Sứ mệnh của bài thơ Tây Tiến - Bùi Việt Phương
Có lẽ hiếm có thi phẩm nào, thậm chí các tác phẩm kinh điển thế giới, lại có sức mạnh đến thế. Thai nghén từ kí ức chiến chinh, lọt lòng từ làng Phù Lưu Chanh xa ngái, Tây Tiến trở về đánh thức một kí ức lịch sử, phục dựng những trận chiến và khiến tất cả khổng thể quên những cái tên chiến binh, tên đơn vị, tên dốc, tên đèo mà binh đoàn Tây Tiến đã đi qua.
Văn học chống Pháp đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Sứ mệnh phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu bằng thành công của những khúc tráng ca như Đất nước của Nguyễn Đình Thi; Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng; Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… Và trong sâu thẳm tâm hồn người lính “mùa xuân ấy” vẫn gầm lên một Sông Mã oai hùng, trong kí ức thi ca dân tộc vẫn đau đáu bởi một Tây Tiến của Quang Dũng bất thần đảo phách trong khúc tráng ca thời đại. Chỉ có thể là, bài thơ ấy vẫn còn chưa chịu nằm im trên mặt giấy, dường như vẫn muốn thôi thúc chúng ta phải lục lọi kí ức, phải đọc, phải đi đến những Sài Khao, Mường Hịch, Pha Luông, những hội đuốc hoa, những hàng mộ chinh phu viễn xứ.
Có lẽ hiếm có thi phẩm nào, thậm chí các tác phẩm kinh điển thế giới, lại có sức mạnh đến thế. Thai nghén từ kí ức chiến chinh, lọt lòng từ làng Phù Lưu Chanh xa ngái, Tây Tiến trở về đánh thức một kí ức lịch sử, phục dựng những trận chiến và khiến tất cả khổng thể quên những cái tên chiến binh, tên đơn vị, tên dốc, tên đèo mà binh đoàn Tây Tiến đã đi qua.
Trước hết, Tây Tiến đã làm cho những trái tim chiến binh bằng thép biết yêu thơ ca từ điểm tựa là sức hút của mình. Khi Hoài Thanh phê phán kịch liệt nhưng hơi hướng phảng phất của Thơ Mới mà ông gọi là “mộng rớt”, “buồn rớt”. Ông chẳng đã lấy Tây Tiến ra làm một vật hi sinh đó sao. Ông viết: “Nhưng đến khi chúng ta đã thực sự làm anh hùng rồi, cái mộng anh hùng vẫn không chịu buông tha chúng ta và, quái lạ, nhìn vào ngay chúng ta, chúng ta vẫn cứ muốn biến chúng ta thành những anh hùng trong mộng. Một chiến sĩ trong đoàn quân Tây Tiến viết:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thương (thơm).
(Hoài Thanh - Nói chuyện thơ kháng chiến)
Từ đó, cảm quan nghệ thuật của các nhà văn, tiêu chí và thị hiếu của những độc giả công - nông - binh đã bắt đầu xa lạ với những gì riêng tư, với những thông điệp mang đậm giá trị nghệ thuật. Và đương nhiên, ít nhiều rè chừng với một Tây Tiến đã được chỉ định là cần phải xa lánh. Nhưng rồi, mọi quan niệm của nghệ thuật đương thời vẫn khó lòng cương tỏa nổi sức hấp dẫn của một tác phẩm có sức nén dày dặn như một áng sử thi về Tây Bắc bằng thơ. Thế rồi những hình ảnh, biểu tượng và đặc biệt là giọng thơ ngang tàng, khỏe khoắn nhưng lại không kém phần phiêu lãng trở nên đồng điệu chứ không hề đối lập với khí phách của người lính chống Pháp. Họ truyền tay nhau những bản chép tay, những trang văn bản Tây Tiến được nhân bản và nằm âm ỉ, thầm kín nằm dưới đáy ba lô. Suốt những năm tháng đó Tây Tiến thật sự là dòng chảy ngầm, là con sóng dưới đáy sông lặng lẽ nhưng quyết liệt cho đến khi chúng ta thực sự cần đổi mới văn học bằng việc đọc lại và nhìn lại những trang văn của nước nhà.
Nếu như trong giới văn học hàn lâm, thi phẩm của Quang Dũng phải chịu số phận nghiệt ngã thì trong tâm trí người yêu thơ, sự tôn vinh ấy đến sớm hơn và dễ dàng hơn. Những người dù ít có sự quan tâm với văn chương cũng nằm lòng những “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”; “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”; Những ai khắt khe với thơ văn cách mạng cũng không thể chối từ những “Kìa em xiêm áo tự bao giờ/ Khèn lên man điệu nàng e ấp”; Và, những người thật sự đọc Tây Tiến bằng sự mẫn cảm nghệ thuật của mình sẽ phải thốt lên: Quả là một kiệt tác của thi ca, một kiệt tác giàu sức thuyết phục nhất.
