Có thể bạn quan tâm
Chùm Đoản văn của Trần Đức Tiến
Nhà văn Trần Đức Tiến sinh ngày 02 tháng 5 năm 1953, quê ở làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội năm 1975. Ở Hà Nội từ 1970 đến 1986. Cuối 1986 chuyển vào sống ở Vũng Tàu. Nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1996. Hiện là Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8, Trưởng ban Công tác nhà văn khu vực miền Đông Nam Bộ.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Linh hồn bị đánh cắp (tiểu thuyết, 1990 - in lại 2006); Bụi trần (tiểu thuyết, 1992 - in lại 2004, 2006); Bão đêm (tập truyện ngắn, 1993); - Mười lăm năm mưa xói (tập truyện ngắn, 1997); Tuyệt đối yên tĩnh (tập truyện ngắn, 2004); Lỏng và tuột (tập truyện ngắn, 2010); Vương quốc vắng nụ cười (tập truyện thiếu nhi, (1993); Dế mùa thu (tập truyện thiếu nhi, 1997); Thằng Cúp (tập truyện thiếu nhi, 2001); - Làm mèo (truyện vừa thiếu nhi, 2003); Trăng vùi trong cỏ (tập truyện thiếu nhi, 2006)…
Giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 cho tập truyện Lỏng và tuột.
Nguyendinhminh.net trân trọng giới thiệu chùm đoản văn của Trần Đức Tiến
MƯA PHÙN
Hai mươi năm trước, hai người chia tay nhau. Một cuộc chia tay buồn, thật buồn, nhưng cả hai đều cố giấu nỗi buồn. Anh chuyển hẳn vào Nam sinh sống. Thỉnh thoảng vẫn điện thoại cho chị. Mùa đông ngoài Bắc mưa phùn gió bấc. Quên làm sao những lần đi chơi về khuya mưa đẫm tóc. Má môi chị cũng lạnh đi vì mưa... Tiếng chị nghe thảng thốt trong máy: “Anh bảo trong ấy đang nắng to à”? “Ừ, nắng chang chang. Như giữa mùa hè ngoài Bắc”. Chị lặng người. Thật khó hình dung ra trong một nước, chỉ cách nhau hai đầu dây nói, mà một đầu thì lạnh lẽo u ám, một đầu thì nóng bức chói chang.
Sang tuổi ngũ tuần anh mới có một lần ra Bắc, tình cờ đúng vào vụ rét. Phố nhỏ đèn khuya mưa giăng mờ. Chị tiễn anh ra cửa: “Cầm lấy chiếc ô này che tạm. Để đầu trần, ngấm mưa thì khổ”. Anh cười cười, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lưa thưa sót lại trên đỉnh đầu: “Tôi bỏ ra bao nhiêu tiền chỉ cốt mua lấy cái mưa phùn này thôi”. Rồi không để ý đến cặp mắt loáng ướt của chị, anh quay đầu, vội vã bước.
Mưa phùn! Mưa phùn!
Đi hết đời người chưa chắc đã hết mưa!
THÁNG NGÀY THONG THẢ
Anh hẹn: thứ ba mình lên nhà Phương chơi. Thứ ba, thứ ba! Tại sao lại thứ ba mà không phải là thứ tư, thứ năm hay thứ bảy? Anh quên rồi. Lời hẹn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, thành quen. Bắt đầu từ mùa khô năm ngoái. Dạo đó, hình như Phương không có giờ lên lớp vào ngày thứ ba. Có nhiều chuyện muốn kể cho Phương nghe lắm. Nhất định mình sẽ đến.
Nhưng một mùa khô nữa sắp qua…
Mà đâu chỉ có chuyện hẹn đến nhà Phương? Còn bao việc khác nằm yên đó. Trồng thêm cái cây ở góc vườn. Mua đôi giày vải để tập leo núi. Viết một cuốn sách mới… Những dự định riêng nho nhỏ. Chẳng công to việc lớn gì. Chẳng ảnh hưởng ghê gớm gì đến ai. Tặc lưỡi một cái là có thể bắt đầu. Ấy thế mà vẫn chưa bắt đầu được. Chưa bắt đầu, không phải vì thiếu thời gian. Trái lại, thời gian đến là dài. Ngày nọ nối ngày kia tuần tự.
