Nguyễn Quang Thiều: Thông điệp về một cái chết


Thật giả biến hình làm dày thêm bóng tối nhân gian

Con đường đến Tây Thiên chưa đi đã lạc

Chợt hiểu vì sao dưới trời vẫn khắc khoải những hồi chuông

Và nghìn năm đêm…

Tiếng mõ nơi mái chùa vẫn nghẹn ngào mãi nấc!

Tôi muốn mở đầu những dòng viết nhỏ của cá nhân mình về thơ Nguyễn Đình Minh trong tập thơ này bằng những câu thơ trên. Những câu thơ ám ảnh, đầy tính biểu tượng, đau đớn và thấu tỏ đã dựng lên con đường nhân loại đang đi và nói đúng hơn là đang đi lạc. Lúc này, tôi lại nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Mỹ gốc Nga Joseph Brodsky, Giải Nobel văn chương. Trong những câu thơ của ông, thế gian hiện lên như một hạt bụi đầy những tháp chuông nhà thờ, ngập tràn bóng tối và tội lỗi. Những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Minh lấy hình ảnh tiếng chuông và mõ chùa rền rĩ trong bóng tối và máu chảy ngày ngày để dựng lên toàn bộ những gì đang diễn ra trên thế gian nhỏ bé của chúng ta.

Nỗi lo sợ vừa mơ hồ vừa kinh hãi của nhà thơ chính là sự bừng tỉnh của những con người có lương tâm trong một thế giới hỗn loạn các giá trị, ô trọc, tham lam, mù quáng, độc ác và lạc đường. Có quá nhiều người và quá nhiều quốc gia đang rồ dại lao vào cái thế giới được số hóa, thế giới 4.0, 5.0…rồi còn hơn thế bằng một cái nhìn sai lệch. Hiện thực đang chỉ cho chúng ta thấy: mỗi ‘’con số’’ này được nâng lên thì sự điên rồ của con người càng tăng. Sai lầm lớn nhất của con người lúc này là đang số hóa chính mình và số hóa những bí ẩn kỳ diệu của đời sống, số hóa những vẻ đẹp của những mơ hồ vĩ đại. Điều lớn lao là nhà thơ đã nhận ra dấu hiệu của cái chết nhân tính trong những thay đổi mà con người lầm tưởng đó là sự tiến bộ và văn minh.

Xin hãy nghe những câu thơ dưới đây, những câu thơ vang lên trong nước mắt tinh khiết và như một tiếng kêu tuyệt vọng đầy nhân tính.

Thời của ta, sáu mặt gầm rung gió thánh sóng thần

Chuột máy tính gặm nhấm dần những giấc mơ truyện cổ

Nén nhang điện cháy vô hồn như giải thiêng ngày giỗ Tổ

Chẳng ai hỏi:

Mình bắt đầu từ quả trứng nào, trong trăm quả trứng tiên?

Tất cả những câu thơ trên là toàn bộ hiện thực của đời sống chúng ta đang sống. Hiện thực ấy đang đánh lừa con người về những giá trị sống, về một thế giới gọi là văn minh. Con người đang ngạo mạn với những sáng chế ‘’chuột máy tính’’, ‘’nén nhang điện’’…. của mình và đang hân hoan hưởng thụ những sáng chế ấy. Nhưng nhà thơ đã nhìn thấy cái chết của nhân tính, của những vẻ đẹp tâm hồn đã làm nên nhân loại từ đó. Những phương tiện đúng nghĩa chỉ là giúp con người tiếp cận một cách có hiệu quả nhất những giá trị nhân văn và khám phá những vẻ đẹp mới của đời sống chứ không phải là mục đích của đời sống. Nhưng con người đang lầm lạc. Đây thực sự là những câu thơ xuất thần chứa đầy đau đớn. Những câu chuyện cổ tích đẹp đẽ của mọi thời được vang lên trong giọng nói của người bà, người mẹ, những nén nhang run run được thắp trên ban thờ tổ tiên hay ở những nơi chốn tôn nghiêm thực sự là những nghi lễ thiêng liêng của đời sống con người. Khi con người đánh mất đi những nghi lễ như vậy là lúc con người đã rời bỏ những giá trị vĩnh hằng của đời sống tinh thần nhân loại. 

