Miền thiên nhiên trong trẻo từ “Mắt cỏ”
Nhân đọc Tập thơ "Mắt cỏ" - Nguyễn Đình Minh, NXB Văn học - 2013:
Phạm Thùy Linh
56 bài thơ với 56 lời tâm sự ở nhiều địa điểm khác nhau, thời khắc khác nhau với những nhân vật khác nhau. Có khi đó là những câu thơ chép ra từ gió heo may, cũng có khi những bước thơ lững thững cùng sông hay rực sắc đỏ hồng của một miền hoa phượng… “Mắt cỏ” của Nguyễn Đình Minh hướng công chúng yêu thơ về một miền thiên nhiên với những trong trẻo của cảm xúc tràn ngập bốn mùa.
Nhận xét về thơ Nguyễn Đình Minh, nhà thơ Kim Chuông cho rằng, “Với Nguyễn Đình Minh, có thể nói, đã có tới hơn mười năm dài, lặn lội trên “cánh đồng thơ” mung lung, vô tận. Với năm tháng không ngừng ươm gieo, cấy gặt để tới chặng đường này, thơ Nguyễn Đình Minh đã dào lên tiếng vọng, đã “nhập hòa”, đã “lưỡng phân”, đã cùng lúc đan xuyên, xô tấp trên hai dòng, đặng vươn tới một “chân trời khát”…”.
Chữ dùng của Kim Chuông có thể là đi sâu vào phân tích chất thơ của Nguyễn Đình Minh. Song ở trong bài viết này, người viết muốn gợi mở một khoảng không gian tràn ngập thiên nhiên trong trẻo của cảm xúc mà nhà thơ dụng công ghi lại. Từ bài thơ đầu đến bài thơ thứ 56, mỗi bài là một miền thơ, một miền cảm xúc đa dạng của người sáng tác. Và không gian trong những bài thơ ấy thật thà, chất phác, dữ dội, dịu êm như chính bản chất thiên nhiên khi sâu lắng khi gầm gào vậy.
“Hải Phòng/ những cơn bão rung chuyển bến bờ/ miên man sóng dữ/ mồ hôi trắng loang màu áo thợ/ con tàu trôi ngang qua phố/ mang những mảnh trời/ bâng khuâng tiếng ve…” (Hải Phòng). Lạ chưa? Thấy một Hải Phòng mạnh mẽ đầy chất biển với những cơn bão rung chuyển bến bờ, với sóng dữ, với những tấm áo bạc màu của người thợ dạn dày sương gió. Ấy nhưng, Hải Phòng vẫn trầm lắng, dịu dàng và trữ tình đến thanh cao. Những mảnh trời bâng khuâng tiếng ve trong màu phượng rực lửa mùa hè khiến cho người người rạo rực. Nguyễn Đình Minh tái hiện hình ảnh Hải Phòng hiên ngang, sừng sững trong sự nghiệp phát triển từ sự ưu ái về địa thế mà thiên nhiên dành tặng. Trong bài thơ này, bạn đọc sẽ thấy một Hải Phòng như một tượng đài quyết thắng qua những câu thơ: “năm cửa ô như bàn tay châu thổ/ vẫy gọi mặt trời lên/ những lồng ngực cánh buồm/ phồng căng tiếng biển/ những dòng sông quặn mình mở bến/ mạnh mẽ nồng nàn/ hơi thở đại dương”.
Đấy là những hình ảnh thiên nhiên của Hải Phòng. Còn trong “Lời hoàng hôn Đồng Lộc”, lại thấy một miền thiên nhiên cháy bỏng nắng lửa miền Trung với gió Lào, cát trắng. “Nắng quái xiên khoai đốt sôi gió miền Trung/ Nơi ngày xưa khúc ca dao nở mười quả trứng/ nghe xạc xào trên cỏ xanh thầm lặng/ bước chân đi và rúc rích tiếng cười…” Khúc ruột miền Trung quặn thắt nỗi niềm, qua thơ Nguyễn Đình Minh thấy một vùng trời bình yên từng đóa hoa sen, từng làn khói nhang thơm trên ngã ba Đồng Lộc.
Từng bài, từng câu, từng đoạn thơ của Nguyễn Đình Minh cứ tuần tự đến với người đọc tỏa ra từng sắc màu của mỗi vùng thiên nhiên khác nhau. Này là “Làng” với “Thời gian quánh mặt ao tù/ bóng trăng run trên cánh chuồn chuồn chỉ/ cóc nghiến răng rạc rời như ngái ngủ/ không gian dán mình trên mặt lá trang…”. Rồi “Rì rầm bến cũ” với những lời chân thật trong khung cảnh quê kiểng trữ tình: “Sương trắng trôi về quấn mái đình cong/ chiều chèo trải mời làng vào hội/ tiếng nhị lắng tháng ngày trong lại/ hương sen khuya…/ ngơ ngẩn cả khoang thuyền…”. Đâu đó quanh đây, lúc trời trong mây rạng, lúc trăng lên, không gian trầm lại sắc màu bàng bạc trong bài thơ “Vào thu”. Mới thấy Nguyễn Đình Minh tập trung sử dụng bút pháp tả chân trong từng chữ thơ của mình. “Ve đã lịm báo hết mùa dâng lửa/ muôn trùng xanh ngơ ngẩn vệt khói bông/ đến cuối đường mòn chiều tụ vàng bậu cửa/ đom đóm đốt đèn…mưa sao rụng đầy sân/ Đất thở trắng hơi sương đêm cuối hạ/ trong ngào ngạt hương vườn da thịt thấy mềm thơm/ ao vơi nước trong veo thì thầm rạc lá/ chút gió se gỡ rối tóc tre vàng…”.
Kỳ diệu làm sao, từng câu thơ như đưa người đọc hòa mình với ánh trăng, bên dòng sông lấp lánh sóng “rủ mùa thu cập bến”. Từ những cảnh sắc gần gũi ở làng quê đất Cảng, tới những miền xa hơn, thơ Nguyễn Đình Minh cũng giúp người đọc hình dung gần nhất những đặc trưng thiên nhiên mà người thơ chứng kiến. Ví như trong bài “Về Tây Bắc”: “Suối bỗng dưng sao thì thầm thế suối/ sương hóa lụa mềm vắt dọc rừng xanh/ hương bồ kết vương thơm vào đá núi/ em gội đầu lóng lánh một dòng trăng”.
Trong trẻo đến ngây ngô, hồn nhiên đến thẫn thờ. 56 bài thơ trong tập thơ “Mắt cỏ” đưa người đọc dạo bước qua từng vùng thiên nhiên thật mà hư, hư mà thật, lóng lánh, kỳ ảo, khi dữ dội, lúc dịu dàng./.