Những tổ chức quốc tế nào tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du?
Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam từ nhiều thế kỷ, trong bài thơ “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng” Chế Lan Viên viết “ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Song tầm ảnh hưởng văn hóa của Nguyễn Du và Truyện Kiều còn đã và đang tỏa sáng trong phạm vi thế giới; điều ấy khiến cho tác giả Truyện Kiều được các tổ chức quốc tế hai lần tôn vinh, đây là sự kiện hi hữu trên thế giới.
Theo đó, Tháng 12/1964, tại thành phố Berlin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765 - 1965), cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới, trong đó có Dante (Ý), Lomonosov (Nga)…. Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh, Tổng thư ký Uỷ ban Hoà bình và Phát triển Việt Nam thì đây là Hội đồng được thành lập 4/1949 do sáng kiến tham gia của các trí thức tiến bộ và ủng hộ sự tiến bộ hoà bình thế giới như nhà bác học Anhxtanh, Picasso,… và đã được sự ủng hộ rất tích cực của các Đảng Cộng sản. Hiện nay, tất cả các nước đều có các tổ chức tham gia vào Hội đồng Hòa bình thế giới, với mục tiêu đấu tranh vì hòa bình. Ý nghĩa của sự kiện này là ghi nhận những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại. Sau sự kiện này, tại Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đã có Chỉ thị số 112 - CT/TW ngày 26/10/1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”.
Từ đây công cuộc nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều đã trở thành niềm tự hào, mê say của giới văn hóa, văn học nước nhà. Trải qua 50 năm đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu khẳng định giá trị lớn lao của Truyện Kiều và cống hiến vĩ đại của Nguyễn Du; đặc biệt có sự tham gia của các học giả Pháp và Mỹ ngay trong giai đoạn chiến tranh 1954 -1975 tại Việt Nam. Đồng thời, theo PGS.TS Đoàn Lê Giang, Truyện Kiều được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau, gồm cả tiếng Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập... Bản đầu tiên dịch sang tiếng Pháp, do Giáo sư Abel des Michels (Trường Sinh ngữ Đông phương Pháp) in ở Paris năm 1884. Về số lượng, mỗi thứ tiếng có 1 - 2 bản dịch, riêng tiếng Nhật có 4 bản, tiếng Anh 7 bản, tiếng Pháp trên 10 bản...
Tuy vậy, sự kiện quan trọng khác, thêm một lần khẳng định giá trị và tầm ảnh hưởng lớn lao của Nguyễn Du và Truyện Kiều đã đến với dân tộc; đó là ngày 25/10/2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) họp tại Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15, phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai tại Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, để Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều được tôn vinh lần này có công lớn của Ủy ban UNESCO VN và Ban vận động gồm 10 người, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, 2 nhà Kiều học Phan Tử Phùng và Trần Đình Tuấn... vì chỉ có 3 tháng chuẩn bị hồ sơ để kịp hạn cuối cùng vào 15/1/2013. Bộ hồ sơ đề nghị của Việt Nam đã đạt tất cả các tiêu chí đặt ra của UNESCO. Trong đánh giá của mình, tổ chức UNESCO đã khẳng định thêm một giá trị mới về Nguyễn Du, đó là bên cạnh tư cách một nhà thơ, Nguyễn Du còn là danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với tiếng mẹ đẻ. Dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để sáng tác bằng Việt văn. Nguyễn Du lần đầu tiên đưa tiếng Việt và ngôn ngữ Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia. Dấu mốc này có thể so sánh với việc các học giả châu Âu đã dũng cảm vượt qua rào cản tiếng Latin, để sáng tác văn học bằng ngôn ngữ của chính dân tộc họ.
Như vậy, Nguyễn Du đã được tôn vinh năm 1965 do Hội đồng Hòa bình Thế giới một tổ chức quốc tế thực hiện. Còn năm 2013 là Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vinh danh. Cũng cần lưu ý rằng, UNESCO không chính thức sử dụng khái niệm “Danh nhân Văn hóa Thế giới” như trường hợp của các di sản văn hóa; trong khi các văn bản sách và báo chí thường viết với cụm từ “được thế giới tôn vinh là danh nhân văn hoá” nên không có sự phân biệt rõ ràng. Các Nghị quyết của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc thường nêu đánh giá về công trạng của danh nhân; tầm ảnh hưởng của danh nhân với thế giới và sau đó có 2 nội dung: Khuyến nghị các quốc gia thành viên là hãy tham gia tưởng nhớ và yêu cầu Tổng Thư Ký UNESCO tiến hành những bước cần thiết để mừng ngày sinh của danh nhân./.
Nhà văn Nguyễn Đình Minh