Về miền Hoa Phượng đỏ
Tôi nhiều lần vào Đà Lạt, có năm tới đây vào tháng ba âm lịch bỗng thấy ngỡ ngàng với bạt ngàn phượng như dải lụa màu tím bồng bềnh trong sương mờ cuốn theo các con lộ. Có lúc bần thần đứng trên đường Phù Đổng Thiên Vương ngắm hoa phượng trắng e ấp tinh khôi dưới nắng nhạt của xứ sở cao nguyên. Cũng nhiều lần ở Sài Gòn hay Cần Thơ nao lòng trước sắc phượng vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời nhiệt đới. Dẫu những cảnh sắc này có vẻ đẹp như những kỳ quan hoa phượng thì trong thẳm sâu, mùa hoa phượng đỏ nơi tôi cất tiếng khóc chào đời vẫn thật là khác biệt. Nó như cháy trong nắng rực rỡ và tiếng ve sôi, trong gió biển ồn ào phóng túng, nó là cả một miền sóng lửa cuồn cuộn mênh mang thắp sáng bên bờ đại dương: Miền hoa phượng đỏ Hải Phòng!
Thuở ấu thơ, trước nhà tôi là đường hoa phượng. Lũ trẻ con nghỉ hè tung tăng dưới tán cây. Bọn con gái thích lấy tăm tre cắm vào hoa làm thành những đàn gà: hoa lớn cắt tỉa gọn làm gà mái, cắm thêm vài nhánh lá thành gà trống, hoa nhỏ là gà choai, còn nụ là đàn gà con. Rồi bó cặp trống mái chơi trò đi tết, hay đem bán gà khi chơi trò họp chợ. Tụi con trai thích dùng hoa phượng để chơi những trò chơi mạnh như đá gà hay đập nổ tạo ra tiếng kêu của pháo “tép”… Tiếng cười nói ngây thơ con trẻ cứ diễn ra như vậy dưới tán phượng lung linh hoa nắng và gió biển lồng lộng cho đến khi hoa rạc mùa báo thu sang…
Tôi nhớ có một đêm hè, ngồi dưới gốc phượng hóng gió, nhìn phượng như những chùm lửa cháy thấp thoáng dưới trăng, ông nội kể cho tôi nghe về sự tích hoa Phượng vĩ. Theo lời ông, gọi là Phượng vĩ vì hoa của nó giống hình đuôi chim Phượng hoàng mà theo truyền thuyết ở nước ta, loài chim này chính là hóa thân của Mẫu Âu Cơ. Chuyện là, Mẫu thường hóa thành Phượng hoàng để bay đi cứu dân lành, có một ngày Mẫu gặp một ác thần cản đường, trong lúc nguy cấp thì Long thần tức Lạc Long Quân bay đến giúp sức diệt tên thần ác kia. Cuộc gặp ấy đã tạo nên mối duyên thần tiên. Họ thành vợ thành chồng, rồi sinh trăm trứng nở trăm con thành dòng giống người Việt Nam. Các Nhà Nho cho rằng chim Phượng hoàng là biểu trưng của tình yêu và khát vọng chinh phục bầu trời và cũng từ đó hay dùng cặp từ “Long Phượng” để chỉ cặp trai gái kết ngãi vợ chồng trăm năm…Câu chuyện của ông làm tuổi ấu thơ tôi cứ ám ảnh mãi một câu hỏi: không biết có phải quê tôi chính là nơi Mẫu Âu Cơ gặp Quốc tổ Lạc Long Quân không mà cả thành phố đều rợp trời hoa phượng?
