Có thể bạn quan tâm
Bài thơ tình đầu tiên của văn học Việt Nam - Mai Quốc Liên
Giáo sư người Nga chuyên nghiên cứu văn học Việt Nam, N.I.Nikulin, trong công trình Văn học Việt Nam sơ thảo có cho rằng, bài thơ tình đầu tiên trong văn học Việt Nam là bài Xuân nhật tức sự 春 日即事(1) của Huyền Quang (1254-1334) thời Trần. Nhưng bài ấy đã được GS Lê Mạnh Thát xác minh là một bài thơ của Trung Hoa chép nhầm vào văn học Việt Nam(2).
Bài thơ của Nguyễn Trãi gửi Nguyễn Thị Lộ:
Loàn đan ướm hỏi khách lầu hồng,
Đầm ấm thì thương kẻ lạnh lùng,
Ngoài ấy dầu còn áo lẻ,
Cả lòng mượn lấy đắp cho cùng(3)
Bài thơ có những từ cổ như loàn đan: mạo muội, dám xin…; cả lòng: cả là lớn, rộng…, cả lòng: rộng lòng…
Thời điểm ấy như ta đã biết, Nguyễn Thị Lộ đã vào kinh làm Lễ nghi học sĩ trong cung vua Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi thì ở Côn Sơn… Cho nên nói là ngoài ấy (ngoài kinh đô - đối với trong này: Côn Sơn).
Bài thơ nói với ta điều gì?
Trước hết, nó hé lộ cho ta một góc tình riêng, một góc tâm hồn rất đáng yêu, gần như là duy nhất trong 254 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Những bài thơ khác của ông, cả Nôm lẫn Hán, là những bài thơ thế sự, quốc sự, đạo đức, giao hòa với thiên nhiên… Chỉ duy có bài thơ này là bài thơ của Nguyễn Trãi-tình nhân. Người tình nhân ấy là người anh hùng Bình Ngô khai quốc, một nhà chính trị - quân sự, văn hóa vào hàng lỗi lạc nhất của quốc gia và của cả nhân loại nữa (ta nhớ câu của Irene Faber, nhà văn Đức: “Vào thế kỷ XV, châu Âu chưa có một nhân vật nào lớn như Nguyễn Trãi”).
Cái người thương, cái người yêu…, cái người tri kỷ nữa của Nguyễn Trãi… đã phải vào kinh theo lệnh vua. Một cuộc ly biệt đứt ruột. Nghĩa quân thần, luật lệ phong kiến ngày xưa, mệnh vua, vua bắt chết còn phải chết, huống chi là một người thiếp, một người bé mọn. Ngay luật lệ Trung cổ châu Âu, cũng còn có luật “hưởng trinh” (droit de cuissage), nghĩa là lãnh chúa là người được hưởng đêm đầu tiên của cặp vợ chồng nông nô mới cưới. Không rõ làm sao bà Lộ lọt vào mắt của vua Thái Tông, và không hiểu ông vua 20 tuổi này nghĩ gì khi cướp đi người thiếp yêu của vị đại công thần của triều đại - người đã từng bày mưu thắng giặc và góp công cả sáng lập nên triều đình mà Thái Tông là người kế nghiệp! Đây là cả một tấn kịch và về sau là cả một bi kịch.
Và thế là bà Lộ vào cung làm một chức quan là Lễ nghi học sĩ, một chức quan “giữ việc nghi điển, nghi trượng, pháp vật”, “phụ nữ được phong học sĩ là điều rất hiếm”(4). Chức quan ấy rõ ràng không phải là để theo “hầu” vua, ở bên cạnh vua, theo vua đi tuần du… Đủ biết chức quan ấy của bà Lộ chẳng qua chỉ là “hư chức”, chỉ là cái cớ để Thái Tông bắt Nguyễn Thị Lộ vào cung.
Trở lại bài thơ. Nguyễn Trãi ở Côn Sơn nhớ thương biết mấy người yêu. Ông có một chút ghen hờn thường tình của một người yêu: em ở trong cung “đầm ấm” thế, có thương kẻ ở “ngoài nội” này “lạnh lùng”. “Lạnh lùng” thì dễ hiểu, nhưng còn “đầm ấm” với ai khi xa cách người tình! Trong tiếng Việt, từ “đầm ấm” thường chỉ cảnh một gia đình thương yêu, hòa thuận, cơm lành canh ngọt… “cảm giác ấm cúng do quan hệ gần gũi thương yêu nhau - cảnh gia đình đầm ấm” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, tr.389). Nhưng một chút nghi ngờ trong yêu mến: ông vẫn nghĩ là bà vẫn “thương” ông, thương kẻ vì cách xa nên phải “lạnh lùng”.
Và một tứ thơ đột xuất, vụt hiện: Ở ngoài đó, “ví dầu” - nếu như có chiếc “áo lẻ”, người hãy rộng lòng đem đắp (“cho cùng”: cho cả hai ta? Cho đôi ta cùng đỡ “lạnh” - đỡ cô đơn? Nghĩa ấy có trong ca dao: “Ai đi đợi với tôi cùng/ Tôi còn dở mối tơ hồng chưa xe”. “Ai ơi thương lấy nhau cùng/ Đỗ ngâm ra giá đãi đằng nhau chi”). Chiếc áo lẻ (khác “áo kép”, nghĩa là một chiếc áo mỏng nhẹ, đơn giản, một chiếc áo mặc trong chứ không phải áo khoác ngoài như một chiếc áo chầu của bà Lễ nghi học sĩ?(5). Sự nài xin rất giản dị. Nhưng chiếc áo có hơi ấm của người yêu đó là cả một niềm yêu thương, một trời nhớ thương, một tín hiệu tình yêu vô tận…
Ta chú ý đến ngữ điệu của bài thơ này: nó rõ ràng là sự bày tỏ tình yêu, là sự bình đẳng trong yêu thương giữa hai người nam - nữ, là sự “hạ mình” của một vĩ nhân! Trước một người đẹp, một người yêu thông tuệ, Nguyễn Trãi đã bộc bạch lòng mình một cách chân tình. Ở đây ta không thấy hơi hướng dấu vết gì của vĩ nhân, chỉ thấy tình nhân, một tình nhân đích thực, trọn vẹn. “Dám xin” (loàn đan)(6); ướm: thăm dò, ướm ý, ướm lời, và ướm hỏi; nghĩa là chưa dám nói thẳng ra…
Thơ tình Việt Nam sau Nguyễn Trãi, kể cả thơ thời ta nữa, có bài nào “hiện đại” hơn bài này?