Về dự án "Bước chân của sách:"Để “Bước chân của sách” bước vào đời sống
Dự án “Bước chân của sách” được khởi động tại ngành GD&ĐT Hải Phòng chưa đến một kỳ học nhưng đã thu được những thành công đáng trân trọng, trong đó đặc biệt là việc xây dựng “Tủ sách 50K” tại các lớp của trên 600 trường học. Tuy vậy, để sách đi vào cuộc sống phát huy giá trị của nó thì vẫn là một câu chuyện dài.
Tránh thành “Nồi lẩu sách”
Tháng 7 năm 2020 Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng có cuộc làm việc với ban lãnh đạo Huyện ủy và các hiệu trưởng trường THPT huyện Vĩnh Bảo. Tại đây đồng chí Giám đốc nói về dự án “Bước chân của sách” với quyết tâm thực hiện của ngành GD&ĐT Hải Phòng mở đầu bằng chương trình xây dựng “Tủ sách 50K” tại các lớp học. Ngay sau 3 tuần trên 60 trường học thuộc 3 cấp Tiểu học, THCS, THPT của Vĩnh Bảo đã trang bị đầy đủ các “Tủ sách 50K” tới từng lớp học. Tính đến đầu năm học cả 3 cấp học toàn thành phố đã có gần 2000 tủ sách như vậy tại trên 600 trường học. Theo TS Nguyễn Đức Thuấn, trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp thì đây là thành công, ngành GD&ĐT đang đi những bước đầu vững chắc theo dự án “Bước chân của sách”. Đó là đánh giá đúng, bởi nhìn vào thực tế câu chuyện chất lượng những tủ sách 50K còn quá nhiều vấn đề điều chỉnh. Trước hết là về số lượng sách, bình quân chung mỗi tủ sách chưa đủ cho mỗi học sinh 1 cuốn; số đầu sách còn quá ít. Mặt khác sách phù hợp tâm lý lứa tuổi, trình độ học vấn của cấp học chưa đáp ứng yêu cầu. Một số trường học lại đặt lên giá sách rất nhiều sách giáo khoa, là loại sách vốn của thư viện nhà trường và bản thân các học sinh đều có nên nặng về trưng bày mà quên rằng tủ sách tham góp vào việc “dạy người” do vậy chủng sách này không nên có mặt trong “Tủ sách 50K”. Cũng cần nói đến có một số loại sách chưa qua khâu “kiểm duyệt” của nhà trường ví như sách lậu, sách đang có quyết định thu hồi, sách không có nhà xuất bản chính thống…
Nguyên nhân của tình trạng này là làm “Tủ sách 50K” theo hiệu ứng chạy đua phong trào nên việc huy động sách theo mọi hình thức như: xin hỗ trợ sách cũ, góp sách từ học sinh, phụ huynh, mua sách thanh lý giá rẻ… Vì vậy nếu bình tĩnh nhìn lại “Tủ sách 50K” của nhiều đơn vị giống như “nồi lẩu sách”.
Sách phải đi vào đời sống
Dự án “Bước chân của sách” không chỉ dừng lại ở “Tủ sách 50K” bó khuôn trong một lớp học. Tham vọng của Dự án mong muốn sách đến với tất cả học trò trong lớp, các lớp trong trường, các trường trong thành phố và từ thành phố giao lưu với các tỉnh khác… cuốn sách càng “đi” xa thì kiến thức từ sách càng phát huy giá trị mà kinh phí chỉ chi có một lần. Ý nghĩa nhân văn là vậy, nhưng trong bối cảnh văn hóa đọc xuống cấp vì bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan thì công tác quản lý phát huy giá trị và làm phong phú nguồn tri thức từ sách phải có bàn tay của nhà quản lý với những giải pháp hữu hiệu. Tại lễ khai trương thư viện mới của trường tháng 10 vừa qua, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hoàng Minh Toàn cho biết: chúng tôi sẽ làm tăng sự phong phú đầu sách và số lượng bằng việc bồi bổ sách hàng năm từ nhiều nguồn: XHHGD xin vốn mua, trích từ ngân sách, xin hỗ trợ sách từ các cựu học sinh…Tại trường THPT Nguyễn Khuyến công tác mua sách được xây dựng theo các chủng loại phù hợp và liên kết với các nhà xuất bản, đến nay đã có trên 1000 đầu sách với 3000 cuốn đủ các thể loại. Bí thư đoàn trường Phạm Thị Hồng Diên cho biết: trường kích hoạt việc đọc sách bằng việc khuyến khích giáo viên ra đề kiểm tra 15 phút, lấy điểm kiểm tra miệng bằng các câu hỏi có từ “Tủ sách 50K”, mỗi tuần có 01 tiết đọc sách tại lớp, tổ chức các cuộc thi trao thưởng liên quan đến sách của trường. Bên cạnh đó thành lập 1 câu lạc bộ yêu sách tại các khối lớp với 60 học sinh và 12 thày cô là giáo viên các môn học tự nhiên và xã hội với dụng ý hướng dẫn kỹ thuật đọc, lan tỏa kích thích phong trào và tạo chất lượng đọc.
Có lẽ sẽ còn rất nhiều cách làm hay ở các đơn vị khác cần có tổng hợp giới thiệu mô hình cách làm để tránh tình trạng “Tủ sách 50K” như một vật trang trí trong lớp học. Tuy nhiên với năm đầu tiên mang tính khởi động Dự án “Bước chân của sách” tại ngành GD&ĐT Hải Phòng đã làm được như vậy là một sự thành công đáng trân trọng. Tất nhiên để “bước chân” của sách đi vào đời sống còn đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp quản lý giáo dục với các giải pháp mang tính thống nhất lớn hơn đồng thời cần có sự tham gia đông đảo của cộng đồng mà trước nhất là học sinh và gia đình học sinh.
Ths. Nguyễn Đình Minh