Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm - SGK Hải Phòng

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), sinh ở làng Trung Am huyện Vĩnh Lại (nay là huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng). Sau khi đậu Trạng nguyên khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều Mạc, ông được phong tước Trình Tuyền hầu rồi thăng tới Trình Quốc công. Di sản của Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại khá đồ sộ, phong phú ở nhiều lĩnh vực. Riêng sáng tác thơ có hàng ngàn bài(1)  trong hai tập Bạch Vân Am tập (chữ Hán) và Bạch Vân Quốc ngữ thi tâp (chữ Nôm). 

 Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm được tập hợp trong “Bạch Vân quốc ngữ thi” (còn gọi là “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”). Đây là những thi phẩm được tác giả viết chủ yếu trong thời gian ở ẩn tại quê nhà. Chúng gồm khoảng trên 100 bài(2). Các bài thơ trong tập không đặt nhan đề, chỉ ghi số thứ tự từng bài. Tất cả được viết theo thể thơ Đường luật và thất ngôn xen lẫn lục ngôn.

  1. Nội dung chính trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm

 

 Nếu như ở những thi phẩm chữ Hán, nhà thơ nặng trĩu tâm sự “ưu dân ái quốc”, thì ở phần thơ chữ Nôm dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm viết cho chính mình. Nhà thơ lùi thật xa thế sự để nhìn thấu tỏ thói đời, để viết lên những câu thơ nói cái chí của mình, cái tâm của mình. Những thi phẩm ấy khắc họa một  nhân cách, một chân dung Bạch Vân cư sĩ hiện hữu sáng rõ.

Chủ đề lớn nhất trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm là chủ đề thế sự. Với chủ đề này, tác giả phản ánh nhiều vấn đề của cuộc sống đương thời,  gắn liền với những tri nhận, sự đánh giá của mình. Trong bức tranh thế sự đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm nhìn thật sâu, thấu tỏ thói đời. Tiêu biểu nhất là sự suy đồi của đạo đức xã hội thời kỳ ông sống. Đó là thói đời đen bạc, chỉ trọng vật chất. Mọi mối quan hệ lệ thuộc bởi cái “giàu” hay cái “khó”:

Ở thế mới hay người bạc ác

Giàu thì tìm đến, khó thì lui

                                                                     (Bài 77)

       Từ những tri nhận về thế thái nhân tình ấy, tác giả đúc rút ra những bài học nghiệm sinh, mang tính triết lý sâu sắc mà dường như ông muốn gửi gắm vào đó lời khuyên dạy con người về chọn lẽ sống, cách sống: 

Khôn mà hiểm độc là khôn dại

Dại vốn hiền lành ấy dại khôn

                        (Bài 102)

Bên cạnh đó, trong một số sáng tác, Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện chút vương vấn tới chính sự, thời cuộc. Mặc dù đã lui về ở ẩn, ông như vẫn còn “mơ màng việc quốc gia”, muốn ngầm luận bàn về vấn đề đất nước mà ở đó chủ nhân của đất nước là Nhân dân:

Nước non nào phải của ai đâu,
Nhiều, ít, công, tư, mặc dầu!

                                (Bài 31)

Cũng như đâu đây, một tấc lòng vốn “tiên ưu” vẫn lưu luyến với khát vọng cao đẹp được cống hiến cho một vương triều “vua sáng, tôi hiền”: 

Đã ngoài mọi việc, chăng còn ước,

Ước một tôi hiền, chúa thánh minh

                              (Bài 29)

Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn làm chủ cuộc chơi danh lợi vô thường. Ông không luyến tiếc, đau khổ khi rũ áo từ quan. Mọi sự thành bại không khiến ông gục ngã “Thế sự đôi co dầu thế sự/ Rũ không thay thảy chẳng hề chi - (Bài 92). Bản ngã kiên định giúp ông nương theo dòng thế sự, tùy duyên, thuận theo tự nhiên. Vững vàng sống, an nhiên sống, ông coi danh lợi ở đời như một giấc chiêm bao mà thôi:

Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,

   Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao” 

                              (Bài 79)

 Đọc thơ Nôm Nguyễn Bỉnh khiêm viết về chủ đề này, sẽ thấy một nhân cách thanh cao. Người thơ luôn đứng cao hơn tục lụy, tìm được niềm vui sống. Ở đó, đời sống vật chất, cơm áo dường như thật nhẹ nhàng “Thèm nỡ phụ canh cua róc/ Lạnh đà quen nệm ổ rơm”- ( Bài 36). Với nhà thơ đời sống tinh thần kia mới thực sự làm nên ý nghĩa:

                Hương đầy tiệc khách hoa khi rụng,
                         Hứng đượm vườn xuân chim thuở kêu                                                                   

                                                  (Bài 40)

Chính với cách nhìn và quan niệm về cuộc sống thế sự như vậy đã tạo cảm hứng cho ông viết những bài thơ chứa đựng tư tưởng “nhàn”- một chủ đề rất ấn tượng đặc sắc. Những bài thơ về chủ đề này toát lên phong thái ung dung, tự do, tự tại của thi nhân. 

