Có thể bạn quan tâm
Tuyên bố Hà Nội của Clinton về Biển Đông: Khởi nguồn chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ?
Renato Cruz De Castro
Bài viết của TS. Renato Cruz De Castro (Philippines) nghiên cứu ngụ ý chính sách dài hạn của Mỹ trong Tuyên bố Hà Nội ngày 24/7/2010 của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton về tranh chấp Biển Đông, đó là chính sách kiềm chế (constrainment ) đối với một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bài viết cũng đưa ra những thách thức về khả năng thành công của với chính sách này.
Bài viết nghiên cứu ngụ ý chính sách dài hạn trong Tuyên bố Hà Nội ngày 24/7/2010 của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton về tranh chấp Biển Đông. Bài viết lưu ý rằng tuyên bố của bà khởi xướng một chiến lược ngoại giao mới trong việc ứng phó với một nước Trung Quốc đang nổi lên và ngày càng quyết liệt trong cách hành xử. Phát biểu của bà Hilary rằng Washington sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để thuyết phục Trung Quốc theo lối tiếp cận đa phương trong tranh chấp Biển Đông ngụ ý về việc hình thành và áp dụng sức ép tổng lực của khu vực để thay đổi hành vi của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp. Tuy nhiên, người ta quan sát rằng Trung Quốc hiện nay đang thay đổi chính sách này bằng cách cảnh cáo các nước ASEAN về việc lôi kéo Mỹ và thúc đẩy một giải pháp đa phương cho tranh chấp này. Trong phần kết luận, bài viết cảnh báo chính sách này đang bị thách thức bởi: a) Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế chính và đôi khi là đồng minh chính trị của hầu hết các nước ASEAN và b) các nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc khiến Mỹ không còn giữ thái độ trung lập trong chiến lược ngoại giao này nữa. Tuy nhiên, thất bại của chính sách này có nghĩa là các nước ASEAN sẽ đối diện với hai viễn cảnh: một sự cân bằng quyền lực châu Á khi mà các cường quốc lớn và nhỏ sẽ tự thấy mình bị chôn chặt trong một cuộc đối đầu liên tiếp, điều mà đến lượt nó sẽ sinh ra các nguy cơ lớn nhất từ trước đến nay về việc tạo ra các liên minh, liên kết, chạy đua vũ trang, gây hấn và xung đột; hoặc một châu Á với Trung Quốc là trung tâm nơi mà Trung Quốc sẽ thử nghiệm sức mạnh vượt trội để duy trì trật tự và định hình khu vực theo hướng có lợi cho nước này.
Tóm lược Tuyên bố Hà Nội ngày 24/7/2010 về tranh chấp Biển Đông: Khởi nguồn một chiến lược ngoại giao mới ứng phó với một Trung Quốc đang nổi lên
Tác giả: TS. Renato Cruz De Castro
Chưa đầy một tháng sau khi Barack Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ, Ngọai trưởng mới được bổ nhiệm của ông là bà Hilary Clinton đã bắt đầu chuyến công du châu Á. Chuyến công du châu Á tháng 2 năm 2009 của bà Clinton nhấn mạnh lợi ích mới chớm và mang tính thử nghiệm của chính quyền mới của Mỹ ở khu vực. Trong suốt chuyến đi của mình đến Đông Á, bà nhấn mạnh rằng chính quyền Obama sẽ lắng nghe và phản hồi những quan ngại của đồng minh và đối tác và sẽ không lơ là khu vực cho dù sự có mặt của Mỹ ở đây đang đối mặt với rất nhiều thách thức nghiêm trọng. Trong năm tiếp theo, chính quyền Obama chỉ mất ít thời gian để gây ấn tượng với khu vực rằng Mỹ đang trở lại và đang theo đuổi chính sách tái can dự tích cực vào Đông Á. Chính sách này bao gồm việc tăng cường uy tín của các cam kết chính trị/ngoại giao của Mỹ bằng cách làm vững chắc thêm các liên minh song phương và sự tham gia của Mỹ trong các cơ chế đa phương của khu vực với sự tự tin và tích cực mới tìm ra. Chính sách tái can dự của chính quyền Obama ở Đông Á trở nên ngày càng rõ ràng qua rất nhiều hành động chính sách đối ngoại mạnh mẽ và rõ rệt mà nước này đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2010. Tiêu biểu nhất trong số các hành động này là ngụ ý chính sách dài hạn trong Tuyên bố ngày 24/10/2010 của Ngoại trưởng Clinton về Biển Đông ở Hà Nội, Việt Nam.
