Có thể bạn quan tâm
Nhìn ra thành phố bạn
( PS ghi chép chuyến đi của CLB hiệu trưởng THPT Hải Phòng tháng 3/2011- Xem CLip tại mục Video)
Ở mỗi một thời kỳ, một giai đoạn Giáo dục đều có những thay đổi nhất định, đòi hỏi sự năng động sáng tạo của những con người gắn bó với nghề mà trước hết là những nhà quản lý. Thành lập từ nhiều năm nay, Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường THPT đã đóng góp tích cực cho Giáo dục Hải Phòng nhiều công trình quản lý quan trọng và góp phần lớn vào thành tích thi tốt nghiệp, chuyên nghiệp, thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế làm cho Giáo dục thành phố liên tục 10 năm nằm trong tóp dẫn đầu giáo dục toàn quốc.
Trước những thách thức mới của Giáo dục Hải Phòng, quy mô đang giảm nhanh, cơ chế khoán kinh phí tự chủ cho các nhà trường được thành phố thực hiện, cơ chế về nhân lực giảm đi, những mô hình trường học tự chủ, trường quốc tế đã xuất hiện nhiều hơn trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…đã tạo thành sức ép và cả sự ham muốn tìm hiểu. Bên cạnh đó, một mục tiêu quan trọng khác nằm trong kế hoạch của Câu lạc bộ là làm một cuộc hành trình về nguồn tìm hiểu lịch sử đau thương và anh dũng của đảo Côn Lôn. Đây cũng là một động lực, một sự háo hức hức để các nhà quản lý Giáo dục Hải Phòng có một chuyến đi khám phá.
Chiu chắt một khoảng thời gian ngắn cho phép, được sự đồng ý của Sở GD&ĐT Hải Phòng, vào 14h ngày 19/3/2011, đoàn cán bộ của Câu lạc bộ đã rời sân Bay Cát Bi giữa cái lạnh và những cơn mưa tháng 3 tê buốt. Sau gần 2 giờ bay, thành phố Hồ Chí Minh đã đón đoàn bằng sự náo nhiệt ồn ã và cái nắng nóng của vùng đất phương Nam.
6h sáng ngày 20/3 trên chuyến bay của phi cơ VN210, đoàn rời Tân Sơn Nhất đi Côn Đảo, để thực hiện mục tiêu đầu tiên của cuộc hành trình. Có lẽ chuyến bay này, với sự cố không thể đáp xuống sân bay Côn Sơn vì mây mù và phải hành trình trở lại, là một kỷ niệm ấn tượng nhớ đời của mỗi thành viên. 10h30 máy bay lại cất cánh lần thứ 2. Với 40 phút bay, Côn đảo hiện dần qua ô cửa kính và máy bay đáp xuống sân bay Côn Sơn.
Chiều ngày 20/3 đoàn đã có cuộc tìm hiểu khu di tích cách mạng nổi tiếng thế giới này. Những hình ảnh được chứng kiến tận mắt, được nghe cụ thể làm thành những ám ảnh riêng vừa đau buốt vừa tự hào trong lòng mỗi người của đoàn công tác.
Côn Đảo - Nằm ở biển Đông của Việt Nam, Côn đảo có trên 200km bờ biển với vùng vịnh kín, mực nước sâu, lặng gió, nằm sát đường hàng hải quốc tế Á – Âu. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Pháp là Poulo Condor. Năm 1702, năm thứ 12 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, Công ty Đông-Ấn của Anh đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ.
Tháng 4 năm 1861, Pháp đánh chiếm Định Tường. 10 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1861, Bonard (thủy sư đô đốc Pháp) hạ lệnh xâm chiếm Côn Lôn và "Tuyên cáo chủ quyền". Ngày 1 tháng 2 năm 1862 Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ tra tấn và hành quyết dã man những người tù chính trị Việt Nam .
Tháng 9 năm 1954 chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục chế độ nhà tù của Pháp và đổi tên quần đảo Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn. Sau Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên quần đảo này một lần nữa là Phú Hải. Với chế độ tàn bạo của nhà tù khoảng 20.000 người Việt Nam đã chết và được chôn hoặc vùi lấp tại Nghĩa trang Hàng Dương.
