Về thuyết tính linh của Viên Mai – Lê Quang Trường

LND: Viên Mai là tập đại thành của nền phê bình lý luận thơ ca cổ điển Trung Quốc, tác phẩm Tuỳ Viên thi thoạicủa ông được đánh giá là đỉnh cao của nền thi thoại Trung Quốc. Viên Mai bàn về thơ, lấy “tính linh” làm gốc, theo ông, tính linh là cái phong thú tự nhiên mà nhà thơ bỗng cảm nhận được, không cần cảnh giới lớn hay nhỏ, cách điệu cao hay thấp, chỉ cần có tính linh thì là thơ hay. Thuyết “tính linh” này của ông, ảnh hưởng đến đời sau là rất lớn, lan cả đến Việt Nam, như là một sự khai mở, phát triển lý luận của loại hình văn học nhà nho tài tử ở Việt Nam. Tuỳ Viên thi thoại cũng bắt đầu được đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông trung học ở nước ta. Các chú thích của bài dịch này sử dụng (có sửa chữa) lại một vài tư liệu trong bài Viên Mai bàn về thơcủa Vương Vận Hy, Cố Dịch Sinh do Đoàn Lê Giang trích dịch, giới thiệu, và chú thích rất kỹ càng đăng trên Tạp chí Văn học số 4/2003, Lý luận văn học cổ điển Trung Quốc của Khâu Chấn Thanh, bản dịch của Mai Xuân Hải, Nxb. Văn học, 2001 và Cổ điển văn học tam bách đề (tiếng Trung), Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1999.

Người khởi xướng thuyết tính linh đời Thanh là Viên Mai (1716-1797), tự Tử Tài, hiệu Giản Trai, người đời thường gọi ông là Tùy Viên tiên sinh, người đất Tiền Đường, Triết Giang (Hàng Châu). Đỗ tiến sĩ vào năm Càn Long thứ 4 (1739), từng làm tri huyện nhiều năm. Năm Càn Long thứ 13 (1748), ông từ quan về ở Tùy Viên tại Tiểu Thương Sơn, tỉnh Giang Ninh, ông làm minh chủ tao đàn trong những năm Càn Long, Gia Khánh(1). Lý luận thi ca của thuyết tính linh mà Viên Mai đề xướng đối lập lại với “thuyết cách điệu” mà Thẩm Đức Tiềm(2) hết sức cổ xúy và phong cách thơ thiên về hình thức chủ nghĩa của Ông Phương Cương(3). Thuyết tính linh đưa ra một vài quy luật nghệ thuật trong sáng tác thơ ca mang giá trị thẩm mỹ khá cao.

Vấn đề cốt lõi trong lý luận của thuyết tính linh xuất phát từ những điều kiện chủ quan trong sáng tác thi ca, nó nhấn mạnh ba yếu tố ba phương diện của chủ thể sáng tạo cần phải có là: chân tình (=tình cảm chân thật), cá tính và thi tài (=tài làm thơ). Trên ba viên đá của nền tảng lý luận này lại nảy sinh vấn đề: Cấu tứ trong sáng tác phải linh cảm, nghệ thuật biểu hiện phải mang tính riêng biệt độc đáo, tự nhiên; nội dung tác phẩm phải bộc lộ tình cảm chân thật, chủ yếu biểu hiện cá tính, hình tượng nghệ thuật ngụ tình phải linh họat, mới mẻ, sinh động; thi ca nên lấy sự cảm phát lòng người khiến người đọc cảm nhận được cái đẹp, tạo mỹ cảm làm chức năng chủ yếu. Ngược lại, ông phản đối quan niệm hình thức khéo léo làm trói buộc tính linh của “thi giáo” và tác phong bắt chước thời Đường Tống, ông cũng phản đối lối thơ lấy học vấn để thay thế tính linh, và dùng nhiều điển cố trong thơ, nhưng đồng thời ông không hề loại bỏ vấn đề học vấn và kỹ xảo trong sáng tác thi ca.

