Có thể bạn quan tâm
Bức thư Tổng thống Mỹ A. Lin-côn gửi thày hiệu trưởng - Một “tồn nghi” cần giải đáp
Thomas F. Schwartz Nhà sử học, chuyên nghiên cứu về tổng thống Mỹ A. Lin-côn và là giám đốc Thư viện và Bảo tàng Tổng thống Lincoln bang Illinois từng khẳng định đây không phải bức thư của Lin-côn. Song bức thư mang danh Lin-con trôi nổi trên khắp các trang mạng của hành tinh và ở Việt Nam mọi người đón nhận nó như món quà quý. Đã đến lúc phải trả đúng tên tác giả và đúng nguyên bản để tránh những sai lầm đáng tiếc xảy ra không chỉ trong học thuật mà còn ở đời sống xã hội.
“Lincoln chưa bao giờ nói như thế”
Năm 2009 trong đề thi tuyển sinh Đại học môn Văn có lấy một câu văn được cho là của Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi đã gây bão trên mạng, vì nó được trích từ văn bản “Thư Tổng thống Lincoln gửi thầy hiệu trưởng” (sách Văn 10 tập 2, NXBGD 2006); trong klhi Tổng thống Mỹ A. Lin-côn chưa từng viết bức thư như vậy.
Ở thời điểm nổ ra sự kiện ấy, GS Phan Trọng Luận, Tổng Chủ biên SGK Ngữ Văn lớp 10 cho biết: nguồn bức thư này trong cuốn sách của NXB Trẻ in năm 2004. Khi tìm kiếm cuốn “Những câu chuyện về người thầy” tái bản lần thứ sáu (NXB Trẻ - tháng 9.2004), nơi có bức thư của Lin-côn, được biết tác giả là “Nhóm Nhân văn - Chủ biên: Hoàng Thạch Quân”. Sau này, trả lời Lê Hồng Minh (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, TP.HCM): Hoàng Thạch Quân kể: ” Lúc đó, tôi không suy nghĩ gì nhiều về việc liệu tác giả bức thư có phải là cố Tổng thống Abraham Lincoln hay không mà chỉ nghĩ rằng những giá trị đạo đức và lẽ sống được nhấn mạnh trong thư vẫn còn nguyên giá trị và đáng được phổ biến đến cho nhiều học sinh và giáo viên Việt Nam”.
Câu chuyện này sau 10 năm vẫn chưa thôi nóng, mà nguyên nhân bát nguồn từ những người thờ ơ vô tâm với một tác phẩm lựa chọn vào sách giáo khoa như vậy. Hệ quả là nó hàng ngày vẫn được trích dẫn tự do, vô tư trong các bài diễn văn, các nghiên cứu, thậm chí các đề văn… trong toàn ngành giáo dục và những cuộc tranh cãi chưa nguôi dứt về nguồn gốc, về sử dụng nó hay không sử dụng… Quan trọng hơn từ đó đến nay, sự việc trên vẫn không có bất cứ kết luận chỉ đạo nào mang tính chính thống vì văn bản này ảnh hưởng khá mạnh tới toàn ngành giáo dục. GSTS Hà Nhật Thăng (ĐHQG Hà Nội), ở thời điểm nổ ra sự kiện này trao đổi: “Tựa đề bức thư là do chính người dịch Hoàng Thạch Quân đặt, cũng không có luôn cả các từ “Thưa thầy” ở đầu các đoạn văn, thậm chí câu trích dẫn trong đề thi vừa nói cũng không hề có trong văn bản tiếng Anh…”. Nhà văn Cao Thị Hồng (Trường Đại học Thaí Nguyên) gần đây nhận xét: Sự thật theo nhiều bản tiếng Anh đã có sự “tam sao thất bản”, các bản dịch tiếng Việt cũng vậy. Ví dụ câu: “Dạy cho con tôi nếu làm được 10 xu có giá trị hơn nhiều so với một đô la nhặt được”- ý nói giá trị gấp hơn hàng trăm lần, thì bản tiếng Việt lại là “Dạy cho con tôi nếu làm được 1 Đô la có giá trị hơn nhiều so với 5 Đô la nhặt được, ý tứ kém đi rất nhiều”.
Không nên để tác phẩm thành “một tồn nghi”?
