Du lịch sông nước miền Tây: Phao cứu sinh thành đồ chơi đóng gói
Trong những ngày tháng 8/2011, dư luận chưa hết bàng hoàng vì vụ đắm nhà thuyền Dìn Ký, chúng tôi trở vào miền Nam, trực tiếp tham gia vào hai chặng du lịch sông Tiền và sông Hậu. Những gì chứng kiến tận mắt khiến ai cũng giật mình.
Đến một bến ở sông Tiền Giang, chúng tôi được xếp xuống những chiếc thuyền máy. Sóng, gió và khung cảnh khác lạ khiến du khách thả hồn ngắm nhìn phong cảnh trên sông và nghe người hướng dẫn viên thao thao kể về vẻ đẹp miền Tây. Chỉ đến lúc có con tàu lớn đi qua sống cuộn lên dữ dội, những vị khách mới thót tim nhớ đến phao cứu sinh. Những chiếc phao ấy được buộc và chăng rất đẹp làm trần chống nóng dưới mái thuyền. Không một ai hướng dẫn cách dùng phao, cách tháo phao ra khi gặp sự cố như thế nào. Cô gái ngồi cạnh tôi nói “ Có gì anh giật hộ em một cái phao anh nhé!”. Chột dạ, tôi hướng về chiếc phao và đang suy nghĩ tìm cách nào lấy được chiếc phao nhanh nhất ,vì không biết lấy phao ở đây có giống như trên máy bay không, thì người hướng dẫn nói “ Chúng em chở an toàn tuyệt đối, các anh chị đừng sợ, tây nó còn chẳng sợ nữa là”! Mọi người cùng cười ồ. Quả thật, nhìn ngang sang mấy chiếc xuồng du lịch mấy đoàn khách tây, duy nhất chỉ có một “bà đầm” duy nhất khoác áo phao lên người.
Sau khi thăm cù lao Thới Sơn (Châu Thành, Mỹ Tho), khách được mời xuống những chiếc ghe tam bản để ra tàu lớn. Cứ 5 người một ghe. Lập bập xuống vì cầu bến vừa cao vừa nhỏ, khách hú vía ngồi trên những chiếc ghe tròng trành qua các lạch nước rồi ra sông cái cập vào các tàu du lịch chờ sẵn. Suốt chặng đường gần 1km sông nước khách trao tất cả số phận cho 2 vợ chồng ông lái đò, vì ở trên ghe cũng không có 1 chiếc phao nào để mà…nhìn!
Lại trôi vào giữa mênh mang ào ạt sông Hậu để thăm chợ nổi. Vẫn canh cánh nỗi lo đắm tàu, tôi hỏi người chủ thuyền: phao cứu sinh đâu? Anh cười rất tươi “Dạ, anh hai, ngay dưới chân anh đó”. Tôi ngớ ra, những chiếc phao cứu sinh được đựng trong chiếc hòm gỗ to khoảng 1m3 khóa lại, ngoài ra còn để trong 1 bọc vải bạt to tướng gói buộc chặt chẽ cẩn thận.
Buổi tối, khách được mời đến nhà hàng nổi bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Ngôi nhà hàng này nổi tiếng cả nước có 2 tầng dùng bày tiệc cho thực khách. 18 giờ, tôi cẩn thận cùng mấy anh bạn đến xem trước độ an toàn của nó, vì hai trận đi trên sông nghĩ đã nổi da gà. Đập vào mắt chúng tôi là những dãy áo phao được treo 4 xung quanh vách nhà hàng ngay ngắn, chỉ khẽ nhấc ra là được. tất cả đều mỉm cười an lòng. Nhưng khi khách tràn vào thì mối lo của tôi thực sự xuất hiện. Một tầng được kê 4 dãy bàn ăn, mỗi dãy khoảng 100 người. Để tận dụng không gian, nhà hàng kê bàn sát vách, nghĩa là khách đã vào dãy trong thì chỉ được phép yên vị đến lúc tan tiệc. Những chiếc ghế kẹp chặt các phao cứu sinh vào vách. Nếu lúc ấy, giả thiết nhà hàng chìm, thì ngay người ngồi sát phao cũng chết, bởi không thể xoay sở mà lấy được chiếc phao bị đè kẹt cứng mất rồi. Và số phao, không thể đủ cho lượng khách đông như vậy.
Khi tàu nổ máy, nhà hàng trôi khỏi bến chừng 15 phút, thì có mấy chiếc xuồng đuổi theo, tăng cường thêm khách. Tất cả được bố trí trên nóc nhà hàng, không mái che. Nếu có tình huống mưa xuống bất ngờ, chỉ cần khách chen nhau chạy trú mưa cũng có thể tạo ra sự mất cân bằng của nhà hàng và khả năng nghiêng lật là rất cao. Và đương nhiên số phận của hàng nghìn khách trên nhà hàng sẽ bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng.
Đi du thuyền sông nước, đặc biệt ngồi ăn trên các nhà hàng nổi mà đeo áo phao cứu sinh quả thật là bất tiện, nhưng không thiếu giải pháp để khách có thể lấy được phao khi gặp biến cố. Kiểu đóng gói, trang trí phao như các nhà hàng , du thuyền miền Tây như thế này quả là bất ổn. Những người làm Tua du lịch cần có biện pháp bảo vệ an toàn cho khách mà trước hết là công đoạn giới thiệu cách thức sử dụng phao, và phương án khi nguy cấp xảy ra, thì khách mới có thể an lòng mà thưởng thức ngoạn cảnh. Hình như các cơ quan chức năng các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ chưa sát sao với việc kiểm tra giám sát công việc này. Việc xử lý vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, đặc biệt phương tiện chở người phải được kiểm tra xử lý thường xuyên Nếu chỉ dừng ở việc mỗi tàu có đủ số phao cứu sinh hay không thì chưa đủ. Bởi trong hiện trạng như nêu trên thì có đủ phao vẫn là bằng không. Nên chăng, mỗi lần tàu xuất bến, tại đây phải có mặt của cơ quan chức năng kiểm soát an toàn trước rồi mới cho phép khởi hành.
Ý thức chủ quan của chủ tàu, tính chuyên nghiệp của các nhà tổ chức tua du lịch và trách nhiệm của họ đối với khách hàng cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Trong các nguyên nhân, cũng cần nói đến sự chủ quan, mất cảnh giác của khách. Nếu như khách yêu cầu, chắc chắn chủ tàu phải đáp ứng. Nhưng thật buồn, tất cả đều buông số phận của mình trôi nổi, rồi đến khi sự cố xảy ra thì mới hối tiếc.