Nhân tố hạch tâm của thuyết tính linh là chân tình. Hàm nghĩa của khái niệm “tính linh”, “tính tình” và “tình” không những tương thông, mà từ hệ thống thi luận ta thấy, thuyết tính linh vô cùng coi trọng tình cảm. Không có tình cảm thì không có nhà thơ, cũng như không có những đặc trưng và quy luật nghệ thuật thi ca.

Viên Mai cho rằng, chân tình là điều kiện tiên quyết để thi nhân sáng tác, vì thế ông phản đối việc “ngâm bừa” (lãng ngâm) không có tình cảm chân thật(4). Viên Mai hấp thu được “thuyết đồng tâm” (= tâm hồn trẻ con) của Lý Chí(5) mà đề xuất ra quan điểm “nhà thơ là người không để mất tâm hồn của trẻ thơ” (thi nhân giả, bất thất kỳ xích tử chi tâm dã), tức ông muốn nhấn mạnh, nhà thơ phải có đủ những tình cảm thuần khiết, chân thật. Thi nhân phải có sự xúc động tình cảm mới có thể sản sinh ra những rung động trong sáng tác, ông nói: “Phải có cái tình không thể lý giải trước rồi sau mới có thơ bất hủ được” (hữu tất bất khả giải chi tình, nhi hậu hữu tất bất khả hủ chi thi) (Đáp Triếp Viên luận thi thư).Trước tiên, thi nhân phải có cái tình cảm chân thật, rồi nhờ tình cảm chân thật đó làm cơ sở cho sáng tác: “Thơ do tình mà sinh ra” (thi giả, do tình sinh giả dã) (Đáp Triếp Viên luận thi thư), “Tính tình là nguồn [của thơ], lời đẹp là dòng [của thơ]” (tính tình giả nguyên dã, từ tảo giả lưu dã) (Đào Di Vân thi tự).

