Lão Ty Hênh

(Tạp Chí văn nghệ Cửa Biển tháng 4/2010) 

lao_ty_henhLàng tôi ở giữa vùng quê nghèo, những hình ảnh tôi còn lưu giữ được trong ký ức là những ngôi nhà mái rạ tường đắp đất. Tất cả các con đường đi cũng toàn là đất , mùa mưa trơn tuột, lầy lội. Những con trâu bốn mùa lùi lũi ra đồng cùng những bóng áo nhuộm nước nâu, loang màu muối trắng... Tất nhiên có rất nhiều thứ để nhớ nhưng tôi thường không quên bao giờ đó là cây si già nghìn năm tuổi ngay trước nhà tôi che bóng một ngôi miếu cổ, bốn mùa xanh ngát và hai ông lão già. Một trong hai ông lão ấy là ông Ty Hênh. 

Thật ra đến bây giờ tôi cũng không rõ Ty là gì và Hênh có phải là tên của ông hay không. Năm lên mười tuổi tôi rất mê đọc truyện. Có bao nhiêu báo của bố cầm về tôi đọc hết, vớ được cuốn truyện nào cũng ngốn ngấu sạch. Một hôm có đứa trẻ mách nước là đến nhà ông Kiệt để mượn vì ông ấy thích trẻ con đọc truyện lắm, nhưng không một đứa nào dám vào cả, hoặc có vào thì cũng phải chạy sớm.  

Tôi  nhớ người lớn khi kể về cải cách ruộng đất có nói đến Ông Kiệt và cùng cười " vì ông lão trót biết võ vẽ vài ba chữ nên "đội" chia cho hai cái giá sách để đọc cho ...no!". 

Một buổi trưa mùa hè khi cơn nghiền truyện đến, tôi liều mạng xông thẳng vào nhà ông. Ông nằm trên một chiếc võng đay, tay phe phẩy chiếc quạt mo mắt đeo kính. Mái tóc và bộ râu bạc của ông che kín một góc trang truyện. Không nhìn, ông e hèm và hỏi : 

- Thằng nào vào nghịch ngợm gì đấy? 

Tôi sợ phát khiếp, nhưng cố bạo dạn :

- Thưa ông, cháu  đến xin mượn ông truyện để đọc ạ!

Ông ngồi phắt dậy,lườm tôi qua cặp kính lão :

- Mày tên gì, con cái nhà ai ?

Tôi hoảng thực sự đã tính bài chuồn, nhưng trót vào đây cố liều thêm lần nữa nên trả lời ông đầu đuôi.

- Ừ, thằng này khá ! - Ông bất ngờ khen - Nhưng mượn truyện tao phải có nguyên tắc,nếu không đồng ý thì đi ngay.

- Dạ cháu hứa không làm rách, trả đúng hẹn...

Ông chợt quát lên :

- Lẻo mép! Nghe đây, đọc xong phải kể tao nghe, kể thiếu, kể sai hôm sau thôi.

Tôi cũng sợ, nhưng khi ngước nhìn hàng trăm cuốn truyện ông xếp trên nóc tủ thì lại thấy tiếc, nên quyết định hứa :

- Cháu đồng ý ạ !

Ông ngạc nhiên, lườm tôi từ đầu đến chân rồi vẫy tay. Tôi vội vã theo ông chọn truyện. Tôi nhớ ông hướng dẫn là đọc bộ nào thì phải đọc từ đầu đến cuối. Lấy sợi dây hoặc cọng rơm để đánh dấu chỗ đọc dở...Tôi vâng dạ cho qua truyện vì mắt còn dán vào những bìa sách và lòng thì sợ Ông không cho mượn nữa. Cuối cùng thì tôi cũng cầm được cuốn "Tam quốc diễn nghĩa" tập 1. Tôi cho nó vào trong áo, túm chặt, chào ông rồi chạy như bay về nhà.

Ngồi trên chiếc võng đay rách vắt ngang cành mít tôi đọc một mạch hết veo. Tôi bình tĩnh đọc lại lần nữa. Tụi trẻ con chơi bi ở dưới nhìn thấy nhao lên :

- Ê, anh ơi kể chuyện cho chúng em nghe đi.

Tôi tụt xuống ,bọn trẻ vây quanh nghe tôi kể. Chúng há hốc mồm nghe, những đoạn phi ngựa múa gươm thằng thì mồm méo đi,thằng thì tay chân vung lên đạp tứ tung rồi cười khoái trá. Có nhiều chỗ tôi quên thì mở ra đọc lại rồi chú thích cho bọn trẻ,có khi làm điệu bộ nữa chúng thích thú lắm.

Đêm ấy tôi mơ ngủ toàn thấy Quan Vân Trường cỡi ngựa đánh nhau. Sáng sớm mẹ đánh thức tôi dậy và bảo :

- Con mơ gì mà chân tay cứ đập ầm ầm xuống giường suốt đêm ?

Tôi giật mình nhớ ra đã hứa trả chuyện nên vội đánh trống lảng cho qua rồi dấu sách chạy một mạch đến nhà ông Kiệt.

Ông đang ngồi ăn sáng. Gắp một miếng dưa cải củ chấm vào bát mắm cáy ông ra lệnh :

- Kể đi !

