Có thể bạn quan tâm
Nhân ngày thơ Việt Nam, nghĩ về dòng chảy thi ca đương đại
Ngày thơ Việt Nam là ngày hội văn hóa, văn chương tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam, được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm theo quyết định của Hội Nhà văn Việt Nam, dưới sự đồng ý và chỉ đạo của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) và Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Mười ba năm đi qua, Ngày thơ Việt Nam đã vượt qua một sự kiện văn học mà trở thành một lễ hội văn hóa thu hút đông đảo khách yêu thi ca trong nước và quốc tế.
Đến nay, ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức 13 lần, lần đầu tiên được tổ chức long trọng vào ngày rằm tháng giêng năm Quý Mùi (2003) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Mở đầu bằng lễ kéo Lá cờ Thơ, và bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh được đọc lên đầu tiên. Sau đó là các chương trình giao lưu thơ với công chúng, đọc những bài thơ hay nhất của đất nước, ngâm thơ, bình thơ,… Ngày thơ gần đây nhất là Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 (2015), đã hướng tới một chương trình rộng lớn hơn, đó là giới thiệu một cách tổng thể về thành tựu, bản sắc của văn học Việt Nam đến bạn bè thế giới. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,ở thời điểm này đã phát biểu : “Năm nay chỉ là một dấu mốc để chúng ta hiện thực hóa ý tưởng và có thể nói cao hơn là chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam, của Nhà nước trong việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới”.
Mặc dù mục tiêu là như vậy, nhưng dường như chúng ta vẫn còn chưa bứt được những níu kéo rịt ràng, những trói buộc vô hình nhưng rất quyết liệt. Chúng ta cảm nhận được hướng đi và đã có những bước chân đặt vào miền định đến xa mờ, song rất tiếc chưa đủ sức để tạo một con đường. Trong 13 năm gần đây Thi ca Việt Nam xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau: Duy trì truyền thống, cải tiến, cách tân…; bên cạnh đó một hiện tượng “Bùng nổ” của việc xuất bản, sự ra đời của hàng ngàn câu lạc bộ thơ và nhiều ngàn “nhà thơ”… đã tạo ra một hiện tượng mà nhìn vào đều thấy mặt tích cực đồng thời rõ cả mặt tiêu cực. Tuy nhiên thơ ca không có tội, bản thân người yêu thơ và thích làm thơ cũng không có lỗi gì. Chúng ta không nên chụp mũ quy kết các kết luận chủ quan cho các nhà thơ mạnh dạn và quyết liệt trong trường phái cách tân. Suy cho cùng họ là các cá thể khao khát sáng tạo tìm ra cái mới, sức sống mới cho thi ca Việt. Và rằng chúng ta đã chứng kiến một cuộc chiến nảy lửa thời 30-45 giữa các thi nhân Nho học với các nhà thơ Tây học để rồi có một nền “Thơ mới” đó sao? Chúng ta cần trân trọng các tác giả làm thơ dù họ là ai, nghề nghiệp gì, bao nhiêu tuổi. Hầu hết trong số họ, thơ như là người bạn giãi bày những nỗi niềm riêng; sân thi ca với họ tựa như một diễn đàn tinh thần, nhờ đó họ sống khỏe hơn, đẹp hơn, có ích hơn. Thiết nghĩ, trong nền kinh tế thị trường, thơ không phải là sản phẩm thần linh đứng ngoài sự tác động của cơ chế khắc nghiệt mà nó chi phối. Nếu thơ là sản phẩm của con người, thì đương nhiên thơ có nhiều loại sản phẩm với mẫu mã và chất lượng khác nhau, có cả hàng nhái, thậm chí rất nhiều hàng nhái. Có loại thơ đi đến lỗ tai, loại đi đến dạ dày và loại đi đến trái tim. Điều này dù không muốn chúng ta cũng phải chấp nhận.
Sự thật nghiệt ngã của các quy luật, trong đó có quy luật của thi ca là sự đào thải. Hãy tin nàng thơ sẽ chối từ tất cả những gì không phải là thi ca. Chỉ có điều các nhà lý luận phải nâng mình lên mà nhận thức, phê bình, định hướng cho thi ca. Các nhà báo, các bạn yêu thơ cần phải có tâm trong, phải hiểu biết hơn về thơ để tránh các phán đoán kết luận cảm tính, phiến diện sai lầm; phải giúp người đọc, người thân và cả chính minh tìm ra hạt vàng trong sa mạc cát. Bởi nàng thơ luôn cần cho cuộc sống của 90 triệu con người trên một đất nước thi ca đang bị tiếng kim tiền của thời kỳ hậu công nghiệp tác động. Nó hoàn toàn không phải là phù phiếm, một trò chơi, mà là món thức ăn tâm hồn bổ dưỡng sạch và tinh túy nhất cần thiết làm giảm thiểu sự robot hóa của trái tim con người trong khói bụi cơ chế thị trường.
