Nghĩ thêm về đồng dao và niềm mến thương,vui sống giản dị - TS. Nguyễn Thị Nhàn

 

      “Bài ca sinh ra từ trong trái tim, trái tim truyền lại cho miệng hát, miệng người hát truyền lại cho mọi trái tim và mọi trái tim truyền mọi bài hát lại cho muôn đời sau " (Raxun Gamzatop - Đa ghét xtan của tôi)(1). Những bài ca dân gian trên trái đất đều có một con đường hành trình tuyệt vời. Đồng dao là những khúc điệu của tâm hồn non trẻ thôn quê xưa, được hít thở, thấm đẫm vị văn hóa  xóm làng rồi cất lên thành thơ và nhạc.

     Do khuôn khổ bài viết, ở đây, chúng tôi chỉ khảo sát đồng dao người Việt(2). Nghĩ thêm, nghĩ sâu xa hơn về những thi điệu mộc mạc đó, ta quay về tìm lại ký ức đẹp, để tìm lại những niềm thương mến trong cuộc sống, những bài học vỡ long.

 

     Đồng dao giãi bày khát khao giao cảm, nhận biết xung quanh, niềm vui sống, giáo dục con trẻ nhẹ nhàng và một chút câu chuyện triết lý cuộc đời

 1.       Đối với trẻ thơ, được sống vui, khỏe là hạnh phúc, nguồn nuôi dưỡng tâm hồn. Đâu đó, những câu hát hòa niềm vui rộn ràng trong đời sống thường nhật. Niềm vui nhân lên bất tận cùng năm tháng tuổi thơ. Những trò chơi hấp dẫn, những điệu thức lời ca ngộ nghĩnh, những nội dung bông đùa…, tự chúng nảy nở tiếng cười hồn nhiên, như cây cứ xanh giữa nắng gió đất trời. Không lý luận cao xa, đồng dao đã thực hiện chức năng giải trí của văn học xuất sắc.

    Trẻ em hiếu động, đồng dao và trò chơi giúp câu chuyện rèn luyện thể chất diễn ra tự nhiên, hiệu quả. Các em hoạt động, chạy, nhảy, co kéo, xô đẩy, khéo léo, linh hoạt… ( Rồng rắn, Lên nụ xòe hoa, Thả đỉa ba ba, Dung dăng dung dẻ, Kéo cưa lừa xẻ, Đánh chắt… ). Trò chơi đới với trẻ còn như tiếng chim gọi bầy  riu rít bên nhau, ấm áp bè bạn.

   2. Vẻ đẹp đồng dao trong veo, thuần phác như bẩm tính cổ sơ hòa đồng nguyên thủy: những thân ái giữa tuổi thơ với thiên nhiên, cảnh vật, con người. Nhân vật trữ tình nhìn đâu cũng thấy gần gũi, trìu mến. Các em khát khao giao cảm và nhận biết thế giới xung quanh. Trẻ có tư duy, hình dung riêng qua dạng thức phát ngôn độc đáo, như dòng tuôn chảy theo vần: “Đòn gánh có mấu/ Châu chấu có chân/ Bồ quân có rễ/ Cây ngổ có hoa. Đặc biệt là các bài vè: Kể cá, Kể rau, Kể quả, Kể bánh…  Ở đó, cây, trái, cá, chim... được xướng tên. Chúng có đặc điểm môi sinh, có cá tính; có người bạn thân quen, có những cái tên nghe lạ lẫm. Tất cả hội tụ về theo nhịp kể:“Cá biển cá bầy/Ăn ngày hai bữa/Là con cá cơm…/Miệng thở lèo phèo/Là con cá đuối… /Bay lên chầu trời/Là con cá chép…” (Kể cá). Kể hoa, Kể rau họa bức tranh đa sắc:“Hay bay hay liệng /Là hoa chim chim/Xuống nước mà chìm/ Là bông hoa đá (Kể hoa). Các loài rau có dáng vẻ, tính nết, nhờ nhân hóa tài tình; “Thứ ở hỗn hào/Là rau ngành ngạnh/Trong lòng không tránh/Vốn thiệt tâm lang…” (Kể rau). Kể quả đem đến nhiều màu sắc, hương vị: “Da dẻ vàng khè /Là anh chàng thị…/Mồm nói ngọt xớt/Là mấy cô hồng…/Hay rụng xuống ao/Thằng sung chua chát…/Da đỏ như lửa/Là anh ớt cay . Kể chim thú vị bởi vẻ độc đáo mỗi loài: loài lấy âm thanh lấn át thiên hạ: “Thứ hay lớn tiếng/ Tu hú ác là” ; có loài khoe mẽ: “Chim nhạn, chim bói / Cái mồng đỏ chói” ; có loài hiếu động: “Nhảy nhót lang ba / Chích chòe bìm bịp” ; có loài luôn "ăn đêm": “Thức suốt canh tàn / Chị heo, chim vọ”. Bánh trái đi vào câu ca cũng đáng yêu, cá tính: “Tính tình ngang ngạnh /Là cái bánh gai /Diễu võ giương oai /Là cái bánh nổ (Kể bánh).