Đã có rất nhiều người có công nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc của bức thư. Kết quả Phòng Văn hóa - Thông tin của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã trả lời báo Thanh niên là: “ học giả chuyên nghiên cứu về Lincoln, Thomas Schwartz, trong bài viết trên trang web của Hội Bảo tồn lịch sử Illinois có tựa “Lincoln chưa bao giờ nói như thế” đã chỉ ra cụ thể bức thư này là không có thật”. Bài của Thomas F. Schwartz viết: “Đáng tiếc là bức thư không được ghi ngày, và không có dấu hiệu nào giúp tìm được danh tính của người hiệu trưởng trong bức thư, cũng như danh tính người con trai của Lincoln… Bất cứ ai quen thuộc với lối hành văn của Lincoln đều ngay lập tức nhận ra đó không phải lời của Lincoln”. Chúng ta hoàn toàn không thể nghi ngờ gì về các kết luận của các cơ quan và Nhà sử học người Mỹ. Chính vì vậy có thể kết luận chắc chắn bức thư không phải của Lincoln. Vậy nó là của ai?
Theo truy cứu của tác giả Nguyễn Đình Nam trần thuật trên trang Thanh Niên số ra 14/07/2009, ông đã tìm ra rất nhiều dị bản. Tuy nhiên đáng chú ý là bức thư đã được đăng bởi tác giả là Dan Valentine (1917-1991) tại tuyển tập Ideals Scrap Book với tựa đề: “Thế giới thân yêu” (Dear World) phát hành năm 1961. Đồng thời nó xuất hiện lại trên tờ The Daily News của Virgin Islands ngày 9-9-1969 với cùng tên tác giả. Quan trọng nhất là bản tin cáo phó tác giả Dan Valentine, đăng trên tờ The Gainesville Sun số ra thứ sáu 15-2-1991, thông tin này xác định rõ danh tính của tác giả bức thư; theo đó có đoạn: “Ông đã viết hàng ngàn bài báo… Một trong các bài nổi tiếng nhất của ông là “Dear World”, mô tả các niềm hy vọng và lo lắng của ông đối với người con trai sắp đi học”.
Như vậy câu chuyện về bức thư của Lin côn mặc dù nói theo cách GS Phan Trọng Luận là một “Tồn nghi”, song rõ ràng cần khẳng định nó không phải của Tổng thống Mỹ A. Lin-côn và các nội dung trong đó đã bị “dị bản hóa”. Những cuộc kiếm tìm đã tìm ra đáp số: tác giả là Dan Valentine và bức thư có tên “Thế giới thân yêu” (Dear World) ngoài ra nó còn mang một tên khác là Teach Him World.
Tác phẩm văn chương dùng cho nhà trường cần đảm bảo nhiều tiêu chí chuẩn hóa, nhưng với trường hợp này rõ ràng cần phải có sự chỉ dẫn về cách sử dụng, song hành với đó là cần phải có nghiên cứu xác lập căn cứ khoa học về nguồn gốc văn bản để trả tác phẩm về với chính chủ; Đồng thời để người dùng nó không còn băn khoăn nghi ngại./.
Chú thích ảnh: Bản chụp bức thư in trên tờ The Daily News của Virgin Islands ngày 9-9-1969 với tên khác là “Teach Him World”.
Nguyên bản bức thư
Dear World
By Dan Valentine
My young son starts to school today...It's going to be sort of strange and new to him for awhile, and I wish you would sort of treat him gently. You see, up to now he's been king of the roost...He's been boss of the backyard...His mother has always been near to soothe his wounds and repair his feelings.
But now things are going to be different.
This morning he's going to walk down the front steps, wave his hand, and start out on the great adventure...It is and adventure that might take him across continents, across oceans...It's an adventure that will probably include wars and tragedy and sorrow...To live his life in the world he will have to live in, will require faith and love and courage.
So, World, I wish you would sort of look after him...Take him by the hand and teach him things he will have to know.
But do it gently, if you can.
He will have to learn, I know, that all men are not just, that all men are not true.
But teach him also that for every scoundrel there is a hero...that for every crooked politician there is a great and dedicated leader...Teach him that for every enemy, there is a friend.
Steer him away from envy, if you can...and teach him the secret of quiet laughter.
In school, World, teach him it is far more honorable to fail that to cheat...Teach him to have faith in his own idea, even if everyone says they are wrong...Teach him to be gentle with gentle people and tough with tough people.
Try to give my son the strength not to follow the crowd when everyone is getting on the bandwagon...Teach him to listen to all men - but teach him also to filter all he hears on a screen of truth and take just the good that siphons through.
Teach him, if you can, how to laugh when he's sad...Teach him there is no shame in tears...Teach him there can be glory in failure and despair in success.
Treat him gently, World, if you can, but don't coddle him...Because only the test of fire makes fine steel...Let him have the courage to be impatient...Let him have the patience to be brave.
Let him be no other man's man...Teach him always to have sublime faith in himself.
Because then he will always have sublime faith in mankind.
This is quite and order, World, but see what you can do...He's such a nice little fellow, my son!