Có thể bạn quan tâm
Đọc Nhà văn cười: “ Làm quan… làm thơ” và đôi điều bàn tản mạn
Văn Sửu ( 2/24/2011 9:07:58 AM )
Thích làm thơ, đừng làm quan
Bởi làm quan lắm mỡ màng… khó thơ
Còn làm thơ, dẫu mộng mơ
ít nhiều cũng được người ưa mến thầm
Làm quan… mấy vị gần dân
Làm thơ nhiều đấy… có tâm hồn đầy
Ngẫm ngày xưa, nghĩ ngày nay
Bao giờ “cái mỏng, thứ dầy” hợp nhau!
Ngày xuân… thơ thẩn đôi câu
Thơ - quan… đa nghĩa… ai giầu hơn ai (??).
Canh Dần, 2010
Tạp chí Nhà văn Việt Nam
Trước hết tôi không có ý định lật ngược những nội dung mà tác giả bài thơ muốn truyền tải, đơn giản nó là bài thơ vui, và nó cũng rất đúng. Đương nhiên cũng nhân vui mà bàn thêm ra một chút.
Gần đây có dịp được tiếp kiến một số nhà thơ nổi tiếng đương đại các anh kể đơn xin gia nhập Hội viên hội Nhà văn Việt Nam có tới trên 300 lá mỗi năm. So sánh với mục tiêu tuyển của Hội bằng tỷ lệ chọi là 1/80 người /năm tuyển. Tỷ lệ này hóa ra khốc liệt hơn tỷ lệ thi vào đại học và tiến sỹ. Cũng theo các anh có quá nhiều người viết không nổi một lá đơn xin gia nhập hội: sai lỗi chính tả, và chẳng rõ mục tiêu là gì trong nội dung. lá đơn đó Nhưng điều đáng kinh ngạc hơn là số “Tỷ phú” và quan chức cấp giám đốc các công ty thậm chí hàng thứ trưởng cũng xin vào hội lại không phải ít. Có những đại gia giàu có nói thẳng “Tôi chỉ thiếu có máy bay và danh hiệu nhà thơ”.
Thông tin này cũng là đáng mừng vì nàng thơ của ta không già cỗi hom hem như vẫn tưởng ,mà nàng vẫn mỡ màng với sắc hương đương thì, nên mới có nhiều người để mắt đến như vậy. Khi sang Trung Quốc, tôi thấy người dân ở đây rất hay đọc thơ, sách thơ cũng bán chạy. Còn ở Việt Nam thì ai cũng làm thơ cả. Thơ chiếm các không gian, thời gian : từ quán cóc, hội nghị, cầu thang, otô… so sánh tỷ lệ này thì Trung Quốc thua Việt Nam. Một nhà thơ Trung Quốc buồn rầu cho rằng, ở thời kỳ hội nhập tỷ lệ người đọc thơ ở Trung quốc giảm sút đi, nên ít người theo nghiệp sáng tác. Ở Việt Nam, mặc dù chưa có cuộc diều tra xã hội học nào về vấn đề này, nhưng với đà tác giả tăng vùn vụt thế này, không khéo tỷ lệ nhà thơ có khi còn vượt cả tỷ lệ người đọc.
Điều lạ là những bài thơ chính thống thời kỳ này, rất ít được biết, rất ít ai nhớ, nhưng thơ tùm lum thì không sao đếm xuể và ai cũng thuộc đôi câu khi tức cảnh là vận dụng đưa ra liền, chủ yếu để gây cười. Tất nhiên đó cũng là một suy nghĩ. Có cả ngàn lẻ một nguyên cớ chúng tôi không dám bàn ở đây mà chỉ dám đề cập tới sự gia tăng đột biến của người thích làm nhà thơ.