Hơn một thế kỷ, Côn Đảo trở thành nhà tù dã man nguy hiểm vào hạng nhất thế giới, thành nghĩa địa oan khuất đau thương với số người chết và bị tù ngục lúc nào cũng gấp vài chục lần số người sống tại đây. Chỉ tính riêng trong 20 năm (1955-1975), Mỹ Ngụy đã tăng quy mô nhà tù lên 8 trại giam, mỗi trại rộng khoảng 10.000m², có tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp và 45 xà lim. Ngoài khu vực các trại, còn có hàng chục sở tù như sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy là nơi người tù phải lao động khổ sai. Côn đảo thực sự là địa ngục trần gian.
Don Tom Harkin- nghị sỹ quốc hội Mỹ, người phát hiện ra chuồng cọp đã viết: “Khuôn mặt của tù nhân trong những chuồng cọp phía dưới đã để lại những dấu ấn không phai trong ký ức tôi. Tôi nhớ rất rõ mùi hôi thối kinh khủng do tiêu chảy và những vết thương lở loét do bị cùm xích cứa vào mắt cá chân của tù nhân. “Donnez-moi de l'eau” (hãy cho tôi nước) họ nói”. 25 năm sau, Tom Harkin trở lại Côn đảo Ông xúc động nói :“Đó là phát hiện thật sự gây sốc đối với tôi. Chúng tôi đã vi phạm Công ước, đã vi phạm những quyền con người cơ bản nhất ở trong nhà tù đó... Khi nhìn những nhà tù ở Guantanamo, tôi nghĩ “trời ơi, đây y như là ở nhà tù Côn Sơn...”.
Các thành viên Câu lạc bộ dành nhiều giờ để viếng mộ những chiến sỹ cách mạng tại nơi đây như Tổng bí thư Lê Hồng Phong, nhà chí sĩ Võ An Ninh… đúng 0 giờ đoàn đến viếng mộ anh hùng liệt sỹ Quân đội nhân dân Việt nam Võ Thị Sáu. Lễ viếng người con gái đất đỏ miền đông trong đêm thiêng liêng và xúc động. Theo phong tục nơi đây, riêng mồ “Cô Sáu” phải viếng vào đêm mới tìm gặp sự anh minh. Hương,hoa, gương lược, bồ kết là những đồ lễ của đoàn. Món đồ lễ rất đặc biệt ấy là tấm lòng của chúng tôi hướng về chị Sáu và đem về như một kỷ niệm của chuyến đi.
Tại nghĩa trang Hàng Dương, đoàn đã tổ chức lễ viếng hơn 20 ngàn chiến sỹ và đồng bào yêu nước đã hy sinh.
Tại đây các thành viên của đoàn đã tự nguyện đóng góp mua một chút đất nhỏ và trồng 5 cây phi lao nhỏ. Hy vọng chúng sẽ lớn lên và cất tiếng reo làm ru hát cho những linh hồn yên nghỉ tại nơi đây bằng tấm lòng chân thành, ngưỡng mộ của những nhà quản lý giáo dục Hải Phòng.
Ngày 21/3 đoàn đến thăm trường phổ thông Võ Thị Sáu, đây là một ngôi trường đa cấp gồm THCS và THPT với hơn 10 lớp học và học sinh THPT chỉ có 3 lớp khối 12 có 32 học sinh. Các học sinh đều là con em cán bộ và nhân dân ở huyện đảo. Đội ngũ cán bộ giáo viên 100% có quê tại đất liền ra đảo công tác. Cơ chế áp dụng cho học sinh nhà trường là cơ chế nhà nước theo chế độ dành cho huyện đảo.
Huyện đảo hiện có 6 ngàn dân thuộc tỉnh Bà Rịạ – Vũng tàu, ngoài khu trung tâm, tất cả còn mang nặng không khí bi thương hoang tàn.
Trưa 21/3 đoàn chia tay Côn Đảo với biết bao tâm trạng và đầy vơi những xúc cảm khó quên. Chúng tôi hành trình ngược lại Ga bay trên con đường dài 15 km, con đường mà chính tù nhân trước đây đã bị vắt kiệt sức mà làm cho đến chết. Tất cả cùng xúc động nghe tiếng hát của cô gái hướng dẫn viên - Bài hát về chị Võ Thị Sáu. Bài ca ấy tiễn chúng tôi dời đảo trong tiếng tâm trạng bùi ngùi.