Chân tình là nội dung chủ yếu mà thi ca cần biểu hiện, là vấn đề quyết định, bởi “Cầm bút trước tiên hỏi tính tình” (Đề bút tiên tu vấn tính tình) (Đáp Tăng Nam Thôn luận thi).Viên Mai xem trọng tính “chân thật” của thơ Quốc phong(6),lối thơ “chuyên chú vào tính tình”, “tự tả tính tình” của Đường thi tân nhạc phủ và không ưa lối thơ “chú trọng vào vẻ ngoài của thơ, mà không chuyên chú vào tính tình” (chủ tu sức, bất chủ tính tình) của Vương Sĩ Chân(7). Xuất phát từ thuyết tính linh, đối với thơ vịnh sử, Viên Mai cũng đưa ra yêu cầu “bộc lộ hoài bão của mình” (trữ tự kỷ hoài bão), tức cũng nhấn mạnh đến tình cảm chân thật của nhà thơ. Đáng xem trọng hơn là Viên Mai dám có cách nhìn mới về hai chữ “tải đạo” trong quan niệm “thi ngôn chí”: “Thơ là để nói chí, tức ý nói gốc của thơ là ở tính tình” (Thi ngôn chí, ngôn thi chi bổn hồ tính tình dã), vì vậy ông đưa ra “chí là cái không thể xem hết được” (chí bất khả khán sát dã) (Tái đáp Lý Thiếu Hạc).Chu Tự Thanh(8) bình luận rằng: “ ‘Thơ nương theo tình’(9), truyền thống đó mãi đến thời nay mới thật sự coi như là ngóc đầu lên được” (Thi ngôn chí biện). Nếu có người cho rằng, Trung Quốc xưa nay “thiếu thơ tình” (Chu Tự Thanh - VAC) thì Viên Mai lại nói: “Tình cảm sớm nhất không gì bằng tình nam nữ” (tình sở tối tiên, mạc như nam nữ) (Đáp Triếp Viên luận thi thư).Xuất phát từ tình hình luận chiến với Thẩm Đức Tiềm, ông lấy thơ Quốc phonglàm chứng cứ, đồng thời ông cũng cự tuyệt cách làm của Chu Tự Thanh là “chỉ san chép thơ tình”, ông nói: “Được trăm ngàn bài thơ có tình cảm giả dối của Liêm Lạc Quan Mân(10), chẳng bằng được một hai bài thơ mà tình cảm chân thật của Bạch Phó, Phàn Xuyên(11)” (Đắc thiên bách nguỵ Liêm Lạc Quan Mân, bất như đắc nhất nhị chân Bạch Phó, Phàn Xuyên) (Đáp Triếp Viên luận thi thư), tức chẳng thèm xếp vào hạng đạo gia giả dối, thà giữ cái tình chân thật còn hơn. Đương nhiên, trong sự lý giải của Viên Mai về nội dung của thơ tình và tình cảm chân thật (chân tình) cũng không tránh khỏi những yếu tố hạn chế, gặp phải sự phản đối cũng không phải là vô lý. Nhưng ở vào hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ, thì ông có những tư tưởng tiến bộ. Trong câu “Tự bả tân thi tả tính tình” (= tự dùng thơ mới để diễn tả tính tình của mình) (Xuân nhật tạp thi),tự nhiên đã mang một nội dung quy định chức năng thẩm mỹ của thơ ca là lấy chân tình để lay động lòng người. Khổng Tử cho rằng thơ ca có chức năng xã hội, có thể làm cho người ta “hưng (hứng), quan (xem xét), quần (hoà hợp), oán (oán thán)”(12), còn Viên Mai chỉ lấy một ý của ông là “thi khả dĩ hứng” tức là chức năng thẩm mỹ lấy tình cảm chân thật để làm rung động lòng người nhằm chống lại quan niệm “thi giáo” mà Thẩm Đức Tiềm ra sức hô hào, cổ xuý. Ông phản đối việc xem thơ là công cụ chính trị, là “liên quan đến nhân luân thường ngày” (quan hệ nhân luân nhật dụng), liên quan đến “cương thường danh giáo” (cương thường danh giáo). Từ điểm này thôi, cũng đủ thấy Viên Mai tiến bộ hơn Thẩm Đức Tiềm.

Thuyết tính linh đã xem trọng vấn đề tình cảm chân thật, tự nhiên cũng xem trọng vấn đề cá tính. Bởi “tâm linh mỗi người tự có mà không vay được nhau” (tâm linh nhân sở tự hữu nhi bất tương thải) (Vương Phu Chi)(13), nên Viên Mai luôn nhấn mạnh, nhà thơ phải có cá tính mới mẻ, nghệ thuật biểu hiện phải mang tính độc đáo sáng tạo. Đây là nội dung thứ hai của thuyết tính linh. Điều này chứng tỏ, Viên Mai chịu ảnh hưởng của cách nói “Độc trữ tính linh, bất câu cách tháo” (= chỉ cần phát lộ được tính linh, không câu nệ vào hình thức khuôn sáo) (Tự Tiểu Tu thi) của Viên Trung Lang thời Minh(14).

Viên Mai cho rằng “làm thơ không thể không có cái tôi” (tác thi bất khả dĩ vô ngã), “cái tôi” tức là cá tính; lại nói: “Phàm kẻ làm thơ ai có thân phận nấy, nên mỗi người có nỗi lòng, suy nghĩ riêng” (phàm tác thi giả các hữu thân phận, diệc các hữu tâm não), vì vậy thơ mỗi người có mỗi mặt khác nhau, nên sự biểu hiện cảm thụ và nhận thức thẩm mỹ cũng khác. Đồng thời, ông nhấn mạnh, cá tính của nhà thơ phải được tự do phát huy, mà không bị gò bó ở triều đại nào cả: “Thơ là tính tình của mỗi người, không liên quan gì đến thời Đường, Tống” (thi giả, các nhân chi tính tình nhĩ, dữ Đường Tống vô dự dã) (Đáp Thi Tra Lan luận thi thư).Tuy nhiên cá tính và chân tình có nội dung khác nhau, nên có phần nặng phần nhẹ, điều đó không thể không biết đến.