Tôi thao thao bất tuyệt về các tình tiết đôi khi xen vào bình luận một cách ngây thơ " Trương Phi y hệt chú Bảo bên cạnh nhà cháu, nóng như lửa mất hết khôn", " Quan Vân Trường mặt đỏ sẽ là trung thần ,cháu xem tuồng các ông mặt đỏ đều thế cả"... ông lão buông bát cơm xuống nhìn tôi rất lâu, sau đó lặng lẽ vào cầm tiếp tập 2 cho tôi. Ba tháng hè tôi liên tục đọc sách của ông. Có hôm tôi ốm ông chống gậy mang sách vào tận nhà và mua cho tôi một cái bánh đa. Dần dần tôi và ông thân nhau. Buổi trưa ông dặn tôi ra nghe "Đài tiếng nói Việt Nam". Thực ra nó là cái Galen bé như cái sáp phấn nói ọ ẹ. Ngày ấy tôi kinh ngạc lắm,ông bảo nó nói từ Hà Nội truyền về đấy. Tôi đâm sùng bái ông vì sự hiểu biết. Đi đâu tôi cũng ca ngợi ông hết lời, không ngờ thằng Canh bạn tôi nói :

- Truyện ông Kiệt không hay, đọc mỏi mắt và khó hiểu lắm tao thích nhất nghe chuyện Ty Hênh .

Tôi vội hỏi :

- Nhà ông ấy ở đâu ? Ông ấy có cho mượn truyện không?

-Tao chẳng biết, nhưng nghe chuyện ông ấy khoái lắm cứ là cười bò ra. Ông ấy ngày nào cũng đi câu ếch - thằng Canh trả lời.

Từ lúc ấy đầu óc tôi cứ nghĩ về ông Ty Hênh. Một hôm tôi và ông Kiệt ngồi vãn chuyện tôi nghĩ các ông cùng mê truyện chắc biết nhau, nên dò hỏi:

- Ông có biết Ông Ty Hênh không ạ? Cháu nghe nói ông ấy kể chuyện hay lắm!

Không ngờ ông Kiệt quát lên :

- Vớ vẩn, lão Ty Hênh kể toàn truyện bịa thô thiển. Mày học giỏi lắm đừng có mà vướng vào là hỏng người đấy. Mày xem có nhà văn nào là Ty Hênh không ?

Tôi chẳng dám cãi vì lỡ ông không cho mượn truyện nữa thì chết, nhưng vô tình Ông đã kích thích trí tò mò của tôi. Vào một buổi chiều, tôi thấy một ông lão câu ếch đang rung rung cần trong bụi dứa dại trước nhà. Nhớ lời thằng bạn tôi đi ra chào ông và hỏi :

-Thưa , ông có phải là ông Ty Hênh không ?

Ông lão cười tinh quái, nhìn tôi :

- Mày con nhà ai ? Tên gì ?

"Y hệt câu hỏi ông Kiệt, họ giống nhau thật" - Tôi nghĩ và lại trả lời ông đầy đủ.

Sau đó hỏi dò :

- Nhà ông chắc có nhiều truyện ? cho cháu mượn đọc với được không?

Ông lão cười ngất,vỗ vào bụng :

- Nhiều bằng máy lần nhà lão Kiệt, nhưng tao sợ ẩm mốc và chuột gặm nên đốt ra hoà nước uống xếp hết vào trong bụng rồi. Khi nào muốn dùng thì lại lôi ra.

Tôi tiếc ngẩn người. Ông liếc tôi và cười ha hả khoái chí, làm tôi cũng cười theo. Vừa lúc ấy ông giật cần rồi cuộn vòng cước lại. Một chú ếch bé tí tẹo mắc câu.

- Con ếch bé xíu ông vứt đi thôi - tôi đề nghị.

Ông trừng mắt :

- Vứt là vứt thế nào, đây là con ếch hoàng tử đấy!

Tôi vô cùng ngạc nhiên . Ông nhìn tôi nghiêm túc kể :

- Ngày trước, hình như năm xưa... tao câu được một con ếch chúa. Chuyện là thế này, hôm ấy tao đi câu chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào cả ngày không được một con ếch nào. Tức mình tao rẽ vào gò đất chòi ra giữa ao, cái ao bảy mẫu làng mình ấy, định đái một cái cho đỡ tức bụng. Tao không còn tin ở mắt mình nữa, không biết con trâu nhà ai ra tận đây và ỉa  một bãi to như cái nón. Tao đang tự hỏi như vậy thì thấy bãi cứt trâu ấy phập phồng, phập phồng... tao dụi mắt nhìn kỹ vì sợ mắt hoa. Nhưng rõ ràng bãi cứt trâu ấy phập phồng thật. Tao đâm hoảng hay ma hiện giữa ban ngày! Đúng lúc tao định chạy thì một giọng vang lên : Ốp-ộp! Ốp-ộp!.. Ôi chao, tao nghề câu ếch từ nhỏ nhưng chưa bao giờ nghe thấy cái giọng vang ngân sang trọng như vậy.

Đích thị là con ếch rồi ! Con này thuộc hàng vua chúa chứ chẳng chơi. Nghĩ vậy tao nhào cả người vào vồ. Mày biết không nó gồng mình lên và vút xuống ao. Tao bám chặt nó cứ bơi dọc ao và vùng vẫy. Cuối cùng nó nhọc lên ép tao vào bờ tre. Tao bèn thả bát cước câu ra quấn lung tung vào chân nó, người nó và giữ nguyên như vậy ở dưới ao. Đến tối sẫm người làng đi làm về tao gọi mấy người trợ giúp mới mang được nó lên, xỏ vào bắp cày khiêng về.  May đúng dịp tết đoan ngọ không có gì, tao bảo bà lão nhà tao cắt tiết làm thịt. Đúng ba mâm cỗ to đủ các món. Riêng món lòng cho tý đỗ rau thơm nhồi mỡ  của nó vào rán qua thì ôi thôi cứ như lòng chó!

