Nước Mỹ, mùa thi và tốt nghiệp

Một năm học sắp kết thúc. Thời gian này là lúc sinh viên, học sinh đang trải qua những kỳ thi. Sau đó sẽ là những lễ ra trường kéo dài cho đến giữa tháng Sáu.

Trong hệ thống giáo dục Mỹ không có những kỳ thi bắt buộc tổ chức trên toàn quốc vào ngày giờ nhất định. Như AP Test (Advanced Placement, các lớp cao cấp) do tiểu bang, hay “Common Core” do sở học chánh địa phương tổ chức thì được lên lịch trong khoảng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, tùy mỗi trường chọn ngày giờ thuận tiện.

SAT hay ACT thì học sinh lớp 12 đã phải thi từ năm ngoái, hay trễ nhất là vào cuối tháng Một vừa qua cho kịp gửi điểm đến các đại học nơi các em xin vào để được cứu xét trong tháng Ba, tháng Tư. Đến nay trường nào nhận, trường nào từ chối và học sinh quyết định chọn học trường nào đã phải làm xong các thủ tục giấy tờ, chỉ giữ điểm học kỳ cuối cùng cho tốt là sẽ nhập học vào mùa thu tới.

Ở California, kỳ thi khảo sát “Common Core” - căn bản chung - do chính phủ liên bang đưa ra đã hoàn tất vào tuần trước.

Kỳ thi này chủ yếu gồm hai môn Anh ngữ và toán để xác định trình độ của học sinh từ lớp 11 trở xuống. Đây không phải là kỳ thi lên lớp hay chuyển cấp, vì học sinh thường được xếp lớp theo tuổi, mà chỉ có mục đích khảo sát trình độ học sinh để nhà trường và những nhà làm chính sách giáo dục tìm ra biện pháp hay đề xuất cải cách giáo dục, chuyển hướng sư phạm hầu giúp học sinh tiến bộ hơn, đủ kỷ năng hơn để vào đời làm việc hay lên đại học sau khi tốt nghiệp trung học.

Trình độ đọc viết và toán của học sinh Mỹ trong vài thập niên qua là điều đáng quan ngại. So với các nước phát triển từ Âu sang Á thì học sinh Mỹ ở tuổi 15 có trình độ kém, thua các nước Hà Lan, Pháp, Nam Triều Tiên, Singapore. Theo khảo sát của cơ quan Program for International Student Assessment (PISA) tại 30 quốc gia, học sinh Hoa Kỳ xếp hạng 25.

Khảo sát toàn quốc năm 2013 của tổ chức National Assessment of Education Progress (NAEP) cho thấy chỉ có 26% học sinh lớp 12 ở Mỹ đạt trình độ toán ở mức khá hay giỏi; về đọc tiếng Anh là 38%. Mức xếp hạng ở Mỹ thường có bốn trình độ: below average (kém), average (trung bình), proficient (khá), và advanced (giỏi).

Cũng theo khảo sát của NAEP, chỉ 39% học sinh lớp 12 đủ trình độ toán và 38% đủ trình độ đọc hiểu Anh ngữ để theo học những lớp của học trình năm đầu đại học.

Riêng học sinh gốc Á châu thì kết quả khá hơn, với 47% cho cả toán và trình độ Anh ngữ. Đó cũng là con số cao nhất so với học sinh thuộc các chủng tộc khác.

Trình độ của học sinh trung học Mỹ ngày càng đi xuống, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp để cải tiến. Trong khi số học sinh không hoàn tất bậc trung học là khoảng một phần tư.

Đáng lưu ý là số người tốt nghiệp trung học trong ba thập niên đã không tăng lên. Theo Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD) số người Mỹ ở độ tuổi 55 đến 64 có bằng trung học, bao gồm cả bằng tương đương trung học G.E.D, là 87%, cùng tỉ lệ với số người Mỹ đang ở độ tuổi 25 đến 34.

Nếu so sánh với Nam Triều Tiên thì tỉ lệ này là 37% trong lớp người lớn tuổi và 97% trong lớp người trẻ, một con số mà nhiều nhà làm chính sách giáo dục của Mỹ mơ ước.

Trong khi giáo dục phổ thông tại Hoa Kỳ có nhiều khuyết điểm và thua kém nhiều nước phát triển thì hệ thống đại học Mỹ luôn đứng đầu thế giới.