Nhà thơ nên có cá tính, nghệ thuật biểu hiện nên có “cái tôi”, tức là có tính sáng tạo độc đáo. “Thơ nên xuất phát từ khung cửi nhà mình, không nên gởi nhờ dưới phên giậu của người khác” (thi nghi tự xuất cơ trữ, bất khả ký nhân li hạ) (Đáp Vương Mộng Lâu thị độc), nghĩa là nhà thơ nên dựa vào cá tính, cảm thụ thẩm mỹ, vận dụng cách cấu tứ nghệ thuật và thủ pháp biểu hiện đặc biệt của mình để tự do bộc lộ tính linh. Độc đáo mới có lời lẽ mới mẻ, Viên Mai đưa ra: “Muốn nảy ra ý mới, thì phải biết bỏ lời nói sáo cũ đi đã” (dĩ xuất tân ý, khử trần ngôn vi đệ nhất trước), do vậy đối với những người có ý tứ mới mẻ tân kỳ đều được ông khâm phục. Cá tính và sự sáng tạo trong nghệ thuật biểu hiện là nhân tố quan trọng hình thành nên phong cách của nhà thơ. Vì vậy, con người khác nhau thì có phong cách khác nhau, trăm hoa mới có thể cùng nhau đua nở: “Thơ như hoa cỏ trời đất sinh ra, mùa xuân có hoa lan, mùa thu có hoa cúc, mỗi mùa mỗi vẻ, khiến người ta khó mà phân biệt đâu hơn đâu kém” (thi như thiên sinh hoa huỷ, xuân lan thu cúc, các hữu nhất thời chi tú, bất dung vị nhân hiên chí). Ông phản đối chuyện “phong cách duy nhất” độc bá trên thi đàn.

Thi đàn trước đời Thanh bắt chước theo lối của thời Đường Tống nên thiếu đi sự biểu hiện của cá tính và tinh thần sáng tạo. Viên Mai thường hỏi: “Nếu tất cả đều giống với người xưa, thì đâu là cái viết về ta?” (cánh tự cổ nhân, hà xứ trứ ngã?) (Tục thi phẩm, Trứ ngã).Ông phản đối thuyết cách điệu của Thẩm Đức Tiềm rất nặng nề. Thuyết cách điệu là chủ trương phục cổ của Minh thất tử(15), vì thế Viên Mai cũng đồng thời phê phán họ: “Minh thất tử bàn thơ, bị che lấp trong cái xưa mà không hay biết cái nay” (Minh thất tử luận thi, tế vu cổ nhi bất tri kim). Còn Đáp Thẩm Đại Tông Bá luận thi thư thì phê phán thuyết cách điệu của họ Thẩm, ông chỉ ra: “Thơ có khéo vụng hay dở mà không phân biệt xưa nay” (thi hữu công chuyết, nhi vô cổ kim), đồng thời nêu ra quy luật phát triển của thi ca là ở chỗ “biến đổi”, không nên câu nệ vào cách điệu của thơ thời Đường, mà sự “biến đổi” nằm ở tính tình của mỗi nhà thơ, ông cho rằng: “Thêm một phần cách điệu thì ắt mất đi một phần tính tình” (đa nhất phân cách điệu, tất tổn nhất phân tính tình). Viên Mai còn phê phán gay gắt hơn lối thơ điệt vận, hoạ vận, phê phán các phái học theo người Tống, chỉ là “bì phụ tàn Tống” (= mảnh da dính bám vào thời Tống suy tàn) (Vạn Giá Pha thi tập bạt)