Bây giờ mỗi lần nhìn bông hoa phượng đỏ tôi thường như bị thôi miên và nghĩ ngợi về nó rất nhiều. Cây Phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng tại thành phố quê tôi vào những năm cuối thế kỷ 19, không biết nó đến đây bắt đầu từ cây hay từ hạt, và hành trình bằng máy bay hay tàu thủy? Nhưng được trồng trên đất mẹ hợp thủy thổ và được con người xứ biển chăm chút nên Phượng sinh sôi nảy nở nhanh chóng thành một miền. Cây phượng gắn bó và như nhiễm cảm cốt cách người dân Hải Phòng, không cao sang nhưng chói lọi mắt nhìn, không kén môi sinh, không đòi chăm bẵm... nơi nào cũng có khả năng sống rất cao, bất chấp cằn cỗi mặn chua và giông tố. Sau khi trút hết lòng mình trổ mùa hoa lửa tạo nên vẻ đẹp đầy sức sống hừng hực dâng hiến thì lại căng những tán lá xanh tạo ra những vòm ngực khổng lồ chắn mùa gió bão vào tháng bảy. Ngay cả khi trút hết lá, cánh tay phượng vẫn giữ mãi không thôi những chùm quả như muốn gửi lại hạt giống cho cuộc sống tái tạo những mùa phượng tiếp nối sinh sôi…
Phượng gắn bó cùng người đất Cảng với cuộc hành trình “Đi trước, về sau” trong kháng chiến chống Pháp, ngày 13 tháng 5 năm 1955, phượng cháy đỏ Bến Nghiêng thành một nhân chứng cho sự kiện đội quân xâm lược cuối cùng rút khỏi miền Bắc theo Hiệp định Genève; và như những bó đuốc trời đón chào ngày thành phố hoàn toàn giải phóng. Những năm tháng Hải Phòng bị Đế quốc Mỹ bắn phá hủy diệt, cành phượng phủ trên nóc những toa tàu trôi qua cửa nhà tôi chở hàng tới miền Nam. Lá phượng xanh bó vào nòng pháo Cao xạ trên các chốt điểm phòng không, cắm trên những chiếc mũ rơm của chúng tôi để làm ngụy trang trên đường đến lớp. Trong cuộc chiến tàn khốc ấy, phượng cũng có số phận như người, giữa hoang tàn phố tan nhà đổ, nhiều đường phượng bị bom bật tung gốc rễ, thân cành bị phạt gẫy ngổn ngang sau mỗi lần máy bay quân thù oanh kích...Nhưng thật diệu kỳ, những hạt phượng vùi trong đất vẫn trổ mầm vươn dậy thành cây khỏe khoắn từ trong giông tố, bão lửa kết dệt thành miền rừng hoa phượng bất tử ngay bên bờ sóng.
Khi hoài niệm về Phượng, tôi hay nghĩ về loài cây này trong mưa hạ. Giữa rào rạt mưa rơi, gió quất... ve vẫn ngân từng khúc ngắn và phượng vẫn cứ cháy đỏ trời. Phượng muốn minh chứng cho sức sống bền bỉ và kiêu hãnh của mình hay còn muốn gửi những khát khao gì tới trời xanh? Nhiều lúc lại nhớ phượng khi mùa đông đến, khi ấy, phượng trút lá trơ khấc cành xương. Khi ấy, nếu nhìn những “đại phượng” vút giữa lưng trời tán xương nâng đỡ cả cồn mây trắng xám thần bí ngỡ như một lão trượng trầm tư thế sự giữa đất trời. Còn những đường phượng trẻ chẳng khác những hàng thiếu nữ thanh lịch khoác voan sương mềm mại dùng dằng trong gió dắt nhau vào lễ hội mùa đông. Các kỹ sư trồng trọt thì bảo: cây “ngủ đông” đấy! Tất cả sức sống và hồn vía của nó thu lại sau lớp vỏ chấp nhận thách thức với sự châm chích của gió bấc căm căm lạnh giá, tự tồn tại bằng nguồn nội sinh của chính mình và kiên nhẫn đợi chờ với niềm tin vào quy luật tự nhiên. Ra giêng, trong làn mưa bụi trắng trời, phượng bắt đầu cựa mình thức giấc, nó bắt đầu trổ lộc trên các chùm cành nhỏ, khi qua rét Nàng Bân, thì những phiến lá đã xòe ra như hàng trăm ngàn bàn tay trẻ sơ sinh non tơ vẫy tìm gió mới. Phượng thường bắt đầu đặt chân vào mùa lúc thượng tuần tháng 4, khi có những tiếng kèn ve ngắt quãng, nắng hè bắt đầu đổ xuống như rót mật và ngoài đồng lúa đã vàng ưng ửng. Đến trung tuần tháng 5 là thời đỉnh điểm phượng nở, phượng như trút hồn mình ra mà cháy, như vắt ra mọi thứ nó kiếm bòn từ trời đất: chớp nguồn, mưa biển, ngày nắng, đêm