Mỗi ngày thức dậy, con người vội vàng tìm đến những màn hình vô cảm của iphone, ipad, computer, ti vi…Chúng ta hãy tự hỏi có bao nhiêu con người thức dậy ngồi trong im lặng để lắng nghe tiếng chim vọng từ khu vườn, đón nhận ngọn gió đổi mùa tràn qua hay ngắm nhìn một đám mây mùa thu trôi trên bầu trời….và suy nghĩ về những điều tốt đẹp của một ngày đang tới. Chúng ta đang rời xa những vẻ đẹp đích thực và vĩnh hằng để lao về thế giới đầy mê dụ của vô cảm, của ảo giác và những dục vọng vật chất thấp hèn. Chúng ta đang tự mình cắt đứt mối giao hòa của chúng ta với thiên nhiên và cắt đứt chúng ta với chính chúng ta. Chúng ta đang dùng một thứ vô cảm để kết nối chúng ta với thiên nhiên và với con người. Chúng ta đang nhầm lẫn về cá giá trị và chúng ta đang tàn phá tâm hồn chúng ta.

Miền 4.0 có phải thiên đường?

Liệu có đủ sự bình yên và thuận hòa mưa nắng

Hạt tâm ngọt đem gieo, cây có ra quả đắng

Còn được hẹn hương đồng

Khuya uống một chén trăng?

Có một điều thật đáng sợ là người ta đang kêu gọi xã hội tiếp cận và coi công nghệ 4.0 hay 5.0 gì đó như là sự sống còn của một đất nước trong khi những kêu gọi, những cảnh báo về một thế giới vô cảm, rời xa thiên nhiên, rời xa con người lại bị lãng quên. Những quốc gia sáng chế ra những công nghệ tiên tiến lại chính là những quốc gia đang cấp bách kêu gọi con người trở về với thiên nhiên và những giá trị tinh thần vô giá mà nhân loại đã làm ra. Một trong những đề tài lớn nhất của Hollywood là cảnh báo nguy cơ sự thống trị của công nghệ đối với con người bởi đó là sự thống trị của vô cảm, của số hóa , của sự băng giá cảm xúc…Hãy nhớ rằng: máy bay, xe hơi và những sản phẩm của công nghệ số….chỉ là phương tiện chứ không thể là mục đích của con đường đi tới hạnh phúc. Tôi nhớ câu chuyện của nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo, Giải Nobel văn học, có một đứa con thiểu năng. Hơn mười tuổi, cậu bé vẫn không có khả năng nói cho dù Oe đã đưa con tới mọi bệnh viện hiện đại nhất của Nhật và một số nước tiên tiến. Nhưng một mùa hè, ông đưa con về nghỉ ở vùng quê. Chiều chiều, ông cõng đứa con trai thiểu năng đi trên con đường chạy ven một cánh rừng. Bỗng một chiều, ông nghe tiếng đứa con không biết nói của ông kêu lên: ’’ Cha ơi, chim kêu’’. Ông sững người. Ông đặt đứa con xuống và nhìn con như lần đầu tiên trong đời. Lúc đó ông nhận ra tiếng đỗ quyên trong cánh rừng đang kêu da diết. Thiên nhiên với những vẻ đẹp vừa mong manh vừa kỳ vĩ đã trở thành phép màu. Đứa trẻ ấy đã nghe tiếng đỗ quyên trong những buổi chiều cha cậu cõng cậu đi trên con đường ven cánh rừng và tiếng chim đã khai mở tâm hồn cậu và đánh thức những tiền năng kỳ lạ trong cậu. Sau này cậu đã trở thành một nhạc sỹ.

Trong những bài thơ ở tập thơ này, tôi đã nghe thấy tiếng đỗ quyên vang lên da diết. Đó là tiếng của những vẻ đẹp thuần khiết và kỳ diệu đang bị cái thế giới của những phương tiện vô cảm lấn át, tàn phá và từng bước thống trị. Tiếng kêu ấy đã xác lập tâm hồn nhà thơ, định nghĩa lại sứ mệnh của thi ca và xác lập một lần nữa những giá trị sống.

Những bài thơ trong tập thơ này đã thay đổi tôi rất nhiều trong cách nhìn của tôi đối với thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Minh. Nỗi sợ hãi lớn nhất đối với con người là cái chết của cảm xúc và sự thiêng liêng, và cảnh báo lớn nhất của các thi sỹ ở mọi thời đại và của mọi nền văn hóa là cảnh báo về cái chết đó. Tất cả những bài thơ trong tập thơ này cho dù trực tiếp hay gián tiếp đều làm nên bản thông điệp lớn của nhà thơ. Đấy là tâm thế của nhà thơ, tâm hồn của nhà thơ và sứ mệnh của nhà thơ. Thơ ca sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu không mở ra những vẻ đẹp nhân tính và cảnh báo về những gì dẫn đến cái chết của vẻ đẹp đó. Nhà thơ Nguyễn Đình Minh đã nhận ra con đường dẫn đến cái chết của con người và đã cất tiếng.

Ngôi nhà cư trú an nhiên của con người là chính trái tim

Nhưng ta biến thành nhà giam kẻ thù và tích đầy độc dược!

