Đảo mùa gió - Đình Kính

Nhà văn Đình Kính là một trong số không nhiều các nhà văn đã ra Trường Sa ngay từ những ngày mới giải phóng. Năm 1981, tác phẩm Đảo mùa gió của ông được nhà xuất bản quân đội nhân dân ấn hành. Để bạn đọc hiểu một phần những gian khổ, những hy sinh của người lính Hải quân trên các đảo thuộc quân đảo Trường Sa trong những năm mới giải phóng.

 Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc  tác phẩm này.

Đảo mùa gió

( phần một)

 

Là người đa cảm, lại giầu trí tưởng tượng, anh nghĩ rằng chỗ chúng tôi ở hẳn là phải trên một hòn đảo cây lá xanh tươi, có bãi cát thoai thoải viền quanh, chiều chiều sóng biển vui vẻ òa lên đùa giỡn, có những tảng đá góc cạnh xù xì hình thù kì lạ chồng xếp thành vô số hang sâu lòng thòng thạch nhũ, chứa chất cả một kho truyền thuyết thần tiên! Không đâu! Mà ngay cả mấy tiếng anh trìu mến gọi "Mảnh đất xa xôi" cũng chỉ hiểu với nghĩa tượng trưng bởi một lẽ giản đơn: nơi đây làm gì có đất theo đúng nghĩa sinh học thuần túy của nó.

Nơi chúng tôi sống là đỉnh một ngọn núi san hô ngầm trong vô vàn những ngọn san hô ngầm liên kết với nhau mọc lên từ đáy biển do không biết bao nhiêu nguyên cớ. Đỉnh san hô may mắn và hiếm hoi nhú lên khỏi mặt nước lập lờ giữa biển này dài chưa quá một tiếng hú gọi, còn cao thì… nói không ngoa chút nào rằng: những hôm biển động, sóng chồm lên đánh vào bờ bên này có thể tràn qua mà trút sang bờ bên kia.

 

Nơi đây không có cỏ cây, hoa lá! Đảo phẳng trắng, trọc lốc, lóa nắng. Đứng từ xa nhìn vào, đảo giống như một doi cát trôi bồng bềnh, nhưng không phải cát, đó chỉ là lớp san hô bề mặt đã bị sóng gió đánh cho vụn tơi. Khi gió nổi, bụi san hô bốc mịt mù len lỏi vào mọi chỗ, trộn lẫn cả vào bát cơm vừa đưa lên miệng.

Hôm tới đảo, tôi ngỡ ngàng đến ngạc nhiên: sao, đây là đảo ư ? Bởi tôi hình dung hòn đảo chơ vơ giữa đại dương xa đất liền những hai ngày đêm đường tầu thủy phải khác cơ; ít ra thì cũng phải đủ "cỡ" để chống chọi với sự phá phách không mệt mỏi của sóng gió mà tồn tại, và cũng loi thoi vài ba cọc sú, lơ thơ dăm bẩy vạt cỏ để gọi là trên đảo có mầu xanh chứ!

Sự khắc nghiệt của thiên nhiên thật đáng sợ. Giống cây bình thường làm sao có thể nẩy mầm trên lớp san hô nóng bỏng vắt không ra một giọt nước ngọt và quanh năm gió mặn táp vào!

Bóng râm duy nhất trên đảo là bóng vành mũ người chiến sĩ.

Đêm đầu thực khó ngủ. Đã đành là nhớ đất liền, nhưng đâu chỉ có thế. Tôi chống chếnh trong một cảm giác đến lạ. Ở trên đảo mà bồng bềnh như ở dưới tầu. Đất liền phía nào, sao mãi không nghe một tiếng gà gáy, không tiếng xào xạc của lá cây, không tiếng kẹt cửa…? Muôn năm chỉ có tiếng sóng gào thôi ư? Thao thức, lắng nghe. Hình như có cơn mưa rào đang ập đến. Tôi nín im chờ những giọt nước rơi lộp bộp xuống mái tôn. Không phải, biển diễu tôi: sóng đấy. Sóng cười cợt đuổi nhau và triền miên mài lên san hô. Nhưng rõ ràng có cơn mưa đang chạy tới… Tôi trở mình, trằn trọc.

Anh Nhương chui ra khỏi màn, toài sang giường tôi.

- Sao, nhớ hả? Mèng thế !