Phát biểu trong Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Clinton tuyên bố rằng Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải chung ở châu Á và với việc tôn trọng luật biển quốc tế của các quốc gia duyên hải trong khu vực Biển Đông. Quan trọng hơn, bà thêm rằng Mỹ đã chuẩn bị để thúc đẩy các đàm phán đa phương để giải quyết các tuyên bố chủ quyền đang gây tranh cãi về quần đảo Trường Sa. Thêm vào đó, tuyên bố của bà thẳng thừng phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mà mở rộng đến bờ biển của các nước ASEAN và gây ra sự chồng lấn một phần với các tuyên bố lãnh thổ của bốn nước ASEAN – Việt Nam, Philippines, Malaysia, và Brunei. Mặc dù tuyên bố của bà được xem như nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông trong tình thế Trung Quốc ngày càng trở nên quả quyết, tuyên bố này thực sự là một lời khiển trách nặng nề với Bắc Kinh, nước luôn khăng khăng trong vài thập kỷ rằng phần lớn Biển Đông và các đảo trong Biển Đông thuộc về họ, và bất cứ giải pháp ngoại giao nào liên quan đến tranh chấp lãnh thổ biển này chỉ nên được giải quyết thông qua đàm phán song phương. Quan trọng nhất, bằng việc đưa ra quan điểm này, Washington đã khéo léo đánh đúng vào nỗi lo sợ của các quốc gia Đông Nam Á về lập trường hiếu chiến hoặc quả quyết của Trung Quốc ở rất nhiều tranh chấp biển khác trong khi bày tỏ sự lo lắng của chính họ về tự do hàng hải sau vụ tàu USS Impeccable tháng 3 năm 2009 va chạm với Trung Quốc. Cuối cùng, tuyên bố của bà Clinton về quần đảo Trường Sa đã được truyền đạt khi Washington nhận thức rõ hơn rằng các quốc gia đưa ra yêu sách ở khu vực ASEAN đang rất lo ngại về sức mạnh hải quân của Trung Quốc và sự gia tăng tính quyết đoán của nước này trong các vụ việc liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
Tuy nhiên, điều dễ dàng nhận ra trong các phân tích trên là ngụ ý dài hạn trong chính sách đối ngoại của Mỹ nói riêng, và trong chính sách của các quốc gia khu vực nói chung liên quan tới sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuyên bố Hà Nội ngày 24/7 khởi động một chiến lược ngoại giao mới trong đó ứng phó với một nước Trung Quốc đang lên và ngày càng quả quyết - chính sách chế ngự. Tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton rằng Washington sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN để thuyết phục Trung Quốc tìm kiếm một giải pháp đa phương cho tranh chấp lãnh thổ này ngụ ý việc hình thành và áp dụng sức ép tổng hợp khu vực để thay đổi hành vi của Trung Quốc về một vấn đề cụ thể - Biển Đông.
Bài viết nghiên cứu những ngụ ý ngoại giao và chiến lược ẩn sau Tuyên bố Hà Nội năm 2010 khi nó gợi lên sự áp dụng chiến lược ngoại giao chế ngự trước sự lớn mạnh của Trung Quốc. Bài viết nghiên cứu câu hỏi cơ bản: Tuyên bố Hà Nội năm 2010 làm thế nào để có thể thực thi chiến lược kiềm chế trong tình thế một nước Trung Quốc đang trỗi dậy? Bài viết cũng giải quyết những câu hỏi mang tính hệ quả như sau: 1) Kiềm chế là gì? 2) Nền tảng chính trị, chiến lược cho Tuyên bố Hà Nội năm 2010? 3) Những nhân tố cơ bản của Tuyên bố Hà Nội? 4) Làm thế nào những nhân tố đó khiến chiến lược kiềm chế một Trung Quốc đang lên có tác dụng? 5) Trung Quốc đang ứng phó với chính sách kiềm chế đang tiến triển này như thế nào? 6) Đâu là những vấn đề trong việc áp dụng chiến lược này với một nước Trung Quốc đang lên? Và 7) Đâu là giới hạn của kiềm chế như là một chính sách dài hạn trong việc ứng phó với nước Trung Quốc đang nổi lên?
TS. Renato Cruz De Castro
Hằng Ngân (dịch)
Đỗ Thủy (hiệu đính