Tôi bỗng nhiên tứa nước miếng. Nhưng nhìn vào con ếch còm ông vừa câu, cố gạ ông để moi bí mật :

- Con này chỉ được mỗi miếng thôi.

- Bậy nào - Ông nói - sáng mai đến nhà tao, nhà tao kia ở tay trái cây si ấy chừng trăm mét quành qua hai bụi tre và một bụi xương rồng là đến.-ông thầm thì - Hoàng tử ếch sẽ gọi các cận thần đến và tao mỗi tháng chỉ đi câu một lần chả phải làm gì.

Ông ghé miệng vào giỏ hỏi :

- Thưa có đúng không hoàng tử ?

Trong giỏ vọng ra tiếng ộp!ộp! như trả lời vậy. Tôi đâm ra mơ hồ . Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm chạy một mạch xuống chỗ cây si. Theo đúng đường ông chỉ tôi nhìn thấy ngôi nhà rạ bé như cái chuồng chim chìm trong vườn chuối. Bên cạnh một nhà hàng xóm có một cây mít to khổng lồ. Nhìn thấy tôi ông vẫy tay. Tôi nhào vào chỉ muốn xem hoàng tử ếch gọi cận thần như thế nào. Nhìn vẻ mặt tôi ông bảo :

- Bình tĩnh, ăn mít đã nhé ! mít này của nhà tao đấy giống Hà Nam quả to như cái giành đựng thóc.

Tôi ngó lại, rõ ràng nhà ông chỉ toàn chuối, bèn buột miệng :

- Hay ông ăn trộm của nhà bên cạnh.

Ông cười :

- Cái lão hàng xóm kia ky bo lắm, mày nhìn nó quây rào thế kia bố thằng trộm cũng chịu nữa là tao. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn ". Tao lấy mít của nhà nó mà nó đành ngậm miệng ,thế mới cao tay.

Tôi ngớ ra chẳng hiểu gì. Ông giảng giải :

- Này nhé,"đất giăng dây cây cắm sào " đúng không ? Nhà lão kia muốn chơi đểu nên trồng cây mít sát tường nhà tao. Ai ngờ gốc cây vằn lên hai cái rễ và từ đấy quả mọc ra cực to, to lắm vì nó là quả gốc lại không có ong bướm bay vào châm chích nên ngọt như đường phèn . Mày vào đây giúp tao khiêng quả mít nhé.

Tôi đi vào buồng, mùi mít chín bốc lên thơm nựng. Trong cái căn buồng chật chội quả mít được bọc rơm kỹ. Ông cúi xuống lạch xạch như cắt cuống rồi vần ra. Tôi cố kiễng chân và nhìn thấy rõ cái rễ mít quả nhiên vồng lên trong buồng nhà ông như hai con rắn to vậy.

Ăn mít xong tôi mới chợt nhớ ra, mục đích tôi đến đây là gì, bèn hỏi ông về chuyện ấy. Ông cười khà khà, đưa tôi cái lá mướp. Tôi trố mắt ngạc nhiên, ông bảo :

- Lá mướp kỵ nhựa mít. ăn mít xong lấy lá mướp lau, hoặc vò tay vào thùng gạo thì không còn tý nhựa nào nghe không ?

Tôi lau, và quả đúng lời ông, không còn tí nhựa nào. Ông vẫy tay, đưa tôi ra vườn chuối. Khi mở cái nắp hố, chao ơi ! tôi không còn tin vào mắt mình nữa. Dưới lòng hố sâu thoang thoảng mùi nước vo gạo, hàng trăm con ếch lớn nhỏ nhảy lỗm chỗm dương mắt nhìn. Khoái trá vì vẻ mặt như đần ra của tôi, ông bình thản nâng ống điếu, kéo một hơi thuốc lào  phà ra một luồng khói trắng và kể :

- Hoàng tử ếch chỉ cần kêu một tiếng là hàng nghìn con lao ra ngoài ruộng, ngoài ao tập trung đợi lệnh hết. Cháu không tin, đêm nay thế nào cũng mưa to cháu sẽ nghe tiếng kêu ầm ĩ của bọn lính ếch. Chúng nó nghe lệnh hoàng tử ếch nhà ông tràn đầy ra ruộng cứ việc nhặt bỏ vào giỏ hiểu chưa?

Tôi chào ông ra về lòng bán tín bán nghi,chợt nghe gọi :

- Ê thằng cu tý cháu Ty Hênh ,vào đây ăn dưa.

Người làng tôi nghỉ giải lao ngồi dưới bóng si uống nước trên những cái rễ vồng lên bện vào nhau như những con trăn, còn bọn thanh niên choai leo đầy cành ngồi ngất ngưởng. Tôi vào lễ phép chào hỏi mọi người và cùng ngồi ăn dưa hấu. đất làng tôi là đất dưa, tôi vẫn thường nghe bố ngân nga :

Về quê anh em chẳng muốn đi

Nhớ dưa lòng cát những khi sang hè.

Tôi buột miệng:

- Dưa ngọt thật, ngọt như đường phèn ấy!

