Toạ đàm tiểu thuyết Thuyền nghiêng

thuyen

Tiểu thuyết “Thuyền nghiêng” (NXB Quân đội Nhân dân, 2011) của nhà văn Dương Thị Nhụn được khá nhiều độc giả, nhất là các nhà văn quan tâm. Đến tháng 6/2012, nghĩa là chỉ hơn nửa năm kể từ khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, đã có năm bài viết gửi đến Tạp chí Cửa Biển, trong đó bài của nhà văn Đặng Văn Sinh (Hải Dương) được giới thiệu trên Cửa Biển tháng 5/2012. Nhà văn Cao Năm có tới ba bài đăng trên các báo An ninh Hải Phòng tháng 5/2012, tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam tháng 7/2012, báo Văn nghệ Công an ngày 6/8/2012. Nhận thấy việc thảo luận tiểu thuyết này không những giúp tác giả trong quá trình sáng tạo mà còn đặt ra những vấn đề cho sáng tác nói chung, ngày 2/8/2012 Hội Nhà văn Hải Phòng (Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng) đã tổ chức tọa đàm với sự tham gia của đông đảo các nhà văn và phóng viên các cơ quan báo chí trong thành phố.

Trên cơ sở các bài viết đã có, các nhà văn Cao Năm, Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Xuân Trường và thạc sĩ Lương Kim Phương đã được mời tham luận; bài của các tác giả không có điều kiện có mặt như Bão Vũ (Hải Phòng), Nguyễn Duy Liễm (Quảng Ninh), Đặng Văn Sinh (Hải Dương) cũng được Ban tổ chức đọc thay. Không tham luận bằng văn bản nhưng phát biểu của nhà văn Vũ Hoàng Lâm, đánh giá của nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ và tổng kết của nhà văn Đình Kính với tư cách điều khiển tọa đàm cũng rất sâu sắc.

Đề dẫn của nhà văn Lưu Văn Khuê nêu ba vấn đề được đặt ra từ “Thuyền nghiêng”: 1) Dòng họ; 2) Tâm linh; 3) Nghệ thuật của tác phẩm. Nhìn chung các tham luận và phát biểu trong tọa đàm cũng tập trung vào ba vấn đề này.

1) Về vấn đề dòng họ:

Sau khi nêu dẫn chứng về mâu thuẫn dòng họ ở một xã tại Thái Bình được đọc trên báo và từ bản thảo tiểu thuyết cũng về sự kiện đó của một người bạn nhờ góp ý, Lưu Văn Khuê cho rằng dòng họ là hiện tượng đáng quan tâm, chứng tỏ Dương Thị Nhụn bắt mạch đúng một trong những vấn đề lớn ở của nông thôn hiện nay. Cao Năm trong tham luận “Thuyền nghiêng - Lời cảnh báo về văn hóa dòng họ” và Nguyễn Duy Liễm trong bài “Thuyền nghiêng” - một phát hiện của Dương Thị Nhụn” cũng nhấn mạnh nội dung này. Cao Năm viết: “Trong cái bề bộn và phức tạp của nông thôn thời thể chế thị trường, chị tách ra một vấn đề còn ít người nói tới, nhưng lại không kém phần thời sự ở nông thôn hiện nay, đó là làm thế nào để bảo tồn và phát huy truyền thống, hay rộng ra là văn hóa, dòng họ trước thử thách ngày càng gay gắt của thể chế thị trường, mà rõ nhất là sức mạnh của đồng tiền và sự phân hóa giàu nghèo đang len lỏi vào tận các dòng họ, làm xói mòn tập tục tốt đẹp từ bao đời trong dòng họ nói riêng, làng quê nói chung”. Nguyễn Duy Liễm cho rằng “Dòng họ là một kết cấu thu nhỏ của xã hội. Làng Đông Phong đang là một xã hội ồn ã! Câu chuyện được kể ra và khai thác đến triệt để mối quan hệ chằng chéo giữa một cộng đồng cùng huyết thống nhằm chuyển tải một ý tưởng văn học.”.

