Cần “chuẩn hóa” lại thân thế, sự nghiệp Trạng Trình
Trong cuộc làm việc với UBND huyện Vĩnh Bảo đầu năm 2020, TS Phạm Từ nguyên Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Việt Nam đã nếu ý tưởng đề nghị UNECO công nhận Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa thế giới. Đó là một công việc lớn lao cần sự vào cuộc của thành phố và Nhà nước. Tuy nhiên một trong những việc cần làm là thống nhất những nội dung về thân thế sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn đang còn khá nhiều “ vùng mờ” và mâu thuẫn nhau.
Kỳ 1: Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan ngót 30 năm.
Trong các tài liệu hiện nay thường nói Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan 8 năm trong triều Mạc song nhận thấy triều đình suy vi nên ông cáo quan về quê dạy học… sự thật có đúng vậy? Vì sao tước hiệu “Quốc công” là một tước hiệu lớn chỉ sau tước “Vương” lại được phong hay truy phong cho một người chỉ có 8 năm làm quan?
“Đếm tuổi mình đã bảy mươi ba”
Theo các nguồn tài liệu “Công dư tiệp ký”- Vũ Phương Đề (1698-1761) ,“Đại Việt thông sử” - Lê Quý Đôn (1726-1784) và Đại Việt sử ký toàn thư (nhiều tác giả) thì Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia phụ chính tới 4 triều vua Mạc. Hành trạng hoạt động triều chính của ông cũng đượcchính Lại bộ thượng thư Giáp Hải (1515 - 1585) triều Mạc xác định là “Huân nghiệp trải bốn triều”. Theo đó, nhà Mạc kéo dài gần 66 năm từ 1527 đến 1593 (chưa tính giai đoạn tồn tại ở Cao Bằng mãi đến năm 1677); Giai đoạn “bốn triều” mà Giáp Hải nói tới bắt đầu từ năm Đại Chính thứ sáu (1535 Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên và bắt đầu làm quan) đời Mạc Đăng Doanh rồi đến Mạc Phúc Hải (1540-1646), Mạc Phúc Nguyên (1546-1561) và Mạc Mậu Hợp (1562-1593), tổng 58 năm.
Trong quãng thời gian hơn nửa thế kỷ ấy, Trạng Trình đã tham chính với triều Mạc không phải chỉ có 8 năm. Tại sao khẳng định như vậy? Xét về chủ quan, dù có bất đắc chí nhất thời ở giai đoạn sau khi ông vua uy vọng nhất triều Mạc là Mạc Đăng Doanh qua đời, nhưng lòng trung quân vẫn níu ông ở lại vương triều để tìm cơ hội báo đáp; tinh thần chí khí nhà Nho của ông luôn ngời sáng nên “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách” và tấm lòng ưu dân “dân vi quý” là những động lực chính thúc đẩy ông phụ chính các triều Mạc. Bên cạnh đó về khách quan, bản lĩnh tài năng kinh bang tế thế của ông vẫn được các vị vua Mạc tin dùng và mời gọi. Đây là những nguyên nhân chính khiến ông tham gia làm việc cho vương triều trong thời gian dài. Theo “Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn công Văn Đạt phả ký” do Vũ Khâm Lân soạn năm 1743 thì “Gần hai chục năm từ năm 53 tuổi tới 73 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy không ở hẳn kinh đô nhưng vẫn cáng đáng nhiều việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc theo xa giá nhà vua đi dẹp loạn, vua Mạc tôn kính ông như bậc quân sư. Những việc trọng đại nhà vua thường sai sứ giả về hỏi…”. Từ căn cứ này so với thực tế từ khi ông bắt đầu làm việc năm 45 tuổi đến 73 tuổi nghỉ hưu thì quãng thời gian này kéo dài 28 năm.
Điều này ít tài liệu công bố, đặc biệt con số 73 tuổi mà Nguyễn Bỉnh Khiêm chính thức rời quan trường dường như quá chính xác làm không ít người băn khoăn. Nhưng nếu đọc tác phẩm của ông sẽ phát hiện có một thứ “văn bia” khác khẳng định sự thật, nó phản ánh những hành trạng mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trải, đó là thơ của chính ông. Trong bài “Thơ cảm hứng - 5”, ông viết: Phù trì xã tắc ngửa nghiêng / Ruổi rong xá chịu ngồi yên phận già. Rõ ràng khi tuổi cao ông vẫn làm việc vì xã tắc.Còn đây là thông tin trong bài thơ “Về hưu gửi quan Thượng thư bộ Lại Kế Khê bá Giáp Hải”:Đếm tuổi mình đã bảy mươi ba / Treo xe hơi muộn, cũng nên thẹn”.Như vậylời tự bạch này đã xác định rất rõthời điểm nghỉ việc chính thức của Trạng Trìnhnăm ông 73 tuổi.
