật lạ. Những đứa trẻ con “Tây” thì sợ sệt nép chặt vào người mẹ chúng.Tôi chợt nghĩ: Dùng làng Việt Biển hồ làm điểm du lịch liệu có phải là thờ ơ bàng quang? Hay sự cố tình? Dù thế nào cũng thấy rõ sự nhẫn tâm, sự tàn nhẫn khó lòng tha thứ.
Không thấy nhiều dấu hiệu của quản lý nhà nước về các vấn đề kinh tế xã hội. Chúng tôi ra đây cùng với một thuyền sinh viên tình nguyện Hàn Quốc, nhưng không thấy ai kiểm tra, không có đại diện địa phương hoặc bất cứ tổ chức nào ở đây quan tâm cả. Duy nhất một chiếc trực thăng đỏ như ngọn lửa bay lượn cao tít giữa trời chiều. Cô Lina, người hướng dẫn viên của công ty Caravan Angkor nói bằng tiếng Việt “Chắc có đoàn Hàn Quốc ra nên trực thăng kiểm tra đó”.
Biển hồ, nơi cung cấp 70% sản lượng cá tiêu dùng cho Campuchia, nơi cho những cư dân Người Việt tồn tại rồi lại đòi đi tất cả. Không tổ quốc, không văn hóa; Con người nơi đây hoang dại gần như cây cỏ, tự sinh tự diệt. Những Sinh vật biết nói này, nếu không có sự can thiệp của các nhà nước Việt nam và Cam phu chia, các tổ chức quốc tế thì tương lai sẽ về đâu? Chẳng lẽ số kiếp họ y như những đám lục bình hoang dại vật vờ hết đời này sang đời khác giữa vô định sóng nước Biển hồ, mà với họ trong suy nghĩ chúng tôi đã hóa “Biển tù”.
Lớp học của giời
Chúng tôi cập vào một trường học, lênh đênh trên sóng đây là ngôi nhà thuyền khang trang nhất làng Việt, với một tấm biển to “ Trường học dành cho trẻ em nghèo Việt Nam.”. Trường đã có từ những năm 1990, do ông Võ Văn Đầy (Sáu Đầy), nguyên là Chủ tịch Hội Việt kiều ấp 7, là người vận động xây dựng. Nhưng sau những biến động xã hội ở nước bạn và đời sống khó khăn, đặc biệt là nhận thức của dân Làng Việt “Học cũng chả làm gì”... lớp học tan. Năm 1997, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Xiêm Riệp tặng 2.000USD để phục hồi lại trường học, và Công ty Xi măng Hà Tiên hỗ trợ kinh phí thêm mới có được lớp học như bây giờ..
Bên trong lớp học là một tấm biển lớn như một thông điệp gửi đến mọi người vè mục tiêu tôn chỉ lớp học : “Tất cả gia đình Việt Nam hiện đang sinh sống tại biển hồ Vương quốc Cam pu chia., các gia đình có con em từ 6 tuổi trở lên hãy đưa đến trường sẽ được Ban lãnh đạo nhà trường nhận nuôi dạy các em, được ăn ở tại trường miễn phí - Giúp cho các em học hành để trở thành người tốt - Giúp ích cho xã hội sau này đừng để các em di ăn xin trôi dạt bên ngoài.”
Tất cả học sinh ngồi học trên sàn thuyền hỗn độn đủ mọi gương mặt , cao thấp khác nhau, áo quần đủ loại. Khi khách đến tất cả đứng dậy không chào hỏi mà chỉ nhìn như ngây dại ngơ ngác. Nhà trường có 140 học sinh, chia thành 2 lớp học ghép. Lớp thứ nhất gồm các em học chương trình từ lớp 1 đến lớp 3, lớp thứ 2 gồm học sinh lớp 4 và 5. Theo ông Phạm Văn Tư – hiệu trưởng nhà trường cho biết nhà trường có 14 thày cô giáo, trong đó gia đình ông có 3 người vợ chồng ông và người con trai 23 tuổi. Từ năm 1979 đến năm 1989, Ông Tư là bộ đội tình nguyện Việt Nam chiến đấu tại Cam Pu chia. Sau khi xuất ngũ, về Việt Nam nhưng ông vẫn thường sang đây buôn bán. Khi trường học được mở lại trên Biển Hồ, ông xung phong sang đây làm giáo viên. Đã 64 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, khuôn mặt dù rám nắng nhưng vẫn toát lên vẻ đầy đặn phúc hậu. Ông tâm sự “Mình chẳng có nghề, nói đủng chỉ là được tập huấn dạy học qua hồi trong quân ngũ. Những năm qua đây làm ăn hỏi trẻ em có biết Việt Nam không, chúng bảo chỉ nghe nói chứ không biết ở đâu, thấy tội quá. Mình quyết định chuyển cả gia đình sang đây dạy học từ thiện chỉ mong con em người Việt biết về nguồn gốc của cha ông ”.
