Câu thơ… Đại diện chính tim mình – Nhà thơ Ngọc Bái

(Đọc tập thơ Lặng lẽ đời cây của Nguyễn Đình Minh - Nhà xuất bản Văn học- 2016)

Tạo được một giọng điệu thơ riêng có, là nét nổi bật trong thơ Nguyễn Đình Minh. Có thể nói mỗi ngày cả nước xuất hiện dăm bảy tập thơ, nhưng những bài thơ, những tập thơ thỏa mãn người đọc không nhiều, chưa nhiều.

Đáng mừng là thơ Nguyễn Đình Minh không bị rơi vào số đông dễ quên lãng. Đọc “Lặng lẽ đời cây” thấy Nguyễn Đình Minh nặng lòng suy ngẫm về thế sự và những đổi thay xã hội đang là điều đương nhiên. Trong sự đổi thay ấy, biết bao sự mới mẻ đáng trân trọng, nhưng cũng bao sự biến đổi đắng đót. Phải là người luôn động tâm quan sát, nghĩ suy mới không bỏ qua những sự biến cải ấy.

Chỉ đọc một số bài thơ với các tiêu đề là đủ thấy điều tác giả ký thác trước hiện thực: “Thư mẹ ngày @, Đi trong cát thời gian, Ghi trong tou du lịch, Ngỡ lạc quê hương...). Cái thời dễ thấy những mối quan hệ vật chất, quan hệ đồng tiền lạnh lùng đang xoán ngôi những giá trị tinh thần bao thế hệ người Việt gìn giữ.

Nguyễn Đình Minh trước sau vẫn chung thủy với lối nghĩ chân tình của người nhà quê, lối nói mộc mạc dễ gần của người nhà quê!

Kẻ làm ruộng vẫn trần lưng, lấm đất ở dưới trời

Cây lúa uống mồ hôi mà sinh ra ngọc thực

Gạo kết trắng tinh khôi từ nóng lạnh cõi người

(Hạt lúa)

Nhắc tới lề thói đã trở thành nếp sống của lớp người lấy lễ nghĩa, ứng xử văn hóa làm trọng, Nguyễn Đình Minh liên hệ tới một lớp người tuy có chức vị một thời, nhưng sống khiêm nhường. Liệu câu thơ có động chạm tới số người có quyền chức, nhưng vô sư vô sách hôm nay đang sống trên dư luận?

Những ông quan ngày xưa

Trước cổng làng, âm thầm xuống ngựa

Những tướng lĩnh hôm nay, lặng im ngồi chiếu dưới

Cúi đầu vái một làn hương.

(Nghe thì thùng trống hội)

“Vái một làn hương” , cử chỉ đẹp, trước những gì linh thiêng, đáng tôn thờ! Ở một bài thơ khác, Nguyễn Đình Minh nhiệt thành ngợi ca vẻ đẹp của “những bông hoa lúa”, “hoa của đồng quê” tượng trưng cho phẩm hạnh phụ nữ. không phô trương và lặng lẽ hiến dâng.

Họ bay qua cuộc đời như những áng mây

Rồi lại thành mưa trở về với đất

Hóa những bông sen sống vùi trong nước

Vươn nở ở giữa trời

Và cứ thế mà thơm

(Những bông sen nước)

Đời cây như thể đời người. Đã có nhiều người ví von như vậy. Nguyễn Đình Minh đã lấy “Lặng lẽ đời cây” để làm tiêu đề cho cả tập thơ. Nhưng làm đời cây chẳng thật dễ dàng, nó trải nắng trải mưa đầy thử thách. Sự bầm dập của cuộc sống đã “vắt kiệt những non tơ”, nhắc nhở người đời rằng những bất chắc đang rình rập phía trước, và “niềm đau lặn vào ruột vào tâm”.