Sao không mở cửa đón ngập tràn ánh sáng yêu thương

Như thiên nhiên vô cùng và bất diệt?

 

Hay chúng ta đã chết?...

“Hay chúng ta đã chết ?’’ của nhà thơ Nguyễn Đình Minh và cũng là câu hỏi tôi đã từng nghe trong những văn bản nghệ thuật của các nhà thơ, nghệ sỹ trên thế giới trong những thế kỷ gần đây. Con người đang mang trong mình cơn hoang tưởng tinh thần. Con người lầm tưởng rằng công nghệ đang giúp họ xóa đi những khoảng cách, những gianh giới…nhưng sự thật với cách con người hiểu về công nghệ và đang trở thành nô lệ của công nghệ là lúc con người đã bắt đầu bịt đi những cánh cửa tâm hồn của họ với toàn bộ vũ trụ này : thiên nhiên và con người. Không ai chống lại những sáng chế cho dù ở bất cứ lĩnh vực nào của con người, nhà thơ Nguyễn Đình Minh cũng vậy. Nhưng nhà thơ chống lại sự lạc đường của con người trong sản phẩm của những sáng chế công nghệ ấy. Cái thế giới 4.0 chỉ là một biểu tượng mà nhà thơ nói về một thời đại con người đánh mất đi những cảm xúc run rẩy và thiêng liêng. Hình ảnh cái ‘’cổng 4.0’’ và cái cổng làng là hai hình ảnh tương phản. Một cánh cổng mở ra cuốn con người vào hư ảo, vô định và một cánh cổng mở ra để con người trở về những vẻ đẹp của nguồn cội.

Giờ người ta đợi chờ trước cổng 4.0

Miền không có bờ biên, không còn kinh vĩ độ

Sắc tộc màu da … cùng con người là những mã số

Trái tim là một món hàng?

… ………………

Chiếc cổng làng như Kim Tự Tháp tinh thần

Dẫu trái đất này, kim cương nhiều như cát sa mạc

Chỉ có điều…thật lòng không biết

Ta còn đón được ai,

Biết đi qua thế giới để về làng?

Tôi lại muốn dẫn ra đây những sản phẩm điện ảnh của Hollywood. Bởi có lẽ nước Mỹ là một trong những ví dụ chính xác nhất về sự tỉnh ngộ của con người trong thế giới số hóa này. Có rất nhiều người được cài đặt hệ thống não bộ bằng số hóa và trở thành những kẻ vô cảm và tàn bạo. Những con người đó đánh mất toàn bộ ký ức của mình. Nhưng chính những con người bị số hóa ấy đã khao khát hơn ai hết đi tìm lại chính nguồn gốc của mình: nguồn gốc một con người. Và nước Nhật, sau cơn sóng thần khủng khiếp mấy năm về trước, đã có cả một dự án mang tên ‘’ phục hồi kỷ niệm’’. Dự án đó là của trường đại học Tokyo. Các giáo sư và sinh viên của đại học Tokyo đã đi tìm lại những di vật của người dân nhật ở thành phố đã bị sóng thần san phẳng như một tấm ảnh của người thân trong gia đình, một chiếc mũ len của người mẹ đan tặng cho người con gái, một chiếc bình gốm thường cắm hoa của một người vợ….Và khi chính quyền thành phố lên dự án xây dựng lại thành phố đã mất thì người dân yêu cầu họ xây dựng lại thành phố như chính thành phố họ đã sinh ra và lớn lên, đã ở đó và làm việc ở đó với những mái ngói xưa, cái cổng ngõ xưa và cả những cái cây anh đào đầu nhà. Tôi nói tới những câu chuyện của nước Mỹ và nước Nhật để thêm một lần nữa tuyên ngôn rằng: chính những quốc gia đẻ ra những sản phẩm công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại là những quốc gia hiểu rõ nhất giá trị của đời sống tinh thần và văn hóa. Và những dẫn chứng này để thêm một lần nữa nói về giá trị của những bài thơ mà nhà thơ Nguyễn Đình Minh đã viết.

Con người hiện nay thực ra đang suy tàn, đang bước lùi về bóng tối nhưng lại lầm tưởng rằng họ thông minh hơn tổ tiên của họ, lầm tưởng họ đang tiến về tương lai với những sáng chế, những phát minh có thể thay thế con người. Con người đã thành công trong việc nhân bản cừu Dolly, có thể nhân bản được thân xác con người….nhưng không bao giờ có thể nhân bản được tâm hồn. Tinh thần này đã hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết trong toàn bộ tập thơ . Và toàn bộ những câu thơ trong tập thơ này của nhà thơ Nguyễn Đình Minh là thông điệp đau đớn về một cái chết – cái chết nhân tính của con người.

Hà Đông, 10/08/2019