Bọn choai ở trên trêu :

- Không ngọt bằng dưa Ty Hênh đâu !

Và tất cả cùng cười sặc sụa. Một bác phì phạch cái quạt mo chép miệng :

- Cái lão Ty Hênh làng mình kể cũng được. Hắn nói phét thành thần mà ai cũng tin. Nghe xong biết lão bịa nhưng rồi lần sau lại muốn nghe tiếp. Ấy nhân ăn dưa, tôi kể câu chuyện về dưa của lão. Nhà Ty Hênh có bốn thước ruộng phần trăm thôi, sát ruộng nhà tôi. Lão cũng lụi cụi trồng dưa, tôi bảo :

- Nhà ông có tý ruộng, vứt quách cho tôi làm, ông lấy thời gian mà đi câu ếch, vài quả dưa đáng kể gì ?

Không ngờ lão bĩu môi nhìn tôi :

- Ông tưởng hai sào nhà ông ăn đứt mảnh ruộng con này chắc? Tôi thu gấp bốn lần ông đấy.

Biết lão vốn vua nói phét, tôi cũng im lặng cho qua. Nhưng thú thực tôi đâm ra chú ý đến cách chăm bón của hắn nhiều hơn. Đêm nằm vắt óc nghĩ, tịnh không thấy hắn làm cái gì hơn mình cả. Đôi tuần rồi cũng quên đi. Mùa dưa chín, một hôm tôi thăm ruộng nhà mình thì thấy lão đôi co dữ dội với một cô mua dưa :

-  Ô cái cô này hay chửa? Không thích thì đi mua nhà khác. Dưa đây là dưa mật ong một quả đắt gấp bốn lần quả dưa khác. Đây cô xem gõ vào cứ là bùng bục, cuống có bấc trắng, vỏ thẫm, chắc như nắm cơm...- giọng lão oang oang.

- Thôi cháu mua vậy - cô gái chịu lùi.

Lão lật quả dưa lên, bụng quả dưa vàng rộm, đến tôi cũng ngớ ra. Hắn giảng giải :

- Màu vàng này là chỗ đọng mật ong đấy. Cô biết không các buổi sáng tôi phải gọi ong về. Ong về nó luyện phấn châm vào đài hoa tạo thành mật. Thôi cô nhiệt tình tôi biếu cô một quả nữa gọi là thơm thảo.

Cô gái mừng hú, dúi tiền vào tay lão. Còn tôi ngẩn người ra. Lúc ấy lão mới thèm nhìn tôi, giang tay lắc đầu như ngưòi ta diễn kịch nói :

- Ông biết đấy dưa mật ong chẳng ai biết cho thế có khổ không ?

Tôi đâm ra hoang mang thật sự. Hay lão có giống dưa mật ong thật ? tôi gạ :

- Tối nay ông chiêu đãi tôi một miếng xem sao?

Lão nói :

- Ông cứ làm như xa lạ, anh em cả, tối mời ông sang nhé.

Buổi tối sáng giăng, tôi sang nhà lão e hèm từ ngõ đánh tiếng. Lão tươi cười :

- Mời bác vào nhà.

Rồi lão săm sắn lấy một cái mâm, một con dao bầu sáng loáng và khệ lệ ôm quả dưa ra. Lão nháy mắt ranh mãnh :

- Bác bổ giúp tôi, tôi đun thêm tý nước ù cái là xong.

Tôi nghĩ bụng "Thằng cha này dại thật, mình sang tìm bí mật mà hắn lại trao ngay bí mật ấy vào tay mình". Tôi nhanh chóng phanh quả dưa ra. Chao ôi những buổi tối oi nồng có được miếng dưa lòng cát thế này thì nhất trần đời. Tôi khẽ nếm mặt dao thấy ngọt lịm và rõ ràng không chỉ có vị ngọt của dưa mà rõ ràng có hương vị mật ong. Cuối cùng tôi thót tim ngây như phỗng vì trong một miếng dưa có vương lại một ít vỏ tổ ong.

- Ấy chết tôi xin lỗi !  Lão Ty Hênh xuất hiện từ bao giờ, lão cúi xuống nhặt vỏ tổ ong ra miệng lầm bầm :

- Bọn ong này hỏng, đã bảo chỉ tiêm mật vào, lại còn định làm tổ trong ấy nữa, hư quá!

Tôi nghệt mặt ra như ngỗng ỉa. Đến lúc ấy mới tin lão nói thật.

Bọn trẻ trên cây nói chõ xuống :

- Nói phét, có mà dưa Ty Hênh thì có, lão lẫy đũa nhồi vỏ tổ ong từ đằng cuống xuống mà,tao lạ gì. Bố bị "lỡm" rồi bố ơi..

- Lại thêm một Ty Hênh mới nữa rồi...

Mọi người bò lăn ra mà cười. Người kể nhìn chiếu lên cành si quát :

- Hết giờ nghỉ rồi đi làm không nắng vỡ đầu bây giờ.

Mọi người lại tràn xuống ruộng, vừa cười vừa bình luận về câu chuyện, còn tôi ngơ ngẩn về nhà.

Buổi tối, trời oi nồng. Phía đằng đông chớp voi cày quất liên tiếp những nhát nhằng nhịt loá mắt lên nền trời. Tôi nằm trằn trọc không ngủ mãi đến nửa đêm mới chợp mắt. Được một lát tôi nghe tiếng sét nổ và mưa lộp bộp, sau đó là mưa ào ạt, một luồng hơi nước phả vào mát lạnh làm tôi tỉnh giấc. Ngoài hiên nước chảy thành tua theo mái rạ tanh tách nhỏ xuống. Mặt sân ngầu bong bóng trắng mờ mờ. Mẹ khoác áo tơi quấn lại chiếc rua hứng nước vào cái ang đất.

