Lễ hội Đền Trần những con số bi hài
Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần nằm trên địa phận phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Tương truyền sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất, vào ngày 14 tháng giêng, vua Trần đã mở tiệc chiêu đãi tại phủ Thiên Trường và phong chức cho các quan, quân có công. Từ đó, cứ vào ngày này đúng giờ Tý (23h) đêm 14 tháng giêng, các vua Trần lại “khai ấn” đánh dấu sự trở lại quốc sự sau khi nghỉ Tết nguyên đán.
Năm 2011 dự kiến số lượng khách tăng, để bảo vệ an toàn lễ hội với trên 100.000 người tham dự, các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, dân phòng với trên 2.000 người được bố trí thành năm vòng kiểm soát.
Từ 22h-22h30 ngày 14 tháng Giêng, lễ rước ấn Đền Trần bắt đầu từ nội cung đền Cố Trạch theo nghi lễ truyền thống, do 14 cụ cao niên thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng thực hiện. Khi đến lối rẽ vào đến Thiên Trường, 14 cụ cao niên cùng những người trực tiếp rước kiệu ấn vào sân hành lễ; đội rước cờ, đồ tế khí… sẽ phải dừng lại ở lối rẽ vào đền Trùng Hoa nhằm hạn chế tối đa số lượng người có mặt tại khu vực hành lễ. Lễ khai mạc chính thức được tổ chức vào 22h30 cùng ngày. Khi ấn được rước, người dân đua nhau ném tiền lộc vào kiệu ấn để lấy may.
Người đến dự lễ, ngoài việc du lịch tham quan thì hầu hết mang nặng yếu tố tâm linh. Mục tiêu của phần đông số ấy là phải lấy bằng được mảnh giấy (hoặc vải) có đóng ấn Thực ra, mọi người đều mơ hồ rằng có ấn thì được thăng quan tiến chức và có chức thì có lộc, nên ào ạt đến đây và lấy ấn bằng mọi giá. Hỏi một bà cụ già 70 tuổi “Cụ lấy ấn làm gì?”, trả lời “Lấy cho con cháu gặp may và được lên cấp”. Hỏi vui một chị công nhân làm ở nhà máy sản xuất Gấu bông (HP)”Cơ quan chị có mấy tổng giám đốc?”- trả lời có một. Hỏi “Thế chị xin chức gì” – Trả lời “ Em thì làm chức gì được, nhưng cứ xin về biết đâu lại lên chức nhóm phó (Cười!)”
Như vậy số ấn sẽ rất nhiều vì có cả người đi “Nhận hộ” chức tước và cứ lấy cho vui. Những năm trước, có khoảng 5 vạn chiếc ấn được in, số lượng ấn cực lớn này vẫn không đủ phát bán cho dân. Năm nay không có ấn giấy. Tất cả các ấn đều là ấn vải. Ước tính năm nay tại Lễ Khai ấn sẽ có trên 7 vạn chiếc ấn được sản xuất để phát, bán cho dân. Giá bán mỗi chiếc ấn là 20.000 đồng/chiếc.Giá năm nay không thay đổi mặc dù chi phí vải, nguyên liệu và nhân công đã trên 7.000 đồng/chiếc. Các cơ quan đơn vị tổ chức, muốn an nhàn có ấn đúng ngày lễ thì phải đăng ký trước từ tháng 8 âm lịch.
Sự thật thì số lượng người dự Lễ Khai ấn năm nay ước tính khoảng 10 vạn người. Và như vậy, lượng ấn in ra vẫn không đủ phát bán. Nhiều người buồn bã vì sợ không mua được ấn. Mặc dù trước đó các báo Online đã tung tin, ấn đền Trần đã phát tán trước cả giờ khai ấn, nhưng chưa đến 23 giờ, lễ khai ấn trong Đền vẫn đang diễn ra thì bên ngoài đền một biển người hỗn loạn ùn ùn xô đạp đổ rào chắn vòng ngoài tiến sát đến hàng rào cuối cùng hai bên cánh đền. Tiếng la tiếng khóc của người bị chèn ép, ngất lịm, người mất của kêu cứu ... Ngay dưới ruộng hai bên đường cảnh biển người hỗn loạn cũng cuộn sóng không kém.
Lực lượng an ninh, cảnh sát cơ động, bộ đội được huy động tối đa ra chặn lại và tổ chức cấp cứu cho những người bị ngất. Nhưng cuối cùng đành bó tay chịu vỡ trận trước dòng người xô bồ ào ạt lao vào đền để “cướp” ấn.
Sáng ngày 15 âm lịch, khách thưa vắng hẳn so với năm trước. Có lẽ vì nỗi kinh hoàng đêm qua làm người ta sợ đến Đền Trần. Một cán bộ quản lý đền cho rằng sở dĩ khách thưa vắng là vì, năm nay tổ chức Lễ hội vào thứ 5 là ngày làm việc (năm ngoái vào chủ nhật) và có lệnh của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm các cơ quan bỏ việc đầu năm.
Người đến Đền vẫn mua ấn thoải mái. Hóa ra số lượng ấn chẳng bao giờ thiếu cả. Đặc biệt, khách có thể mua giày dép giá rẻ. Dọc 2 bên đường hàng ngàn đôi dày “cọc cạch” đủ loại, được phơi bán hoặc cho chuộc lại. Một đôi giày da giá từ 20 đến 40 ngàn. Nếu mua, chuộc 1 chiếc thì giá 10 nghìn. Đây là những đôi giày mà khách “bỏ của chạy lấy người” trong cơn bão người diễn ra đêm 14. Nếu diễn ra cảnh này thêm lần nữa không khéo nơi đây thành “Đền Phủ giày 2”.