Thử giải mã tìm ngựa “chín hồng mao”

Đã đăng Báo Hải Phòng xuân Giáp Ngọ

ngua8Truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh được ghi vào sử sách đầu tiên là Việt điện u linh (thế kỷ XIV), sau đó là Lĩnh Nam chích quái (thế kỷ XV) Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV). Song hành với những ghi chép này là những dị bản khá chồng khít về nội dung trong văn học truyền miệng và hiện tại được biên tập thành sách giáo khoa cho nhiều cấp học. Trong truyền thuyết có chi tiết Hùng Vương thứ 18 kén rể và đòi sính lễ “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Đến thời điểm này, một trong 3 con vật có đặc điểm kỳ lạ này đã tìm thấy, đó là con gà chín cựa có thật mà quê hương của nó ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Nhưng 2 con vật còn lại thì vẫn cứ “sống” trong truyền thuyết.

Vấn đề đặt ra là truyền thuyết dẫu là kỳ ảo, nhưng bao giờ cũng bám vào một cái trục lịch sử có thật. Theo ngọc phả còn lưu tại đền Lăng Sương ( xây dựng vào năm 1011, triều Lý) thì Thánh Tản là một người có thật, tên là Nguyễn Tuấn. Thân phụ ngài là ông Nguyễn Cao Hành, thân mẫu là Đinh Thị Đen - (Kienthuc.net.vn).

Kết quả nghiên cứu này đã xác định Thánh Tản Viên là nhân vật lịch sử có thật, người được Vua Hùng Vương 18 gả công chúa Mỵ Nương và truyền ngôi, nhưng ông đã nhường ngai vị cho Thục Phán và chính Thục Phán đã lập đá thề ở Đền Hùng thề bảo vệ non sông. Hành động này của Nguyễn Tuấn giải thích ông là người nắm rõ vận mệnh quốc gia và đặt quyền lợi bảo tồn những thành tựu văn hiến người Lạc Việt trải gần 3000 năm, tránh chiến tranh nội bộ. Đồng thời cũng giải thích vì sao ngài là một trong bốn vị thần hộ quốc của người Lạc Việt.

Như vậy câu chuyện Nguyễn Tuấn chính là “cốt lõi lịch sử” của truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và hình ảnh Sơn Tinh chỉ là những kỳ ảo được khoác lên nhân vật lịch sử  Nguyễn Tuấn. Trở lại vấn đề con ngựa chín hồng mao trong món lễ vật, theo logic, thì Nguyễn Tuấn chính là người có món lễ vật này, nên mới được Vua gả con gái cho. Song con vật ấy có phải là con vật có thật?

Kết hợp nghiên cứu trục lịch sử và văn hoá Đại việt cuối những năm 3000, có thể thấy văn minh Đại Việt đã có sự phát triển rực rỡ, ngoài văn minh lúa nước, thì đến nay người ta còn tìm thấy những dấu vết của chữ Việt cổ, lớp học, thày giáo thời kỳ này và những nét văn hoá đặc thù Việt. Mặt khác truyền thuyết Sơn Tinh (do sự tích hợp nêu trên) làm cho chúng ta đặt ra một khả năng là nó được sáng tạo từ thời Hùng Vương thứ 18, nhưng được bồi đắp thêm theo xu hướng truyền miệng (Fonclo) vì thế tình tiết về món lễ vật được thêm vào bởi các nhà Hán học vô danh sau này.

Sự thêm thắt của họ có dụng ý tạo dựng một quan điểm về tiêu chí của một bậc quân vương cần phải có. Đặt trong bối cảnh câu chuyện, Vua Hùng kén rể, đồng thời kén luôn cả người kế vị ngôi báu, thì thấy rõ món lễ vật để chứng tỏ tài năng của một quân vương không thể là những con voi, gà, ngựa , dù chúng có sự đặc biệt về hình thể đi chăng nữa.

Từ đây, có thể thấy hình ảnh món lễ vật hoàn toàn là những hình ảnh ẩn dụ về phẩm hạnh tài năng của một con người mà nhà vua đang kiếm tìm. Vậy ẩn dụ đó là gì? Theo kết quả nghiên cứu , chi tiết này có sự ảnh hưởng của thuyết “Hồng phạm cửu trù”, một học thuyết căn bản của nền minh triết Viễn đông. Thuyết nêu một quan niệm đại qui mô về tâm lý, sinh lý, xã hội, chính trị, về vũ trụ vạn vật, tức là một Vũ trụ quan tiêu chuẩn, một Nhân sinh quan lý tưởng, căn cứ vào sự quan sát thực nghiệm mà kết cấu ra. Nói cách khác, người xứng tầm ngôi vua phải hội đủ kiến thức thông tuệ của thuyết này. theo đó mỗi con vật mang một “Đáp án” trong bài toán kén rể của Hùng Vương 18.

ngua9

Riêng Ngựa chín hồng mao là đáp án về “Cửu trù”, bao gồm:  Ngũ Hành, Ngũ Sự , Bát chánh, Ngũ Kỷ, Hoàng Cực,Tam Đức, Kê Nghi ,Thứ Trưng, Ngũ phúc - Lục Cực. Nói cách khác, người có bản lãnh hội đủ “cửu trù” là người: nắm vững sự vận chuyển của ngũ hành; Có diện mạo phi phàm, lời nói thuyết phục biết nhìn xa trông rộng, biết lắng nghe và suy ngẫm (Ngũ sự); Biết lo lương thực, làm ra của cải, biết cúng tế thần linh, lập kho dự trữ, quan tâm đến giáo dục, an ninh, ngoại giao, quốc phòng (bát chánh); biết tính thời gian, hiểu chiêm tinh, biết lập và dùng lịch (Ngũ kỷ); biết xây dựng luật pháp và gương mẫu chấp pháp (Hoàng cực);  phẩm chât ngay thẳng, cứng rắn và mềm dẻo đúng lúc đúng chỗ (tam đức); Biết thuật bói để tránh các nghi ngờ  xây dựng dự báo (kê nghi); Có sức khoẻ phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu ( Thứ trưng); Biết chọn Ngũ Phúc: sống lâu, giàu có, mạnh khỏe bình yên, yêu chuộng đạo đức, trọn đời tiếng thơm. Đồng thời tránh Lục Cực: gồm hung họa, tật bịnh, lo buồn, nghèo nàn, ác nghiệt, nhu nhược.

Có thể thấy tiêu chí đặt ra cho một quân vương là rất cao, đây là tiêu chuẩn cần có của một chính trị gia. Điều tiến bộ đặc biệt là nó không đặt tài năng võ nghệ lên hàng chính yếu giống như các cuộc kén rể thời cổ đại mà điểm quyết định lại là phẩm chất trí tuệ; đây cũng là nguyên nhân vì sao mà Thuỷ Tinh thua cuộc dù phép thuật ngang hàng với Sơn Tinh ở lần tỷ thí tài võ nghệ .

Từ  đây có thể thấy rõ ràng chuyện lễ vật chỉ là hình ảnh kỳ ảo mà dấu trong đó là một tiêu chuẩn chọn phò mã và chọn quân vương kế vị của Hùng Vương thứ 18. Và cũng vì thế con ngựa chín hồng mao không có ở ngoài thực tế đời sống, nó mãi mãi chạy cùng thời gian song hành với truyền thuyết lưu tồn trên đất Việt.