Tôi nói với bố lúc ấy đang cố gắng che gió cho chiếc đèn dầu Hoa kỳ :

- Bố cho con mượn áo đi bắt ếch. Đêm nay hoàng tử ếch gọi đàn về đầy ruộng chỉ việc nhặt bỏ giỏ thôi.

Bố tôi trố mắt nhìn tôi chằm chặp còn mẹ từ ngoài sân vào thì rũ ra cười :

- Thôi chết thằng này thành cháu ông Ty Hênh rồi.

Đến lúc bố cười ngất. Tôi chẳng hiểu gì , nhưng nghe bố mẹ lên giường ngủ tiếp trong tiêng mưa rào ào ạt và tiếng ếch inh uôm.

Tôi không ngờ, đêm hôm ấy ông Ty hênh qua đời. Ông mất ngay trên bờ ruộng với một giỏ ếch đầy. Người làng tôi xì xầm rằng do ông kể chuyện hay quá nên vua Thuỷ Tề sai con làm ra trận mưa sấm chớp đêm qua bắt ông về thuỷ cung để chuyên kể chuyện cười cho vua. Tôi thì nghĩ "Đúng thật! theo lời ông đêm qua hoàng tử ếch có gọi quân binh đến".

Mấy hôm sau ,tôi đến nhà Ông Kiệt, thấy mắt ông đỏ mọng. Ông vẫy tôi lại hỏi :

- Hôm trước cháu có đi đưa đám lão Ty Hênh không ?

- Dạ có ạ ! - Tôi thưa.

- Buồn nhỉ ! Lão đi cũng thanh thản không biết bao giờ mới đến lượt ông?

Rồi Ông quay sang tôi nói nhẹ nhàng :

- Ông cho cháu tất cả kho sách cổ này, mang về giữ gìn mà đọc. Nó sẽ giúp ích cho cháu rất nhiều. Ông chỉ có một điều kiện là khi đọc xong sang kể cho Ông nghe và nêu nhận xét của cháu. Những nhận xét của cháu ông rất thích.

Tôi ngớ ra, Ông dường như đã thay đổi hẳn. Trước hết là không xưng "tao, mày" và tính trầm đi. Tôi đưa sách về nhà xếp kín cái ghế băng và một nửa giường. Bố mẹ tôi sang cảm ơn ông. Ông nói :

- Không có gì, cái làng này thằng bé nhà anh chị có thể làm nên nghiệp hãy chú ý đến nó. Tôi chỉ có đống sách cho nó thôi.

Một tháng sau ông ra đi theo ông Ty Hênh. Tôi một thằng trẻ con mười tuổi tự nhiên sở hữu một kho truyện lớn của làng. Tôi nghiến ngấu đọc, nhưng có bao nhiêu truyện và sách  chẳng hiểu gì cả. Tôi lần lượt đọc lại lần nữa những chuyện hiểu được và đi kể chuyện khắp làng. Có một hôm tôi đang kể chuyện thì thằng Canh nói :

- Chuyện mày kể thì hay , nhưng phải giảng giải chúng tao mới hiểu đau đầu lắm.

Tôi tức mình nói :

- Thế mày kể chuyện đi xem nào.

Không ngờ thằng Canh ngồi xếp bằng lại, kể ngay .

- Đêm hôm qua tao đang ngủ thì bố tao hớt hải chạy về gọi "Con ra giúp bố khiêng con trâu về ngay". Mặc dù ngái ngủ và chẳng hiểu gì nhưng tao đi liền. Đến bờ sông, tao nhìn rõ con trâu đang gồng mình vật lộn như một con trâu điên vậy. Tao ngơ ngác nhìn bố ,thì ông ấy nói "Bố mượn trâu trộm đi bừa ruộng vì chờ đến phiên trâu nhà mình thì hỏng hết thời vụ." Con trâu nhà ông Bảo chúng mày biết rồi đó "Tai lá mít đít lồng bàn" hẳn hoi và bốn chân như bốn cái cột đình nhá! Thế mà như bị gìm xuống sông.

thằng bạn dừng lại. Bọn trẻ con nhao nhao :

- Nó bị dắt chân vào khe đá à ? - Thằng Canh lắc đầu.

- Tao biết rồi nó bị bố mày phang gãy chân - Thằng Canh vẫn lắc đầu.

Tôi bị hút vào câu chuyện từ lúc nào ngứa tiết quát lên :

- Ngu thế, đó là do con cá chép cụ nó đớp nuốt vào bụng.

Thằng bạn tôi mắt sáng lên :

- Ừ mày giỏi thật con cá chép cụ đấy - tao kể tiếp nhé - thế là tao lặn xuống. Cái đuôi nó to như hai cái quạt mo quất vào mặt tao một cái bay ra giữa sông. May tao bơi giỏi nên mới thoát chết. Tao vội ngoi lên bảo:

- Bố đưa con cái bừa!

