Có thể bạn quan tâm
Hội nhà văn Việt Nam chuẩn bị hội thảo thơ Đồng Đức Bốn tại Hải Phòng
Nhân sự kiện Hội nhà văn Việt Nam chuẩn bị hội thảo thơ Đồng Đức Bốn tại Hải Phòng, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đôi nét về cuộc đời và thơ của anh cùng bạn đọc.
Giới thiệu Đồng Đức Bốn
Nguyễn Huy Thiệp
"Hiểu tôi là ngọn núi cao
Thương tôi có một ngôi sao cuối trời"
(Thơ Đồng Đức Bốn)
Đồng Đức Bốn sinh ngày 30-3-1948, quê quán ở xóm Lê Lác, thôn Song Mai (tức làng Moi), xã An Hồng, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.
Thuở hàn vi, Đồng Đức Bốn đã từng là thanh niên xung phong. Giải ngũ, Đồng Đức Bốn về làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Hải Phòng, làm thợ gò bậc 6/7. Sau đó, Đồng Đức Bốn về làm việc tại Xí nghiệp xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng, giữ chân đại diện cho Xí nghiệp này ở Hà Nội.
Thời kỳ buôn bán chè chai, lông vịt ở Hà Nội cũng là thời kỳ anh chàng nửa quê nửa tỉnh này gia nhập văn đàn, bắt đầu ăn những đòn văn chương đầu tiên trong cuộc đời mình. Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ khá chính xác chân dung nhà thơ tương lai trong câu thơ sau:
Bạn Thơ
Bạn chừ đóng gạch nơi nao
Văn chương lấm láp vêu vao mặt người
Bất ngờ bạn đến thăm tôi
Gửi cho mấy tập ôi trời là thơ.
Câu dài câu ngắn ngẩn ngơ
Những rơm với lửa, những tơ với tình
Một người hoang dại một mình
Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân
Lòng yêu yêu đến trong ngần
Đường xa thương vết chân trần bạn tôi
Mong sao bạn bớt bùi ngùi
Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau...
Tôi đã có lúc cho thơ là mẹ của mọi thể loại văn học, thậm chí là mẹ của mọi hình thức sáng tạo (của chính trị, của toán, của kiến trúc, của nấu ăn, của hội họa, của mốt...). Người nào không thơ khác nào một kẻ mồ côi: Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường.
Con người vô ơn (con người bao giờ cũng vô ơn) thường rất bạc với mẹ. Có ai ghi nhớ việc mẹ sinh hạ, mẹ bú mớm, mẹ giặt giũ, mẹ đính cho chiếc khuy trên áo... Thơ thường không bao giờ là một sự nghiệp. Mẹ không bao giờ là một sự nghiệp của con.
Thơ là một thể loại văn học cổ điển nhất, xưa nhất. Thơ hình như khó nhất trong các thể loại văn học. Về hình thức, có lẽ thơ là một thể loại loạn luân nhất.
Có mấy loại người làm thơ?
Loại một chắc chắn là các thiên thần. Họ vụt đến, vụt đi và để lại những bài thơ, những câu thơ thiên thần. Nhưng chưa chi chiều đã tắt. Trong đời mỗi người cũng có những giai đoạn, những khoảnh khắc thiên thần. Đấy là những người thơ trẻ trung, những trai tân. (Vậy sao không phải gái tân? Gái tân thì thơ làm gì? Đừng lầm với vật hiến tế!). Khi ấy những bài thơ, những câu thơ hiện lên như những bổng lộc của thần linh.
Loại hai là thơ của những người khởi nghĩa, của lửa, của những nhà cách mạng xã hội! Bay thẳng tới muôn trùng Tiêu Hán / Phá vòng vây bạn với Kim ô / Giang sơn khách diệc tri hồ (Nguyễn Hữu Cầu). Khởi nghĩa với cả tình yêu, với đàn bà, với cái ác, cái tẻ nhạt, cái tầm thường, cái dung tục... với khá nhiều thứ - để biểu dương cái chí: thi ngôn chí (Tú Xương là thi ngôn chí: chí thanh cao, Nguyễn Bính là thi ngôn chí: chí tình).
Ngoài loại một, loại hai là gì? Là loại ba: là phản thơ, là vi khuẩn, là mầm thơ, là những tìm tòi - đa phần viển vông, suy đồi, điếm đàng, đểu, say rượu, đa dâm, hạ lưu.
