“Lính Trận”, tác phẩm của nhà văn Trung Trung Đỉnh đạt giải thưởng văn học Asean
Tháng 11/2012 vừa qua, tại khách sạn Mandarin Oriental, lễ trao giải văn học ASEAN 2012 đã được tổ chức. Công chúa Hoàng gia Thái Lan đã trao giải cho nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn người Hải Phòng, có sự chứng kiến của đại sứ Việt Nam tại Thái Lan.
Giải thưởng văn học ASEAN SEA Writers Awards, được thành lập từ năm 1979 bởi Hoàng gia Thái Lan, là sự kiện thường niên nhằm vinh danh những nhà văn, nhà thơ có tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học khu vực Đông Nam Á. Trước đó đã có 15 tác giả Việt nam đoạt giải, năm 2012, vinh dự này đến với Trung Trung Đỉnh, nhà văn sinh ra trên mảnh đất Hải Phòng.
Tác phẩm mà nhà văn Trung Trung Đỉnh dự thi và đoạt giải là tiểu thuyết “Lính Trận”, xuất bản vào tháng 7/2012 tại NXB Hồng Bàng, Mã sách: 109582. Cuốn sách chỉ chưa đầy 300 trang, là một câu chuyện gần như không có cốt truyện, kể về những người lính miền Bắc vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên, về đoạn cuối của chuyến đi dằng dặc ấy - chính là trận đánh Plei me - Ia Đrăng. Nhưng tất cả trở nên cuốn hút và hấp dẫn nhờ những chi tiết và giọng điệu.
Cuốn sách được chia làm hai phần. Phần đầu: Đường ra trận. Phần hai: Trận
Pleime - Ia Đrăng. Phần đầu Trung Trung Đỉnh đặc biệt gây ấn tượng với những mối tình và những cái chết. Tất cả những người lính trên đường ra trận đều là những thanh niên còn rất trẻ, với những mối tình và mơ ước cháy bỏng. Trung Trung Đỉnh trình ra trước bạn đọc chân dung về người lính. Đúng nghĩa lính trận. Có đủ mọi trạng thái tâm lý tình cảm, đủ mọi tính cách, đủ mọi nguồn gốc nhân thân, nhưng đã ra trận là không thoái lui. Một chân dung không gượng gạo, không thổi phồng, với mọi hành vi đều đã được lý giải.
Trong cuốn sách này, Trung Trung Đỉnh chỉ bày ra một phần rất nhỏ vốn văn hóa và sự hiểu biết về Tây Nguyên của ông. Nhưng Tây Nguyên trong Lính trận đã kịp hiện ra với tất cả dáng vẻ của nó, tinh thần của nó; nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: "Đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết...".
Trung Trung Đỉnh hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ông là một tác giả văn xuôi lớn đương đại đã được nhận Giải thưởng nhà nước về văn học năm 2010. Ông cũng từng viết kịch bản phim và ngược lại tiểu thuyết của ông cũng thành “chất liệu” cho phim truyền hình. Bộ phim “Ngõ lỗ thủng” được khán giả yêu thích được chuyển thể từ hai cuốn tiểu thuyết từng gây tiếng vang của ông : “Tiễn biệt những ngày buồn” và “Ngõ lỗ thủng”.
Ngày chủ nhật, 6/1/2013, gặp Trung Trung Đỉnh về Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm “báo công” với Cụ Trạng; khi hỏi vì sao anh có nhiều cảm xúc cho Tây Nguyên như vậy? Nhà văn nói: “Thú thực trong dời tôi cho đến nay chủ yếu chỉ có hai giấc mơ ; thứ nhất là mơ về thời thơ ấu cực đẹp thứ hai là những giấc mơ về chiến tranh, về các trận đánh du kích mà tôi tham gia ở mặt trận Tây Nguyên”. (Nhà văn Trung Trung Đỉnh, người đeo kính và nhà thơ Tô Ngọc Thạch, tại Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Quả thật, với “Lính Trận”, nhà văn đã dồn những điều cháy bỏng nhất trong kí ức vào câu chuyện và bởi thế mà đây là tác phẩm xuất sắc của Trung Trung Đỉnh đúng như Nhà văn Bùi Việt Thắng đánh giá: “Lính trận là điểm khắc dấu một hành trình tiểu thuyết hai mươi năm của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Tôi có cảm giác nhà văn như một người cha của nhiều đứa con tinh thàn nhưng yêu nhất vẫn là “Lính Trận”. Trung Trung Đỉnh Viết bằng sự quan sát của một người trải nghiệm đời sống, phát huy được cái năng lực trực giác của một ngòi bút mạnh về bản năng, đôi khi phiêu lưu và có chút mạo hiểm”. Và cũng bởi vậy người đọc đã bị cuốn trôi đi từ dòng đầu tiên cho tới những chữ cuối cùng của cuốn tiểu thuyết; nó hoàn toàn xứng đáng với một giải thưởng văn học lớn tầm cỡ Asean.