Tao cầm cái bừa xuống , alêhấp dùng mũi đâm vào mép nó lúc ấy đang ngậm chặt cái chân trâu. Ôi giời ơi ! cái râu của nó to bằng cái chão ấy quất tao một cái vào mạng sườn đau điếng . Đây này vẫn còn nốt đỏ, nó vén bụng lên rõ ràng một vết bầm chạy vòng xương sườn. Đám trẻ xanh mắt, còn  tôi phì cười vì biết chắc đó là vết chão bố nó quật cho tối qua vì tội mải chơi nấu cơm muộn.

- Mày cười gì - nó quát lên. Tôi đành im lặng.

Canh kể tiếp - Tao nghĩ con cá này thành tinh rồi bèn lấy khẩu súng trường K44 lên cò "Roách"!...

- Khoan - một đứa trẻ hỏi - mày lấy súng ở đâu? Nói phét !

- Súng của bố tao, tao mang ra vì tao đã gặp con cá thành tinh ấy rồi, khi bố nó chạy qua nhà tao đã kể nhanh với tao.

Thằng Canh lườm lũ trẻ một lượt như cảnh cáo "Bố nó là xã đội trưởng, đầy súng tin chưa?"- rồi tiếp - "Roách"! xong, tao dí vào mắt nó. Mà này mắt nó to như cái bát ôtô, nổ "bùm"!

Bọn trẻ giật nảy mình, còn thằng Canh tỉnh queo :

- Mắt cá đổ ra như mực làm sông đen thẫm. Lúc ấy con trâu mới thoát ra được. Hai bố con tao và mày nhỉ ? (nó quay sang tôi cười nịnh) - ba người chạy tìm dọc sông thì thấy một cái thuyền trắng phớ nổi lên. Chúng tao bơi ra thì đó là con cá đã chết. Hai thằng ngủ trên đó một giấc đến gần sáng do thân cá mát lạnh và bồng bềnh như võng. Chúng tao dìu con cá vào bờ rồi ì ạch vần lên lưng trâu đem về. Tao chỉ sợ con trâu gẫy xương vì đến gần chuồng nó khuỵ xuống một phát.

Một đứa trẻ nói :

- Thảo nào sáng sớm em dắt trâu qua ngõ nhà anh đã ngửi thấy mùi cá kho. Trưa nay em sang anh cho em một mướng nhé !

- Ừ tao cho tất, không ăn nhanh thì nó cũng thối mất. Thôi giờ đi làm đi.

Thằng Canh nói tỉnh queo rồi tất cả giải tán.

Từ đó làng tôi lúc nào cũng ngập tiếng cười bởi những câu chuyện Ty Hênh  do thằng Canh kể. Tôi hoá ra thành đệ tử của nó, lúc nào nó bí tôi kịp thời bịa ra gợi ý ngay. Những đêm sáng trăng sân nhà thằng Canh chật kín ngưòi bởi bố nó là đội trưởng sản xuất nên hay họp đội ở đó. Cứ tan họp là thằng Canh lại kể và tiếng cười tưởng rung cả trăng khuya.

 

 

*

*  *

 


Chúng tôi sống và lớn lên ngây thơ như cây lúa củ khoai của làng. Trong rơm rạ và vách đất vẫn cười vang vô tư trong những câu chuyện Ty Hênh. Trời cho sao chịu vậy, hết lớp bảy tôi được tuyển thẳng vào lớp chuyên của trường cấp 3, còn thằng Canh không đi học nữa ở nhà giúp bố làm ruộng. Tôi, do bài vở nhiều nên bắt đầu bỏ ngoài tai các câu chuyện Ty Hênh. Thi thoảng tôi có nghe ai đó đi ngoài ngõ trao đổi với nhau :

- Bố tiên sư cái thằng cu Canh, giờ nó còn bịa giỏi hơn cả lão Ty Hênh ngày trước.

Tôi hiểu là thằng Canh vẫn đang kể những câu chuyện Ty Hênh ở một nơi nào đó và bất giác mỉm cười. Đến năm tôi học lớp mười không biết vì lý do gì tự dưng tôi học môn văn trội hẳn lên. Thày giáo dạy văn cho tôi mấy điểm mười liền. Hồi đó chuyện học văn được mười giống như chuyện bịa vậy. Có hôm tôi được chín điểm, khi thày trả bài xong cho xem rồi lại thu lại. Hôm sau giờ văn thày cầm bài của tôi và nói với cả lớp " Điểm mười là điểm của Chúa, điểm chín là điểm của Thày, điểm tám mới là của các cô các cậu. Nhưng bài của bạn quả là xứng đáng điểm mười tôi chữa lại và lấy vào sổ ". Sau đó, thày quyết ép tôi đi thi khối C. Tôi nghe thày và đỗ ngay Đại học tổng hợp khoa văn. Đến đây một phần kho sách cổ của ông Kiệt cho tôi phát huy tác dụng. Tôi hiểu được những điều thâm thuý tinh tế trong các trang sách của Tư Mã Thiên ,Kim Thánh Thán... và cũng không còn nhớ về truyện Ty Hênh nữa. Ra trường tôi vùi đầu vào nghiên cứu ở viện Văn học, rồi lấy vợ cùng ngành cùng cơ quan. Có một gian phòng bé tý giữa một khu nhà tập thể ở thủ đô, mà nhét hai cái đầu văn vào đó nhiều lúc chẳng thấy mát mà còn nóng. Nhiều hôm vợ tôi dỗi mà không làm cách nào dỗ được, bởi mọi lời ngọt ngào có cánh thì đừng có mà nói ra với dân văn chuyên nghiệp cao. Một hôm tôi mải uống bia cỏ với tụi ban về muộn, thoáng qua đã thấy khuôn mặt vợ biến đổi theo chiều hướng nặng ra nhanh chóng. May thay tự nhiên ý nghĩ về ông Ty Hênh vụt đến. Tôi ngồi xuống ghế nói cố cho vợ nghe:

- Nay tý nữa thì chết.

