Có thể bạn quan tâm
Khách không về Khu du lịch Hòn Dấu vì sao?
Sáng chủ nhật 5/6, chúng tôi đến đảo Hòn Dấu, thật bất ngờ ngoài đoàn khách của 02 trường THPT thì không còn ai cả. Chị Phạm thị Q người bán hang ở đây cho biết, hàng năm cứ tầm này đảo đông chật kín người, còn năm nay khách đến thưa thớt lắm.
Đảo Hòn Dấu có khu rừng nguyên sinh nằm giữa biển, khí hậu trong lành, trên đảo có nhiều di tích lịch sử của các cuộc kháng chiến, trong đó có ngọn Hải đăng Cây đèn biển hơn trăm tuổi mệnh danh là mắt ngọc của Tổ quốc, cao như một pháo đài cổ vút lên giữa đảo và chiếu xa tới 40km. Nơi đây còn có ngôi đền thiêng thờ vị tướng nhà Trần tử nạn trong cuộc chiến chống quân Nguyên, mà Vua Tự Ðức sau này phong làm Nam Hải thần vương.
Hiện tại, đảo Hòn Dấu chỉ là một điểm trong quần thể Khu du lịch đảo Hòn Dấu, vì phần đất liền (cách đảo 1km) đang tiến hành xây dựng khu vui chơi giải trí với nhiều nội dung hấp dẫn. Các hạng mục công trình được xây dựng hiện đại với tính thẩm mỹ cao.
Với ngần ấy nội dung hội tụ, khu du lịch đáp ứng tất cả các yếu tố sinh thái: núi, rừng, biển; lịch sử; thẩm mỹ hiện đại và cả tâm linh. Thế nhưng khách vẫn thưa vắng?
Đến với đảo Hòn Dấu, khách phải đi thuyền máy chừng 15 phút ven biển. Những chiếc thuyền máy cũ kỹ bong tróc cập trên bờ Bến Nghiêng nứt vờ toang hoác là cảnh thật phi du lịch! Hành khách lên thuyền bằng một chiếc cầu gỗ nhỏ xíu mỏng mảnh và tay vịn là chiếc xào do 2 ông chủ thuyền nắm mỗi người một đầu. Đoàn khách thiếu nhi xanh mặt không em nào dám bạo gan mà lên thuyền, còn các bà mẹ thì xì xào “Sao không cho một chiếc cầu chắc chắn?”. Một nhân viên bến,hình như ngứa mắt với cảnh lên thuyền của bọn trẻ quát “Từ xưa ở đây người ta vẫn làm thế có sao đâu”. Hỏi chủ thuyền HP-1774 tại sao bờ bến lại vỡ, ông đáp “ Tàu Hải Quân xô vào bến làm vỡ, nghe đâu họ có đền bù nhưng vì sao chưa sửa thì tôi không biết”.
Nhưng thực sự sợ hãi là đầu bến Hòn Dấu. Khách muốn lên được cầu cảng cao phải tự “bò qua” 3 thân thuyền máy. Khốn nỗi các thuyền lại có lan can cao 1m và tròng trành lúc sát vào lúc trôi ra theo song, làm tất cả ngán ngẩm. Bọn trẻ thì được bế chuyền qua thuyền, nhưng khổ nhất là các bà chửa. Họ e ngại vì bò không được , mà bước chẳng xong! Lên đảo vẫn không mấy đổi khác, đường đi âm u, vài ngôi nhà nghỉ đóng cửa im ỉm. Chủ trạm đèn hải đăng sau khi lạnh lùng nhắc khách “để dép bên dưới, trước khi trèo lên tháp” là mất hút…
Hành trình ngược về đất liền, khách đổ bộ lên khu du lịch mới được xây dựng. Toàn bộ cảnh quan dù chưa hoàn thiện nhưng cũng toát lên vẻ đẹp quyến rũ. Thừa hưởng vị trí đắc địa có núi rừng lại sát mép biển, lại rút kinh nghiệm xây dựng từ các khu vui chơi giải trí lớn Đầm Sen, Suối tiên… nên các nhà quy hoạch thiết kế tạo cho công trình những nét độc đáo riêng. Theo một cán bộ quản lý nơi đây, thì 3-5 năm nữa khi xây dựng xong, khu du lịch đảo Hòn Dấu sẽ là điểm độc nhất vô nhị ở miền Bắc.