Phần 2 . Làm việc với trường THPT Lê Quý Đôn
Sáng ngày 22/3 Đoàn có chương trình làm việc với trường THPT Lê Quý Đôn. Đây là nội dung trọng điểm của chuyến công tác. Ngôi trường rộng gần 3 ha tọa lạc tại 110 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 6, Quận 3, trong trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Với 138 năm tuổi, THPT Lê Quý Đôn được thừa hưởng một cơ sở vật chất và quy hoạch chuẩn mực theo phong cách Pháp từ những năm trước cách mạng. Trường với nhiều dãy nhà cao tầng 4 mặt gắn với 4 trục đường lớn của Quận 3, tạo điều kiện cho học sinh từ các ngả đến trường thuận lợi, toàn bộ hình ảnh nhà trường được phô diễn ấn tượng với khách từ 4 phía.
Từ năm học 2006-2007, Sở GD-ĐT TPHCM đã chọn Trường THPT Lê Quý Đôn làm thí điểm cho mô hình trường công lập tự chủ tài chính chất lượng cao. Mỗi năm trường được ngân sách đầu tư như các trường phổ thông công lập khác, song lại thu học phí 850.000 - 890.000 đồng/HS/tháng. Với mức thu gấp 30 lần trường công, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) vẫn sẵn lòng cho con theo học thí điểm vì tin tưởng ở sự đổi mới. Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để nhân rộng mô hình Trường LQĐ với lập luận bảo vệ về cơ chế kinh phí nhà nước cấp và nguồn tự chủ, mặt khác khi thực hiện mô hình thu học phí cao, Sở GD-ĐT TPHCM đã cam kết với cha mẹ học sinh: Trường Lê Quý Đôn (LQĐ) không dạy thêm, học thêm, không thu khoản tiền khác ngoài học phí; bảo đảm dạy tốt chương trình của Bộ GD-ĐT; thực hiện phương pháp dạy học tiên tiến và phát huy năng khiếu của từng học sinh”. Ngoài ra, theo khẳng định của lãnh đạo sở, mô hình này phải tiên tiến, khả thi và tiếp cận được với phương pháp giáo dục trong khu vực, quốc tế.
Hệ thống các phòng học, phòng chức năng, phòng thí nghiệm thực hành, nhà ăn ca trưa đều được bố trí đầy đủ với diện tích rộng. Sân trường rợp bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Toàn cảnh gợi cảm giác vừa hiện đại vừa cổ kính; vừa giữ được dấu ấn kiến trúc xưa vừa thể hiện đươc dấu ấn chăm sóc của những chủ nhân nơi đây.
Nét đặc biệt của nhà trường là hệ thống thiết bị được trang bị hết sức hiện đại, Cho tất cả các bộ môn. Số máy tính nối mạng đủ sức cung ứng cho mỗi học sinh/máy trong các giờ học. Các phòng học đều được trang bị máy điều hòa, máy vi tính, và ti vi 100 Ins làm phương tiện dạy học.
Trường bố trí sĩ số 30 học sinh/lớp theo chuẩn quốc tế. Giáo viên được trả lương từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đống/tiết dạy theo trình độ năng lực và kết quả của từng người. Đây là hệ số lương tính theo tiết cao hơn gấp từ 2 đến 6 lần giáo viên bậc cao nhất của Hải Phòng hiện hưởng. Môn học ngoại ngữ, có sự tham gia của Thày người nước ngoài. Các giáo viên này được tuyển dụng theo hình thức hợp đồng và chịu sự kiểm soát của tổ bộ môn và tín nhiệm của học sinh. HS tốt nghiệp xong sẽ có trình độ TOEFL tương đương 550.
Một trong những quy định của trường là những học sinh đạt điểm dưới 6 là phải đi học thêm và bắt buộc thày phải phù đạo cho học sinh. Lý giải việc nhiều HS phải đi học thêm, ngược với cam kết của nhà trường đối với PHHS, ông Phạm Văn Phiệt, Hiệu trưởng THPT LQĐ khẳng định với Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, “ khi GV thấy HS có điểm dưới 6 là tự động dạy HS. Sự tự động, tự giác này nằm trong tiềm thức. Còn việc HS khá, giỏi muốn đi học thêm là chuyện vô chừng.” Khi trả lời câu hỏi của Đoàn Hải Phòng, Ông Phiệt vẫn khẳng định, với 890 ngàn học phí chúng tôi cam kết đảm bảo học sinh có trình độ học sinh tiên tiến (từ 6,5 đến dưới 8,0). Học sinh muốn học giỏi , ôn thi đại học thì lại là câu chuyện khác.
