Có thể bạn quan tâm
Bức tranh Guernica - Biểu tượng chống chiến tranh của Picasso
Khoảng cuối tháng 4 năm 1937, Picasso bắt tay vẽ bức tranh khổng lồ mang tên Guernica và mang tới Triển lãm quốc tế Paris (1937); từ đây bức tranh trở thành biểu tượng chống chiến tranh nổi tiếng toàn cầu.
Thông điệp của bức tranh Guernica
Guernicachính là tên một ngôi làng dân sự ở xứ Basque, Tây Ban Nha. Năm 1936, cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha bùng nổ giữa chính phủ và lực lượng phát xít, do tướng Francisco Franco cầm đầu. Ngày 27 tháng tư 1937, với sự hỗ trợ của Franco, lực lượng không quân Đức Hitler đã diễn tập chiến thuật “chiến tranh chớp nhoáng”, và mục tiêu ném bom làng Guernica ở miền bắc Tây Ban Nha, vị trí cư trú của thường dân vô tội. Trong hơn ba giờ, 25 máy bay đã ném 50 tấn bom, biến ngôi làng bình yên thành đống đổ nát. Hơn 20 máy bay chiến đấu tham gia bắn phá và giết hại dân thường. Kết quả tạo ra thật thảm khốc, lửa cháy suốt 3 ngày, 70% ngôi làng bị phá hủy, 1/3 dân số, ước 1600 thường dân chết và bị thương.
Sự kiện này được coi là cảm hứng tác động trực tiếp đến Picasso và khiến ông từ bỏ đơn đặt hàng của chính phủ Tây Ban Nha là vẽ một bức tranh nghệ thuật mang tới triển lãm Hội chợ Paris diễn ra vào năm 1937. Cảm thức đau xót cho cảnh ngộ của đồng bào mình, lòng căm phẫn chủ nghĩa Phát xít và chiến tranh đã cháy trên các nét vẽ của Picasso, đồng thời là động lực khiến ông dồn tâm huyết trong hơn 1 tháng trời làm nên kiệt tác Guernica.
Và Guernica với kích thước khổng lồ 3,5×7,8m đã ra đời vào đầu tháng 6–1937, nó đã được chuyển tới triển lãm quốc tế ở Paris; một bức ảnh nghệ thuật nhưng mang đậm màu sắc, tầm vóc thời sự chính trị quốc tế. Đúng như Picasso tâm sự khi vẽ bức tranh này:“Trong bức tranh mà tôi đang vẽ, bức mà tôi sẽ đặt tên là Guernica, và trong tất cả các tác phẩm gần đây, tôi luôn bày tỏ một cách rõ ràng sự ghê tởm đối với giới quân quyền, những kẻ đã nhấn chìm Tây-ban-nha trong sự khổ đau và chết chóc…”.
Thử giải mã bức tranh
Bức tranh theo trường phái chủ nghĩa tượng trưng với nhiều chi tiết mã hóa mà không dễ dàng lý giải. Bức bích họa được bố cục thành ba phần: hình tam giác ở chính giữa và các hình thẳng đứng ở hai bên. Phía trái là tập hợp các hình, gồm có hình người đàn bà đang ôm đứa bé đã bị chết, ăn khớp với đường cong của hình con bò. Phần chính giữa, một con ngựa, bị mũi giáo đâm xuyên. Bên phải là hai người đàn bà, một người tựa vào cửa sổ, chỉ có cái đầu và cánh tay cầm chiếc đèn vươn ra của bà ta là thấy rõ và một người đàn bà đang quỳ phía dưới. Góc phía trái của tam giác này là cái đầu và cánh ta soãi ra của người chiến binh nằm sóng soài trên mặt đất. Phía bên phải của bức tranh là một nhân vật vươn hai tay lên trên. Tất cả các hình ảnh ấy đều miêu tả một thế giới chết chóc. Duy nhất hình ảnh con bò, đứng một mình vây quanh nó là những mảng tối. Nó quay lưng khỏi bối cảnh đang diễn ra, trâng tráo và lạnh lùng. Ngày 2.5.1947, Picasso đã trả lời câu hỏi của báo giới về ý nghĩa các hình trong bức tranh: “Không, con bò không phải là chủ nghĩa phát-xít, mà là sự tàn độc và tối tăm… con ngựa là hình ảnh của con người… bức bích họa Guernica có tính cách biểu tượng… phúng dụ. Chính vì vậy mà tôi đã dùng con ngựa, con bò, và nhiều thứ khác nữa. Bức bích họa là một sự diễn tả và giải pháp xác định cho một vấn đề.”.
Có lẽ cũng vì tính cách biểu tượng trong bút pháp, nen mặc dù chính Picasso nói vậy nhưng cho đến nay, các hình ảnh của bức họa vẫn tạo nên những cuộc tranh luận; song tất cả đều thống nhất ở thông điệp của Picasso gửi gắm đó là phản đối chiến tranh phát xít tàn khốc. Năm 1940, khi Paris bị Phát xít Đức chiếm đóng. một sĩ quan Đức Quốc xã đã đến thăm phòng tranh và xem bức vẽ Guernica, hỏi Picasso: " anh đã làm điều đó?", Picasso trả lời: " Không! Chính các anh đã làm". Đây mới chính là căn nguyên quan trọng làm cho bức tranh Guernica không chỉ chấn động Hội chợ Paris năm ấy mà nhanh chóng lan truyền toàn thế giới.
Bức tranh đã được các lực lượng Cộng hòa Tây Ban Nha gửi đi theo một tour du lịch quốc tế. Sau 19 năm vòng quanh thế giới, nó được đặt tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) New York (Mỹ) . Picasso tuyên bố, ông chỉ đồng ý cho bức tranh trở về tây Ban Nha khi đất nước " được hưởng quyền tự do công cộng và các tổ chức dân chủ". Và may mắn, điều này đã xảy ra vào năm 1981; từ năm 1992, Guernica chính thức được lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia của Tây Ban Nha, Reina Sofia thuộc thủ đô Madrid./.
Tài liệu tham khảo: The Challenge of Modern Art (1949) tác giả Allen Leepa, Khoa mỹ thuật của viện đại học Michigan; Tạp chí Mỹ thuật Việt Nam.
Nguyễn Đình Minh
bài in trên Báo HP cuối tuần