Mới nhú thôi đã bị dìm trong tái tê rét lộc, rét đài

Vừa ngơ ngác lá non tơ đã hè thiêu bỏng rát

Neo thân vào cỗi cằn, tần tảo kiếm bòn từ đất

Ăn nắng, uống mưa

Giấc ngủ gối gió trời

(Lặng lẽ đời cây)

Chính vì đau đáu với quê kiểng, với những gì luôn day trở đối với người làm thơ mà Nguyễn Đình Minh bật lên những câu thơ xa xót.

Đêm trằn trọc xa quê, nghe tiếng quê rất rõ

Như hương áo nâu trầm, như ánh mắt trong veo

Nơi ấy, giờ chìm trong ồn ã tiếng người, xe

Những cao ốc xếp lô xô, nôn nao mùi phố thị

Cha mẹ hóa hương đồng theo mây về viễn xứ

Xộc xệch một mảnh chiều

(Trên vuông đất ngày xưa)

Cùng một cảm thức về làng quê với những biến đổi đi lên, lại có gam trầm về bức tranh tô vẽ nguệch ngoạc vội vàng. Những nhốn nháo của thời cơ chế thị trường, mạnh ai nấy lo. Nguyễn Đình Minh đã không bỏ qua những điều day dứt về vùng thôn dã còn quá nhiều tệ tục. Những đại gia khoe của, khoe sự lố lăng không hiếm thấy.

Làng thoi thóp những tháng ngày chầu về tiên tổ

Quê trong cháu con lúc nhớ, lúc quên

Chỉ còn bãi tha ma, những ngôi mộ mọc lên như biệt thự

Văn minh phố ngược về xây...

Chôn chặt mảnh hồn làng

(Cuối mùa sen)

Viết về quê hương của tháp cổ với những thăng trầm lịch sử và những cuộc binh đao đẫm máu, nhưng vẫn còn đâu đó dấu vết mồ hôi của nghệ nhân và vũ điệu Apsara mê đắm, với sức sống vượt thời gian, Nguyễn Đình Minh đã có cái nhìn sâu xa về hậu quả của thời loạn.

Chiến tranh chẳng bao giờ tự khoe khuôn mặt thật

Nhưng bước chân cuộc chiến nào

Cũng để lại những héo nhàu, chỉ máu chảy là tươi (?!)

(Tấc hồn Chăm)

Thấu hiểu những cơ khổ của người dân chính là phẩm chất của thi sĩ luôn hướng về những nỗi đau, những gian lao của mưu sinh khốn khó. Không ít những câu thơ Nguyễn Đình Minh nói tới những người, những cảnh của lớp cần lao đang chịu đựng bao dồn ép của thiên tai, nhân tai!

Nhịp vó gầy cất trăng suông cót két

Mẻ lưới kéo lên vỡ nát mảnh trời chìm

Phận thường dân mỏng manh như hạt nước

Miếng cơm ăn chan võng bát mồ hôi

(Bên dòng sông đang chết đuối)

Không quên nhắc tới những điều còn xô lệch, vết tích không ai mong muốn của thời cái giả đang trà trộn vào cái thật, biến dạng của thực dụng và ngụy giá trị, ỷ vào đô thị hóa! Tác giả không ít lần đặt dấu hỏi.

Thiếu hồn quê hương và không quá khứ

Có phải vô tình ươm nấm độc ở tương lai?

(Ghi trong tour du lịch)

Cảnh tỉnh trước những cái ác đã làm băng hoại tính người. Nhìn cảnh bầy khỉ bị sập bẫy do sự “khát thèm” của con người, thấy tội nghiệp cho cả kẻ săn thú và thú bị săn. Tác giả chỉ còn biết mượn mái Chùa cứu rỗi.

Trốn vào ánh từ bi mỏng manh mà nương náu

Trong tiếng chuông rung, ứa nước mắt chiều

(Bầy khỉ dưới mái chùa)

Chưa hết những xa xót cho “số phận” của loài khỉ bất lực, tác giả lần nữa lại nhắc tới chữ Tâm của nhà Phật. Nhưng oái oăm là ở chỗ nhiều người thờ chữ Tâm mà hành xử chả đúng chữ Tâm chút nào!