“Năng lực phò vua như cột chống đỡ trời”
Một thời gian khá dài hàng trăm năm khi việc phát lộ hai tấm bia đá tại huyệnQuỳnh Phụ và Thái Thụy tỉnh Thái Bình có sự vào cuộc dịch thuật của Viện Hán Nôm, dân gian và giới nghiên cứu vẫn cho rằng tước hiệu “Trình quốc công” của Nguyễn Bỉnh Khiêm được vua Mạc phong cho khi ông đã tạ thế. Tuy vậy tiếng nói của lịch sử văn hóa xa xưa vẫn kịp dội lại để bác bỏ nhận định sai lầm này. Trên Tạp chí Hán nôm số 4/2002, tác giả Vũ Tuấn Sán và Đinh Khắc Thuân đã thuật quá trình sưu tầm và dịch toàn văn tấm văn bia này. Theo đó, trong văn bia, bài minh viết về việc tạo tượng Tam Giáo và sửa chùa Cao Dương (Thụy Anh – Thái Bình) phần “Lạc khoản” khắc rất rõ “ Ngày lành tháng hai năm đầu niên hiệu Diên Thành (1578). Tiến sỹ cập đệ khoa Ất Mùi (1535) trí sĩ họ Nguyễn tự Hanh Phủ tước Trình quốc công, người làng Trung Am huyện Vĩnh Lại soạn”. Từ đây có thể xác quyết một sự thật lịch sử là Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được vua Mạc phong tước Trình Quốc công từ rất lâu, chỉ tính từ năm mà ông viết bài minh trên bia đá 1578 cũng đã sớm hơn 7 năm trước khi ông qua đời (1585).
Tước "Quốc công" là một tước hiệu lớn của các triều đại phong kiến Việt Nam. Tước này chỉ đứng sau tước Vương và trên Quận công. Người được thụ phong (nếu không phải con cháu Hoàng thât) phải có quân công hiển hách và phải từng trải việc điều binh khiển tướng. Đây là một điểm mấu chốt để giải mã vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ làm quan có 8 năm rồi lui về ở ẩn lại được đặc biệt ưu ái như vậy? Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam chỉ có 20 võ tướng và văn nhân có danh tiếng được phong tước Quốc công lúc sinh thời mà không phải là hoàng thân, vương thất, trong đó có những người sau này trở thành vua chúa như: Lý Thường Kiệt, Mạc Đăng Dung, Trịnh Kiểm. Điều này mở ra suy đoán rõ ràng là chỉ với 8 năm làm việc Nguyễn Bỉnh Khiêm dù có tài năng cỡ mấy cũng không đủ đạt được những công trạng để đoạt chức Quốc công theo những tiêu chí công trạng lớn lao dưới con mắt “soi” ngặt nghèo của cả vương triều. Do vậy chắc chắn Trạng Trình phải có thời gian làm việc và cống hiến cho triều Mạc rất nhiều. Để khẳng định điều này, chúng ta có thể dựa trên một căn cứ vững chắc, đó là tiếng nói của một người trong cuộc, giữ trọng trách của triều Mạc, có thời gian sống và làm việc cùng với Trạng Trình để khẳng định: “Năng lực của ông phò vua như cột chống đỡ trời/ Huân nghiệp trải bốn triều, ông là tài năng kiệt xuất giữa cõi người”. Đánh giá này của Trạng Nguyên Giáp Hải, một vị quan từng giữ sáu chức thượng thư triều Mạc mang một ý nghĩa không chỉ chuẩn mực về nội dung nhận định mà còn là phát ngôn hành chính tầm Nhà nước công nhận đóng góp của Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn xứng tầm với những điều kiện mà thời đại ông đòi hỏi cho tước hiệu này.
Cần “chuẩn hóa” lại những nội dung về thân thế Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm được phong tước “Quốc công”, một tước hiệu cao quý chỉ dành cho những tướng soái hoặc văn nhân có tài điều binh khiển tướng đánh giặc. Nếu không tước này chỉ dành cho con cháu Hoàng thất. Từ những nghiên cứu về Trạng Trình cho thấy ông là người văn võ song toàn, từng ra trận đánh giặc và góp công lao lớn bình ổn Mạc triều.
