Có thể bạn quan tâm
Người đàn bà ở lại sau vụ án
Sáng ngày 5/3 chúng tôi trở lại hiện trường vụ án Cống Rộc huyện Tiên Lãng, vụ án làm chấn động cả nước. Tất cả im lìm, một vùng sông nước, biển cả, cỏ cây hoang dại như ngủ quên dưới những màn mưa xuân nặng hạt. Vòng vèo khoảng 2 Km, trên con đường mòn, những người đi bắt cá chỉ cho chúng tôi đến chỗ ở của vợ con anh Đoàn Văn Vươn.
Dừng lại bên dấu tích của căn nhà bị máy ủi húc đổ nát, bỗng thấy xao lòng vì chợt nhận ra giữa muôn thứ nát vụn, một chiếc bát hương nhỏ vẫn còn nguyên vẹn giữa đống hoang tàn và một ngọn chuối non cố vươn dậy trong đống gạch vỡ ngổn ngang ướt lạnh. Tiếp một khúc cua và đi bộ khoảng 500m nữa, trước mắt hiện dậy một khu đổ nát thứ 2 và căn lán dựng tạm. Chị Thương, vợ anh Vươn đứng đó im lặng nhìn đoàn khách bất động với đôi mắt đỏ hoe.
Theo Chị Thương , ngôi lán này được làm với sự giúp sức của anh em trong Hiệp hội nuôi cá nước lợ huyện Tiên Lãng, nó được làm ngay tại ngôi lều bạt mà sáng 1 tết nguyên đán chị và các con dựng tạm. Chị kể “ Đêm 30 tết nghe tin lực lượng canh giữ ở đây rút hết quân, vả lại, trong đầm cũng chẳng còn gì , bởi trước đó có người đánh trộm hết cá bằng Kích điện. Mấy mẹ con bảo nhau dựng lều vì không muốn ở nhờ với lại còn thắp hương ông bà tổ tiên, bố chồng em và cho con gái chúng em, tội nó, tết mà không có chỗ để về…” Khu vực này, trước đây là ngôi nhà thứ 2 nằm ngay trên bề mặt một chiếc cống lớn được xây bằng gạch và nợp cói, do xe ủi không vào được nên người ta đốt nhà và dẩy đổ, tập vỡ tan hoang.
Không thấy giọt nước mắt nào đi theo lời kể ấy, chỉ thấy một gương mặt u trầm xa xôi mong ngóng đợi chờ. Dường như nước mắt của người đàn bà này đã cạn kiệt, sự nghẹn ngào thường gặp ở những người phụ nữ trong các hoàn cảnh bi đát nơi chị cũng đã động cứng lại. Phần lớn những câu hỏi của chúng tôi do một người bạn cũng là chủ Đầm, ông Phạm văn Vịnh và cậu bé con anh chị mới học lớp 3, cháu Đoàn Văn Hiếu kể lại. Chị im lặng đôi lúc thảng thốt giật mình, gật đầu xác nhận.
Căn lán tuyềnh toàng đã là nơi tiếp đón các đoàn nhà báo trong nước và nước ngoài, những đoàn đại biểu hàng trăm người từ Thanh Hóa ra và nhiều đoàn khách khắp các tỉnh, nhưng tuyệt nhiên, không có đoàn khách nào của chính quyền địa phương và thành phố. Đến giờ, dù Thủ tướng đã quyết định, mọi thứ đã rõ ràng, nhưng chị vẫn không nhận được bất cứ thông báo nào về cách thức giải quyết tiếp theo từ chính quyền. Ba mẹ con ở giữa mênh mông, người đàn bà không biết làm gì. Có một số trợ giúp về tiền của những người cảm thông chia sẻ nhưng chỉ là muối bỏ bể so với nhu cầu vốn của trên 40ha đầm. Chị Thương nói “ Chúng em mất mát nhiều quá, tất cả gần như sạch trơn, tại căn nhà này có 2 bao phân chuồng dùng bón màu cho đầm cũng bị lấy mất”. Chị tâm sự “ các anh biết đấy, nghề nuôi trồng thủy sản cơ cực lắm, nếu được miếng ăn phải vất vả đã đành nhưng phải biết kỹ thuật. Khi nào cho nước vào, khi nào thả con giống, khi nào dọn đầm… tất cả là do chồng em và cánh đàn ông, nhưng bây giờ chỉ còn lại mình em, nên đành vứt đấy”.
Nhìn cháu Đoàn Văn Hiếu 8 tuổi ngẩn ngơ xếp lại những bình hương, bát vỡ trên chiếc bàn thờ đầy bụi tro nham nhở trên nền nhà cháy thấy thật tội nghiệp. Cháu bảo “ Chú ơi, chú bảo họ cho bố cháu về nhé, sao bố cháu đi lâu thế ?” Câu hỏi và mong ước ngây thơ của đứa trẻ khiến cả đoàn chúng tôi đều quay mặt đi nơi khác! Chỉ một chút ấm lòng duy nhất, khi nghe Thày Vũ Thế Nhân, Hiệu Trưởng trường THPT Hùng Thắng, nơi Cháu Đoàn Văn Quỳnh, con lớn của Anh chị Vươn đang học lớp 11 trả lời qua điện thoại “ Cháu học tốt, và ngoan, thày cô và học sinh trong trường luôn cố gắng thân thiện hơn với cháu từ khi có sự cố gia đình cháu xảy ra”.
Mọi việc cơ bản về vụ án Cống Rộc đã ngã ngũ về pháp lý, nhưng cái đạo lý, cái hành xử giữa người với người ở nơi đây dường như chưa có sự ngã ngũ nào.
Lúc chia tay, Chị Thương lại đứng bất động trước cửa lán tiễn chúng tôi như hóa đá. Sự náo nhiệt nơi căn lán lại chìm lặng giữa mênh mông. Những chiếc thuyền nằm vật vưỡng trong cái rét lộc tháng hai chờ hơi ấm của bàn tay chủ nhân điều khiển.Không hiểu sao trong số ấy có một chiếc thuyền duy nhất cắm một con sào đứng đợi kiên nhẫn dưới mưa hoang lạnh. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ so sánh nó với chị, người đàn bà đang im lặng đợi chờ trong một khoảng không gian thời gian tích đầy dấu hiệu của những cơn dông bão.