Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 16
Hơi thở vùng châu thổ sông Hồng
Triển lãm diễn ra bằng một lịch trình dài: từ ngày 19/8 đến 22/8 thu tác phẩm, thời gian dàn dựng và sơ khảo từ 23 đến 25 tháng 8. ngày 27 chấm chung khảo và chủ nhật 2/9 khai mạc và trao giải , triển lãm và kết thúc 6 tháng 9.
Vùng ánh sáng sắc màu đường nét
Triển lãm là nơi xum tụ của nhiều thế hệ nghệ sỹ 9 tỉnh thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, một số hội viên thuộc Hội mỹ thuật Việt Nam và các tác phẩm của các tác giả không là hội viên. Tổng số 249 tác giả với 275 tác phẩm đa dạng về đề tài và chất liệu đã tham gia giải. Ban giám khảo đã công bố kết quả trong đó có 1 giải A cho tác phẩm “Múa rối”- chất liệu Composit, tác giả Bùi Văn Lãng (Hải Phòng), 1 giải B tác phẩm “Ngày mới” chất liệu sơn mài, của tác giả Đỗ Đức Khải (Hải Dương), và 1 giải C cho tác phẩm “Giai điệu Ba Vì” chất liệu bột màu tác giả Nguyễn Tuấn long (Thái Bình). Ban tổ chức cũng đồng thời trao tặng 5 giải tặng thưởng cho các tác phẩm : “Mạ xanh” chất liệu sơn dầu tác giả Đỗ Kích (Hà Nam), “Cuộc sống” chất liệu lụa, tác giả Việt Anh (Hải Phòng), “Nắng công trình” chất liệu sơn dầu tác giả nguyễn Quang Ngọc, “Bình bịch” chất liệu sơn dầu tác giả Vũ Xuân Dương (Nam Định), và “Sức sống trên cao nguyên đá” tác giả Vũ Quý (Quảng Ninh).
Trong không gian nghệ thuật của triển lãm, tác phẩm “Múa rối” – chất liệu Composit của nhà điêu khắc Bùi Văn Lãng tạo được ấn tượng đặc biệt. Với hình ảnh con cá chép thể hiện sự nỗ lực thành đạt, chiếc lá sen là biểu hiện của sự thánh thiện, thanh cao, bàn tay điều khiển 5 con rối biểu tượng cho con người Việt chịu thương chịu khó… tác giả đã thả vào hồn tượng khát vọng và phẩm chất của con người Việt Nam, và thông điệp hãy bảo tồn nền văn hóa truyền thống.
Theo đánh giá của Hoạ sĩ Trần Khánh Chương chủ tịch Hội MTVN, tại Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 16, các tác phẩm sử dụng chất liệu sơn dầu, sơn mài là chủ yếu, số lượng nhiều, chất lượng tốt. Các hoạ sĩ cũng đã chú ý tìm tòi và có sự nỗ lực lớn trong thể hiện chất liệu sơn mài. Tác phẩm trình bày tại đây, đa dạng về đề tài và chất liệu, triển lãm đã góp phần làm sống dậy hình ảnh cuộc sống xã hội vùng đồng bằng sông Hồng bằng sắc màu, đường nét nghệ thuật.
Điểm mới của triển lãm lần này là có sự tham gia của tác giả ngoài hội. Đây là một động thái tích cực. Những nhà tổ chức không ngần ngại bộc lộ mục tiêu của mình là bằng cách ấy sẽ đưa mỹ thuật đến với công chúng rộng rãi, thúc đẩy sáng tác, tạo điều kiện cho anh em nghệ sĩ giao lưu học hỏi, phát triển.
Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức đã chỉ ra nhiều nguyên nhân thành công, trong đó nhấn mạnh tới yếu tố con người. Tất cả đều thống nhất cho rằng Đồng bằng sông Hồng có gần 100 thành viên thuộc Hội mỹ thuật Việt Nam, đây là lực lượng mạnh nhất (cả về số lẫn chất lượng) thuộc Hội Trung Ương. Chính nhờ đó mà điều kiện giao lưu học hỏi và trên thực tế đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ chuyên môn trong lực này qua đó, tạo ra sự tiến bộ nhanh chóng.