Năm 2010, trả lời câu hỏi của Cha mẹ học sinh về sự khác biệt thật sự giữa một Trường LQĐ trước và sau khi thí điểm là gì? Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT cho rằng: “Nét khác biệt đó là mô hình quốc tế, sĩ số lớp chỉ 30 HS, học ngày 2 buổi, trang thiết bị được ưu tiên trang bị “xịn” nhất. Mỗi phòng học có một máy vi tính nối mạng ADSL, 1 máy chiếu projector, 1 màn hình, 1 máy in, 2 máy lạnh”.
Hiệu quả rõ ràng nhất của mô hình Trường LQĐ tiếp cận chuẩn quốc tế qua sĩ số lý tưởng 30 HS/lớp. HS Trường LQĐ hài lòng nhất chính là việc được học theo hướng tích cực, rèn luyện học theo nhóm. Phương pháp học này giúp các em biết truy cập tài liệu từ sách báo, Internet để làm thuyết trình... làm cho học sinh không chỉ có chất lượng học kiến thức tốt mà còn bồi bổ vốn tri thức văn hóa giao tiếp tăng cường tính tự tin trước khi bước vào cuộc sống ngoài xã hội.
Bên cạnh đó là một hệ thống CSVC và thiết bị hiện đại, môi trường, môi sinh tốt cho học tập của học sinh. Về phương thức quản lý, nhà trường được phép vận dụng Nghị định 43-CP, nên có những mạnh mẽ trong việc ra những quyết định quản lý, như trả lương theo định khoán chất lượng, từ chối hợp đồng với giáo viên có tay nghề không đảm bảo yêu cầu, hạch toán công khai chi tiết… tạo ra sự gắn kết trách nhiệm của giáo viên với nhà trường của mình, nâng cao tính chủ động tích cực tạo ra hiệu quả quản lý.
Trước khi thí điểm, tỷ lệ đậu ĐH, CĐ hàng năm của trường dao động 82% - 85%. Mỗi năm ước tính có khoảng 50 HS đi du học tự túc. Năm 2008, lứa HS lớp 12 cuối cùng của “tiền thí điểm” đã làm rạng danh nhà trường khi được Bộ GD – ĐT xếp hạng 154 trong danh sách 200 trường có điểm trung bình 3 môn thi đại học 2008 cao nhất nước. Mục tiêu của nhà trường là tăng cao tỷ lệ này lên trên 90%, đặc biệt nhấn mạnh tỷ lệ vượt chuẩn điểm sàn thi Đại học 2 điểm với mỗi học sinh tham dự thi.
Dưới góc nhìn của những nhà quản lý, chúng tôi hiểu rằng THPT Lê Quý Đôn vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Mặc dù đạt được những hiệu quả tốt đáng trân trọng nhưng tỷ lệ chất lượng mà nhà trường đạt được không đủ sức làm ngạc nhiên đoàn cán bộ quản lý giáo dục thành phố Cảng. Những vấn đề quản lý: về sa thải giáo viên, đặc biệt nội dung thu tự chủ với 1 học sinh cao gấp 30 lần so với mức học phí hiện tại ở thành phố Cảng, lại được nhà nước hỗ trợ kinh phí 100%, là câu chuyện khó có thể làm ở Hải Phòng. Và chính dư luận, báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh trong suốt 3 năm từ 2007-2010 đã lên tiếng nghi vấn. Báo tuổi trẻ tháng 9/2010, trích phát ngôn của một đại biểu Cha mẹ học sinh của trường này, viết “Không cầu toàn để đòi hỏi trong một thời gian ngắn, Trường LQĐ sẽ làm nên một “bước ngoặt trong lịch sử ngành giáo dục TP. Vì thật sự muốn làm được điều này đòi hỏi phải có một quá trình. Anh K.B, PHHS ở quận 3, nói: “Giá như nhà trường làm đúng với cam kết học phí cao – chất lượng tốt thì mô hình Trường LQĐ sẽ rất hay. Tôi nghĩ cần phải có thêm thời gian cho mô hình này”.
Chiều ngày 22/3, Đoàn đến thăm một mô hình đào tạo quốc tế đó là trường Phổ thông ghép học sinh tiểu học, THCS và THPT có kèm hệ mẫu giáo 4 tuổi. Đây là trường Quốc tế Canada đầu tiên tại Việt Nam.CANADIAN INTERNATIONAL SCHOOL IN VIETNAM (CIS). Trường vừa thực hiện lể khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 9/2009 tại khu Panorama, Phú Mỹ Hưng, Q7, TPHCM.
