Bức thư thứ 2 gửi học sinh nhân ngày khai trường (1955) của Bác Hồ
Khi nói về những bức thư Bác Hồ gửi cho học sinh, ai cũng nhớ bức thư Bác gửi nhân ngày khai trường năm 1945, tuy vậy vẫn còn bức thư khác Bác gửi nhân ngày khai trường năm 1955. Tại đây, Người xác định “Bốn trụ cột” của Giáo dục Việt Nam
Bức thư gửi học sinh trên Báo Nhân dân số 600
Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành tình cảm và quan tâm đến vấn đề trồng người. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, đó là triết lý giáo dục được tổ chức UNESCO đánh giá rất cao và đó cũng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.
Sự thật, trong quá trình lãnh đạo đất nước, bên cạnh những bài nói chuyện, những sắc lệnh… Bác đã viết bảy bức thư cho ngành giáo dục, trong đó Bác viết cho nhiều đối tượng: cán bộ giáo viên, lưu học sinh ở Liên Xô (cũ), các học sinhy trường miền Nam trên đất Bắc… Trong trí nhớ của mọi người, hầu hết đều biết đến bức thư Bác gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9 năm 1945 khi nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Song còn một lá thư khác Bác cũng gửi cho học sinh nhân ngày khai trường mà ít người biết. Đó là bức thư Bác gửi học sinh “Nhân dịp mở trường” vào năm 1955, tức là thời điểm mà miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những tên lính thực dân cuối cùng rời khỏi thành phố Hải Phòng. Và bức thư này được Báo Nhân dân số 600, ngày 24-10-1955 đăng toàn văn với bút danh CB. Bên cạnh các nội dung khác, điểm quan trọng mà Bác Hồ xác định, trong nội dung lá thư này là bốn trụ cột của việc học theo quan điểm rất hiện đại. Người viết: “Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công, (5 cái yêu).”*
Cần nói thêm rằng các cường quốc giáo dục cũng thường xây dựng những trụ cột giáo dục của họ. Những trụ cột này chi phối mục tiêu của nền giáo dục hàng ngàn năm. Ví như Trung Quốc, 4 trụ cột của họ trong thời kỳ quân chủ cách đây 2500 năm là: Tu thân - Tề gia- Trị quốc – Bình thiên hạ. Vào những thập niên cuối thế kỷ 20 tổ chức UNESCO xây dựng mô hình theo tinh thần thế giới đang có xu hướng hội nhập, theo đó 4 trụ cột là: Học để hiểu biết / Học để hành động /học để cùng chung sống/ học để làm người. Năm 2000, thời điểm mà toàn nhân loại đã có những kỳ tích về giáo dục,cuộc cách mạng công nghệ, kỹ thuật, thông tin bùng nổ làm thay đổi diện mạo thế giới,phá vỡ những phương pháp và những trật tự lạc hậu; Anvin Foffer đã công bố mô hình học mới. Tác giả cũng xây dựng bốn trụ cột của việc học nhưng xác định mục đích của từng trụ cột có những thay đổi thích nghi với những thách thức và nhu cầu của một thế giới luôn phát triển: Học để biết nhận thức. Học để biết liên hệ. Học để biết lựa chọn. Học để biết thích nghi.
Có thể dễ thấy quan điểm của Hồ Chủ Tịch không mang màu sắc lý luận bác học, nó rất cụ thể và gắn với con người cá thể của học sinh Việt Nam, mang đậm tính chất dân tộc. Các trụ cột này, chính là phẩm chất cần giáo dục để hình thành nên thế hệ người Việt Nam mới.
Bốn trụ cột của việc học mang đậm tính dân tộc.