Viên Mai cho rằng, ngoài chân tình và cá tính, nhà thơ cũng cần có điều kiện chủ quan là thi tài (= tài thơ), “nhà thơ mà không có tài thì không thể… vận dụng tâm linh được” (thi nhân vô tài bất năng… vận tâm linh) (Tưởng Tâm Dư Tàng Viên(16) thi tự)nghĩa là không có tài thì khó biểu đạt tính linh, vì thế, thi tài là nhân tố thứ ba không thể thiếu trong thuyết tính linh. Điều này thì ông ảnh hưởng bởi Dương Vạn Lý.(17)

Ông nhấn mạnh, thi nhân muốn sáng tác phải có đủ tài năng đặc thù, vì thế nên mới có sự phân chia “bút tính linh” và “bút tính bổn” (= bút tính độn), người có “tính linh” hoặc có “linh tính” thì ắt có thi tài(18). Ông rất đề cao tài: “Tài năng, học vấn, kiến thức phải gồm đủ ba, mà tài thì ở hàng đầu” (tài học thức tam giả nghi kiêm, nhi tài ưu vi tiên), có tài thì có thể “dùng điển tịch, vận tâm linh” (dịch điển tịch, vận tâm linh) (Tưởng Tâm Dư Tàng Viên thi tự). Thế nào là “tài”? Một là nhấn mạnh sự rung động, cảm hứng trong sáng tác của nhà thơ: “Vô tình bất thị tài” (kẻ vô tình thì không phải tài) (Ngẫu tác ngũ tuyệt cú); hai là chỉ năng lực “dụng bút cấu tứ” tức là sức tưởng tượng phong phú. Viên Mai rất coi trọng nhân tố “thiên bẩm” của thi tài, nhân tố trời phú bẩm đương nhiên không thể mạt sát, nhưng hoàn toàn không phải là “chỉ dựa vào thiên bẩm” (ở đây có cả nhân tố duy tâm – VAC), mà điều kiện xã hội, sự nỗ lực trong tương lai cũng là điều rất quan trọng. Viên Mai không coi nhẹ việc học tập rèn luyện cho tương lai, ông tán thành: “Chuyển ích đa sư thị ngã (nguyên văn là nhữ  - VAC) sư” (Đỗ Phủ)(19), chủ trương đọc rộng thơ của các nhà, mục đích là “giúp cho mình thêm thần khí” (trợ ngã thần khí), ông phản đối việc lấy sách vở học thuật thay thế cho tính linh và “tưởng nhầm chép sách ấy làm thơ” (Ngộ bả sao thư đương tác thi) (Phỏng Nguyên Di Sơn(20) luận thi bình Ông Phương Cương), ở đây ông phân ranh giới giữa việc khảo cứ với làm thơ một cách rạch ròi.

Viên Mai cho rằng, người có thi tài, trong quá trình cấu tứ sáng tác dễ sản sinh “linh cơ” và “cảm hứng”, tức là hiện tượng linh cảm. đối với linh cảm, Viên Mai nhận thấy có mấy đặc điểm sau: một là, “làm thơ mà hứng đến thì thơ dễ thành” (tác thi hứng hội sở chí, dị vu thành thiên), khi ấy thi nhân ở trong cao trào cảm hứng sáng tác; hai là, thời gian linh cảm tồn tại rất ngắn, nên phải khéo nắm bắt, giống như “Thương nhạn tài kiến tiện sinh cầm” (= vừa thấy nhạn biển thì bắt ngay); ba là, sự xuất hiện của linh cảm tương thông với ngoại vật: “Điểu đề hoa lạc, giai dữ thần thông” (= chim kêu hoa rụng đều thông với thần) (Tục thi phẩm, Thần ngộ); bốn là, tính ngẫu nhiên và tất nhiên của linh cảm thống nhất với nhau, vì có khi “thường ngày tìm nó” không thấy, nhưng lại “bất chợt được nó”. Vấn đề cấu tứ trong sáng tác của nhà thơ nằm trong trạng thái lúc linh cảm chợt xảy đến, nên việc bộc lộ tính linh luôn tỏ ra như là một loại rất cần sự công phu nhưng “tự nhiên thiên thành” (hoàn thành một cách vô cùng tự nhiên) như “thiên lại” (tiếng sáo trời). Viên Mai đặc biệt suy tôn vẻ đẹp mang âm vận tự nhiên, như ngọc vốn có không cần mài giũa, “thiên lại bổn thiên nhiên” (= tiếng sáo trời vốn tự nhiên), còn thơ của văn nhân thì có thể “có được từ sự khéo léo” nhưng cũng không nên để lộ giấu vết gọt giũa, phải uyển chuyển như tiếng sáo trời và đương nhiên phải có tính linh như đã nói ở trước.

