Nghĩ về sự đa sắc hoa phượng trong lễ hội

Thành phố có Lễ hội hoa phượng vào mùa hè, nhưng bầu trời hầu như phủ toàn một màu phượng đỏ; Nếu như không gian có thêm những màu hoa phượng khác thì chắc lễ hội sẽ lung linh và thơ mộng hơn.

     Năm 2012 nhà thơ Văn Công Hùng ( nguyên ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam) có dịp về Hải Phòng, trong một lần đi dạo dọc dải công viên trung tâm, ông buột miệng thốt lên: “Giá như có thêm màu cho hoa phượng!”. Tất cả sẽ quên đi, nếu không một lần cũng với các nhà văn đất Cảng, vào tháng 4.2013, hội ngộ theo lời mời của Văn Công Hùng tại Đà Lạt.

Dường như văn Công Hùng cố tình đặt tiệc cho các bạn văn xứ sở phượng vĩ ngay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai; và anh đã đạt được mục đích là làm tất cả chúng tôi trố mắt vì đôi hàng phượng tím như buông thơ mộng xuống con phố này. Theo anh tự “mày mò tìm hiểu”cho biết, thì  giống phượng tím đã bén rễ tại Đà lạt từ năm 1962 do Ông Lương Văn Sáu là một kỹ sư tốt nghiệp trường Canh Nông ở Versailles (Pháp) đưa về. Cây hoa phượng tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia  thuộc họ Bignoniaceae. Hoa phượng tím có nguồn gốc từ Brasil. Cây cao tới 10 mét, đường kính tán lá dài tới 7 mét. Mỗi cành lá dài từ 40 đến 50 cm, có lông tơ và mọc thành từng chùm.

Để kéo dài bữa tiệc hoa, Văn Công Hùng dẫn đoàn qua đường Phù Đổng Thiên Vương  để ngăm “một cây hoa phượng độc”, đó là cây hoa phượng trắng. Rất tiếc chúng tôi không gặp được chủ nhân của cây phượng này mà chỉ nhìn chiếc dù trắng đang buông giữa trời Đà Lạt xanh veo thơ mộng. Sau này tìm hiểu thì được biết chủ nhân của cây phượng trắng đó là Tiến sỹ Hà Ngọc Mai. Đây là món quà của con gái bà tặng từ năm 1998, một cây phượng giống trị giá  25 USD đã theo bà từ Ô-xtrây-li-a về Đà Lạt. Nhiều người nghi vấn cho rằng cây xứ lạnh đem về trồng xứ nóng nên hoa đột biến thành trắng, song chính Tiến sỹ Mai khi trả lời báo chí, khẳng định : “Là một tiến sỹ nghiên cứu sinh học, tôi khẳng định không hề có chuyện đột biến gen ở đây. Phượng trắng là một cây có nguồn gốc loài và đã được trồng rất nhiều tại Ôtxtralia, Thái Lan, Nhật Bản…”.

Trong chuyến đi năm ấy, chúng tôi dừng chân ở Lâm Đồng, khi bàn về chủ đề hoa phượng, anh bạn Đoàn Ngọc Bách, Giám đốc Trung Tâm GDTX Yaka- Đắc Lắc có dẫn chúng tôi đi xem nhiều cây phượng vàng. Theo Đoàn Ngọc Bách, cây phượng vàng có tên gọi khác là cây Phật Y (áo Phật), là một loại cây họ đậu (tên khoa học là Schigolobium excelsum), nguồn gốc từ Brazil. Năm 1929 các kỹ sư người Pháp trồng thử nghiệm 2 cây, một cây tại Sài Gòn (cũ) và chết vào năm 1945, cây còn lại trồng trước Sở Con Trâu (tức Trung tâm Thực nghiệm,  nay ở phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Khi dẫn học sinh đi thực tế anh Bách được biết Thày Bùi Văn Tho ( nguyên giảng viên Trường Trung học Nông Lâm Súc những năm 1970 -1975) là người có công nhân giống phượng vàng từ chính cây mẹ này.

 Tất cả những loài phượng độc đáo này đã được thuần hóa trên đất Việt và được nhân giống (dù chưa rộng rãi), song đặc điểm sinh học của nó hoàn toàn không khác phượng đỏ đang trồng ở Hải Phòng, cho nên việc sưu tầm trồng và nhân rộng các loài phượng này trên địa bàn thành phố, không phải là điều không tưởng.

Chợt nhớ khi công tác tại Cần Thơ, thấy mỗi phố trồng riêng một loại cây, tôi hỏi, bạn tôi nhà giáo Minh Anh (Trường THPT chuyên Châu Văn Liêm) nói rằng, đó là do quy hoạch của thành phố, sau này người dân không cần hỏi đường đến Phố Xoài, Phố Mít… vì chỉ nhìn cây đã biết địa chỉ. Đó là một ý tưởng, giả thiết Hải Phòng có phố Phượng Vàng, Phượng Tím. Phượng Trắng… hoặc những đoạn phố trồng xen cây phượng có màu hoa khác, thì thành phố sẽ trở thành một lẵng hoa tự nhiên khổng lồ thuần phượng, đa sắc. Thiết nghĩ sự đa sắc này nó không chỉ làm cho Lễ hội hoa phượng lung linh sắc màu hơn mà còn giảm bớt sự chói chang, sự đơn điệu chỉ một màu toàn đỏ, dù là hoa phượng của chúng ta đã rất đẹp rồi./.