Khu Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến - Những điều trông thấy...
Khu tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, Xã Trung Lương huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam. Đây là khu di tích đã được Bộ Văn Hoá xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1991.
1. Không gian lưu trữ vừa chật hẹp vừa nghèo nàn tư liệu
Tám năm trước, với tư cách là hiệu trưởng của một trường THPT mang tên Nguyễn Khuyến, tôi dẫn một đoàn cán bộ đến đây tạ lễ và chiêm bái khu từ đường nhà thơ được mệnh danh là “ Thi sĩ của làng cảnh Việt Nam, cánh chim đầu đàn của dòng văn học yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỷ 19”. Khung cảnh nhìn thấy, đơn sơ và mang chút phong trần như chính cuộc đời ông vậy.
Và gần một thập kỷ trôi qua, nét đổi thay duy nhất để nhận ra là con đường từ quốc lộ 1 dẫn vào đầu làng Vị Hạ đã được nâng cấp trải nhựa rộng hơn nhưng bên trong khu tưởng niệm vẫn y nguyên thế.
Theo phong tục người Việt coi trọng ngày mất, nên năm nào cũng vậy cứ rằm tháng giêng là tại đây diễn ra một Lễ kỷ niệm nho nhỏ do chính quyền địa phương trù trì. Người đến dự là bà con xóm giềng, cháu con nội tộc và một số học sinh các trường học mang tên Cụ. Nhưng chỉ đến vãn trưa đã cảm nhận được sự heo hút hoang vắng như chính câu thơ thi sĩ thốt lên một thuở "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"!
Theo ghi chép, thời Nguyễn Khuyến tạo dựng mảnh đất có tới 6 sào bắc bộ trong đó 5 sào ao và 1 sào thổ cư, sau này con trai cụ là Phó bảng Nguyễn Hoan mua thêm mở rộng tới 9 sào. Trên mảnh đất ấy, Nguyễn Hoan cho dựng nhà tế đường và nhiều công trình khác, nổi bật nhất là nhà tế đường xây theo kiểu chữ "nhị", đằng trước là nhà đại tế gồm 7 gian, đằng sau 3 gian cách nhau một cái sân nhỏ.
Bây giờ chỉ còn lại một diện tích thu nhỏ, không còn ngõ trúc, chiếc ao thu mà ông Nguyễn Tùng (cháu đời thứ 5 của Cụ) giới thiệu là một cái ao hình chữ nhật ước 200 m2 giống như một đoạn cừ be lại hai đầu. Mảnh sân đầy rêu trơn, chỉ chứa được khoảng 100 người đứng. Qua đó là ngôi nhà đại tế 7 gian được tạo dựng bởi nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hoá vào năm 2004. Nơi đây lẽ ra phải được bài trí bằng những di vật, tác phẩm của nhà thơ, và các công trình nghiên cứu… nhưng gần như trống trơn ngoại trừ vài ba bức câu đối của bạn văn biếu tặng nhà thơ ngày xưa được chép lại bằng bản sao mới, treo trên tường. Dường như kiến trúc duy nhất còn lưu sót lại là phần sau của nhà tế đường với ba gian nhỏ, nơi đặt hương án và một số đồ kỷ vật gắn với cuộc đời của nhà thơ. Nhưng tất cả được đóng hòm im ỉm đặt dưới ngai thờ.
Điều đáng nói là ngôi nhà mới phục dựng 7 gian nền quá cao, làm cho ngôi 3 gian phía sau như bị nhấn đè chìm hẳn xuống. Người đứng trên nền nhà mới, mặt bàn chân có thể cao tới nửa chiều cao bàn thờ và phần âm (Tính từ thắt lưng người trở xuống) cao hơn so với mặt bàn thờ. Cách tạo dựng này không chỉ tạo ra sự kệch cỡm về kiến trúc mà về phong thuỷ hoặc tâm linh rất kiêng kỵ khi hành lễ.
Cảm giác chung của chúng tôi là khu tưởng niệm Nhà thơ lớn này không có gì khác biệt với hình ảnh về những căn nhà gỗ của một số gia đình nông dân có thể gặp ở bất cứ đâu tại châu thổ sông Hồng.
2. Từ đường có chủ hay vô chủ
Các năm 2013 và 2014, ngày giỗ nhà thơ, trường THPT Nguyễn Khuyến Hải Phòng kết hợp thực hiện chương trình Ngoài giờ lên lớp cho gần 500 học sinh lớp 12 hành trình về nguồn cội. Dọc đường vào xe không có lối tránh vì đường hẹp. Và học sinh phải đi bộ hàng cây số mới vào được từ đường.
Khi đến đây, hầu như không hề có bất cứ sự chỉ dẫn nào. Không có ban tổ chức, không người tiếp đón… Chúng tôi suốt ngần ấy năm đến đây chưa gặp được bất kỳ thành viên đại diện nào của chính quyền, ngoại trừ vài đoàn xe của các quan chức cấp tỉnh, cấp huyện. Thày trò tuỳ nghi di tản đợi chò tránh chen lấn với các đoàn viếng của các trường khác hoặc bà con địa phương, rồi hành lễ và lặng lẽ ra về.