Vợ im lặng không nói.

- Tý nữa thì dính vào pháp luật ,vớ vẩn tù mọt gông chứ chẳng chơi.

Quả nhiên nàng không chịu được nữa, khuôn mặt nhẹ đi một nửa, nhưng vẫn xẵng:

- Chuyện gì ?

Đến lượt tôi im lặng ngồi vờ thở dốc. Liếc nhìn thấy khuôn mặt vợ đã nhẹ đi ba phần tư.

- Em hỏi có chuyện gì ? - Vợ tôi đã bức xúc. Nàng đã quan tâm và thêm được ba từ. Tôi mới kể :

- Anh đi ra ngoại thành làm việc, gặp người bán con cá trắm to lắm định mua về vợ chồng mình làm lẩu .  Ai ngờ vừa đặt lên xe thì có một bà ào ra túm lấy bù lu bù loa.

Vợ tôi nói :

- Anh mua phải của ăn cắp chứ gì ? cứ tự cao tự đaị cho chết !

Tôi vội cãi :

- Nào có phải thế. Bà ấy cứ đòi anh hai quả dừa. Anh bảo bà này hay nhỉ, tôi thế này mà lại lấy của bà hai quả dừa làm gì ?

Bà ấy chỉ vào con cá và nói :

- Tôi nghâm cứu rồi, đích thị là nó. Bà chỉ vào con cá.

Lúc ấy dân làng kéo đến đông lắm. Thằng bạn anh bảo :

- Này ông, vứt cha con cá đó đi lôi thôi với dân rách việc.

Anh đang định vứt, thì một ông cầm con dao bầu sáng loáng đến gào to :

- Không được phi tang !

Ông ta ẩy con cá xuống đường và " Soạt !" phanh bụng con cá ra.

-Thế thì sao ?- vợ tôi hỏi.

- Hoá ra trong bụng nó có hai quả dừa vì cu cậu đói lên đớp mất hai quả dừa rụng.

Vợ tôi phá ra cười lao đến đấm tôi túi bụi :

- Đồ bịa chuyện trốn tội này, bịa này...

Nàng vừa đấm vừa cười ngặt nghẽo. Còn tôi thoát hiểm. Sau này tôi thường dở ngón võ gian đó ra làm vợ nguôi giận. Bỗng một đêm tự dưng vợ tôi cười rũ ra. Tôi hoảng , vội cầm vai vợ lắc mạnh :

- Em làm sao đấy ?

- Em không sao - Vợ tôi gạt nước mắt cười - Những cái chuyện anh bịa ra đấy, có nhiều không?

Tôi thở hắt ra :

- Không ! đó là chuyện của ông Ty Hênh làng anh đấy.

Không ngờ vợ tôi nói :

- Một trong những nét văn hoá dân gian là tính hài ước. Làng anh bỏ phí một đặc sản quý đấy. "Một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ". Có điều kiện anh viết một chuyện về nó đi anh ạ!

- Để anh thành ông Ty Hênh à ?

Vợ tôi lườm :

- Thế anh chả là ông Ty Hênh mấy tháng nay lừa em đó sao? Với  lại văn chương của em và anh đậm tính bác học quá. Nó ít công chúng. Nó giống như viên kim cương dấu kín trong két mà chỉ các đại gia nhìn thấy khi đem đấu giá. Còn phần lớn con người thì cần cái gần gũi,đơn giản giống như bọn trẻ con sẵn sàng đổi kim cương để lấy hòn bi bằng đá để chơi.

Tôi cúi đầu nhớ lại câu của thàng bạn đồng ấu là thằng Canh "Truyện mày kể hay nhưng khó hiểu...đau đầu lắm".

Ít lâu sau vợ chồng chúng tôi cùng được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài và gửi thằng cu Tý về quê cho ông bà nội trông hộ.

Chúng tôi tu nghiệp tại Lênigrát. Một hôm giáo sư yêu cầu chúng tôi biên soạn một câu chuyện dân gian của nước mình, tự kể để chấm điểm. Tôi kể câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh. đọc lại thấy quá hay lòng chắc mẩm sẽ vô địch lớp. Vợ tôi ngồi cuối lớp bỗng nhiên cười rũ ra. Giáo sư nheo mắt hài ước :

- Có gì vui thế, chia sẻ đi nào bạn Việt Nam !

Vợ tôi kể, giọng Nga rất có nghề, câu chuyện được đặt tên là " Chúa ếch", đó là câu chuyện thuở bé của tôi nghe ông Ty Hênh kể. Nàng kể xong, Giáo sư và cả lớp cười bò ra. Chỉ mỗi mình tôi là tưng hửng. Giáo sư cho ngay 5 điểm ( điểm tuyệt đối của Nga). Sau đó Ông nói bằng tiếng Việt :

- Khi nao toi sang Viết Nam cho mọt bát tiet canh éc vói nhé !

Đến lượt các bạn Việt cười rung cả lớp học.

Hai năm trôi qua, vợ chồng tôi trở về nước.

