Được và mất từ việc thay đổi cấu trúc đề thi môn Văn
Ngày 15/4/2014, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các Sở GD&ĐT và các trường THPT hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đối với môn Văn – môn thi có nhiều đổi mới trong năm nay.
Cái được của việc thay đổi cấu trúc
Theo văn bản này, Bộ GD cho biết, đề thi Văn năm nay sẽ có hai phần đọc hiểu và làm văn, trong đó tỷ lệ điểm của phần làm văn nhiều hơn phần đọc hiểu. Phần đọc hiểu, trên cơ sở lựa chọn những văn bản dễ hiểu, phù hợp với năng lực học sinh; yêu cầu học sinh nắm được cụ thể kiến thức về văn bản, các yêu cầu đọc hiểu, hình thức kiểm tra đọc hiểu… Cụ thể, câu hỏi tập trung vào nội dung văn bản, các thông tin quan trọng của văn bản, ý nghĩa văn bản, tên văn bản. Ngoài ra, một số yêu cầu liên quan đến dấu câu, cú pháp, thể loại văn bản, các từ ngữ… cũng được coi trọng.
Về phần làm văn, phải biết vận dụng kỹ năng viết để lập văn bản theo một đề tài xã hội hoặc một tác phẩm, trích đoạn văn học. Bài viết phải đúng chính tả, ngữ pháp, lập được dàn ý và phát triển ý, bộc lộ được quan điểm, tư duy một cách độc lập.
Phần kiểm tra năng lực viết sẽ đưa ra hai yêu cầu, một câu là viết bài nghị luận xã hội, một câu là viết nghị luận văn học. Ở câu nghị luận xã hội, câu hỏi và đáp án có tính mở, có tính chất tích hợp các kiến thức lịch sử, địa lý, đạo đức, văn hóa. Câu nghị luận văn học thì đáp ứng yêu cầu phân hóa cao, hướng tới tuyển sinh ĐH. Đề yêu cầu vận dụng sáng tạo những kiến thức, kỹ năng văn học để thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn.
Như vậy cấu trúc đề thi môn văn tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ khối C, D năm 2009 đến nay có những thay đổi căn bản so với cấu trúc cũ. Việc thay đổi cách đánh giá thông qua thay đổi đề thi là một việc làm tốt giúp học sinh tích cực tham gia học văn hơn vì các vấn đề mở, gắn liền với hơi thở, tiết tấu nhịp sống xã hội hiện tại; phù hợp với tâm lý và tư duy lớp trẻ thế hệ mới hiện nay. Thực tế cho thấy loại đề này, gợi mở được nhiều ý kiến, suy tư đa chiều từ học sinh và tạo được hứng thú cho thí sinh hơn khi học và làm văn. Đồng thời nó cũng thu hút được sự quan tâm của người dạy, người chấm thi môn văn và dư luận xã hội.
Cần phải chú trọng quyền lợi của học trò
Tuy nhiên, việc quyết định thay đổi gấp gáp khi chỉ còn không đầy 2 tháng nữa là kỳ thi diễn ra thì quả là gây khó cho người dạy và người học. Việc thay đổi cấu trúc đề thi môn văn theo hướng của Bộ có thể sẽ dẫn đến chất lượng môn văn thấp; bởi một điều đơn giản: suốt quá trình dài học sinh được học, được luyện thi theo một cấu trúc, bây giờ thi theo cấu trúc khác. Theo cấu trúc mới nội dung nghị luận mang tính nhận biết cảm hiểu cá thể của học sinh (ở cả 2 nội dung xã hội và văn học) chiếm tới 70% kiến thức đề thi đặt ra, đó là một khó khăn. Việc thực hành, phân tích, đánh giá, bình luận, bác bỏ một vấn đề văn học, một văn bản, trích đoạn sẽ khó hơn nhiều so với phân tích theo mô hình thể loại tập làm văn đã được dạy và được thực hành trên các tác phẩm lớp 12 và được ôn tập nhiều lượt.
Mặt khác về kiến thức các thể loại văn bản, phần lớn các nội dung về nó được dạy trong chương trình THCS là chính; và bây giờ phải ôn tập lại, đến ngay các thày giáo dạy văn THPT cũng phải “ôn” lại mới có thể dạy được.
Nếu xét đúng quy định chương trình thì ngày 17/5 mới là ngày chấm dứt dạy và bắt tay vào ôn thi, thời gian ngắn như vậy sẽ khiến thày trò bó tay.
Chính vì những điều này, khi mà dư luận đang có những ý trái chiều nhau và chủ yếu là dư luận của người lớn, chúng ta cần lưu tâm tới học sinh đang hoang mang nhiều hơn là vui mừng. Bởi thực tế, một lối mòn in sẵn trong phương pháp học và ôn luyện đến thời điểm này đã tạo cho các em những tích luỹ cơ bản về kiến thức để thi. Việc bỗng nhiên xé ra, yêu cầu thi theo hướng khác, có lẽ lợi bất cập hại.
Bởi vậy tốt nhất là thực hiện theo lộ trình quy định của các bước ra quyết định quản lý: có thông báo thăm dò dư luận xã hội, có triển khai hướng dẫn, làm thí điểm tổng kết và nhân đại trà từ năm học sau. Để đảm bảo an sinh xã hội và tạo cơ hội cho các học sinh có năng lực khác nhau về học môn văn, đề thi năm nay, Bộ GD&ĐT nên ra 2 đề trong một bộ đề: trong đó, một đề theo cấu trúc cũ, và một đề theo cấu trúc mới để học sinh tự chọn 1 trong 2 đề của đề thi.
Nguồn Hội Nhà văn VN - Vn.net
NĐM