Ngôi trường này, được thành lập theo quyết định của UBND TPHCM, theo quyết định số 1002, ngày 13/03/2009. Trường thực hiện giảng dạy theo chương trình quốc tế của Canada cho học sinh Việt Nam, con em người nước ngoài, Việt Kiều có nhu cầu.. Trường gồm hai cơ sở: Cơ sở 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 16.000 m2 tại khu dân cư 13C, huyện Bình Chánh. Cơ sở 2 nằm trên đại lộ Bắc – Nam, huyện Nhà Bè - TPHCM, có tổng diện tích khoảng 24.000 m2. CIS có một thư viện với hàng ngàn đầu sách và nhiều phòng chức năng, phòng thí nghiệm; sân chơi rộng rãi, sân đá bóng, tennis, hồ bơi... Theo ông Mak Fenwick tổng hiệu trưởng thì tổng trị giá đầu tư cho xây dựng cơ bản và thiết bị là 24 triệu USD.
CIS sẽ là trường cấp 1, 2, 3 có nội trú, học theo chương trình giáo dục của Canada cùng với một số môn cơ bản Tiếng Việt, Văn, Sử, Địa, Giáo Dục Công Dân theo chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam để cùng lúc có thể lấy 2 bằng tú tài, cũng như cho phép lấy trước một số tín chỉ của bậc ĐH ngay khi đang học phổ thông theo quy định đối với các trường của Mỹ, Canada. Riêng học sinh lớp 12 sẽ theo học chương trình AP (phổ biến tại Canada, Mỹ), lấy một số tín chỉ của năm thứ nhất đại học ngay khi tốt nghiệp phổ thông để vào học năm 2 các trường đại học.
Ngôi trường này, được thành lập theo quyết định của UBND TPHCM, theo quyết định số 1002, ngày 13/03/2009. Trường thực hiện giảng dạy theo chương trình quốc tế của Canada cho học sinh Việt Nam, con em người nước ngoài, Việt Kiều có nhu cầu.. Trường gồm hai cơ sở: Cơ sở 1 được xây dựng trên diện tích khoảng 16.000 m2 tại khu dân cư 13C, huyện Bình Chánh. Cơ sở 2 nằm trên đại lộ Bắc – Nam, huyện Nhà Bè - TPHCM, có tổng diện tích khoảng 24.000 m2. CIS có một thư viện với hàng ngàn đầu sách và nhiều phòng chức năng, phòng thí nghiệm; sân chơi rộng rãi, sân đá bóng, tennis, hồ bơi... Theo ông Mak Fenwick tổng hiệu trưởng thì tổng trị giá đầu tư cho xây dựng cơ bản và thiết bị là 24 triệu USD.
CIS sẽ là trường cấp 1, 2, 3 có nội trú, học theo chương trình giáo dục của Canada cùng với một số môn cơ bản Tiếng Việt, Văn, Sử, Địa, Giáo Dục Công Dân theo chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam để cùng lúc có thể lấy 2 bằng tú tài, cũng như cho phép lấy trước một số tín chỉ của bậc ĐH ngay khi đang học phổ thông theo quy định đối với các trường của Mỹ, Canada. Riêng học sinh lớp 12 sẽ theo học chương trình AP (phổ biến tại Canada, Mỹ), lấy một số tín chỉ của năm thứ nhất đại học ngay khi tốt nghiệp phổ thông để vào học năm 2 các trường đại học.
Học phí tại CIS dao động từ 4.950 đến 11.800 USD/năm. Đặc biệt, học sinh có thể nhận học bổng giá trị từ 200USD đến 10,000USD khi đạt kết quả xuất sắc từng môn học tại trường và trong các kỳ thi khu vực và quồc tế.
Đến với trường quốc tế Canada đoàn có nhiều cảm nhận về sự đặc biệt của ngôi trường này. Trước tiên đó là một ngôi trường mà Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định đây là một mô hình tốt cần nhân rộng để con em người Việt có nhiều cơ hội học tập mà không nhất thiết phải du học. Chúng tôi chứng kiến được ở đây mối quan hệ thân thiện thày –trò thật sự. Trong lớp, ngời hành lang, thày trò gần gũi chia sẻ thân tình. Ngay cả cách quy định nhà vệ sinh, trường chỉ ngăn 2 khu nam và nữ. Như vậy, thày và trò nam, cô và trò nữ đều đi chung một buồng vệ sinh không có sự ngăn cấm khác biệt.