Người có tính linh, có thi tài thì thơ ắt có “sinh khí”, “sinh thú”, nghĩa là, nhà thơ bằng sự cảm thụ chân thật để miêu tả những hình tượng nghệ thuật sinh động, linh hoạt, mới mẻ, trong đó lại ngụ ý ngụ tình và cá tính của nhà thơ nhờ đó mà khiến người đọc thấy thú vị vô cùng. Thi ca là nghệ thuật của ngôn từ, Viên Mai yêu cầu “Tất cả thơ văn, chữ chữ phải đứng ở trên trang giấy chứ không được nằm trên trang giấy” (nhất thiết thi văn, tổng tu tự lập chỉ thượng, bất khả tự ngọa chỉ thượng), và như vậy mới “sống” mới sinh động, truyền thần được. Đối với thủ pháp miêu tả thì ông tán thành lối “Nhất vị bạch miêu thần hoạt hiện” (miêu tả trong sáng hứng thú thì cái thần sống động) (Phỏng Nguyên Di Sơn luận thi)thì có thể biểu đạt “một mảng tình cảm linh diệu” (nhất phiến tính linh). Bởi do đề xướng chủ trương thơ phải có “sinh khí” nên đối với lối “nhồi nhét sách điển” (điền thư tắc điển) khiến cho tính tình “mất hết” (táng tận) tạo thành “trang giấy đầy mùi chết chóc” (mãn chỉ tử khí) ông cật lực phản đối, và cho rằng việc dùng điển cũng “không để lộ dấu vết” thì mới có sinh khí(21).

Như trên đã trình bày, nội hàm thuyết tính linh của Viên Mai mang một loạt những nhân tố mỹ học về thi ca như chủ quan sáng tác của thi nhân, tính đặc sắc của hình tượng nghệ thuật và nội dung biểu hiện của thi ca, quy luật cấu tứ nghệ thuật, đặc điểm nghệ thuật biểu hiện và chức năng thẩm mỹ của thi ca, mà phương diện chủ yếu trong đó vẫn là phải phù hợp với thực tế sáng tác. Tuy nhiên thuyết tính linh xem nhẹ chức năng phản ánh sinh hoạt xã hội, cũng như không thể đề xướng, biểu đạt tiếng lòng của quần chúng nhân dân, tính hạn chế về vấn đề giai cấp và mang màu sắc duy tâm cùng những cặn bã của chế độ phong kiến ở nó là điều không cần phải nói.<

 

TP. Hồ Chí Minh, 9/2004

LQT dịch và chú thích.

Dịch từCoå ñieån vaên hoïc tam baùch ñeà,

Thöôïng Haûi coå tòch xuaát baûn xaõ, in laàn thöù 7, 11-1999.

 

 

Chú thích:

(1)    Niên hiệu Càn Long (1736 – 1795), Gia Khánh (1796 – 1820).

(2)    Thẩm Đức Tiềm: Học giả, thi sĩ đời Thanh, tự Xác Sĩ, hiệu Quy Ngu, tiến sĩ thời Càn Long, làm quan đến chức Lễ bộ thị lang, tác phẩm có: Thẩm Quy Ngu thi văn tập, Thuyết thi tối ngữ, Đường thi biệt tài, Thanh thi biệt tài…Ông là người đại biểu của thuyết “cách điệu”, là người nối tiếp chủ trương lý luận cách điệu của Minh thất tử và đi tới ngọn nguồn của nó.