- Không hẳn, nhưng khó ngủ.

- Rồi quen, hiểu chưa. Chúng mình ra ngoài ngồi nhé.

Tôi vén màn, bước ra. Hai anh em ngồi bệt xuống ''đất''. Biển đen sẫm ngút tầm nhìn, vật vã trong sự tham lam muốn nuốt nghỉm hòn đảo bé nhỏ mà bất lực. Sóng vỡ vụn khi va vào bờ. Bầu trời như một cái vòm khổng lồ lấm tấm sao úp chụp xuống viền một vòng trời lờ mờ phía xa, thỉnh thoảng vài ba ngôi sao lóe lên đuổi nhau lao sát tận mí nước.

Đảo trắng lờ nhờ, và trong cái không gian mông lung hư thực này tôi có cảm giác như đảo cũng lững lờ trôi trong vũ trụ. Hơi ẩm từ những con sóng, từ lớp san hô bốc lên ngái lợ mùi xương cá ươn dãi nắng. Chốc chốc, như thể sự đơn điệu của trời và nước, đàn chim hùa nhau vỗ cánh bay vút lên cao, lượn quanh đảo, kêu: " chẹc..chẹc…chẹc ..". Tiếng chim kêu cũng tanh mùi cá. Gió trườn qua đảo nhanh, hốt hoảng, nồng và mặn.

 

- Đằng ấy học đến lớp  mười rồi ? - Anh Nhương hỏi.

 

- Sao, anh?

 

- Hẳn biết gốc tích hòn đảo này?

 

- Do những lần động đất và những chấn động của núi lửa nâng cao đáy biển lên, hình thành những…

 

- Mèng. Câu ấy là của những ông làm khoa học. Người lính không giải thích thế, hiểu chưa. Có thấy đàn chim vừa đậu xuống không?

 

- Chúng đang dồn thành một cụm.

 

- Đó là những con chim tình nghĩa. Ban ngày nắng gắt, chúng bay lên kết những đôi cánh mỏng làm bóng râm; đêm về đảo vắng chúng đậu cho đỡ cô đơn

- Nhưng chúng liên quan gì đến gốc tích hòn đảo này?

- Liên quan gì à? Cậu chẳng hiểu cóc gì cả...

Và anh kể với tôi rằng ngày xửa ngày xưa, cách ta đã lâu lắm rồi, có bọn giặc biển từ rất xa, một ngày nọ đùng đùng cưỡi sóng xô vào bờ cướp thuyền, cướp cá, đốt phá thôn xóm. Chúng vật đổ cây cối, chém đứt mái nhà, xéo nát ruộng nương... Cứ thế, ngày nọ nối ngày kia, dân làng không có ngô lúa để ăn; chẳng còn cá thịt để nướng; trẻ con khóc vì đói sữa, người già chết vì vắng cơm; không một hạt muối làm săn bắp tay người con trai, tô hồng làn da người con gái. Làng xóm tan hoang, người người khiếp sợ. "Ai đi dẹp giặc cứu đất, cứu người?" - Tiếng gọi cấp bách của già làng thôi thúc nhiều chàng trai. Hồi ấy, có đôi trai gái yêu nhau rất mực. Người con trai nhanh nhẹn, khỏe mạnh, bắp tay bắp chân cuồn cuộn. Người con gái xinh đẹp, dịu dàng, khéo như người thợ kim hoàn; cái miệng nói hay hơn con chim hót. Ngày cưới của họ định vào mùa lúa tới, nhưng chàng trai xin được đi dẹp giặc. Đêm đêm dân làng chống chọi với sóng gió, vun cát thành một trảng lớn gần mép nước. Chàng trai nhổ cây tre già duy nhất còn sống sót rồi hăm hở ra đi. Cô gái lặng lẽ quàng vào cổ người yêu chuỗi hạt cườm kết bằng vô số vỏ ốc, vỏ sò mà bao đêm cô thức để chuốt thành. Họ bịn rịn chia tay. Chàng trai đi về phía mép biển. Một cảnh tượng rực rỡ diễn ra làm dân làng bàng hoàng: chàng trai đóng mạnh cây tre xuống đất, lập tức trời sáng bừng lên, đất rùng rùng chuyển động và trảng cát trắng tách ra khỏi bờ, trôi ra biển. Người con trai ngực trần đứng lên đó sáng lòa như một tia nắng, cây tre vung ra phía trước. Trảng cát vàng rực trôi tới đâu, gió ngừng thổi, sóng đứng im và biển yên ả tới đó... Dẹp xong giặc, chàng trai rải những hạt cườm quanh mình rồi hóa thân làm những con chim. Trảng cát ấy là hòn đảo này đấy, hiểu chưa?