      Đồng dao như cuốn sách mở ra những miền tri thức, những vùng miền không gian kỳ thú hư thực, các bé vươn tới rừng, tới biển xa…

     Đồng dao còn giúp trẻlàm quen môn toán với phép tính sơ đẳng trong phạm vi 10. Nhỏ sẽ tập đếm, làm phép cộng, khi diễn xướng trò chơi đánh chắt, đánh chuyền từ “bàn một" lên “bàn 10". Phép trừ trong phạm vi 10 được thực hiện trong lời ca Mười ông vua. Bài toán bắt đầu theo thứ tự kể căn bệnh, khuyết tật của mỗi vị vua, từ một đến mười. Mỗi khi bắt bệnh xong, một ông khai tử. “Ngày xửa ngày xưa / Có mười ông vua. Chân dung các vị như sau: “tịt mít, ị rín, bốc cám, đái bậy, láu táu, sâu răng, lở rốn, ghẻ da, thối tai, toét mắt”.  Sau khi tiễn mười ông chầu trời một cách vui vẻ, cũng là kết bài ca. Phép trừ từ 10 đến hết cũng được giải xong: “Một ông toét mắt / Chết một là hết”!    

3.Không ồn ào, cao giọng, đồng daonhẹ nhàng nhắn gửi những bài học vô giá. Nhóm bài ca gọi nghé rưng rưng tình cảm hồn hậu của trẻ đối với người bạn thuở ấu thơ: Nghé ơi, nghé à, Nghé bông nghé hoa…  Chủ thể văn hóa đồng dao thuộc về mạch sống văn hóa thôn làng/nông nghiệp. Đây đó, ẩn hiện những ước vọng người gieo trồng cây trái: mong ước cây chồi khỏe, không sâu bệnh, muốn “uốn cây từ thuở còn non” một cách mềm mại, uyển chuyển. Những căn cốt làm nên nết hạnh con người đủ cả: lam làm, trung thực, nhân ái, vị tha, hiếu kính, khiêm nhường,… Cái bống là cái bống bang đượm lòng thơm thảo vị tha; Cái bống là cái bống bình dễ thương, lam làm, kính lễ; Bà còng đi chợ trời mưa khuyến khích nết thật thà, không tham của người khác. Các em còn học được nhiều lời khuyên, sự ứng xử linh hoạt trong cuộc sống, làm giàu cho hành trang. Thời nay, ta gọi là kỹ năng sống. Đi đâu mà vội mà vàng, nhắc nhở cần bình tĩnh thận trọng; Con chim chính chòe khuyên bảo không dối trá, không trốn tránh việc làm…