Càn bày tỏ rằng “làm nhà thơ” và “làm thơ” chưa hẳn đã là hai khái niệm tương đồng. Tôi nhớ, Bạch Cư Trinh khi bàn về thơ Ông nói đại ý, thơ cốt là ở cái tâm còn mọi sự làm cho đẹp đẽ chỉ là việc làm thêm mà thôi. Lấy cái ý đó làm điểm nhìn,làm góc quét mà chiếu ra thì biết bao người thích làm nhà thơ có phải vì cái “Tâm” không? Chẳng lẽ thơ là một thứ huân chương cài lên ngực áo để diễu qua trước cuộc đời để cao ngạo với cộng đồng?
Cũng đừng nghĩ rằng, người làm nghề thơ sẽ trở thành tỷ phú. Nói như Nguyễn Bính ngày xưa thì những người “Giời bắt làm thơ” có số phận cơ cực lao đao lắm, và bây giờ cũng vậy. Nhưng họ vẫn làm và quý trọng nâng niu đau khổ, vui buồn với từng câu thơ từng con chữ. Xuân Diệu sinh thời, bàn về câu ca dao:
Núi cao chót vót chon von
Anh xây xây mãi chưa tròn tình yêu
Ông hứng thú dành cả tiếng đồng hồ nói về sự đắc địa của từ “chon von”. Núi đã cao chót vót là cao lắm rồi, bản thân từ “chót vót” đã chọc trời đã mở ra hình ảnh đỉnh nhọn nhỏ xíu vút lên mây xanh. Thế mà bất ngờ hạ tiếp “chon von” thì độ cao còn cao hơn nhiều nó lại mỏng manh, nó phơ phất lung liêng nữa… Ông kết luận :đó là cái “đau” thật của bà mẹ khi trở dạ cho đứa con tinh thần trước khi sinh nó ra đời.
Bàn vậy để thấy rằng, không hẳn cứ “lắm mỡ màng” là không làm được thơ mà khi anh chẳng có “tâm đau” dâng hiến nàng thơ cũng chả thể làm được gì dù anh nghèo kiết xác. Nhân đây cũng nói luôn, người nghèo, người không làm quan có nhiều đau khổ, nhưng ai bảo người giàu, người làm quan không biết mùi cay đắng. Nhiều khi, nỗi cay đắng cực nhọc còn gấp cả trăm lần. Dân gian dạy, “Ăn cơm mắm cáy thì ngáy o..o / ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy” lại nữa “Thuyền to sóng to, thuyền con sóng nhỏ” và “Người giàu cũng khóc” đó sao? Tuy nhiên, Kinh thánh lại nói “ Người giàu lên thiên đàng khó như con lạc đà chui qua lỗ kim”; còn Banzăc thì bảo “Đằng sau mỗi gia tài kếch sù đều chứa một đống những tội ác”. Nói như vậy chẳng sai, bởi người giàu, người làm quan thường chăm chút cho việc quan, cho làm giàu lên không có thời gian. Và làm quan, làm giàu thường hiểu như mưu mô, tội ác, dối lừa. Và như vậy hẳn đương nhiên những loại người này khó tiếp cận với nàng thơ. Nhưng cứ bình vậy thì sẽ có khiếm khuyết, chính sự va đập, chính những cú sốc lớn (Mà thường người làm quan gặp phải) lại là những chất liệu đặc biệt khiến cho họ có cái đau hơn; và với tầm nhìn rộng tư duy bao quát họ nhìn ra vấn đề sâu sắc hơn. Lúc ấy nếu họ có cái tâm hoặc “Quay đầu là bờ” theo cách nói nhà phật thì tác phẩm sẽ sinh ra sâu sắc vô cùng, và chắc tác phẩm phải đạt được tầm cỡ nhất định.
Làm quan, theo lẽ thường là ít gần dân, nhưng lại là vấn đề chưa hẳn thế. Làm quan nếu có tâm thì điều kiện gần dân là thuận lợi vô cùng. Chúng ta là người dân bình thường, thật khó lòng mà thu nhận hết thông tin quằn quại từ cuộc sống bởi những điều kiện ràng buộc. Ngày xưa, Nguyễn Du không đi sứ Trung Quốc liệu có chuyện Kiều? Nguyễn Trãi không dọc ngang trời đất để Bình Ngô có viết dược Bình Ngô đại cáo?