sương… thành lửa, lan cháy đỏ mọi miền. Nơi sân của các trường học đặc biệt các trường cấp 3, học trò túa ra vào những giờ ra chơi, hàng ngàn ánh mắt ngước nhìn bầu trời xanh ngắt với những cụm mây bông nõn lững lờ trôi ngang, nhưng không có ánh mắt mắt nào không nhuốm sắc hồng hoa phượng. Ai đó hào sảng cất lên một đoạn ca từ: “ Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ. Ôi! Hải Phòng thành phố quê hương...”, và ai đó trầm tư ngồi dưới gốc phượng, trong vòng tán xòe rộng như những chiếc ô màu lục, lặng lẽ ép hoa vào trong cuốn sổ, nơi có một bài thơ tình chưa biết bao giờ mới gửi! Còn tôi thường chăm chú vào một bông hoa, và không ngừng thôi liên tưởng về màu cờ tổ quốc vì phượng vĩ có 5 cánh, 4 cánh hoa tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ hơi cam, cánh hoa thứ năm mọc thẳng, nếu cây hoa mang gen giống gốc tự nhiên của loài Kim phượng thì cánh này có màu vàng... .Người ta thường nói mùa phượng là mùa chia ly của tuổi học trò, nhưng tôi không thấy vậy. Phượng như ngọn đèn tín hiệu của cuộc đời, nó nhắc tôi hết tuổi học trò và châm vào lòng tôi khát khao khám phá một tương lai đang chờ đợi ở chân trời. Sân trường vào độ cuối tháng 5, trong tiếng trống báo tan trường vừa thôi thúc vừa lưu luyến, phượng bỗng như hừng lên thắp lửa hy vọng và truyền nhiệt cảm hứng cho chúng tôi, những chiếc thuyền nhỏ bé bên mép biển, chuẩn bị hóa thành những con tàu lớn xé sóng vào đại dương bao la...Rồi khi đi qua biển lớn, đi qua những chân trời, thì vẫn là bến Phượng gọi tâm hồn chúng tôi về neo đậu.
Không gian bên ngoài thế giới nhà trường thì mênh mông rừng rực sắc phượng. Đây cũng là lúc ve sầu trình diễn bản đại trường ca mùa nắng với nhiều cung bậc sôi động của mình dài hơn cả trăm ngày. Phượng đỏ các bờ ruộng quê, phượng hồng các mạch đường phố, thành giải hoa kết thắm năm cửa ô, phượng cháy bên mép biển xanh... Phượng rực một phương trời. Nếu ai có lòng thưởng thức Phượng vĩ thì xuôi đường Phạm Văn Đồng ra biển Đồ Sơn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ quyến rũ, thúc gọi của tuyến đường phượng đẹp nhất Việt Nam. Suốt 20 km chiều dài, trong gió biển phóng túng cồn cào, có cảm giác như xuôi thuyền trên một dòng sông lớn cuộn trào sóng lửa…Cũng có thể theo tàu thủy ra đảo Cát Bà, nhìn từ biển, các hòn đảo chuyển động như một bức tranh trôi kỳ thú mà giữa gam màu xanh cộng sắc biển trời thì phượng rực hồng làm thành cây đuốc biển.
Năm 2012, thành phố của tôi đã chọn thời điểm kỷ niệm ngày giải phóng thành phố để mở “Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ nhất”, có lẽ đây là lễ hội độc nhất trên thế giới cho loài hoa này? Không biết đã có ai đặt thêm mỹ danh thứ hai cho thành phố Hải Phòng là “Thành hoa phượng” và đã có chương trình nào xin ý kiến tôn vinh loài hoa này lên ngôi vị “Thành hoa” chưa? Nhưng tôi biết, lễ hội được tiến hành hàng năm, các nhà chính trị, văn hóa có thể gửi gắm nhiều mục tiêu và gia cường ý nghĩa của nó. Song với riêng tôi, cây Phượng vĩ như một người mẹ Hải Phòng chân bám vào cỗi cằn rùng rùng sóng động, nhưng kiên trung và nhân ái dang rộng cánh tay xanh chở che cho cuộc sống con người của vùng đất đầy nắng lửa và đầy sóng gió. Còn trái tim của mẹ thủy chung lời thề hẹn, cứ độ tháng 5 lại kiêu hãnh trổ mùa hoa đỏ như cốt cách của lửa, như ngọn hải đăng bên mép biển Đông. Mỗi cánh hoa lại hóa thành một cánh chim Phượng Hoàng thổi bùng khát vọng cho người đất Cảng vượt không gian bất chấp giông tố, thách thức... bay lên chinh phục đại dương và chiếm lĩnh bầu trời./.
Đầu hạ, 2020
Nguyễn Đình Minh.