Kỳ 2: Trạng Trình là mưu sỹ lớn ngoài trận mạc
Chúng ta thường quen nhìn nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách danh nhân văn hóa với phẩm chất nổi bật Nhà thơ, nhà giáo, nhà dự báo và phẩm chất nhà chính trị ít được nói tới, đặc biệt phẩm chất nhà quân sự của ông là một ngạc nhiên với nhiều người; song sự thật lại chứng minh ông từng tham chiến và là nhà quân sự tài ba.
“Tuổi già gắng gỏi việc binh nhung”
Trạng Trình rất khiêm nhường nói về câu chuyện cùng vua “xa giá” ra trận, nhưng các cuộc hành trình ấy ông đều có ghi lại trong thơ. Hiện còn lại trên mười bài thơ ông viết về đề tài này, nó vô tình trở thành những trang “nhật ký” ghi lại quan điểm chiến tranh và hành trạng của ông nơi trận mạc. Trước hết, Nguyễn Bỉnh Khiêm lo lắng cùng vua trước thảm cảnh giặc đe dọa kinh thành: “Giặc giã hoành hành ngang ngược phạm cả vào kinh đô/ Chúa lo tôi nhục đáng thương tình xiết bao” (Hữu cảm kỳ1). Ông cũng bày tỏ thái độ đánh giặc rõ ràng: “Lòng trời nếu chẳng dung tha kẻ gian ngụy/Thì hãy một phen trợ sức cho quân nhà vua”(Quá Hữu Giang 2). Nhiều bài thơ của ông nói về hành binh đánh giặc, bài “Hộ giá đi miền Tây qua châu Lục Yên”là một ví dụ:“Xa giá lớn đi miền Tây, đóng quân ở núi này / Khắp vùng trai gái đều trông mong được sống yên ổn”. Để báo quốc trung quân nên ngoài sáu mươi tuổi Ông vẫn tham gia chiến trận:“Tuổi già gắng gỏi việc binh nhung/ Giết giặc mong vì nước dốc trung”. Có những bài ông viết cụ thể hơn về việc hoạch định chiến lược chiến thuật của mình trong quân doanh“Già si đần, gặp thời loạn lạc/ Gắng theo quân bàn bạc mưu cơ”; Hoặc: “Đã hai dạo, già yếu theo quân đến phía sông miền Tây…Bỗng nghe đồn lũy giặc bị quét sạch không/ Mưu kế vạn toàn ở chốn miếu đường là tài lực của chư tướng/ Thư sinh này sao dám nói đến công lao”( “Qua sông Hữu 6). Với ông đánh giặc là vì hòa bình, ngay khi giữa trận mạc ông vẫn khao khát khao điều ấy “Tốn cô vì Chúa dốc công/ Định kỳ diệt giặc lấy xong đô kỳ/ Đất trời trở lại bình thì/ Quán Tân quê cũ, đi về Vân Am” (Cảm hứng 5)…
Những minh chứng thơ này có thể nói Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tự nguyện tham gia chiến đấu, đồng thời cho thấy ông được nhà vua tin yêu nhờ cậy. Rất tiếc rằng Trạng Trình vốn khiêm nhường và thơ không có chức năng như văn xuôi nên không biểu đạt được tài năng cầm quân giết giặc của ông như thế nào, song rất may mắn các nhà sử học lại không quên điều đó.