      Quan niệm sống nhàn tản trở thành một tư tưởng trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm.  Ông nói về chữ “nhàn” dày đặc, có hệ thống. “Bạch Vân quốc ngữ thi tập”, có tới 54 lần, từ “nhàn” xuất hiện. Học người xưa, ông tạo cho mình triết lí về sự “nhàn”. Phong vị ấy thấm đượm cả trong thơ ca và đời sống. 

Tìm về nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến với thiên nhiên, một môi trường lý tưởng để lánh xa cõi tục. Thiên nhiên thanh sạch, tĩnh lặng sẽ là không gian đối lập với đời sống xã hội bụi bặm, xô bồ ốn ào đương thời. Ở giữa thiên nhiên, đời sống thong dong, ví như một tiên khách giữa hồng trần:

                               Đêm, đợi trăng cài bóng trúc

                               Ngày, chờ gió thổi tin hoa

                                                             (Bài 19)

“Nhàn” với Bạch Vân cư sĩ còn là sự đối lập với bon chen danh lợi. Trong thế giới “nhàn” đó, thi nhân được tự do, thỏa chí, ung dung tự tại. Một đời sống như thế giúp ông di dưỡng tính tình. Chân dung ẩn sĩ, chân dung cuộc sống thật thư thái, ung dung: 

Song hiên ngỏ cửa ngồi xem sách

Tự tại ngày qua mấy kẻ bằng

                                       (Bài 72)

  1. Đặc điểm nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm

Trước tiên là thể thơ. Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm viết theo thể Đường luật quen thuộc. Tuy vậy, tác giả đã tiếp bước Nguyễn Trãi, góp phần phá cách, sáng tạo hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn. Từ câu thơ Đường luật bảy chữ, xuất hiện những câu sáu chữ xen vào cấu trúc cũ. Hình thức biểu đạt này cho thấy ý thức “Việt hóa” một thể thơ ngoại sinh của chủ thể văn hóa Việt để diễn tả tâm hồn người Việt: 

                                  Say phong nguyệt, trà ba chén,
                                        Thú thanh nhàn, lều một căn.

                                                                      (Bài 94)

Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu tính triết lý. Trước những vấn đề xã hội và tự nhiên, tác giả thường tìm đến những suy luận triết học, những khảng định, nhận xét tựa như những châm ngôn. Chúng bắt nguồn từ trải nghiệm cuộc đời và tri nhận của ông về quy luật tạo hóa :

                                        Hoa càng khoe nở hoa nên rữa

                                         Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi

 

                                                                                (Bài 52)

 Để truyền tải những nội dung thế sự giàu triết lý, tránh khô cứng, tác giả   thường lựạ chọn hình thức biểu đạt theo kết cấu đối lập: đối lập hình tượng; đối lập từ ngữ và kết cấu câu thơ… Ví như: “Giàu – khó”; “dại – khôn”; “hết – còn”; “được – mất”; “nơi vắng vẻ - chốn lao xao”… Nhà thơ cũng xây dựng những hình tượng nghệ thuật cụ thể, sinh động bắt nguồn từ đời sống quen thuộc: 

                                        Thớt có tanh tao, ruồi đậu đến

                                        Ang không mật mỡ, kiến bò chi

                                                                (Bài 58) 

Với hình thức thể hiện như vậy, thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm tạo ra sự độc đáo riêng, kết hợp hài hòa giữa tính trữ tình và triết luận.

           

   Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhìn nhận là một trong những nhà văn hóa lớn. Ông là một nhà chính trị có uy tín, bậc hiền triết, nhà tiên tri… suốt đời mang chí tự do không màng danh lợi. Tấm lòng son luôn dành cho “ưu dân, ái quốc”. Là một tác gia lớn trong làng văn học, Nguyễn Bỉnh Khiêm có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển của văn học dân tộc. Sáng tác của ông phong phú, gồm cả chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt, những sáng tác chữ Nôm đã cho thấy ông là một cây bút tài năng thâm thúy, một ý thức dân tộc mạnh mẽ. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã góp phần làm giàu có thêm nguồn ngôn ngữ thi ca văn học Trung đại, khẳng định vai trò, địa vị của tiếng Việt trong đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chú thích:

1. Lời giới thiệu của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong tập Bạch Vân Am tập

2. Theo kết quả nghiên cứu tuyển chọn của các nhà phê bình, số lượng bài thơ chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn chưa thống nhất, một số bài tồn nghi sự lẫn lộn với thơ Nguyễn Trãi. Vì vậy, có sự tuyển chọn khác nhau và số thứ tự các bài thơ trong từng tập sách đã xuất bản cũng khác nhau. Số bài thơ và số thứ tự của các bài thơ trích minh họa trong văn bản này là những bài mà các cuốn sách đã in  tuyển chọn trùng nhau và dựa theo “Bạch Vân quốc ngữ thi tập” của Thi viện online.