Sáng nay chợt thức dậy, nghe văng vẳng tiếng kèn ò í e. Mở cửa, thò đầu sang hỏi thăm ông hàng xóm:
- Ai thế?
- À, ông hàng gạo ở đầu phố.
- Hàng gạo nào?
- Ông chủ cửa hàng bán gạo đó! Cái ông sáng sáng vẫn tập thể dục, huỳnh huỵch chạy qua đây. Hôm qua đi rồi.
Anh khép cửa, bàng hoàng. Người như thế đã “đi”, bất ngờ nhỉ? Ôi, mà biết thế nào được! “Tai họa như trẻ con trên mặt đất”. Anh lẩm bẩm câu thơ theo thói quen. Rồi thẫn thờ nhấc máy điện thoại. Thẫn thờ bấm số máy.
- Phương đấy à? Ừ mình đây. Thứ ba có bận không? Thứ ba mình đến nhé!… Không, không có chuyện gì…
CHUYỆN ỄNH ƯƠNG
Hồi anh mới chuyển đến, thành phố còn thưa người, nhà cửa lúp xúp, những bãi hoang xen lẫn ao chuôm. Trận mưa đầu mùa trút xuống trong đêm, tiếng ễnh ương mừng nước gọi nhau náo nức. Anh nằm không ngủ, tưởng như mình đang sống lại những ngày thơ ấu ở làng.
Những mùa mưa nối nhau qua. Tiếng ễnh ương tắt lịm từ mùa mưa nào cũng không ai để ý. Một buổi chiều, anh cùng vợ lên núi. Vừa dứt một trận mưa to. Dưới tán rừng ướt đẫm, bất chợt vang lên những tiếng inh uôm rời rạc, âm u như vọng ra từ vách đá. A, thì ra những chú ễnh ương đã bỏ phố cho người, nhà cửa, đường sá, xe cộ… để sơ tán lên núi cao. Thành phố không còn chỗ cho các chú!
- Ngày xưa mưa xong không chỉ có ễnh ương kêu đâu nhé! - Anh lại nổi cơn thương nhớ đồng quê, quay sang nói với chị - Ếch nhái, chẫu chuộc, kèng kẹc, ễnh ương, mỗi loài một giọng. Dế gáy ran trong bụi cúc tần. Những con giun nằm ngủ sâu dưới đất cũng cất giọng ri ri hát…
- Nhớ thế thì về quê mà ở!
- Chưa biết chừng. Đợi ít năm nữa, có tuổi, bắt chước ễnh ương bỏ phố về làng.
Chị bật cười:
- Không phải ễnh ương nào cũng bỏ phố! Ngay trong sân nhà mình, vẫn còn một chú, sống dưới gốc mai.
- Sao không bao giờ thấy nó kêu?
Chị vẫn cười cười:
- Đi mà hỏi nó! Chỉ thấy suốt ngày nằm im như cục đất. Mỗi lần tưới nước cho mai, cu cậu rụt hết cổ lại. Có lẽ sống lâu dưới phố, quanh năm tứ đời nhốn nháo ầm ĩ như thế, lại thành câm điếc mất rồi…
VÁY
Chị mặc thử chiếc váy, xoay xoay mấy vòng trước gương, rồi quay lại nhìn anh, nét mặt rạng rỡ như một cô gái:
- Đẹp không?
- Không đẹp.
- Không đẹp cũng mặc! Lại còn thế nào nữa mới đẹp?…
Vẻ rạng rỡ đã bị thay bằng thất vọng, vùng vằng. Anh cau mặt, không khoan nhượng:
- Đã bảo không đẹp là không đẹp.