“Gắng theo quân bàn bạc mưu cơ”
Trong các sách “Công dư tiệp ký”- Vũ Phương Đề (1698-1761) ,“Đại Việt thông sử” - Lê Quý Đôn (1726-1784) dù được viết trên quan điểm Nhà Mạc là “ngụy triều” nhưng vẫn nêu khá rõ tài năng của Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư cách là vị “Quân sư” tài năng. Sự kiện quân Lê – Trịnh vây ráp kinh thành đánh Mạc Phúc Nguyên, tình thế rất căng thẳng và nhờ kế giải vây của Trạng Trình mà hóa giải được nguy cơ: “Tháng 3 năm Chỉnh Trị thứ 4 (1561), có người hiến kế với Phúc Nguyên rằng: Chi bằng dùng cách xuất kỳ bất ý, ngầm dẫn quân tiến thẳng vào Thanh Hoa, đánh ngay vào nơi tâm phúc, thì đạo quân đang vây ở Kinh Bắc và Hải Dương ta không cần đánh cũng sẽ tự giải. Đó là cái kế “đánh nước Ngụy để cứu nước Hàn” của Tôn Tử vậy”- (Lê Quý Đôn). Trong bài “Cần hiểu đúng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Vương triều Mạc” tại hội thảo khoa học “Nguyễn Bỉnh Khiêm trong lịch sử phát triển văn hóa dân tộc”, Viện KHXH tháng 10-1991; Tiến sỹ Trần Khuê đã xác định trong cụm từ “có người hiến kế”, thì người đó chính là Nguyễn Bỉnh Khiêm và ông khẳng định: “Nếu Nguyễn Bỉnh Khiêm thiếu tài thao lược hoặc không lập nên công trạng gì đáng kể hẳn vua Mạc không cần phong tặng ông những chức tước quan trọng như thế”.
Cũng sự kiện quân Lê Trịnh tấn công Kinh thành nhà Mạc, sách “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề ghi “Trong thời gian ấy, đức Thế tổ đã dấy nghĩa binh… Mạc Kính Điển (tướng nhà Mạc) đại bại, Thế tổ thừa cơ tiến binh theo đường núi phía tây ra đánh Kinh Bắc, khiến cho trong ngoài nơm nớp lo sợ, ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) hiến kế hư thực, họ Mạc theo đó thi hành, bấy giờ trong cõi mới ổn định”. Đại Việt Sử ký toàn thư ghi nhận kế sách “đánh Ngụy cứu nước Hàn” trong binh pháp Tôn Tử được Nguyễn Bỉnh Khiêm vận dụng đã tạo ra hiệu quả bình định cả xứ Nghệ: "Dân Nghệ An sợ thế Mạc đã lâu, quan quân (nhà Lê) xa cách không thể cứu ứng được, phần nhiều hàng họ Mạc”…
Sách “Công dư tiệp ký” cũng thuật lại khá chi tiết về công lao và mưu trí của Nguyễn Bỉnh Khiêm giúp vua Mạc thắng nhiều trận và dụ hàng được tướng tài Nguyễn Quyện. Vua Mạc Tuyên Tông biết Nguyễn Quyện là tướng tài của địch nên lấy làm lo ngại phải xin kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo đó, Tháng 8 năm 1557, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn ( tướng của Lê - Trịnh) nghe theo lời Nguyễn Bỉnh Khiêm, bèn rủ nhau trốn về với nhà Mạc. Sự trở về của hai anh em Nguyễn Quyện làm Mạc Tuyên Tông rất vui mừng. Đại Việt Sử ký toàn thư của nhà Lê ghi nhận: “Từ đấy, oai thanh của Nguyễn Quyện ngày một lừng lẫy, trở thành viên danh tướng của họ Mạc. Các tướng hùng, tôi giỏi cả miền Giang Đông đều cho là không bằng Nguyễn Quyện”. Nhờ tăng cường binh hùng tướng giỏi như vậy mà nhà Mạc đẩy quân Lê - Trịnh vào thế bị động và mất sức tấn công.
Cần lưu ý rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm là tôi trung nhà Mạc nên khái niệm “giặc” trong ông là tất cả các thế lực làm tổn hại vương triều Mạc. Tuy nhiên mang tâm của một nhà Nho hiền lương luôn coi “dân vi quý” nên ông lại muốn ngăn chặn cuộc nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến. Đây là một mâu thuẫn và ông tìm cách giải quyết nó bằng những mưu lược thâm sâu khác mà chưa đề cập ở bài viết này.
Việc xây dựng hình tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm như một nhà Nho tiết tháo từ bỏ triều Mạc, chống lại các vương triều phong kiến suy tàn, cáo quan ở ẩn… của một số nhà nghiên cứu trước đây nhắm vào mục tiêu phê phán tư tưởng hủ bại của xã hội phong kiến; Tuy nhiên vô hình chung đã làm tổn hại tới tấm lòng trung quân ái quốc, đồng thời làm mờ nhạt công lao cống hiến lớn lao trọn đời cho đất nước, nhân dân của ông. Đây là một nội dung cần nghiên cứu và tuyên truyền quảng bá lại để hình ảnh của danh nhân văn hóa sảng rõ về tầm vóc dưới góc nhìn lịch sử chân thật.