Theo bảng xếp hạng năm 2016 của Times Higher Education, trong mười trường danh  tiếng nhất thế giới có đến 8 đại học Hoa Kỳ, đó là Harvard (1), MIT (2), Stanford (3), U.C. Berkeley (6), Princeton (7), Yale (8), Columbia (9) và Cal Tech (10). Đại học Cambridge và Oxford bên Anh xếp thứ 4 và 5.

Riêng tại California, hệ thống University of California với 10 trường, trong đó một số trường nổi tiếng và thu hút nhiều sinh viên nước ngoài. Theo bảng xếp hạng trên, trong 50 đại học hàng đầu thế giới còn có U.C. Los Angeles đứng thứ 13, U.C. San Diego 35, U.C San Francisco 42 và U.C. Davis 45.

Hệ thống đại học Hoa Kỳ luôn mở cửa đón nhận sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến học và nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp, nếu là sinh viên giỏi, có những sáng kiến, đề xuất hay những dự án sáng tạo, các công ti sẽ mời ở lại làm việc, sẵn sàng xin chính phủ Mỹ cấp thẻ xanh và nếu muốn định cư luôn ở Mỹ cũng không phải là điều khó khăn, như nhiều sinh viên du học Hoa Kỳ đã chọn nơi này làm quê hương mới, đóng góp trí tuệ cho sự phát triển của nước Mỹ từ bao năm qua.

Trong khi đại học phát triển với những khám phá, sáng chế thì trình độ học sinh phổ thông ở Mỹ ngày một kém đi và rất ít sinh viên muốn theo học sư phạm để làm giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12. Riêng tiểu bang California lúc nào cũng thiếu cả trăm nghìn thày cô. So với một thập niên trước, số sinh viên ghi danh học ngành sư phạm đã giảm 70%. Thiếu giáo viên nhiều nhất lại là các môn toán và khoa học, vì nếu có bằng cử nhân toán hay các ngành khoa học, ra trường dễ tìm việc làm trong khu vực công nghệ, lương cao hơn lương giáo chức và không bị nhức đầu với đám học trò ở vào lứa tuổi thích phá phách hơn là học.

Với trình độ học sinh lớp 12 ngày càng kém nên khi lên đại học, dù học ở đại học cộng đồng để lấy bằng cao đẳng hay được nhận vào một đại học bốn năm để lấy bằng cử nhân thì thời gian đã phải kéo dài ra, 3 năm cho bằng cao đẳng thay vì 2 năm; và 5 hoặc 6 năm cho bằng cử nhân, thay vì 4 năm như trước đây.

Khi vào đại học năm đầu, sinh viên phải thi xếp lớp cho các môn Anh ngữ và toán. Nhiều học sinh dù đã học điểm động học (calculus) ở trung học, khi thi vẫn bị điểm thấp và phải học lại đại số, lượng giác hay điểm động học nhập môn. Tiếng Anh cũng thế, nhiều em không đủ trình độ đọc và viết luận văn nên được xếp vào những lớp căn bản trước, vì thế thời gian để tốt nghiệp phải kéo dài ra.

Sinh niên tốt nghiệp các đại học Mỹ ngày nay còn mang nợ nhiều. Theo số liệu từ Institute for College Access and Success, trong năm 2014 một sinh viên tốt nghiệp cử nhân mang nợ trung bình 29 nghìn đô-la và khoảng 70% sinh viên phải mượn tiền để đi học.

Ở tiểu bang California, khoảng 55% sinh viên bậc cử nhân mượn tiền và số nợ trung bình khi ra trường là 21 nghìn đô-la.

Hiện thời tổn phí cho một cư dân California theo học tại một trong mười trường University of California là từ 32 đến 35 nghìn đô-la một năm, bao gồm học phí, sách vở và ăn ở. Đó là một khoản tiền không nhỏ nên nhiều cha mẹ không thể cho con học ở những đại học tốt, dù chính phủ hứa sẽ trợ giúp tài chánh toàn bộ cho gia đình có thu nhập dưới 80 nghìn đô-la một năm.

Đầu tư vào việc học vẫn đem lại lợi ích lâu dài. Nhưng số tiền cần có để khởi đầu đang gây khó khăn cho nhiều sinh viên.

.........................

Bùi Văn Phú

Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.