Đội ngũ giáo viên bao gồm cả người Việt và người Canada. Số lương cho giáo viên Việt thấp nhất là 500 USD và giáo viên người Canada gấp 10 lần tưics 5000 USD. Theo một cán bộ giải thích, sở dĩ có mức chênh vậy là số giờ làm của GV Việt ít hơn và không dạy những bộ môn quan trọng. Dường như còn có vấn đề gì đó trong cách giải thích này, nhưng cái mà mọi người cảm nhận là tinh thần vì học sinh, đặc biệt công sức của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm.
Tại chân cầu thang của một dãy nhà, chúng tôi chứng kiến cảnh một phụ huynh tìm gặp giáo viên chủ nhiệm trao đổi về việc học của con. Cuộc trao đổi thân tình, không câu lệ địa điểm. Cái mà chúng tôi cùng giật mình là chị phụ huynh không đài các sang trọng nhưng cuộc trao đổi bằng Anh ngữ thật trôi chảy.
Chúng tôi đã tìm đọc “Quy định của tổ chức Hội Cha mẹ học sinh tham gia sáng lập” trường. Tại phần 3 quy định về nghĩa vụ của hội viên, mục 3.2 có ghi “. Đóng góp một khoản tiền đồng Việt Nam trị giá tối thiểu tương đương 50.000 USD (năm mươi ngàn đô la Mỹ) để tham gia Câu lạc bộ Phụ huynh sáng lập theo phương thức ký thỏa thuận tham gia Câu lạc bộ Phụ huynh sáng lập với Trường quốc tế Canada”. Buổi chiều, bãi đáp xe chật kín xe đến đón học sinh và giáo viên về nhà trong đầy ắp tiếng cười.
Đây là một ngôi trường đặc biệt và không là trọng điểm của chuyến tham quan nhưng để lại nhiều ấn tượng. Vấn đề về cơ chế mở, vấn đề về nguồn lực vẫn luôn là điều bức xúc, nhưng đến đây cảm nhận thêm một điều: để có một trường học tốt không chỉ có vậy, bên cạnh cái tầm của nhà quản lý, cái giỏi giang của thày và trò còn đòi hỏi khả năng đầu tư, cái tầm tri thức và cái tâm cho con cái của những phụ huynh sao cho tương xứng nữa.
Buổi tối ngày 22/3, đoàn có cuộc gặp gỡ thân mật và giao lưu chân tình với Câu lạc bộ các hiệu trưởng THPT thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc gặp gỡ ấm cúng tràn ngập tình bè bạn. Các đồng chí Giám đóc và Phó gioám đốc sở giáo dục thành phố HCM cũng đến chung vui. Những sẻ chia, trao đổi mặn mà tình anh em đồng nghiệp trong buổi giao lưu ấy trở thành món quà ấm áp để chúng tôi mang về thành phố cảng.
Bồi dưỡng lý luận, gắn liền với khám phá thực tế, để xây dựng lại lý luận và ứng dụng sáng tạo, đó là phương châm hoạt dộng của Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường THPT thành phố Hải Phòng. Theo đó, những năm gần đây Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều chuyến đi Các tỉnh trong toàn quốc… nhiều chuyến đi Trung Quốc hay các nước khu vực Singapo, Thái Lan… với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp quản lý để ứng dụng trong thực tiễn. Lần này Câu lạc bộ đến thành phố Hồ Chí Minh và hoàn thiện nhiệm vụ của mình đặt ra.
Tạm biệt Sài gòn, chúng tôi sẽ nhớ mãi chuyến đi này, nó sẽ là dấu ấn khó phai mờ trong mỗi người; Dù sắp tới có một số bè bạn chúng tôi từ giã mái trường sau khi hoàn thành sự nghiệp cống hiến cho giáo dục. Và những người còn ở lại, sẽ đem những ghi nhận hôm nay, ứng dụng vào thực tiễn cho mỗi mái trường cụ thể của mình. Và cùng nhau hy vọng thành phố Cảng, trong một tương lai gần sẽ vươn dậy ngang tầm với thành phố bạn.