Sự thật, thi ca của Việt Nam mang lại một sức mạnh trong việc kết nối, lý giải, minh chứng tất cả những gì dân tộc ta đã làm được trong lịch sử và có thể dự báo những điều kỳ diệu trong tương lai. Nhưng trước hết, thi ca Việt đã luôn đồng hành cùng dân tộc; nó không chỉ là người thư ký thời đại mà còn mang một sứ mệnh quan trọng “Văn dĩ tải đạo”; Và nhờ đó mà thi ca Việt tồn tại và được mến yêu, thậm chí tôn thờ.
Từ đây có thể thấy rằng cuộc đấu tranh vì “Chân- Thiện – Mỹ” luôn là mục tiêu hướng tới của thi ca; và vì số phận CON NGƯỜI trong vòng xoáy trung tâm của thời đại, vãn luôn là mục đích cao cả nhất của các ngòi bút thơ, dẫu anh là ai, theo trường phái nào? Tất cả các thi nhân: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến…đều trở thành tác gia lớn bởi mục tiêu, mục đích như vậy.
Nói về văn chương trong dòng chảy hội nhập, ta thừa nhận rằng văn chương Việt nói chung và thi ca nói riêng phải “sánh vai với cường quốc năm châu”. Nhưng cái để “sánh” đó là gì? Hiển nhiên không phải phương Tây nói A ta học A, phương Đông nói B ta học B và dập khuôn máy móc. Sự thật Solokhop (Nga),Mạc Ngôn (Trung Quốc) giành giải Nobel văn học bằng con đường riêng của mình, với cách tư duy và ngôn ngữ dân tộc mình, viết về sự kiện của đất nước mình, khi tác phẩm của họ thậm chí còn ảnh hưởng nhiều của đặc điểm dòng “Văn học hiện thực XHCN”.
Chúng ta nghĩ gì khi tiêu chí của Giải Nobel Văn học (Nobelpriset i litteratur)? Theo đó, giải được trao hàng năm cho một tác giả từ bất cứ quốc gia nào có tác phẩm xuất sắc nhất theo khuynh hướng lý tưởng (nguyên văn tiếng Thụy Điển: "den som inom litteraturen har producerat det utmärktaste i idealisk riktning"). Về khái niệm lý tưởng xin dẫn lời Nhà văn Nga Lép – Tônxtôi nói rằng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Như vậy, có thể hình dung rất rõ: dù viết gì, viết như thế nào hãy vì mục tiêu căn cốt: cuộc sống của loài người. Việt Nam chưa có Nobel văn học, nhưng có một Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới bằng chính sự nghiệp thuần văn, trong đó Truyện Kiều là tác phẩm quan trọng quyết định danh hiệu cao quý đó. Và Truyện Kiều là tác phẩm thuần Việt, thể thơ dân tộc Việt không khí thời đại, số phận con người Việt…
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 đang đến gần, chúng ta vẫn còn ngổn ngang bao nhiêu vấn đề chưa quy nạp được về lý luận thi pháp. Thơ Việt như một cánh rừng với nhiều ngọn cờ đang cát cứ. Để có một “Ngọn cờ lau” thống nhất các xứ quân e rằng sẽ rất khó khăn, nhất là chúng ta đang tiếp nhận một thế giới mở và xuyên thông toàn cầu.
Chúng ta lo lắng và mong đợi điều tốt đẹp, chúng ta bi quan và tin tưởng…
Có rất nhiều tâm trạng, song hãy tin rằng Nàng thơ chưa bao giờ bỏ thơ mà đi, và trăm dòng sông cường tráng sức phù sa trên đất nước này đều sẽ đổ về Đông, những dòng yếu ớt và lạc hướng sẽ buồn phiền quẩn quanh trong kẽ núi, hoặc tự bốc hơi. Hãy hy vọng thơ Việt sẽ như chàng Đôn Kihôtê, mang tính đa diện của con người: Cương trực trí tuệ và ngây thơ yếu mềm, gàn dở và tế nhị, thương yêu đồng loại, yêu quý tự do, biết trọng đạo lý và là một hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy, diệt trừ muôn loài yêu quái…
Nguyễn Đình Minh