- Những con chim kia là chàng trai ư?... Thế còn cô gái?

- Cô gái hả? Cô gái... Cậu ngốc lắm, học sinh lớp mười gì mà mèng.

- Anh đọc ở sách ra chứ?

- Sách, hử, sách nào? Ông nội mình là một người biết hết thảy mọi chuyện cổ kim, đông tây, hiểu chưa?

Ngờ ngợ, nhưng không muốn cãi lại bởi tôi biết có một người con trai tên là Quyền hy sinh hồi ta diệt ngụy chiếm đảo, hiện mộ anh còn nằm dưới chân cây cột cờ; có thể câu chuyện anh Nhương kể liên quan đến người chiến sĩ đã khuất ấy chăng?

Mấy hôm sau, cậu Lân kéo tôi ra một góc vắng thầm thì:

- Anh biết chuyện của anh Nhương về hòn đảo này rồi hẳn?

- Ông nội anh ấy là người...

- Ôi dào, đừng tin. Anh ta phịa ra đấy.

 

Nhưng sau đó thì chính tôi và Lân lại là những kẻ hăng hái tuyên truyền câu chuyện một cách say sưa nhất trong đám lính trẻ. Cứ thế, chuyện lan từ miệng người này qua miệng người khác như một giai thoại. Khi kể, tùy theo ý thích của mỗi người mà có thể tô đậm chi tiết này hoặc lướt qua chi tiết nọ...

 

Dần là chuyện trở thành tài sản chung của đảo. Chúng tôi thường xuyên kể cho nhau nghe một cách vui vẻ, không ai nghĩ là do mình bịa ra nữa, nó có thật, tồn tại đã bao đời... và điều đó làm cuộc sống trên đảo thú vị hơn.

*

Bây giờ xin anh cho mở một dấu ngoặc to to một chút để kể một câu chuyện ở đảo khác có vẻ như không liên quan đến hòn đảo này (mà tôi cũng nghe lại) trước khi kể tiếp về "mảnh đất" tôi đang sống. Cách đây gần hai năm ở hòn đảo mà lính ta vui mồm gọi là "đảo mẹ", bởi nó to nhất trong các đảo thuộc quần đảo này, nổ ra cuộc tranh luận của những chiến sĩ giữ đảo. Một hôm anh Khỏa, sau này là đảo trưởng của chúng tôi từ đài quan sát về, châm ngòi:

- Hòn "đảo con" của mình ngoài kia, dễ nhiều đứa thèm.

- Anh biết?

- Mấy hôm nay tàu của những thằng cha chết tiệt nào cứ lảng vảng khu vực đó suốt, ý chừng đánh hơi thấy, lại muốn bành trướng.

- Ái chà, muốn ngoạm một miếng chăng?

- Ngoạm à? Hắn lại không đổ quân lên  nuốt chửng của mình ấy chứ.

- Bố bảo!

- Chủ quan! Chưa biết chừng!

- Nó cho quân lên thì đánh bỏ mẹ đi, sợ hả?

- Lại chờ cho nó đổ quân lên! Ra mà giữ lấy.

- Phải, phải! Mình có đứng đó, giương súng lên thì chúng mới hết lăm le.

- Hay!

- Tuyệt!

- Chứ để nó lên rồi mới ra đuổi là phiền đấy!

- A, thằng Nam có đầu óc quân sự!

- Chứ không à?

- Nó nói có lý!

- Một đám san hô lập lờ giữa biển mà các cha làm như là... là...

- Sao, thế san hô không cần giữ lấy phỏng?

- Thế chúng ta ở đây vô nghĩa hả?

- San hô mà của Tổ quốc cũng phải giữ!

- Phải ra đó. Ra ngay! Ra ngay!

- Đúng!

Lính ta sôi nổi, anh nào cũng hăm hở như có thể nhảy luôn xuống biển mà bơi ra với "đảo con" vậy. Nhưng họ xịt ngòi. Một câu hỏi ném ra:

- Nhưng làm sao đưa được người, vũ khí và cơm gạo ra đó được, các bố?