Xem lại lịch sử văn học trung đại hầu như các tác giả đều làm quan cả thậm chí có cả bậc minh quân Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông và hội Tao đàn…
Thì ra vấn đề lại không phải ở gần hay xa mà cái tâm người viết gần hay xa dân mà thôi.
Bàn về viết gì? Viết như thế nào? Người thơ làm quan có vẻ khó hơn vì phải trụ vững vai trò quản lý xã hội bảo vệ xã hội, vừa để cho tiếng nói của con tim “tự do” cất cánh. Nếu không khéo tác phẩm sẽ phản ánh những cái “Phải tồn tại”, chứ không phải phản ánh “cái tồn tại”. Đây là sự thật khó chối bỏ, Nhưng không có nghĩa người thơ không hàm quan tước thì cứ viết bừa. Thơ phải hướng vè “Chân,thiện,mỹ” đó là mục tiêu là cái chung. Chúng ta đã có nhiều cuộc cách tân thơ, có những lúc vấn đề văn chương trở thành nỗi đau lòng cho tổ quốc. Những quan điểm nghệ thuật đối chọi nhau từ lúc đầu xanh đến khi bạc tóc, để rồi vẫn ôm hận ngàn thu. Văn học nói chung và thơ nói riêng không phải là con dao găm vấy máu hận thù, cho nên cái đẹp của nó trước hết là vì mọi người. Nếu xứng cái tầm ấy, thi sỹ sẽ là anh hùng là chiến sỹ và khi ấy thơ mạnh hơn nguyên tử.
Người tạo nên những quả bom nguyên tử ấy có phải là người không làm quan? Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến đều là các bậc đạt đỉnh đại khoa và quan to trong triều cả? ai dám nói họ không bằng thơ Đồ Chiểu? ai dám bảo họ làm thơ nịnh triều đình…
Xét theo phạm trù nghệ thuật, thơ có thể vì nghệ thuật vì chính vẻ đẹp của nó thì cái cao siêu đạt đỉnh cái sáng tạo cách tân chẳng ai nhường ai cả. Tất nhiên, phải nói điều này ở những nhà thơ thứ thiệt làm quan, ngoại trừ ra ngoài những người làm quan thích làm nhà thơ.Nếu làm quan mà lại làm được cả thơ thì hay quá chứng. Cái tâm thơ trong người quan, kết gắn với cái tâm của người quan làm một thì ta có cả quan tốt thơ hay. Suy cho cùng hiện tại ở Việt, có mấy nhà thơ tự do? hầu hết giữ một cương vị gì đó. Và những nhà thơ cố vượt ra "Tự do" cũng chưa mấy ai làm nên cơm cháo gì!
Vấn đề cuối cùng lại quay lại cái quan niệm của Cụ Bạch Cư Trinh “ nghề làm thơ cốt ở cái tâm”. Tôi không cho rằng làm quan thì không làm được thơ và không làm quan thì các nhà thơ sẽ làm thơ hay hơn. Việc làm thơ không giống quá trình sản xuất, tức là có kỹ thuật có tiền vốn có thời gian và nhân lực thì làm ra sản phẩm tốt và thật nhiều. Nhà thơ sản xuất “hàng hóa của mình” bằng tâm, bằng trí và bàn tay ghi lại thành chữ. Có nhà thơ cả đời chỉ có một bài dịch thuật mà nổi tiếng ví như bản dịch tác phẩm thơ Bạch Cư Dị - “Tỳ bà hành” của Phan Văn Vịnh. Vậy chưa chắc cứ đầu tư, cứ day trở mà tạo được cái gì lưu hậu thế, có khi lại chỉ tạo ra một đống xác chữ mà thôi.