Những nét mờ nơi không gian nghệ thuật
Các tham luận của các họa sỹ , các nhà phê bình chuyên môn cũng chỉ ra những vấn đề cần khắc phục. Bên cạnh một số đề tài khai thác tốt; thì đề tài công nghiệp phát hiện mới chưa nhiều, chưa tìm ra nét độc đáo trong công nghiệp hiện đại, thời kỳ đổi mới. Nếu xét theo góc độ nghệ thuật phản ánh cuộc sống chính trị thì điều này cho thấy nghệ sỹ chưa thực sự nhạy cảm , nắm bắt nhịp sống đang thay đổi rất nhanh chóng và các khía cạnh đề tài xuất hiện từng ngày đa dạng nhiều góc độ.
Các tác phẩm khai thác đề tài cũ không thể hiện được bút pháp, tứ mới, nhóm tác phẩm này vẫn bộc lộ dấu vết “con đường mòn” trong thể hiện, chỉ có sự gia công mới chứ chưa thể coi là sáng tạo. Có những tác phẩm không hiểu rõ được ý tưởng sáng tác nên nội dung khó cảm nhận ngay cả với ban giám khảo. Một trong những điểm yếu quan trọng là thiếu tranh khắc gỗ; chất liệu lụa ít, tác phẩm điêu khắc không nổi bật so với các khu vực. Theo Họa sỹ Quang Ngọc – Phó chủ tịch Hội LHVHNT Hải Phòng thì số lượng tác giả thực hiện các nhóm chất liệu này thuộc khu vực là rất ít, những lần triển lãm trước cũng không nhiều. Như vậy, vấn đề đặt ra cho khu vực là công tác đào tạo kế cận, và chương trình khuyến khích sáng tác cho nhóm tác giả chất liệu này cần được nghiên cứu và có những giải pháp hướng tới sự phát triển quy mô và chất lượng.
Trong buổi giao lưu của các hội viên 9 tỉnh, các tác giả nêu ý kiến: chỉ trong một ngày, Ban giám khảo chấm mấy trăm tác phẩm sẽ khó đánh giá đủ và đúng giá trị của nó. Công tác tổ chức cần rút kinh nghiệm về kinh phí và thời gian hợp lý hơn cho hoạt động này trong triển lãm; bởi mỗi tác phẩm là tâm huyết và gửi gắm hy vọng, đồng thời cũng là 1 lần đánh giá vị thế của mỗi tác giả trong giới. Mặt khác việc cơ cấu giải là quá ít, cần có nhiều giải hơn với nhiều hình thức khen để động viên các tác giả, giúp họ có niềm tin sáng tác. Cần coi đây là hoạt động bồi dưỡng đào tạo, theo đó nên có nội dung dành cho các nghệ sỹ đàn anh chỉ rõ những thành công và những cái không được trong từng tác phẩm để nghệ sỹ trẻ có thể tự vượt mình ở những lần sáng tác sau.
Trong triển lãm chỉ có các tác giả đạt giải được nhận kinh phí. Trong khi 218 tác phẩm được trình bày là sản phẩm công phu của các họa sỹ thì chỉ là treo cho vui mà thôi (!) Đây là một bất cập. Theo Hoạ sĩ Lê Hướng Quỳ (Hải Dương):“Đã là triển lãm tác phẩm được vào chung kết thì kể cả không được giải cũng phải có chế độ nhuận bút”.
Phần đông khách tham quan đều có những ý kiến riêng, anh Phan Văn Diệp (An Đồng, An Dương, Hải Phòng) nêu lên ý kiến của mình “Nếu bố trí theo mảng đề tài sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người xem”. Còn Đặng Khương Duy (Hưng Yên) Cho rằng “Triển lãm chất lượng tốt đề tài phong phú, nhưng quá ít tác phẩm được trao giải, nên trao các giải kiểu như thi hoa hậu để động viên mặt mạnh của từng tác giả”.
Triển lãm đã khép lại vào ngày 6/9, Ban tổ chức đã ghi nhận nhiều nhiều ý kiến tham góp cho Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng lần thứ 16. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp trình lên Hội Trung ương để rút kinh nghiệm cho các lần tổ chức sau. Tuy vậy theo đánh giá chung, các tác phẩm năm nay đa dạng về đề tài, chất liệu, phản ánh trung thực, sắc nét về đời sống của người dân trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Qua con mắt nghệ thuật và bàn tay khéo léo, tâm huyết các nghệ sĩ đã tạo nên những sản phẩm độc đáo, chất lượng. Bên cạnh sự thành công ấy cũng cần nhấn mạnh thông điệp mà Hội Mỹ Thuật Việt Nam đưa ra cho triển lãm lần này, đã được các tác giả đồng thuận nhất trí đó là: tác phẩm của các tác giả khu vực cần bám sát đời sống hơn nữa./.