Đến đây thì những chàng to mồm nhất cũng đưa mắt nhìn nhau. Tịt!

Vượt hơn ba mươi hải lý, mỗi hải lý những một ngàn tám trăm năm mươi sáu mét, giữa biển, đừng đùa.

Nhưng họ cũng gỡ được mối. Lân, người lính trẻ nhất phát biểu:

- Bao giờ tàu chở hàng tới, mình báo cáo với trên và đề nghị tàu chở ra chứ.

- Hoan hô!

Một sáng kiến. Và cấp trên đồng ý.

Và đúng bảy ngày sau, quân số "đảo mẹ" được san ra làm ba. Anh Khỏa dẫn một tiểu đội, trong đó có Nam và Lân ra chốt giữ đảo mới.

Cuộc sống ở đây bắt đầu bằng những nhát xẻng đào công sự.

Vâng, đó chính là hòn đảo tôi đang kể với anh.

Kể với anh về đảo, tôi sẽ bỏ sót một mảng thú vị nếu không nhắc tới mùa gió ở đây. Mùa gió trên đảo thì khiếp lắm, nó bắt đầu từ trung tuần tháng Tám và kéo dài cho tới tháng Hai, tháng Ba năm sau. Trong hơn nửa năm ấy, qua mùa bão, kế mùa gió đông bắc, biển động triền miên, sóng liên tiếp dựng cao đánh trùm qua đảo.

Anh thử tưởng tượng xem trong những ngày dài dằng dặc ấy cuộc sống trên hòn đảo chưa đầy một phần năm cây số vuông, ở quá xa đất liền sẽ ra sao?

Thiếu thốn! Đương nhiên... Nhưng điều đáng sợ nhất là sự gián cách về không gian và thời gian giữa chúng tôi với đất liền. Đã có thời kỳ sáu tháng không một bóng tàu ra được với đảo.

Anh đọc nhật ký của tôi nhé:

Ngày...

Khẩu phần nước ngọt mỗi người một ngày ba ca, tụt xuống hai ca rồi ca rưỡi. Đang lúc túng bí ấy thì nhận được tin tàu ra. Toàn đảo khấp khởi chờ đợi. Nhưng hai ngày rồi tàu vẫn bặt tăm; ngày thứ ba ra ngóng: không thấy; ngày thứ tư, thấp thỏm, vẫn bằn bặt. Buổi trưa lữ đoàn điện cho biết, sau hai ngày vật lộn với sóng gió, mặc dù cố tìm mọi cách, những thủy thủ quá thấu hiểu thế nào là nỗi thiếu nước, thiếu tình cảm vẫn không sao đưa được con tàu 862 vượt ba trăm hải lý ra với đảo, đành chuyển hướng về đất liền.

Buồn, nhưng không ai ngạc nhiên. Hôm nhận được tin tàu nhổ neo, không nói ra, song chúng tôi đã lường đến khả năng ấy; tuy vậy cái tin tàu 862 quay trở lại vẫn khiến cho mọi người bị hẫng...

Buổi chiều, nghe nhiều tiếng ồn ào phía cuối đảo, tôi vội khoác chiếc áo vải bạt lách ra cửa hầm. Gió thốc mạnh khiến người lạng đi, tôi vội kéo áo, thu mình thấp xuống bước như chạy. Gần mép đảo, anh em đứng lố nhố nhìn xuống biển: một chấm đen bé xíu đang quay tròn trên sóng lúc dềnh cao, lúc chìm nghỉm.

Anh Nhương quay tránh chiều gió, nói với anh Khỏa, đảo trưởng vừa chạy tới:

- Cơn lốc nó cuốn cái thùng phuy ra biển rồi!

- Cái gì, to lên!

- Thùng phuy, ra biển rồi.

- Còn dầu hả?

- Chừng một nửa.

- Đã bảo mấy ông lấy dây chằng nó xuống.

- Kỹ lắm, nhưng có lẽ dây thép nhỏ quá, hiểu chưa.

Quản lý Long giãy lên:

- Khổ rồi. Các bố giữ gìn thế thì có chết cha người ta không chứ! Định cho tay vào bếp à? Nay mai trung đội hỏa lực cử cho người xuống mà nì nèo xin dầu đi soi cá... thì, làm với ăn...