(3)    Ông Phương Cương (1733-1818) tự Chính Tam, hiệu Đàm Khê, người Đại Hưng, Thuận Thiên (nay là Bắc Kinh). Học giả, nhà thơ, nhà phê bình văn học đời Thanh, tiến sĩ thời Càn Long, làm quan đến nội các học sĩ, tác phẩm: Phúc Sơ Trai thi văn tập, Thạch Châu thi thoại. về thơ ông đưa ra thuyết “cơ lý” (gân mạch của da thịt) thiên về hình thức, đạo nghĩa…

(4)    Trong Tuỳ Viên thi thoại,để minh chứng cho vấn đề này, Viên Mai dẫn hai câu thơ của Hứa Hồn đời Đường: “Ngâm thi hảo tự thành tiên cốt, Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm” để phản đối thuyết “cách điệu” của Thẩm Đức Tiềm.

(5)    Lý Chí (1572-1602), tự Trác Ngô, hiệu Hoàng Phủ, còn có hiệu là Ôn Lăng cư sĩ, người huyện Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, là nhà tư tưởng, nhà văn trứ danh đời Minh. Tác phẩm có: Phần thư, Tục phần thư, Tàng thư, Tục tàng thư…Ông đề xướng loại văn chương chân thực, đả kích mãnh liệt vào sự lòe loẹt giả tạo của loại văn học do nền đạo học tạo thành, chống lại khuynh hướng sáng tác giả dối mất tính chân thực với “thuyết đồng tâm”. Trong cuốnLyù luaän vaên hoïc coå ñieån Trung Quoác,của Khaâu Chaán Thanh, do Mai Xuaân Haûi dòch, Nxb. Vaên hoïc, 2001, phiên là Lý Chất, không chính xác, âm Chí mới đúng.

(6)    Quốc phong: là phần tuyển chép các bài ca dao dân ca của nhân dân Trung Quốc thời cổ đại, một trong ba phần ở sách Kinh Thi do Khổng Tử san định.

(7)    Vương Sĩ Chân: Nhà thơ đời Thanh, tự Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, còn có hiệu Ngư Dương sơn nhân, tiến sĩ thời Thuận Trị, làm quan đến chức Thượng thư bộ hình. Ông là người nối tiếp tư tưởng của Nghiêm Vũ thời Tống, đề cao “thuyết thần vận”, yêu cầu thơ phải có vị ngoài vị, hàm súc, thanh viễn đạm nhã…

(8)    Chu Tự Thanh: học giả thời Thanh, ông hết sức tán thành chủ trương thơ nương theo tình (thi duyên tình) của Lục Cơ. Trong công trình san chép thơ của mình, ông chỉ tuyển toàn nhữg bài thơ tình mà thôi, điều này, Viên Mai cũng không tán thành lắm.

(9)    Thơ nương theo tình: từ dùng trong Văn phú của Lục Cơ: “Thi duyên tình nhi ỷ mỹ” (= thơ nương theo tình mà đẹp đẽ). Đây là quan niệm văn học khác với quan niệm văn học “thi nhôn chí” của các nhà nho phong kiến chính thống.

(10)Liêm Lạc Quan Mân: chỉ các học giả chính thống thời Tống.

(11)Bạch Phó: Bạch Cư Dị (772-846) tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, cũng gọi là Tuý Ngâm tiên sinh, làm quan đến chức Thái phó, nhà thơ nổi tiếng thời Đường với bài Tỳ bà hành,…Phàn Xuyên: Đỗ Mục (803-852), tự Mục Chi, hiệu Phàn Xuyên, nhà thơ nổi tiếng thời Đường, về thơ chủ trương thuyết “dĩ ý vi chủ, dĩ khí vi phô”, chủ trương thơ phải có tình cảm mới phát lộ ra.

(12)Xuất phát từ câu nói của Khổng Tử về Kinh Thi: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