4.  Những bài ca có điệu thức diễn xướng quay vòng và Vè nói ngược, dường như chạm đến triết lý dân gian. Khi nhập vai diễn xướng, các em đã cảm thấy thích thú trong vòng quay như đèn cù của các thành viên họ hàng:“Tu hú là chú  bồ các/ Bồ các là bác chim ri / Chim ri là dì sáo sậu / Sáo sậu là cậu sáo đen / Sáo đen là em tu hú / Tu hú là chú bồ các...”. Ở các bài Lúa ngô là cô đậu nành, Kỳ đà là cha cắc ké, Mười ngón tay đều có thể cách quay vòng như thế. Cùng tiếng cười vui, lời ca còn khéo léo cài gửi triết lý nhẹ nhàng không kém sâu sắc rằng: với cuộc sống, mỗi cá thể tồn tại trong nhiều mối quan hệ khác nhau; mỗi chúng ta đều có một vị thế, giá trị trong thế giới này, không cao thấp hay sang hèn, một cách bất biến. Ở mối quan hệ này, ta cao hơn người khác, nhưng với một quan hệ kia, ta lại lui xuống thấp nhỏ hơn người; lĩnh vực nào đó ta trội hơn xung quanh, nhiều lĩnh vực khác ta lại thua kém … Bởi thế, cần có thái độ sống mềm mại, dung hòa, khiêm tốn, không chỉ thấy mình là đỉnh cao, cũng không cúi đầu yếu đuối bi quan.

      Ở Vè nói ngược, khát vọng đổi đời, thay đổi trật tự thế giới khiến ta nghĩ tới sự “tham gia" của người lớn vào câu hát “không vô tư” nơi con trẻ. Cuộc mơ xa này cùng chung niềm tin cổ tích thần kỳ. Trật tự thế giới đảo ngược: kẻ yếu thành mạnh,.. Ao tù làng quê chật chội như không muốn ngủ yên xưa cũ. Bão giông, sấm sét “dân nổi can qua” ào ạt đổ vào câu hát mục đồng :“Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng”… / “Thất nghiệp thì trọng /Làm quan thì hèn. Cũng có thể, câu hát vui ấy như huyễn tưởng dân gian từng làm nên một Trạng Lợn hôm nào mang biểu tượng hai mặt?

      Với Mười ông vua, bông đùa đấy mà thâm thúy đấy! Những đứa trẻ thôn làng vui vẻ “giải thiêng”, chôn vùi không thương tiếc tất cả những ông vua khuyết tật trí tuệ, hình hài: ông “tịt mít”, ông “ị rín “, ông “bốc cám”, ông “đái bậy”, ông “láu táu”, ông “sâu răng”, ông “lở rốn”, ông “ghẻ da”, ông “thối tai”, ông “toét mắt”.

     Thời nay, nhiều giá trị truyền thống hao mòn, vơi cạn, câu hát mục đồng đã và đang xa vời, trôi về dĩ vãng. Chúng ta mơ ước đẹp: những tình cảm trong trẻo, những bài học ý nghĩa từ đồng dao xưa không chỉ còn là hoài niệm, luyến nhớ   ký ức văn hóa mà sẽ song hành đâu đó cùng tiềm thức văn hóa để hiện hữu trong đời sống trẻ thơ?

                                                                                                 NTN.    

Tài liệu tham khảo

(1)Raxun Gamzatop - Đa ghét xtan của tôi – NXB Cầu Vồng, Maxcơva (bản dịch Phan Hồng Giang), tr.209.

(2)Những câu đồng dao trích dẫn trong bài lấy từ các tài liệu sau: Cái bống cái bang – NXB Kim Đồng, Hà Nội 1977; Chi chi chành chành – NXB Kim Đồng, Hà Nội 1984; Ụt à ụt ịt – NXB Kim Đồng, Hà Nội 1985;Ve vẻ vè ve (vè nói ngược) – NXB Kim Đồng, Hà Nội 1988.