Nhưng đó là câu chuyện khi đã hoàn thiện, còn hiện tại thì khác. Đường vành đai sát biển nhiều đoạn úng nước sau trận mưa đêm, từng tốp công nhân phải dồn nước xuống cống ngầm bộc lộ dấu hiệu của đường sụt hoặc thi công cẩu thả. Những con đường dẫn lên núi độ dốc cao,nhưng toàn đổ bê tông không bậc. Nếu qua một thời gian rêu phong phủ mặt đường, khó có ai dám leo dốc. Trong khi các điểm du lịch trên núi đều bán vé riêng. Nếu muốn đi một vòng thì giá xe điện là 80 nghìn đồng.Toàn bộ khu vực hồ bơi bố trí sát mép biển dễ dàng nhận thấy, hệ thống cây cảnh nhiều, nhưng màu xanh của cây bóng mát còn quá ít. Bởi vậy, khu vực này vào buổi chiều hứng trọn cái nắng gay gắt chiếu vào rất khó chịu. Khách chủ yếu đi vòng ngoài, còn không dám vào bể bơi vì giá quá đắt: người lớn 150 nghìn đồng, trẻ em 70 nghìn đồng/lượt tắm. Bể bơi lớn nhất ven bờ đã rạn nứt và gắn vá nhem nhuốc. Xuống bể bơi cảm nhận chung là hệ thống tạo song quá yếu, mặt nước gần như yên lặng. Việc tuần hoàn nước dường như chưa được quan tâm nên khoảng 16h chiều mà nước trong bể vẫn nóng. Cảm giác mát mẻ sảng khoái vì thế mà không đến được với khách.
Ba bốn chiếc hồ bơi rộng mấy hec-ta, nhưng cũng chỉ có vài chục đứa trẻ bơi lội. Tôi hỏi đoàn người lớn trên bờ và được biết các anh chị thuộc 2 trường THCS tận Sơn La và THPT An Dương của Hải Phòng, do mắc kỳ thi tốt nghiệp nên đến nay mới “trả món nợ 1-6”cho con em cán bộ giáo viên của trường. Chị Hoàng thị V (huyện An Dương) cho biết “Chúng em ở ngay sát Đồ Sơn nhưng rất bất ngờ về giá dịch vụ ở đây. Hỏi thông tin ở các khách sạn chẳng ai biết. Vì các cháu quá mê tắm nên phải chiều chúng thôi anh ạ”. Anh Vũ Phú Vang (Sơn La) nói: ”Đoàn mình có 30 cháu, nhưng chỉ có 5 cháu gia đình đủ tiền tự túc đang tắm dưới kia. Thú thực giá đắt quá đoàn không kham nổi”.
Thực sự, nếu đi hết một vòng khu du lịch chỉ mua vé tàu, xe điện xem và tắm mỗi khách mất khoảng 450 nghìn đồng. Với số tiền ấy, một khách có thể ăn nghỉ trọn một ngày ở Đồ Sơn vào những ngày thường. Đó là cái giá không phải ai cũng dễ dàng chi được.Tôi ra ngoài khu bể bơi vào lúc nắng chiều đã vãn. Mấy chục đứa trẻ ôm hàng rào sắt nhìn vào khu bể bơi bên trong không chớp mắt và miệng thì há hốc thèm thuồng. Có một đoàn khách nào đó đang quay ngược về bãi tắm tự nhiên Khu 2 mặc dù biết ở đó nước đục và người đông kịt.