Mà đúng thế, không đẹp thật. Váy không hợp với chị, đơn giản vậy thôi. Chiếc váy không có tội. Nhiều năm nay nó không còn xa lạ với chị em mình. Chính anh cũng thấy nhiều bà, nhiều cô mặc váy trông rất đẹp. Chiếc váy chị mới mua đâu có phải loại xoàng. Thế mà mặc vào trông vẫn thấy sường sượng… Bao nhiêu năm chỉ biết chung thủy với “mốt” áo bà ba quần ống xéo. Để đi chợ, đi chơi, đến những chỗ có công có việc… Tuổi trẻ qua đi. Một thời nghèo khó, thiếu thốn, chịu đựng cũng qua đi. Bộ bà ba đã quá quen với chị. Quen đến nỗi tưởng chừng không còn gì có thể thay thế được.
Đầu giờ chiều, chị trở dậy, lẳng lặng thay đồ rồi lấy chiếc váy mới mua ra, gấp lại. Lẳng lặng cho vào túi. Lẳng lặng đội nón, xách túi, khép cửa. Chị đem trả lại chiếc váy. Rốt cuộc, chị cũng nhận ra anh nói đúng, cho dù hơi phũ phàng.
Anh nằm yên trên giường, nhắm mắt, nghe và thấy tất cả.
Có những điều đã đến, đã đi, đã mất.
Vĩnh biệt váy!
CON TÒ VÒ
Chiếc máy tính đang làm việc bình thường, bỗng dưng giở chứng, tắt lịm. Màn hình tối đen. Loay hoay cả buổi sáng vẫn không sao cứu vãn nổi. Công việc ùn tắc, chồng đống lên nhau, giống như nạn kẹt xe giữa giờ cao điểm. Mà hình như cái máy này cũng biết nhè những lúc như vậy để trêu ngươi anh.
Đành phải kêu thợ đến. Tay thợ chữa máy ria con kiến, kính cận 8 đi-ôp, nhoay nhoáy tuốc-nơ-vít trong tay, tháo tung tất cả. Sờ mó, săm soi một thôi một hồi, rồi lắp vào y như cũ. Không được. Lại tháo, lại soi, lại rút ra cắm vào… Hồi lâu ngước lên, hai tròng kính nhấp nháy: “Có thế chứ! Thủ phạm đích thị là mày!”.
Anh há mồm không hiểu. Tay thợ chí cái móng tay dài vào một điểm trên tấm “cạc” màn hình: “Nó đấy. Cái tổ con tò vò. Nó đẻ trứng vào trong tổ, làm cho chập mạch”.
Ôi trời! Giống côn trùng thổ tả. Khá khen cho nhà ngươi khéo chọn nơi gửi gắm thế hệ tương lai. Vì cái trứng bé xíu của nhà ngươi mà cả bộ óc điện tử phải ngừng hoạt động.
Hai ngày sau, tay thợ mang đến một chiếc “cạc” màn hình. Máy vẫn trục trặc. Lại ngờ hỏng “men-bo”. Mất thêm năm ngày tìm một “men-bo” tương thích. Máy chưa chịu chạy. Đem máy về tiệm để test. Thêm ba ngày. Cuối cùng, thay luôn cả CPU cho đảm bảo…
“Mày làm khổ ông, khổ ông”… Mất đứt hai tuần ngồi chơi xơi nước, giờ đây mỗi lần vận hành cái máy chắp chắp vá vá, cà giựt cà lăm như máy đi mượn, anh lại nghiến răng rủa thầm con tò vò.
Bạn anh nghe chuyện, cười sằng sặc: “Cái máy mua đã ngót mười năm, bắt nó cày hùng hục như trâu, đến trâu cũng phải lăn ra chết từ tám hoánh. Chẳng qua chỉ tại cậu là tên nhà văn quèn, làm đồng nào xoẳn đồng ấy mới khổ thế. Đừng chửi oan con tò vò”.