Có thể bạn quan tâm
Phương pháp kỷ luật tích cực giảm nhiệt bạo lực học đường
Vừa qua, tại Thành phố Hạ Long - Quảng Ninh đã diễn ra Hội thảo "Xây dựng lớp học theo tiếp cận phương pháp kỷ luật tích cực" do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD&ĐT tổ chức. Tới dự hội thảo có ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sơ giáo dục, bà Nguyễn Thị An đại diện cho tổ chức Plan tại Việt Nam cùng các đại diện của 30 Sở GD-ĐT từ miền Bắc và miền Trung tham dự.
Hình thức lỷ luật trừng phạt cần chấm dứt
Không ít giáo viên hiện nay vẫn quan niệm, khi HS mắc lỗi thì chỉ có cách giáo dục duy nhất, hiệu quả nhất là trừng phạt. Điều này do hai nguyên nhân: giáo viên chưa hiểu được tâm lý lứa tuổi HS "trong xã hội mở" hiện nay và coi nhẹ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ.
Việc trừng phạt thân thể (đánh, véo, kéo tai, giật tóc, quì, úp mặt vào tường...) và trừng phạt về tinh thần (la mắng, nhiếc móc, hạ nhục, bỏ rơi, làm cho xấu hổ, chửi rủa...). Đó là những biện pháp đã, đang diễn ra khá phổ biến. Điều đó gây ra những hệ quả nghiêm trọng, làm các em mất đi sự tự tin, giảm ý thức kỷ luật, căm ghét trường học, để lại những vết sẹo trong tâm hồn, khiến các em luôn có thái độ thù địch.
Cách xử phạt hiện nay của người lớn đa phần chưa thuyết phục được học sinh. Bởi nó xuất phát từ cách suy nghĩ áp đặt, đôi khi hơi bảo thủ, không đặt mình vào hoàn cảnh của người phạm lỗi, đó chưa kể những biện pháp xử lý quá nặng, có tính chất xúc phạm, khiến người bị phạt bị tổn thương, không tâm phục, tạo ra tâm lý chống đối, càng phạt thì càng vi phạm cho “bõ ghét”.
Nhìn khách quan có thể coi cách kỷ luật trừng phạt (ở cả 3 môi trường gia đình - nhà trường - xã hội) như một nguyên nhân quan trọng gây lên tình trạng bạo lực học đường, hoặc tạo ra những cú sốc tâm lý, những phản ứng không lành mạnh của học sinh. Khi cần xây dựng nhà trường thân thiện, rất cần có kỷ luật, nhưng kỷ luật học sinh là kỷ luật mang tính giáo dục là chủ đạo, do vậy áp dụng hình thức trừng phạt rõ ràng là biện pháp cần chấm dứt.
Tính ưu việt của kỷ luật tích cực
Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý, Hoàng Đức Minh trong báo cáo đề dẫn nêu rõ : "Tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường là biện pháp giáo dục học sinh không sử dụng đến các hình thức bạo lực, trừng phạt, trong đó GV, nhà quản lý giáo dục áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực, phù hợp để giúp HS giảm thiểu những hành vi không phù hợp, củng cố các hành vi tích cực và phát triển nhân cách một cách toàn diện, bền vững... Trong những năm gần đây, khi nạn bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, các trường hợp vi phạm đạo đức của HS liên tục được nhằm đến thì một trong những biện pháp được quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức HS là tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường thông qua đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp...".
Tính tích cực của các biện pháp kỷ luật tích cực thể hiện ở chỗ làm cho học sinh tự nhìn nhận thấy khuyết điểm tự mình chịu kỷ luật và trong quá trình ấy vẫn có sự giúp đỡ của thày cô bè bạn. Đó là việc áp dụng các biện pháp giáo dục bằng quan tâm đến diễn biến tâm lý, lứa tuổi HS để có cách thuyết phục, giáo dục các em tự giảm thiểu những hành vi không phù hợp
Theo các đại biểu, đây là phương pháp giáo dục hữu hiệu, cung cấp cho các em thông tin cần thiết để được giáo dục toàn diện và hỗ trợ sự phát triển của các em. Ngoài ra giáo viên cững cần thay đổi cách ứng xử. Phương pháp giáo dục này yêu cầu các giáo viên phải quan tâm hơn những khó khăn của các em, tăng cường vai trò của các em trong việc xây dựng nội quy của lớp, trường học. Bên cạnh đó, nội dung này rất cần phải được tuyên truyền đến các phụ huynh HS bằng sách báo, hội thảo, tập huấn.
Tuy nhiên, phương pháp KLTC không phải là cây đũa thần, do vậy bên cạnh việc sử dụng nó như một giải pháp chủ công thì còn phải kết hợp với hệ thống các giải pháp đi kèm; sao cho việc kỷ luật học sinh vẫn phải diễn ra nghiêm túc đúng luật. Bởi vậy tuyệt đối hóa nó sẽ là một sai lầm, bởi thực tế môi trường giáo dục cũng rất phức tạp, các hành vi mắc lỗi của học sinh cũng vậy. Nhiều khi những lỗi lớn có thể lại rơi vào các học sinh học giỏi thông minh láu cá, hoặc các lỗi xuất phát bởi những trường hợp không thể giáo dục khi nó đã thành bệnh trầm kha do bị chi phối bởi môi trường mà cái xấu phát tác chi phối mạnh mẽ.
Trên cơ sở kết quả hoạt động triển khai và kết quả hội thảo đã đạt được, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã xây dựng định hướng các hoạt động giai đoạn 2012-2015 để tiếp tục tăng cường phương pháp kỷ luật tích cực trong nhà trường: Tiếp tục duy trì và phát triển bền vững các kết quả đã đạt được thông qua các hoạt động cụ thể như chỉ đạo triển khai, giám sát việc tổ chức tập huấn đại trà, gắn nộ dung phương pháp KLTC với công tác chủ nhiệm lớp; Xây dựng và đưa vào áp dụng thí điểm một số mô hình cụ thể cho việc áp dụng phương pháp KLTC.