Sau này để cho thuận phát ngôn, chúng ta thường nói tắt bốn yếu tố giáo dục này là “Đức,Trí, Thể, Mỹ”. Cách dùng nói tắt của chúng ta vô hình chung đã làm sai lệch trật tự quan trọng của từng yếu tố mà Bác đã có chủ định sắp xếp theo một lo gic. Theo đó yếu tố đầu tiên và quan trọng mang tính chi phối toàn diện các yếu tố còn lại là sức khỏe. Con người sống và phát triển đương nhiên cần phải tiếp nhận các tri thức. Song như vậy chưa đủ, một con người có thể hình lực sĩ, có bộ óc thông minh sẽ chỉ là người khổng lồ không có trái tim; bởi thế con người cần có thông minh cảm xúc để nhận biết cái đẹp, phân biệt cái xấu. Và tất cả những phẩm chất này sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được soi sáng bằng một nền tảng đạo đức hàm ẩn chất nhân văn cao đẹp.
Trong thời kỳ mở cửa, do sự chi phối của cơ chế kinh tế thị trường (Cả mặt trái lẫn mặt phải), con người Việt Nam đang lao vào cơn lũ kim tiền, đã có không ít những con người bị nó nhấn chìm hoặc cuốn trôi và kết quả là thân bại danh liệt. Thế hệ trẻ lao vào học tập và sự thật đã có nhiều người đạt những dỉnh cao về trí tuệ, phần lớn thế hệ học sinh được trang bị tri thức để trở thành “Lực lượng lao động trình độ cao”; song đáng tiếc không ít trong số này dùng trí tuệ chỉ để kiếm tiền, cho dù họ làm ở đâu, làm gì, cho bất kỳ ai. Với họ, cái đẹp của tâm hồn không được chú ý bồi đắp, thậm chí nền tảng đạo đức cũng bị coi nhẹ tình yêu Tổ quốc dân tộc bị xếp xuống thứ yếu sau cái “Tôi”, nét đẹp và niềm tự hào về văn hoá truyền thống không được cảm nhận. Có câu chuyện một vị khách Tây nọ, ngồi trên xe xích lô lọng vàng của một sinh viên chở vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, ông ta kể câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh với gọng điệu đầy thán phục và hỏi chàng sinh viên kia nghĩ gì? Anh sinh viên bình luận: “ Dân tộc của ngài quả là dân tộc có văn hoá cao, tâm hồn bay bổng mới có thể sáng tạo ra câu chuyện kỳ vĩ tới như vậy! Và thật buồn cho đất nước tôi, không sao có thể sáng tạo được những áng văn chương như vậy!”. Ông khách Tây trố mắt nhìn anh sinh viên, rút tiền trả xuống xích lô và đi thẳng. Rất có thể đây chỉ là câu chuyện theo dòng dân gian truyền miệng thời hiện đại, nhưng rõ ràng người Việt bây giờ ít biết về văn hoá, về lịch sử dân tộc. Sính và sùng ngoại thành căn bệnh không dễ chữa. Đây là một nguy cơ! Đi qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc, đương đầu với bao cuộc chiến tranh xâm lược chúng ta không mất nước, nhưng sức mạnh của đồng tiền và mặt trái của cơ chế thị trường đang xoá mờ ranh giới các đường kinh vĩ tuyến sẽ làm băng hoại tâm hồn đạo đức dân tộc Việt. Con người Việt Nam mới sẽ trở thành giàu có, nhưng sẽ ra sao nếu chỉ có tâm hồn thô lậu? Sẽ ra sao nếu chỉ trần trụi xác thịt trong thế giới vật chất? Nếu vậy nước ta sẽ chỉ có những tầng dân số chứ rất ít người! Và có thể người Việt còn có thể quên cả nói hai tiếng “Nước ta” với niềm tự hào truyền thống hàm ẩn núi sông, và những chiến công hiển hách trong công cuộc đấu tranh chống “kẻ thù 2 chân và 4 chân” 4000 năm gắn với quốc hiệu Việt Nam.