Tây Tiến cũng còn có một sức hút đối với lịch sử. Đã hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, những địa danh lạ lẫm với độc giả đô thị ngày nào như Mường Hịch, Sài Khao, Pha luông dần được giải mã. Vậy mà những tầng ý nghĩa của nó vẫn đủ sức tạo nên sự huyền bí. Chừng ấy thời gian đủ để yêu một Tây Tiến của Quang Dũng ấy thế mà đến tận hôm nay chúng ta mới thấm thía cái hiểm trở của Sài Khao với “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, với thung lũng Pha Luông như ốc đảo giữa biển mây mù.
Nếu như trước kia chúng ta biết đến một Tây Bắc với đời sống phong tục trong văn Tô Hoài, với ân tình cách mạng trong thơ Chế Lan Viên thì khi đọc Tây Tiến lại khám phá ra những điều mới mẻ. Tuy chỉ sử dụng một thể loại trữ tình kiệm lời nhưng tác giả đã tạo ra nhiều chiều kích bằng những mã văn hóa. Một miền Tây Tổ quốc không phải của Sông Đà hung bạo và trữ tình mà phải là Tây Bắc của Sông Mã. Dòng sông nhỏ hẹp nhưng ẩn chứa những thử thách nghiệt ngã. Có lẽ giữa sứ mệnh của người lính Tây Tiến và đặc tính của dòng sông có sự đồng điệu ở sự táo bạo, bất ngờ, nên suốt hành trình của thi phẩm luôn đồng hiện cả hai hình ảnh đó. Và rồi, từ cảm nhận ấy đã giúp nhà thơ phác họa một diện mạo của miền Tây Bắc bằng những địa danh hoang sơ, lạ lẫm, bằng những hình dáng con người chất phác và tài nghệ. Đó là những “đoàn binh không mọc tóc” để thật ngang tàng, cứng cỏi đến cái chết cũng oai phong như vị thần sức mạnh với áo bào trở về đất mẹ. Để rồi, mãi mãi những người yêu thơ ngày hôm nay vẫn lặn lội lên với những cung đường hiểm trở mà tìm lại Tây Tiến của Quang Dũng cho riêng mình.
Nhưng đã nhắc đến Tây Tiến không thể không nhắc đến mảnh đất Hòa Bình. Mảnh đất nằm trọn trong cái nôi của nền văn minh lúa nước, tỏa ánh sáng ra khắp nhân loại bằng cồng chiêng, trống đồng và những Đẻ đất đẻ nước xứng tầm của sử thi sáng thế. Nơi đây còn là điểm giao thoa của những con đường, của những chiều thiên di, dịch chuyển văn hóa giữa các tộc người, các vùng đất. Nơi đây có một con đường cổ ẩn chứa những kí ức, có tượng đài mang tên Tây Tiến. Và đường nhiên, có cả những người chiến binh của đoàn binh huyền thoại năm xưa và những nhà nghiên cứu lịch sử đầy tâm huyết. Dư âm của các cuộc hành quân, tinh thần bất khuất và sự lòng yêu nước nồng nàn vẫn còn phảng phất đâu đây trong những kỉ niệm của đồng bào Hòa Bình. Những manh chiếu của bà con tặng chẳng đủ để khâm niệm những chiến binh bất khuất nhưng vòng tay của tình yêu thương thì cứ rộng dài bất tận. Ngày nay chúng ta có thể cảm nhận không khí của Tây Tiến rõ nét nhất cũng từ qua những giá trị văn hóa còn lưu giữ lại của nhân dân Hòa Bình. Những cột nhà sàn đen bóng, những dấu chân trên bậc cầu thang trăm năm tuổi như mách ta về cái ngày bản làng đón binh đoàn hùng mạnh về đánh đuổi giắc Pháp. Âm vang cồng chiêng, những bộ trang phục độc đáo, những điệu múa dân gian gợi ta nhớ lại những đêm lửa trại thắm tình quân dân một thuở.
Có lẽ, sinh thời nhà thơ Quang Dũng cũng không thể ngờ rằng sáng tác của mình lại có sức sống đến vậy. Chỉ một Tây Tiến đã đủ tiêu biểu cho cả một sự nghiệp sáng tác. Không dừng lại đó, nó còn là biểu trưng của cả một thời kì kháng chiến oanh liệt, của tầm vóc và phẩm chất con người Việt Nam. Nói đúng hơn, nó đã vượt qua sức cản của thời gian để đồng hành với những hồn đồng điệu. Và cũng chính bởi nội lực ấy mà thi phẩm đã không dừng lại ở sứ mệnh văn nghệ của mình để chạm tới những suy cảm mang đậm giá trị nhân sinh của nhiều thế hệ. Chúng ta sẽ mãi mãi còn đọc Tây Tiến, còn nhớ “đoàn binh không mọc tóc” và còn thầm cảm phục tài hoa của Quang Dũng. Nhưng hơn hết, Tây Tiến giúp người ta yêu thi ca hơn và trân trọng những chiến công của cha ông, yêu hơn từng mảnh đất, con sông, ngọn suối của quê hương mình. Bởi lẽ, ở đâu cũng gợi lên hồn vía của một thời Tây Tiến.
B.V.P