Bia đá núi Quèn Ma hé lộ quê gốc Trạng Trình

Việc tồn tại họ Giang trên mảnh đất Ninh Bình được cho là hậu duệ của Trạng Trình đã thay họ “Nguyễn” thành “Giang” về đây lánh nạn truy sát của tập đoàn Lê -Trịnh lập nên, nhưng tại sao lại về Ninh Bình? Những thông tin xung quanh tấm bia đá núi Quèn Ma đã góp phần làm sáng tỏ nhiều điều.                                                   

Thông tin từ bia đá

Năm 2016 khi thăm Đền thờ họ Giang (Thôn Đông Thành, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), ông  Giang Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Giang tộc có cho xem bức ảnh biađá chụp tại núi Quèn Ma, xã Quang Liệt, huyện Yên Mô, nay làphường Quang Hiển, Yên Mô, Ninh Bình. Theo ông thì đây là tấm bia ghi công đức của Cụ Nguyễn Văn Tĩnh (ông nội Trạng Trình), người từng cư ngụ trên mảnh đất này. Năm 2021, khi điền giã tới Quèn Ma, tấm bia ấy vẫn còn, nó được khắc thẳng vào một khối đá to, trên mặt bia có hàng chữ Hán: “ Khai quan sơn, tạo kiều lương biệt thị triền bi ký”, hiểu là lập bia ghi công mở núi, làm đường, bắc cầu, lập chợ. Nội dung bia nói về người làm việc đại thiện này là Thiếu Bảo quận công Đông Sơn hầu, tức là cụ Nguyễn Văn Tĩnh. Thời điểm tạo dựng bia cũng được ghi rõ: ngày 26 tháng 3 năm Thuận Bình thứ 7 (Niên hiệu thời Lê Trung Tông 1549–1556) tức ngày 27-4-1554, tương ứng với 26-3 năm Quang Bảo thứ 2 (Niên hiệu thời Mạc Tuyên Tông 1546 - 1561). Ông Hoàng Phan – PGĐ Trung tâm Thư pháp và Hán Nôm Hải Phòng lý giải: “ Sở dĩ bia ghi như vậy vì  giai đoạn này lịch sử gọi là thời Nam Bắc triều. Phía Bắc nhà Mạc cai trị, phía Nam thuộc nhà Lê. Việc Cụ đề niên hiệu nhà Lê là bởi khu vực này lúc ấy nằm ở vùng đất giáp ranh giữa 2 vương triều, vì vậy tấm bia dễ tồn tại hơn, hoặc là có sự tiên tri nhà Lê sẽ thắng mà Cụ Trạng ngầm mách bảo?”.

Tại sao việc lập bia lại vào năm 1554, thì Cụ Nguyễn Văn Tĩnh đã mất, Cụ Trạng Trình lúc ấy đã 63 tuổi? Nhà thơ Tô Ngọc Thạch cho rằng: Sở dĩ có việc lập bia ghi công đức và ghi danh Cụ Nguyễn Văn Tĩnh là việc làm của nhân dân thời đó nhưng có dấu ấn khá rõ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tham gia vào việc này để báo hiếu ông nội mình. Quan điểm này là có căn cứ vì rằng danh vị “Thiếu Bảo quận công Đông Sơn hầu” của cụ Nguyễn Văn Tĩnh là do Triều Mạc truy phong.  Theo sử gia Phan Huy Chú ghi trong “Lịch triều hiến chương loại chí” thì cấp bậc phong Ấm, thực thi từ thời Trần Thánh Tông đã định lệ phong Ấm cho Tôn Thất. Con cháu làm tới chức tước gì thì quy định ông cha được truy phong ở mức quy định. Với tước Quốc công, Quận công thì cha và ông đều được phong tước hầu. Theo đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm giữ tước Quốc công nên ông nội của Cụ là Cụ Nguyễn Văn Tĩnh đồng thời là người có công giúp dân, được truy phong “Thiếu Bảo Từ Quận công cùng với tước Đông Sơn hầu” là không phải tranh cãi.

