"Trâu ơi"- tiếng gọi bạn của nhà nông
Không cất cánh bay vào ca dao thơ mộng như con cò với sải cánh dập dờn trên thảm lúa xanh. Con trâu bước vào bài ca, đứng giũa ruộng đồng, làm việc như một chủ thể sản xuất của cư dân trồng lúa nước thời viễn cổ :
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Trong cách nhìn nhận của nhà nông, con trâu là cả một tài sản,là một điều kiện tất yếu của sản xuất "Con trâu là đầu cơ nghiệp"; là một bảo vật gắn bó suốt đời, nên nó gắn liền với ba việc hệ trọng của một đời người "Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu". Và quả vậy, khi nói đén nghề trồng lúa nước không thể không nói đến hình ảnh người nông dân những bông hoa của đất, nhưng nếu quên đi hình ảnh con trâu bên cạnh thì bức tranh ấy đã khuyết hẳn đi một góc. Do đó bài ca cất lên đã là tiếng gọi bạn bầy ngang hàng. Cái quan hệ Người - Trâu gắn bó tới mức khó mà phân biệt.
Con trâu đã bước đi những bước trên đồng ruộng của cư dân tạo nên những "bờ xôi ruộng mật" những mùa vàng. Nó gắn liền với cuộc sống, cần thiết như hơi thở với người nông dân và đi suốt kiếp với họ cùng họ gắn chặt với "nghiệp nông gia":
Cấy cày nối nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Điều quan trọng là nơi đâu có người thì ở đó có trâu góp sức dù giữa trưa hè khi giọt mồ hôi người rơi "thánh thót" hay "Trên đồng cạn dưới đồng sâu". Con trâu đã ghé vai chung sức cùng người làm lên và gìn giữ một nghề truyền thống ,vẫn còn hiện hữu.
Có lẽ chưa có nhà nghiên cứu văn hoá nào xác định được công lao sức cống hiến của con trâu trong việc hình thành lên nền văn minh lúa nước. Nhưng người nông dân Việt cổ từ rất xa xưa đã đánh giá rất cao công sức của nó :
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Ở đây sự đánh giá ấy không phải là những con số thống kê mà bằng tình cảm đầy ăm ắp đậm đà của người lao động, và bằng cách nghĩ về lẽ sinh tồn dung dị mộc mạc nhưng sáng ngời nét nhân văn : ta tồn tại thì trâu tồn tại !
Trong văn hoá cổ các loài vật gắn với đời sống con người gồm sáu loài "Lục súc", nhưng duy chỉ con trâu được cư dân Việt cổ đánh giá cao về sự gắn bó, sức cống hiến cho cuộc sống con người mà đỉnh cao của sự đánh giá ấy là trâu được coi như bằng hữu. Đây là đánh giá đúng đắn nhất, bởi vì trước khi có những nền văn minh công nghiệp hay hậu công nghiệp, con trâu với tư cách là một tư liệu sản xuất hữu dụng nhất đã cùng với trí tuệ người cùng hướng mũi cày mở ra nền văn minh đầu tiên của nhân loại.