Trông dáng bộ, biết anh bực lắm.

Anh Nhương chẳng phải tay vừa, lại nóng tính nữa, nhất là với ai gọi bộ phận hỏa lực bằng trung đội hỏa lực, hôm nay không cãi, im thít. Quay sang đám lính đang đứng ngẩn mặt ra xuýt xoa tiếc phuy dầu, anh nói to như quát:

- Ngẩn tò te ra đó rồi trôi vào cho hẳn? Gió lại không quăng luôn cả nút xuống biển ý. Đi kiểm tra bạt che pháo hết!

Sau một chập phê phán không tiếc lời người mà anh cho là tắc trách, không chú ý gìn giữ của chung, quản lý Long hầm hầm bỏ đi, miệng chưa thôi cần rằn:

- Rồi các ông biết. Rồi biết. Làm với ăn thế đấy.

Về người quản lý của đảo, lính ta có bao chuyện đồn đại, mà toàn chuyện bịa. Cậu Nam dẫu chỉ biết láng máng quê Long ở Hải Hưng cũng khẳng định hết sức chắc chắn rằng trước lúc nhập ngũ, Long chính tông là thủ kho của hợp tác xã nông nghiệp vào loại làm ăn khấm khớ, có của ăn của để và đã một thời khét tiếng với cái tên không lấy gì làm vinh hạnh lắm: "thần giữ của". Anh ta sẵn sàng làm những việc đại loại như treo vỏ dừa vào đít từng con gà trống để chúng hết phương "láng cháng", đỡ hao cân. Nam lại còn tỏ ra am hiểu về nhiều chi tiết thuộc đời tư của người quản lý nữa, chẳng hạn một hôm từ dưới bếp đi lên, Nam hoa chân múa tay, kể với giọng  khoái trá:

- Này, mấy ông biết chuyện này chưa? Có thật đấy nhé, không thèm ăn bớt một chút nào: quản lý Long nhà ta ấy mà, một lần dẫn người yêu đi ăn kem, chà, len tóa mồ hôi giữa một rừng người mới mua ra được hai que, chả là mùa hè, kem bao nhiêu cho vừa, ấy vậy nhưng khi phát hiện ra một que bị sứt tí đầu thì... các ông biết sao không? Đoán chẳng ra hả? Thì anh chàng lập tức quay lại, không ngần ngại rẽ đám đông mở một "đường máu", cố trườn vào tận mặt cô bán kem mà đổi cho bằng được que kem khác mới chịu. Thế đấy. Nếu ai hỏi thì đương nhiên anh ta trả lời rằng: mất đồng tiền cho đáng chứ.

Tôi dám chắc là chuyện đó Nam vừa nghĩ ra để giễu quản lý Long sau khi đã sùi bọt mép vòi vĩnh không thành công một ca nước hay một lon dầu gì đấy. Sống với Long trong cùng một tiểu đội đặc công trước đây, tôi rõ về anh lắm. Trước khi mặc quân phục, anh là thợ sửa chữa máy bơm. Anh sống khoáng đạt, cởi mở và điều này thì chắc chắn: làm gì đã có người yêu.

Nhưng bây giờ công bằng mà nói, anh sống quá nguyên tắc. Đố cậu nào, kể cả tôi là chỗ thân tình, lấy được ở kho anh một chút gì thêm bằng móng tay gọi là ngoài tiêu chuẩn. Cứ nhất nhất đúng quy định. Tính tình thì thay đổi hẳn: gắt như mắm. Phải chăng những ai, dù hiền như củ chuối, khi đã "tay hòm chìa khóa" là trở nên khó tính?!

Ngày...

Cơm sạn san hô đã đành, hôm nay lại sống. Những cậu được mệnh danh ăn như "tống chốt" cũng chỉ và vội hai bát cho lưng lửng dạ dày rồi đứng dậy. Không rõ nguyên nhân. Những anh lính thích tìm hiểu mặt này, mặt khác của một vấn đề thì đoán già đoán non với nhau rằng: có lẽ gió lớn quá, lửa bị táp; cũng có thể bị thiếu dầu, non lửa, cơm không chín.

