Chống dạy thêm học thêm tràn lan: Dự thảo của Bộ Giáo dục chưa phải “ cây đũa thần”

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo “Quy định về dạy thêm học thêm” (DTHT), với 6 chương 22 điều. Mục tiêu của quy định này nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong giáo dục về hoạt động dạy thêm học thêm, vốn đang là vấn đề bức xúc trong xã hội. Theo đó, bản dự thảo đã đề cập khá bao quát và thể hiện rõ quan niệm chỉ đạo các nội dung hoạt động DTHT. Tuy vậy, dự thảo cũng bộc lộ một số vấn đề cần điều chỉnh để hoàn thiện trước khi trở thành văn bản chính thức.

 

1. Các vùng mờ trong quy định.

dlap1Ngay trong Điều 1, văn bản xác định “Dạy thêm học thêm được đề cập trong Qui định này là hoạt động dạy học phụ thêm, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài Kế hoạch giáo dục của Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”. Như vậy, vẫn có thể tổ chức những chương trình khác như dạy Ngoại ngữ 2, dạy phỏng vấn cho học sinh tham dự du học; dạy các nội dung kỹ thuật, đời sống … theo yêu cầu người học.

Quy định người quản lý “Có trình độ được đào tạo tối thiểu tương ứng với giáo viên dạy thêm theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khái niệm tương ứng là mơ hồ. Giả sử một chủ tịch phường trong nội đô, có trình độ Thạc sỹ kinh tế chưa phải là tương ứng với trình độ sư phạm của một giáo viên mầm non, chưa kể tới phần lớn chủ tịch xã vùng nông thôn hiện thời chưa có bằng đại học. Vậy ai là người quản lý?

Mức thu tiền học thêm trong ngoài nhà trường đều được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, với hoạt động dạy thêm trong nhà trường, Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu với UBND cấp tỉnh xây dựng văn bản hướng dẫn về sử dụng, quản lý tiền học thêm. Hai quy định này trong cùng văn bản có lẽ trái chiều, bởi nếu Chính quyền địa phương quy định mức thu  thì không gọi là thỏa thuận được. Mặt khác nếu cứ để thỏa thuận giữa người dạy và người học thì giá tiền chắc chắn sẽ  “Trăm hoa đua nở”. Bởi có hàng loạt sự khác nhau: về trình độ uy tín, giá tiền đặt ra của giáo viên, khả năng kinh tế, hoặc tính bức xúc cần thiết của nhóm CMHS, tầm quan trọng của các môn học…

Điều 14, điểm 3 của Dự thảo ghi “Căn cứ tình hình thực tế của địa phương có thể cấp kinh phí cho các cơ sở giáo dục để tổ chức hoạt động DTHT trong nhà trường”. Đây là một điểm mới dường như chưa có tiền lệ. Vấn đề đặt ra là HĐND và UBND tỉnh cần phê duyệt thêm 1 mục chi cho hoạt động này của giáo dục, và đối tượng trường nào được cấp kinh phí này? Chi như thế nào? Mặt khác mức cấp có đủ chi ngang bằng với giá thu thỏa thuận từ dân không… đó là những vấn đề còn nan giải.

 

Quy định mới đạt đến mục tiêu quản lý người tổ chức và người dạy, nhưng chưa quản lý được người học. Bởi quy định học tại trường 9 tiết/tuần, nhưng học sinh vẫn tiếp tục học tại các cơ  sở bên ngoài ngoài thời gian này? Điều đáng quan tâm là, khi không tìm được thày như ý bên ngoài, gia đình và học sinh sẽ tạo ra những lớp trá hình khác với giáo viên nhà trường.

2. Nội dung còn bất cập.

Văn bản quy định “Đối với học sinh tiểu học, việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao; rèn luyện kỹ năng sống”. Trên thực tế,  tỷ lệ học sinh tiểu học có lực học yếu kém là vô cùng nhỏ. Do vậy để quy được số lượng này tạo thành một lớp học/ khối là quá khó khăn. Vả lại khi số lượng học sinh/lớp ít, sẽ mâu thuẫn với việc đóng góp phải cao. Những nội dung được quy định dạy lại rất khó kiểm soát và ai đánh giá chất lượng? do vậy trong thực tiễn, giáo viên vẫn dạy các môn văn hóa hoặc biến lớp học thành một thứ mẫu giáo “siêu lớn” mà thôi.

Việc không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khoá sẽ tạo ra nghịch cảnh. Do đã tổ chức phân loại học sinh (Cũng theo quy định này), vậy nếu một đơn vị lớp đều là học sinh giỏi, hoặc toàn em kém có nhu cầu bổ túc hoặc học nâng cao kiến thức mà lại phải cắt ra cho phải phép thì e sẽ vẫn là bệnh hình thức. Vả lại, chính văn bản quy định lớp học bao gồm những học sinh tự nguyện tham gia, do vậy không lý gì một lớp tự nguyện 100% lại không được dạy. Cần lưu ý, khi học sinh trong một tập thể đã tự tạo dựng một môi trường thân thiện, một cách thức làm việc theo quan hệ cặp hoặc nhóm  sẽ là điều kiện lý tưởng để học sinh học tốt.

Quy đinh Giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức DTHT ngoài nhà trường, chắc chắn là vấn đề có nhiều bàn luận. Trên thực tế, khi một giáo viên đủ năng lực mà thu hút được người học lại chính là giáo viên đương nhiệm. Họ là người đang hành nghề được cập nhật thông tin, tri thức phương pháp giáo dục một cách đầy đủ nhất. Nói cách khác họ là những người “sản xuất” ra sản phẩm với công nghệ tốt nhất thì lại bị cấm?

3. Cần bắt đúng bệnh để cắt thuốc hiệu quả.

Hoi_thao1Trong thực tế, các tỉnh thành phố đều ban hành những văn bản chỉ đạo riêng về DTHT, mỗi nơi mỗi vẻ và kéo theo những bức xúc khác nhau của ngành giáo dục và nhân dân khu vực. Việc quy về một mối quản lý hoạt động này là một động thái tích cực. Đương nhiên, đây mới chỉ là dự thảo, và khi đến văn bản chính thức còn phải được điều chỉnh phù hợp. Mặc dầu vậy, với quá nhiều  bất cập trong một dự thảo lại là vấn đề  Bộ giáo dục cần phải xem xét trên cơ sở thực tiễn. Có vậy mới đảm bảo được hài hòa quyền lợi của nhân dân và quyền lợi của cán bộ giáo viên trong ngành.

Song vấn đề  nguyên nhân căn cốt của tình trạng DTHT tràn lan chưa hẳn chỉ nằm trong khâu quản lý. Nó còn nằm trong lỗi hệ thống của ngành, mục tiêu, nội dung chương trình có đảm bảo tương thích  sức học của học sinh không, hay quá tải? Việc tổ chức thi vào đại học với kiểu tuyển sinh “tinh hoa” chưa thay đổi với những bộ đề thi khó khăn, nếu học sinh không học thêm liệu có đỗ? Bên cạnh đó là sức ép của gia đình cho con cái, và sức ép của xã hội với ngành giáo dục. Mặt khác vấn đề quan trọng là người giáo viên nếu chỉ hành nghề với mức lương thu nhập bình quân hiện thời chỉ 2,2 triệu đồng/tháng liệu có đủ mưu sinh… trong đó thật hài ước có cả những chính sách mà ngành giáo dục tự làm khó cho chính mình. Tất cả tạo ra những tác động kích thích cho phong trào DTHT tràn lan phát triển. Điều này cần  nghiên cứu sớm, để triệt phá việc DTHT tràn lan tận gốc.