Nói vậy để thấy rằng, không chỉ là nêu ra và việc chỉ ra tính chất logic của các phẩm chất thuộc về con người mà trong bức thư Hồ Chí Minh viết là tối quan trọng. Bên cạnh đó, một điều cần bàn khác là: khi chỉ nói ”Đức, Trí, Thể, Mỹ”, chúng ta bỏ qua một tiếng rất quan trọng trong cấu tạo từ ở đây, đó là tiếng “Dục”, như chính Bác viết “Đối với các em, việc giáo dục gồm có” tức các yếu tố này sẽ được tạo nên bởi chính quá trình giáo dục, chứ nó không nằm rời rạc để chỉ biểu hiện nghĩa của chính nó. Trong tiếng Anh, từ “giáo dục” được biết đến với từ “education” - con người vượt ra khỏi hiện tại của họ để vươn tới những gì hoàn thiện, tốt lành hơn và hạnh phúc hơn.
Như vậy, mục tiêu của Giáo dục Việt Nam cần đạt bao hàm bốn yếu tố, những yếu tố này gắn với các chỉ số con người hiện đại ngày nay bao gồm: Chỉ số về sức khỏe (PQ), chỉ số về thông minh;tiếp nhận các tri thức (IQ), chỉ số.thông minh cảm xúc (EQ), vè chỉ số nền tảng đạo đức (MQ). Làm theo bốn trụ cột của việc học như lời Bác dạy, nền giáo dục Việt Nam, sẽ còn gì hạnh phúc hơn khi đào tạo được những con người Việt Nam mới, với nhân cách hội đủ các phẩm chất căn cốt của một con người hiện đại?
Bốn trụ cột của việc học theo quan điểm Hồ Chí Minh đa xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ XX, vẫn là những yếu tố quan trọng và mang tính hiện đại cho đến ngày nay. Trong không khí đổi mới giáo dục hiện tại, để thực hiện hội nhập với thế giới văn minh, nền giáo dục Việt Nam đang có những dự định cải cách mới để phù hợp trong một tương lai gần. Sẽ có thêm những yếu tố giáo dục mới được bổ sung, những phẩm chất mới của con người Việt Nam được đưa thành mục tiêu giáo dục. Điều này là cần thiết, hợp với quy luật phát triển của xã hội loài người; nhưng một điều chắc chắn, bốn trụ cột giáo dục trong bức thư Bác viết gửi học sinh ngày khai trường năm 1955 vẫn là tư tưởng hiện đại nhân văn và mang bản sắc Việt Nam mà các nhà giáo dục trân trọng sử dụng./.
NĐM
Chú thích.
* Toàn văn bức thư
GỬI CÁC EM HỌC SINH
Nhân dịp ngày mở trường, báo Nhân dân thân ái chào mừng các em và có mấy lời nhắn nhủ các em:
Biết rằng bố mẹ, thầy giáo, Đảng và Chính phủ đều quan tâm đến mình - chắc các em sẽ vui vẻ và hăng hái học tập.
Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc.
Nước ta mới giải phóng được một năm, chế độ cũ của thực dân và phong kiến không khỏi còn để lại ít nhiều ảnh hưởng không tốt trong những đầu óc trẻ non. Vậy chúng ta phải dùng tinh thần và đạo đức mới để rửa gọt những ảnh hưởng ấy. Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công, (5 cái yêu).
Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm.
Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.
Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ.
Ở xã hội, thì tuỳ sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung.
Đảng, Chính phủ và nhân dân ta lo cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, tăng cường quốc phòng, củng cố miền Bắc... để thống nhất nước nhà - đều nhằm mục đích xây dựng cho các em một đời sống tươi vui, sung sướng. Gia đình, trường học và xã hội chăm lo giáo dục, đều nhằm mục đích làm cho các em mai sau trở nên những công dân tốt, những cán bộ tốt, những người chủ tốt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Chúc các em thi đua học tập và tiến bộ, cho xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ!
(Sẵn đây, chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục cùng các thầy giáo và các đại biểu của học sinh xét lại "10 điều ghi nhớ" của tiểu học và "12 điều ghi nhớ" của trung học, để cho các em học sinh dễ ghi nhớ và dễ thực hành hơn.)
C.B. (Bút danh của Bác Hồ).
Báo Nhân dân số 600, ngày 24-10-1955
Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia,
t8, tr. 74-75.