Chỉ thương thằng Lân mấy hôm nay mệt không cố nổi mỗi bữa một bát. Mà bữa nào cũng chỉ cơm ăn với ruốc khô, nó nuốt sao! Đến người khỏe trông vào còn ngán nữa là. Ước gì có vài lá rau nấu cho nó bát canh! Đã sáu tháng nay không được ăn một ngọn rau rồi, nhớ thế. Thèm một bữa rau muống luộc chấm mắm giằm sấu quá!

Buổi tối tình cờ nghe lỏm được câu chuyện trong hầm ban chỉ huy đảo, tôi biết nguyên do vì đâu có bữa cơm chiều nay.

-...

Anh Khỏa nói:

- Cậu lại đổ õng nước biển vào chứ gì?

Tiếng quản lý Long:

- Khổ quá, đâu có. Mọi bận pha hai phần năm nước mặn, khó ăn một chút, nhưng cơm chín. Bữa nay thử bớt mỗi chảo một xô nước ngọt nữa, thế bằng một xô nước mặn, hạt gạo cứ truồi ra.

- Không đun ít dầu quá chứ

- Không. Tôi kèm thằng Hạp suốt chiều, chảo cơm sôi tưởng nát như cháo mới cho dập lửa... Khốn nạn, muốn tiết kiệm thêm một xô nước ngọt mà nên nông nỗi ấy đấy. Anh em không ăn hết cơm, tôi xót lắm chứ!

-...

- Nước đã thiếu mà mấy bố ở phân đội ba gặp tôi đâu là bám lấy làm tôi như cách là... là... Bộ phận nào cũng bịa đủ lý do, lý trấu để vạc cho được vài ca... Vài ngày nữa rồi biết: ăn gạo rang!

Rồi ăn gạo rang thật! Nhưng ăn gạo rang, thậm chí ăn gạo sống vẫn chưa phải là mối đe dọa cuối cùng. Điều đáng lo vẫn là nước uống. Những năm chiến tranh tôi đã thấu cảnh thiếu nước của mùa khô Trường Sơn, nhưng ở rừng chặt cây nứa non, nhai vài cành lá chua là coi như ổn. Còn giữa đại dương mênh mông nước này!

Ngày...

Sáng nay trên tấm tôn lỗ chỗ vết đạn vẫn dùng làm cái bảng tin của quản lý Long, một dòng chữ bằng phấn được viết rất đậm:

Theo chỉ thị của B.C.H., bắt đầu từ hôm nay, tiêu chuẩn nước ngọt của mỗi quân nhân trên đảo là một ca một ngày. Vậy thông báo để các bộ phận được biết - Q.L.

Ngày...

Đến bữa, nể anh em, thằng Lân ngồi dậy nhưng chỉ khêu được vài hạt cơm rồi lại nằm. Sao không cố ăn thêm chút nữa hả Lân? Ăn nhiều mới có sức ra với pháo, mới đi bắt vích chứ? Lân kêu đau lưng. Triệu chứng cúm đó mà. Giá có nắm lá xông!

Buổi chiều thằng Nam vồ ở đâu được con cá bằng bàn tay, hí hởi về nấu cho Lân bát cháo.

Xầm tối anh Khỏa xuống chơi với bộ phận hỏa lực. Anh để tay vào trán người ốm. Lân cầm lấy tay anh nhoẻn cười:

- Không sao đâu anh ạ! Hồi ở nhà, mẹ em vẫn bảo em là thằng hay ốm vặt.

- Ốm vặt thì mẹ làm gì để Lân khỏi?

- Mẹ em bắt xông!

- Ở... ờ...

Trời ơi, không biết điều đó hay sao mà anh còn hỏi, anh Khỏa?

Căn hầm im phắc.

Rồi anh Nhương bảo:

- Mai tôi "làm thịt" cây cải cho thằng Lân nó ăn đấy. Anh cho tôi ca nước nhé.

Lân giãy lên:

- Nói trước, anh mà giết nó là em phản đối đấy. Cả đảo trồng được độc có mỗi một cây cải để nhìn cho đỡ nhớ rau, sao nỡ ăn?

Anh Khỏa bóp chặt tay Lân, ngồi im.

Ừ, mà sao cái điều anh Nhương vừa nói tôi không nghĩ ra từ hôm qua, hôm kia nhỉ? Quả là bộ phận hỏa lực trồng được một cây cải thật. Cách đây mấy tháng, hôm tàu ra ấy, không rõ cậu Nam kiếm ở đâu ra nó, lúc đó bé xíu,