 

 Theo cuốn“Bạch Vân am cư sỹ Nguyễn công Văn Đạt phả ký” do Ôn Quận công Vũ Khâm Lân, đại thần nhà Lê trung hưng trực tiếp viết năm 1743, trên cơ sở đề nghị của Nguyễn Hữu Lý và dựa theo cuốn Gia phả họ Nguyễn không hoàn chỉnh do Nguyễn Thời Đương cung cấp(đều là hậu duệ đời thứ sáu của Trạng Trình) thì: “Quê gốc của Tiên sinh là nơi có sông, có núi, sơn thủy bao quanh rất hợp với phong thủy đắc địa của học thuyết Cao Vương xưa”. Việc miêu tả rất cụ thể về địa thế, nhưng rất mơ hồ về vị trí địa giới hành chính là dụng ý của tác giả tránh cho hậu duệ cụ Trạng bị truy sát bởi tập đoàn Lê -Trịnh. Tuy nhiên, khi gắn kết tấm bia Quèn Ma trên địa hình non nước vùng Tam Điệp Ninh Bình với nội dung miêu tả quê gốc của Cụ Trạng thì có sự đồng dạng rất dễ nhìn thấy.

Nguồn gốc Giang tộc

Cũng theo Phả ký này, Cụ Trạng có ba bà vợ và 12 người con trong đó có 7 người con trai. Người con thứ ba hiệu là Hàn Giang cư sỹ, được phong Hoằng nghị đại phu. Làm quan đến chức Phó hiến, tước Hàn Giang hầu. Năm 1592 khi nhà Mạc thất thủ thì các hậu duệ của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phiêu bạt tới nhiều vùng đất mới. Ông  Giang Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Giang tộc cho biết: Khu vực này là nơi Cụ Hàn Giang Hầu chon đến lánh nạn bởi địa thế vừa hiểm trở vừa dễ thoát ra các vùng lân cận lại là quê mà Cụ tổ Nguyễn Văn Tĩnh lập nên. Tại mảnh đất này Giang tộc đã hình thành và phát triển đến ngày nay. Hiện Đền thờ Cụ Hàn Giang Hầu đã được phục dựng. Mộ phần của Cụ tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, đối diện quần thể Cố Đô Hoa Lư, vẫn được cháu con bốn mùa cúng tế.

Học theo cách của cha mình, cụ Hàn Giang Hầu cũng cho các con ly tán khắp nơi để tránh các cuộc săn đuổi truy vết trả thù triều Mạc của Chúa Trịnh. Theo điều tra của Nhà thơ Tô Ngọc Thạch thì thế hệ các cháu của Cụ còn có những người nổi tiếng thời vua Lê Dụ Tông như: Giang Sỹ Đoan đỗ Tiến sỹ, làm quan đến chức Hữu Thị lang bộ Công. Đặc biệt, thám hoa Giang Văn Minh từng làm chánh sứ sang Trung Quốc và trở thành sứ giả lừng danh lịch sử. Vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã khen ngợi: “Đi sứ không làm nhục mệnh nước, thật là anh hùng kim cổ”

Hợp nhất thông tin của bia đá Quèn Ma, nguồn gốc Giang tộc từ các tư liệu cổ và thực tiễn điều tra, có thể thấy gốc quê của Trạng Trình ở Ninh Bình là khá rõ. Việc Cụ Nguyễn Văn Định (Thân phụ Trạng Trình) vì sao cư ngụ tại Vĩnh Bảo Hải Phòng và lập nghiệp trên mảnh đất này thì vẫn còn là điều bí ẩn./.

Nguyễn Đình Minh

Ảnh: Bia đá ghi công đức của Thiếu bảo quận công Đông Sơn hầu tại Quèn Ma,

xã Quang hiển, Tam Điệp, Ninh Bình