Lặn lội bơi thuyền đến từng nhà vận động có nhà cảm thông chia sẻ, có nhà ủng hộ cho con đến lớp, nhưng có những chủ nhà đuổi thẳng ra khỏi thuyền. Ông vẫn kiên nhẫn cùng những giáo viên trước đây thay nhau đi động viên, và nhờ các gia đình có chút hiểu biết vận động… Lớp học nhờ thế đông dần.
Trao dổi với chúng tôi Thày Tư cho biết, giáo viên và học sinh chủ yếu sống bằng lòng hảo tâm của các tổ chức, các đoàn tham quan người Việt hỗ trợ, thi thoảng cũng có đoàn khách nước ngoài cho chút ít. Hầu hết các gia đình không đóng góp gì, nếu có họ chỉ góp cá tôm làm bữa ăn cho con họ mà thôi. Lương giáo viên căn cứ vào lượng tiền hàng hỗ trợ mà chia nhau, mõi tháng được khoảng trên 1 triệu tiền Việt, có khi còn được thêm vài thùng mỳ tôm, ít nước ngọt… Các giáo viên vẫn phải đi đánh cá, buôn bán thêm mới đủ sống. Hàng năm, ông cũng được chính quyền mời lên báo cáo qua loa. Có năm khá hơn thì được mời về du lịch thủ đô Pnong pênh 2 ngày.
Trường dạy cả chương trình Cam và Việt. Trả lời phỏng vấn, thày Tư nói : “chỉ biết dạy theo sách giáo khoa đến hết lớp 5, chứ chả có ai công nhận cả. Sách giáo khoa Cam thì mua ở Xiêm Riệp, còn sách giáo khoa Việt do một đoàn khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh tặng”. Chúng tôi hỏi một cậu bé khoảng 13 tuổi “Cháu tên gì?”, thằng bé cười và xả ra một tràng tiếng Cam. Có một cậu bé khác tên Lượng láu lỉnh bảo “Thằng này bập bẹ tiếng Việt thôi, Tên nó là Lợi”. Sao cháu nói tiếng Việt giỏi vậy? Dạ cháu mới theo ba má sang đây 3 năm. Và như để chứng tỏ nó là người Việt chính hiệu, thằng bé ra lệnh: Nào, tất cả hát bài “Như có Bác Hồ…”đi! Những giọng trẻ thơ cất lên chao đảo vô hồn, bởi chúng hát như người Việt hát bài hát nước ngoài vậy. Nhưng chúng tôi xúc động thật sự, nhiều cô giáo trong đoàn đã khóc thành tiếng. Lũ trẻ có tội gì đâu? Chúng như cây cỏ, như cánh bèo giữa Biển hồ nơi đất khách mà thôi.
Điều kiện để đến trường Thày Tư thật đơn giản “Chỉ cần học trò biết lội (Bơi) là được”, nhưng cúng không mấy trẻ đến trường. Sự giản đơn tới mức hoang sơ của một nhà trường như thế này liệu có được ghi vào Ghinet thế giới? Trường đi xin, thày không nghiệp vụ, trò lộ cộ, sách tạp nham, không chương trình, không kiểm đinh, không quan lý…
Chiếc cánh quạt đập vào một mảng lục bình, những cánh bèo nát ra dạt tứ tung vào dòng nước. Tôi chợt nghĩ, những đứa trẻ này dù có học đến hết “lớp 5 của Thày Tư” thì sớm muộn cũng mù lại; bởi phía trước tương lai của chúng chỉ mênh mông trời nước.
Đoàn rời lớp học, tất cả lại yên lặng như nó vốn vậy. Gặp tiếng nói trẻ thơ nơi lớp học, như nhìn thấy một đốm lửa giữa mùa lạnh giá. Cái đốm lửa ấy đáng quý và đáng thương yêu biết bao nhiêu, nhưng quả thật nó không đủ sưởi ấm lòng chúng tôi. Thày giáo trẻ Trần Minh Trung đưa bàn tay vẫy đoàn, vầng trán anh tối lại trong bóng chiều chạng vạng. Chúng tôi, mỗi người một tâm trạng, nhưng đều hút tầm nhìn vào cái lớp học xa dần nhỏ lại như chiếc vỏ trấu nổi nênh trên đầu sóng.
Long Hải
Xiêm Riệp 8/8/2011