Nguyên nhân thí sinh ngoảnh mặt với môn lịch sử theo một góc nhìn khác.

Theo thống kê của Cục khảo thí, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016, tỷ lệ thí sinh chọn thi môn Lịch sử thấp nhất từ trước đến nay, chỉ có 153.688 em đạt 15,3%, rất nhiều trường không có thí sinh đăng ký môn sử. Tiếng chuông cảnh báo lại gióng lên, nhưng hiểu thông điệp nó muốn truyền đi như thế nào cho đúng?

Lèo tèo thí sinh buổi thi môn sử 

Tại Hải Phòng, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 18.902 thí sinh đăng ký dự thi; số thí sinh đăng ký môn thi tự chọn thấp nhất là Lịch sử: 1.154 chỉ chiếm khoảng 6%. So sánh với 2 thành phố lớn thì thấy tình cảnh cũng tương tự, theo đó: Hà nội 76000 thí sinh dự thi, chỉ có 8954 thí sinh thi môn sử chiếm 11,76%; thành phố Hồ Chí Minh với 55.615 thí sinh, nhưng chỉ 3.908 thí sinh chọn môn sử (khoảng 7%). Tại cụm thi Nghệ An tổng có 41 thí sinh đăng ký dự thi và 19/26 điểm thi “trắng” thí sinh sự thi môn Lịch sử.

Dư luận xã hội tiếp tục “soi” vào môn lịch sử, theo đó, lý do kiến thức rộng, khó học, khó kiếm điểm, sách giáo khoa Lịch sử hiện còn nhiều bất cập, lỗi thời; Cách dạy của giáo viên chưa sáng tạo, còn nặng tính đọc, chép, học sinh ôn bài theo kiểu học vẹt… Tất cả những điều này đã khiến các em học sinh quay lưng với bộ môn Lịch sử.

Nhưng liệu đánh giá này có đúng, khi hàng loạt môn khác thí sinh cũng không chọn thi? Ví dụ như môn Sinh, theo thông tin từ Sở GDĐT Hải Dương thì tỉnh này có hơn 18.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 75 em chọn thi môn sinh học, đặc biệt, 3 huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Gia Lộc, không có thí sinh nào thi môn sinh học. Đồng thời nên nhớ rằng, các giáo viên lịch sử đều được đào tạo căn bản và tham gia quá trình đổi mới phương pháp như giáo viên bất cứ bộ môn nào. Câu trả lời sẽ thế nào, khi thực tế toàn quốc có hàng ngàn giáo viên sử được xếp ngạch “Giáo viên THPT cao cấp”, nhưng môn của họ vẫn bị thí sinh không chọn?

Nguyên nhân theo một góc nhìn khác

Một vấn đề đặt ra là 8/13 môn học ở bậc THPT hiện nay được chọn làm môn thi, nếu cho học sinh tự chọn thì vị trí môn Lịch sử có thấp như vậy? Ngày 30.6 trước 03 điểm thi của cụm thi  Hải Phòng, với câu hỏi “Nếu được dùng môn Sử thay thế cho 3 môn bắt buộc, em có chọn không và nếu thay, dự định em sẽ thay cho môn nào ?”. Cả 20 thí sinh đều trả lời sẽ thay, cụ thể: 8 em sẽ dùng môn sử thay cho môn ngoại ngữ, với lý do sử nếu chăm học và suy nghĩ kỹ vẫn làm được, còn ngoại ngữ “không đọc được là hỏng luôn”; 7 em đề nghị thay môn toán vì toán dễ bị điểm liệt, 5 học sinh đề nghị thay môn văn, với lý do chúng em học ban A, môn sử làm theo ý cũng được điểm nhưng văn phải viết thành bài rất khó.

Bà Hà Thị Nga nguyên chuyên viên môn sử, sở GD Hải Phòng nêu quan điểm: từ trước, chất lượng điểm trung bình các kỳ thi sử tốt nghiệp và đại học luôn cao hơn các môn văn, toán và ngoại ngữ. Khi không chọn thi sử, học sinh đã nghiêng về sự lựa chọn có lợi cho điểm thi và lựa chọn ngành. Minh chứng thêm cho nhận định này, chuyên viên lịch sử Phạm Thu Hoài, Sở GD Hải Phòng cho biết, năm nay, tỷ lệ học sinh ban đầu đăng ký thi Sử và Địa đang ngang nhau nhưng khi Bộ GD quyết định cho sử dụng Atlat ở môn Địa, thì tỷ lệ đăng ký môn Sử giảm mạnh đột ngột; Bởi nhờ có Atlat, học sinh có thể dễ dàng đạt 2 điểm từ số liệu và biểu đồ…có sẵn.  

Một sự thật khác là người thi gắn môn thi với chọn nghề, với việc làm và tiền lương để theo ngành đó suốt đời. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội chia sẻ: Học sinh đăng ký thi môn Sử ít tôi cho là điều dễ hiểu, bởi khối ngành KHXH nói chung, môn Sử nói riêng rất khó xin việc”.  Mặt khác trong bối cảnh chúng ta đang ở thời kỳ đầu của nền kinh tế thị trường, khoa học lịch sử ít được xã hội sử dụng, không được định giá chuẩn với giá trị thật của nó, do vậy, thu nhập của người làm chuyên ngành sử cũng chỉ dừng ở mức đồng lương eo hẹp.

Nói thanh niên học sinh không yêu thích môn lịch sử là kết luận phiến diện. Hãy xem sự kiện thanh niên dậy sóng phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam năm 2014 thì thấy rõ; Nếu không hiểu lịch sử, không có sức mạnh truyền thống hun đúc từ lịch sử thì làm gì có làn sóng ấy. Nên công bằng với môn sử, đó là quan điểm của Nhà văn Dương Thị Nhụn – PCT Hội NVHP, cần thấy rõ việc yêu mến bộ môn với việc lựa chọn nó để thi là hai chuyện khác nhau vì khi chọn thi, thí sinh sẽ chọn ưu tiên môn phục vụ mục tiêu cho cuộc sống; trong khi nếu theo môn sử thì xã hội chỉ tồn tại vài ngành mà quy mô sử dụng nhân lực hẹp.

Tại kỳ họp thứ 10 quốc hội thứ XIII, đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đặt câu hỏi với đoàn đại biểu giáo dục Hải Phòng (được dự khán kỳ họp):  “Có để môn Lịch sử độc lập trong chương trình hay tích hợp với môn khác?” và ông đã cùng hơn 100 nhà giáo Hải Phòng nhất trí cao giữ nguyên vị trí độc lập của môn Lịch sử trong chương trình “ Đổi mới giáo dục THPT giai đoạn 2”; và trên thực tế điều ấy đã được Quốc hội khóa XIII phê chuẩn tại kỳ họp này.

Như vậy từ thực tiễn đời sống thanh niên học sinh, từ văn bản Luật của Quốc hội đến sự ủng hộ của các nhà giáo tất cả đều tôn vinh giá trị đích thực của môn Lịch sử trong nhà trường, và đều yêu mến nó. Nếu muốn cho môn sử không bị lạnh nhạt ở các kỳ thi thì bên cạnh việc Bộ GD viết lại sách với cấu trúc bài học hấp dẫn cần phải tạo ra chính sách khác nữa mà trọng điểm là ngành nghề, sử dụng lao động, tiền lương… ở tầm vĩ mô, sao cho người học Sử phải có những lợi ích thiết thân không chỉ ở một kỳ thi mà còn phải ở cả cuộc sống lâu dài của họ./.

Nguyễn Đình Minh