Chúng tôi xuống sân bay Đa Phúc lúc 10 giờ. Mọi người ùa ra đón. Ngay bên cạnh chiếc xe chín chỗ ngồi được mông lại. Canh đứng đấy, tóc đã muối tiêu nó cười giang tay ra. Tôi nhào vào, hai đứa ôm nhau nước mắt trào ra. Nó nói :

- Này tý tỳ ti nữa là tôi đến muộn vợ chồng ông lại phải chờ đấy!

Tôi cười trêu :

- Nhưng con cá chép cụ không thích nuốt bánh xe ô tô phải không ?

Canh phát vào vai tôi :

- Thằng này, mày nhớ dai như đỉa đói thế ! Chả là đầu đuôi câu chuyện thế này...

Chúng tôi cười vang. Tôi giục :

- Thôi nổ máy đi bố, nghe cái "Chả là" đã biết là giọng Ty Hênh rồi.

Bố tôi nói :

- Thôi để cho ông cụ yên nghỉ, giờ làng mình gọi nó là Ty Canh rồi, cháu Ty Hênh chính hiệu đấy.

Chúng tôi cùng cười và chuyện Ty Canh nổ ra suốt tuyến. Tôi kể cho mọi người nghe chuyện vợ tôi đạt điểm tối đa bằng câu chuyện "Chúa ếch ". Ty canh nói :

- Thằng Tây nó là ghê lắm. Nó mà cho thím ấy điểm cao thế tức là cái chuyện làng mình rất có giá. Tôi tiếc quá, nếu mà có học hành thì tôi viết thành cả tập dày cho cả nước xem.

Tôi và vợ nhìn nhau. Chúng tôi hiểu mình đang chịu một món nợ với Làng.

Canh dẫn tôi đi thăm lại cảnh xưa. Làng tôi giờ đã thay đổi như trong cổ tích. Ngôi nhà ông Kiệt đã thành một đại lý xe máy SUZUKI, còn khu nhà ông Ty Hênh giờ là khu đầm nuôi tôm. Duy chỉ có cây si vẫn bình thản trầm mặc đứng đó và ngôi miếu cời thêm màu rêu mốc. Tôi thắp hương vái lạy trước mồ của hai ông cụ đã gắn bó với tôi một thuở ấu thơ. Hai ngôi mộ chỉ là hai gò đất cỏ mọc xanh um lá vờn nhẹ trong lồng lộng gió chiều. Tôi ngồi xuống một mô đất thảng thốt mơ hồ nghe tiếng ếch kêu hay tiếng chiếc Galen ọ ẹ một thuở nào ?...

Đêm hôm ấy vợ chồng chúng tôi xin phép cho thằng cu Tý ngủ chung. Vợ tôi hỏi nó bao nhiêu là chuyện. Nó đã học lớp một. Tôi bảo :

- Cu Tý hát cho bố mẹ nghe một bài nhé !

Nó nói :

- Con xin đổi bằng kể chuyện được không bố.

Tôi gật đầu. Thằng cu Tý kể :

- Chả là đầu đuôi câu chuyện thế này... Hôm ấy Tý đi học về cùng lũ bạn thì thấy một cái xe công nông chở lúa nằm chết dí. Tý thấy hơi nóng từ đầu máy bốc ra như có lửa. Chú lái xe toát mồ hôi mà cục sắt vẫn không chạy. Tý bảo :

- Để cháu sửa cho.

Chú lái xe tròn mắt nhìn và quát :

- Trẻ con lui ra.

Lúc ấy có một ông lão đi qua bảo :

- Cái thằng bé này bố mẹ nó giỏi nhất làng đang đi học ở Liên xô đấy, có khi chuyện máy móc nó biết, mày cứ nhờ nó đi !

Chú lái xe bảo :

- Ừ đấy, nếu không được thì ăn mấy cái bẹo tai.

Tý nói :

- Nhưng ông và chú phải đi ra xa và bịt mắt vào cơ.

- Bố tiên sư thằng lỏi con ! - Chú lái nói thế rồi đi vào quán nước.

Một lát sau, chúng con chạy mất nấp vào bụi cây. Chú lái cầm tay quay, quay một vòng quả nhiên xe nổ ầm ầm. Chúng con reo to và chạy mất, chỉ một mình chú lái đứng ngây mặt ra.

Vợ tôi hỏi :

- Làm sao con sửa được ? con có biết gì đâu ?

Thằng cu Tý trả lời ngay :

- Cái ôtô nhà bác Ty Canh cũng thế, mấy lần con thấy bác ấy đổ nước vào là lại nổ.

- À thì ra bọn con múc nước đổ vào cho nguội máy ? - Tôi hỏi.

- Dạ không ạ, tất cả chúng con cùng đái vào cái nồi hơi, nó cạn gần hết nước mà !

Vợ tôi cắn răng vào gối mà cười. Ngoài nhà bố tôi nói vọng vào giọng khê nồng ngái ngủ :

- Tiên sư cái thằng, đúng là cháu ông Ty Hênh.

Tôi im lặng nhìn ra cửa sổ. Đêm quê thật yên tĩnh. Vành trăng đầu tháng như nét vẽ miệng chú Tễu đang ngoác ra cười trong các tích trò rối nước. Tôi nghe rõ tiếng chồi non hay cỏ cựa mình trong đêm thanh vắng. Tôi chợt nghĩ " Người đời quy ước gió đông nam, tây bắc, hay gió Lào ... nhưng thực ra tất cả các loại gió đều thổi ngang trời ".

Vĩnh Bảo tháng 10 năm 2008