Mái Phật nhỏ nhoi trước cuồng phong nhân thế

Nên đời mãi chông chênh trước dịch lý vô thường

(Bên tượng khỉ “Tam không”)

Đấy là điều người đời còn phải trăn trở. Bức tranh nửa phố nửa làng của thời đô thị hóa không ít những vết loang lổ nhốn nháo, không có gì lạ. Bằng sự cảm quan trước những cảnh đời ấy, tác giả đã chỉ ra cái bất cập mang tính văn hóa và phản văn hóa.

Khi bàn nhậu

Lũ trẻ trai róc thịt ca dao nặn thành thơ con cóc

Trộn với tiếng cười rỗng roãng giữa cơn say

(Đêm trong phố gặp cổng làng)

Nguyễn Đình Minh hoàn toàn không cực đoan khi nhìn nhận sự vật chỉ ở một phía. Đổi thay là đương nhiên. Nhưng đổi thay mà bất chấp đạo lý, bất chấp những giá trị tinh thần thì thật đáng báo động!

Vẫn biết phải đổi thay như một lẽ sống còn

Nhưng sẽ ra sao

Nếu một ngày ta bỗng thành xác sống?

Hồn quê nghẹn ngào trong những câu thơ buồn hoài niệm

Thì đổi thay thế kia có phải ước mơ làng?

(Ngỡ lạc quê hương)

Trước sau Nguyễn Đình Minh vẫn hướng ngòi bút của mình đến những cảnh đời còn nhiều thiệt thòi, nhưng tự nhiên thơm thảo

Và con thuyền lại trôi vào phương trời vô định

Bông lúa uốn cong như dấu hỏi trên đồng

Sen vẫn nở hương thơm tỏa vào hoang vắng

Ướp câu thơ buồn...

(Xóm rìa sông)

Chi ra nghịch lý của lối làm ăn manh mún của người chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, xác xơ vẫn hoàn xác xơ, do không lối thoát. Kiếp bù nhìn vẫn là kiếp bù nhìn. Đấy chính là điều tác giả chờ đợi, mong muốn sự đổi đời của những kiếp sống bé mọn.

Ngay dưới chân là ruộng mật bờ xôi

Vẫn mảnh thân gầy nón mê áo vá

Như thừa ra, bẽ bàng, xa lạ

Giữa lá ngằn ngặt xanh, trái ngọt, hoa thơm...

(Bù nhìn)

Khi đến đất Phật, nghe tiếng chuông ngân, tác giả đã suy ngẫm về luân hồi, về kiếp trần gian. Triết lý của nhà Phật về “sắc sắc, không không” liệu có đủ sức làm chiếc phanh hãm cho những dục vọng? Những câu hỏi cứ day trở mỗi khi đọc kinh Phật. và rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ đang cần người đời trả lời. Đấy là điều Nguyễn Đình Minh gợi mở trong thơ.

Đem gói những hồ nghi mang gửi gió

Rằng vì sao đã nhọc công dựng tháp, định phương

Mà cầu dẫn người qua lại xây bằng hư ảo?

(Mưa trên đá Tây Thiên)

Phải nói thơ Nguyễn Đình Minh đã tung tẩy trên nhiều đề tài, nhiều suy ngẫm, nhiều miền quê, nhiều gửi gắm. Đã có những bài thơ, nhiều câu thơ động đến tâm thức của người đọc. Điều dễ nhận thấy qua “Lặng lẽ đời cây” là sự vững vàng trong sử dụng ngôn ngữ, trong cấu trúc mỗi bài thơ, khiến người đọc phải chiêm ngẫm. Ấy vậy, Nguyễn Đình Minh cũng chỉ tự nhận rất từ tốn, đó là những bài thơ “đại diện chính tim mình”.

18/10/2016

NGỌC BÁI