Tại đây Ông Tùng tự giới thiệu là cháu đời thứ 5 của Cụ và là chủ từ đường. Ông nghiêm cấm đặt đồ cúng bằng vàng mã, hương, rượu…nhưng tiền mặt thì thoải mái! Điều phản cảm là , khi người ta chưa cúng xong, hoặc đặt lễ trước đợi cúng đều bị ông trực tiếp nhặt sạch số tiền đặt trên mâm hoặc đĩa. Ông Hoàng Roãn Tuấn, chủ tịch công đoàn nhà trường cho biết: “Trong 8 năm đến đây, trường đều có trích một số tiền công đức, nhưng chỉ 1 năm duy nhất được vợ ông Tùng cảm ơn”. Cũng có năm ông Tùng cao hứng mời thày trò tụ lại để thuyết minh. Ông chỉ chiếc ao mới đào bảo đó là ao thu, bài Thu vịnh ông bình là bài khóc thương cho đất nước, ông cho rằng các giáo sư tiến sỹ chẳng hiểu gì về Cụ của ông nên hướng dẫn sai bét. Và ông tự giảng giải bài thơ theo ý của ông. Khi tôi hỏi “Thế Nguyễn khuyến đỗ đầu 3 kỳ thi, mà câu đối ghi là “Nhị giáp tiến sỹ” nghĩa là sao?”. Ông trả lời vì trước dòng họ Nguyễn đã có 1 người đỗ tiến sỹ rồi… một cách giải thích vô căn cứ, hồ đồ; chuyện thật như bịa.
Trong khi ông Tùng cả quyết các di vật như vậy, thì anh em dòng họ Nguyễn lại giúp chúng tôi tìm hiểu về Nhà thơ theo một hướng khác. Theo đó khu vực ao thu lại là khu ao rộng nằm cách đó chừng 100m, theo hồi ức của rất đông các cụ bô lão thì đây là khu ao lớn mùa thu nở đầy hoa lục bình và con đường bây giờ nắn thẳng lại trước cong queo uốn lượn và hai bên trồng tre trúc… Bức tượng ông phỗng đá, một di vật quý được nhà thơ cảm hứng làm thành thi phẩm “Ông phỗng đá”, có tuổi trên 100 năm cũng bị lưu lạc... Tương tự những bức di ảnh Nguyễn Khuyến nâng chén, Nguyễn Khuyến mặc triều phục thì bản gốc lại lưu lạc mà Bà Hiền (cháu đời thứ 4 của nhà thơ) do may mắn tình cờ hoặc cố công vất vả kiếm tìm mà lấy lại được, nhưng cũng không có mặt tại đây. Tất cả những di vật này và nhiều di vật khác quý hiếm vẫn nằm trong gia đình con cháu họ mạc của Cụ. Theo hồi ức của bà Nguyễn Thu Hiền, những năm gần đây có 1 di vật cực hiếm là chiếc giường gỗ mà cụ Nguyễn Khuyến từng nằm ngủ vẫn còn đặt trong nhà tế đường, nhưng năm 2014 thì đã biến mất! Đặc biệt những hồi ức của các cụ bô lão dòng họ hay anh em nhà bác sỹ Hiền về gia cảnh, những tư liệu sống quý hiếm, thuở xưa chưa có ai đứng ra ghi chép lưu tồn. và đương nhiên sẽ mất đi theo những con người này.
Vấn đề được đặt ra là, một khu di tích quan trọng như vậy sao lại có thể tuỳ nghi hướng dẫn giới thiệu. Các tư liệu vật thể, phi vật thể… gắn với cuộc đời Nhà thơ lớn rất dễ bị hiểu sai đi theo hướng xuyên tạc sự thật và tạo ra những nhận thức lệch lạc cho khách đến thăm viếng? Đặc biệt đây là khu từ đường của một tác giả tiêu biểu trong sách giáo khoa, mà tất cả những gì về ông nếu sai lệch đi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhận thức của học sinh Việt Nam nhiều thế hệ.
Hành trình trên 20km đến.sườn phía Bắc núi Bảo Dài ( Đỉnh ngọn Phượng Nhi, nay thuộc thôn Yên Xá, xã Yên Lợi , huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định).tại đây chúng ta gặp phần mộ của thi nhân. Theo ông Nguyễn Hùng (nguyên giảng viên trường ĐHBK Thành phố Hồ Chí Minh) là cháu đời thứ 4 của Cụ cho biết: đây là ngôi mộ được bốc về, ban đầu được xây dựng theo mô hình mộ quan triều Nguyễn, hiện gia đình vẫn còn lưu ảnh. Sau này, các cấp chính quyền tạo dựng lại theo mẫu tượng đài hình bông sen. Tuy nhiên, phần mộ không được chăm sóc, không có đối tượng được chỉ định cụ thể làm công việc này. Bởi thế, xung quanh đầy rác thải, các mặt tường bị cào, bị vẽ các hình ngây ngô hoặc các câu văn câu thơ vô nghĩa, tục tĩu… Đặc biệt trong khi xây dựng,tấm bia mộ bằng đá rất quý hiếm bị vứt đi, sau bà Hiền nhờ người đào bới mà sưu tầm lại được. Những điều này cảm thấy có gì đó bất kính với thi nhân.
3. Chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt.
Một địa danh văn hoá cấp quốc gia nằm trong chuỗi các địa danh nổi tiếng của vùng đất ngàn năm văn vật vì sao lại có vẻ như bị sao nhãng công tác bảo tồn như vậy? Đã có nhiều bài báo nói về sự tranh chấp đất đai và quyền quản lý khi di tích giữa gia đình ông Tùng với địa phương; và coi đây như là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến những sự việc đáng buồn như nêu trên. Chúng tôi cho rằng để giải quyết sự tranh chấp ấy, không phải là bài toán không có lời giải. Thiết nghĩ, các công trình văn hoá cấp quốc gia phải được bảo tồn và phát huy giá trị của nó. Và để được như vậy, khu tưởng niệm Nhà thơ Nguyễn Khuyến cần được các cấp các ngành của Tỉnh Hà Nam, mà trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND huyện Bình Lục. Thực hiện quản lý nhà nước, có trong tay công cụ pháp luật, động cơ việc làm là trong sáng sao có thẻ lần nữa mãi, trong khi khu tưởng niệm đang dần xuống cấp và mất khách vì cách hành xử hiện thời? Và như vậy, bản thân chính quyền địa phương và gia đình ông Tùng đang vi phạm vào Điều 13 Luật Di sản văn hoá - Số: 28/2001/QH10 “Nghiêm cấm các hành vi sau đây: 1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; 2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa”.
Theo Bác sỹ Nguyễn Thu Hiền, các anh em trong gia tộc họ Nguyễn, (Trong đó có rất đông các trí thức, các nhà giáo, bác sỹ, ca sĩ… nổi tiếng), Đặc biệt người mẹ 91 tuổi của bà Hiền (cháu dâu đời thứ 3 của Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã tự tay viết đơn hiến khu đất), đều đồng lòng muốn dâng hiến khu tưởng niệm cho nhà nước,và góp công của tôn tạo thêm, trên cơ sở đảm bảo những quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người cháu của họ là ông Tùng. Đây là một cơ hội thuận lợi cho các cấp chính quyền khi những con cháu trực hệ của Nhà thơ vẫn còn đang ở độ tuổi minh mẫn và đang có ý thức ủng hộ quyền quản lý một di tích cấp quốc gia. Bởi thế nên chăng chính quyền cần dứt điểm các nội dung thương thảo đảm bảo quyền lợi chính đáng của cháu con dòng họ, xác định đúng chủ sở hữu, xây dựng một cơ chế quản lý rành mạch, tránh tình trạng “một chum hai gáo như hiện nay” để rồi một hệ luỵ nhìn thấy nhãn tiền đó là “cha chung không ai khóc”.
Tất nhiên để sử dụng khai thác hiệu quả khu di tích này còn là cả một câu chuyện dài, song có một sự thật đáng tiếc là nếu không khai thác nó, chúng ta có tội với đất nước, với tiền nhân và mất luôn cái lợi trước mắt là nguồn thu nhập từ du lịch của tỉnh và đương nhiên, gắn với cơ hội phát triển kinh tế của nhân dân quê hương nhà thơ.
Nguyễn Đình Minh
Lá thư của bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hiền ( Lạch Tray - Hải Phòng), cháu đời thứ 4 của Nhà thơ Nguyễn Khuyến
Kính gửi thày Minh
Tôi vừa đọc xong bài viết của Thầy .Cám ơn Thầy nhiều . Có thể thứ năm ngày 7/5 tôi và ông anh của ca sĩ Trịnh Nam Sơn sẽ ghé thăm trường và thắp hương Cụ trước khi về quê .Thời gian cũng không được nhiều để nói chuyện cùng các Thầy và cuối năm học các Thầy cũng bận .
Bài Thầy viết đăng càng sớm càng tốt .Mẹ tôi năm nay 91 tuổi đã viết đơn hiến khu đất cạnh từ đường nơi có nhà xây của anh Tùng cho đến tận hàng rào phía sau thể theo ý nguyện của cha tôi trước khi mất(1974 )
.Đơn ấy bà viết năm 2008 nay bà lại viết nhắc lại và đề nghị cho cán bộ văn hóa vào quản lý .Tôi sẽ mang những tài liệu ấy sang để Thày tham khảo .Cá dòng họ Nguyên Tông cũng viết đơn kiến nghị cho anh Tùng ra khỏi khu di tích Thầy ạ .Đơn của gia đình tôi và dòng họ cùng các bài báo sẽ được gửi đến các cấp có thẩm quyền và họ vào cuộc Thư năm tôi vào sẽ nói thêm .
Kính chào Thầy
.Nguyễn Thu Hiền