Vượt lên trên là triết học, vượt lên thơ là triết học. Tư tưởng là thơ bay lên.
Đồng Đức Bốn là ai? Đồng Đức Bốn là một nhà thơ loại hai theo cách phân loại như trên. Tiếc thay, anh không phải thiên thần, anh chỉ là một người khởi nghĩa. Anh là một tên nửa quê nửa tỉnh cao tuổi. Anh là một người có những tình cảm ngẩn ngơ, ngây ngất, dại khờ.
Đồng Đức Bốn là một kẻ chí tình. Thơ Đồng Đức Bốn cũng hay.
Đồng Đức Bốn
I
Sao rơi cháy cả đôi bờ
Mà anh thì cứ bơ vơ giữa trời
Sông sâu nước cả em ơi
Từ trong câu hát ai người biết cho
Rút trăng buộc lại con đò
Thu lời em hát chỉ cho riêng mình
II
Chưa về đò đã nhẹ sang
Anh nghe tiếng sóng biết bàn tay em
Bồi hồi những giọt mưa đêm
Sáng như nến thắp ở bên mái chèo
Một hôm bến bỗng vắng teo
Anh xa đò cũng xa theo mất rồi
III
Anh xa để lạnh đôi bờ
Đò em cứ chảy lơ thơ giữa dòng
Đừng buông giọt mắt xuống sông
Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm.
Nhà quê
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi
II -
Nhà quê chân lấm tay bùn
Mẹ đi cấy lúa rét run thân già
Chợ làng mở dưới gốc đa
Nhà quê đem mấy con gà bán chơi
III -
Bây giờ không thấy Thị Mầu
Nhưng con mắt ấy còn lâu mới già
Mỗi lần cây cải nở hoa
Thì tôi lại nhớ người ta chưa về
Mỗi lần cỏ dại trên đê
Chim ngói đi thả bùa mê khắp đồng
Bây giờ em đi lấy chồng
Tôi giờ về lại bến không tìm mình
IV -
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Cũng không bằng được nhà quê của mình
Câu thơ nấp ở sân đình
Nhuộm trăng trăng sáng , nhuộm tình tình đau
Nhuộm buồn những hạt mưa mau
Thành sao nở trắng vườn cau trước nhà
Nhuộm hương của các loài hoa
Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em
Vào chùa
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
Mẹ ơi
Bây giờ con chẳng có gì
Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời
Chỉ xin mẹ một tiếng cười
Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con
Chỉ mong trái đất vẫn tròn
Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày
Cõi người nhiều nỗi đắng cay
Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu
Cõi người còn lắm bể dâu
Con lấy lục bát bắc cầu đi qua
Tin rằng sông lắm phù sa
Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa
Bây giờ trời đổ cơn mưa
Xa xa đã tiếng chuông chùa gọi con.
Cầu gẫy mới phải đi đò
Cầu gẫy mới phải đi đò
Thế nên gặp gió thổi cho rét lòng.
Con đò nửa mặt trăng cong
Chênh vênh trên một dòng sông lở bồi.
Mái chèo cứ nhẹ thế thôi
Không là đứt ruột gan tôi bây giờ.
Mái chèo trên sóng làm thơ
Đỡ cho cánh vạc bơ vơ xuống dòng.
Chốc nữa thế nào cũng giông
Sang đò tôi đến giữa đồng là mưa.
Chợ buồn
Chợ buồn đem bán những vui
Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em.
Chợ buồn bán nhớ cho quên
Bán mưa cho nắng, bán đêm cho ngày.
Chợ buồn bán tỉnh cho say
Bán thương suốt một đời này cho yêu.
Tôi giờ xa cách bao nhiêu
Đem thơ đổi lấy những chiều tương tư.
Sông Thương ngày không em
Không em ra ngõ kéo diều
Nào ngờ đuợc mảnh trăng chiều trên tay,
Luồn kim vào nhớ để may
Chỉ yêu cứ đứt trên tay mình cầm.
Sông Thương như gỗ hoá trầm
Mùi hương để vết tím bầm trên da.
Sông thương từ buổi em xa
Tay anh quờ xuống hoá ra bị chàm.
Em đi như chim về ngàn
Để rơi một cánh hoa tan nát chiều.