Các tham luận khác cùng chung quan điểm, cho rằng “Thuyền nghiêng” là lời cảnh báo về vấn đề dòng họ ở nông thôn, một sự cảnh báo cần thiết. Tác phẩm có những đoạn toát lên lời cảnh báo ấy: “Ba bề bốn bên là nước. Mảnh đất làng Đông Phong, nơi trú ngụ của dòng họ Hoàng cùng với ba chục dòng họ khác giống như một con thuyền mà bên này chênh vênh với bên kia đến mười lăm độ - con thuyền ấy đang nghiêng”, “Mỗi con dân đang nghĩ chuyện làm thế nào để làng tránh khỏi tai ương; làm thế nào để các dòng họ đoàn kết muôn người như một; làm thế nào để trai gái trong làng có thể kết thân với nhau… và làm thế nào người ta sống bằng chính những điều tốt đẹp làm nên bản chất người thôn quê? Làm thế nào bây giờ? Đình chùa có cân bằng phong thủy được không? Một thủ lĩnh có thể đứng ra giải quyết các mối bất hòa hay không?... Có lẽ phải chờ thời gian”.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng giá như tác giả nhìn con người và cuộc sống nông thôn tươi sáng hơn một chút thì hay bao nhiêu! Trong “Cảm hứng giải thiêng trong tiểu thuyết Thuyền nghiêng” - Lương Kim Phương viết: “Trong Thuyền nghiêng, cái Đẹp không hoàn toàn vắng bóng nhưng thưa thớt”. Duy nhất một cặp đôi hạnh phúc là Hãn và Vớ trong tác phẩm. Nhưng “làm sao có thể bình an với niềm tin cổ tích pha thứ tín ngưỡng dân gian ấy”- Lương Kim Phương nghĩ về cặp đôi đó như vậy và những ai đã đọc “Thuyền nghiêng” chắc chắn cũng nghĩ như vậy, chỉ có điều phải cảnh tỉnh để nhận thức rằng “những giá trị ngoại vi, phi chính thống cũng đều cần được thừa nhận”.

Từ thực tế tham gia Hội Khuyến học, Vũ Hoàng Lâm nói đến mặt tích cực trong dòng họ ở nông thôn hiện nay như việc nhiều họ tích cực xây dựng quỹ khuyến học để con em mình không lâm vào cảnh thất học. Bão Vũ trong “Tiểu thuyết viết về nông thôn và tác phẩm Thuyền nghiêng” lại cho rằng ruộng đất mới là vấn đề quan trọng ở nông thôn và với người nông dân: “Đó là điều sống còn của nông dân nhiều đời nay. Ruộng đất chi phối đời sống tinh thần và vật chất của người nông dân. Những phát triển kinh tế xã hội, quá trình đô thị hóa nông thôn luôn đi đôi với những bi kịch về ruộng đất như chúng ta đã thấy và đang thấy”.

2) Về vấn đề tâm linh:

Lưu Văn Khuê cho rằng tâm linh là hiện tượng xã hội cần được tôn trọng nhưng nói đến thì nhiều viết ra còn ít, vậy mà những vong nhập, hướng nhà, thế đất, tai vạ từ việc phá đình chùa được Dương Thị Nhụn nhận thức một cách nghiêm túc và viết ra không hề e ngại, thậm chí còn coi đó là nguyên nhân dẫn đến mọi điều tồi tệ. Cái chính là tác giả viết và người đọc chấp nhận được. Nguyễn Duy Liễm viết: “Vì không tìm ra căn nguyên gây nên cái không khí hỗn độn, u ám bế tắc ở làng Đông Phong làm họ Hoàng lúng túng khiến người ta tìm cách xoay trở lại hướng từ đường – xoay một thứ tĩnh mong thay đổi để trấn được cái động, đó là con người”.

Tuy nhiên với tham luận “Cảm nhận Thuyền nghiêng”, Nguyễn Quốc Hùng lại băn khoăn: “Mọi tình tiết dẫn tới xung đột thì người làng Đông Phong, người họ Hoàng đều bất lực, phải nhờ tới những yếu tố tâm linh như nhập đồng, người âm giải quyết. Đọc xong “Thuyền nghiêng” độc giả không khỏi day dứt, bão qua đi vạn vật sẽ yên bình mà không cần sự tác động của con người ?”.

Tuy cho rằng các yếu tố tâm linh trong “Thuyền nghiêng” là chấp nhận được, Lưu Văn Khuê cũng nghĩ tác giả hơi lạm dụng, nhiều hiện tượng có thể chọn cách khác chứ không nhất thiết phải bằng vong nhập, cũng có thể do tác giả gặp bí khi cần thúc đẩy câu chuyện nên đưa chuyện tâm linh ra để “gỡ nút”. Cao Năm cũng đồng tình như vậy và còn cụ thể hơn: “Trong ba lần nhà văn sử dụng yếu tố tâm linh để “gỡ nút” tiểu thuyết này, có lẽ chỉ một lần Công “nhập hồn” Hải nói ra vanh vách sự thật về ông Húng ở chiến trường là có tính “bước ngoặt” nâng tầm tư tưởng của tiểu thuyết hơn cả. Còn lại hai lần “nhập hồn”, nhất là lần Công “nhập hồn” cụ tổ họ Hoàng xưng xưng nói chỉ có ngu mới xoay lại hướng nhà thờ họ thì ít tác dụng, vì việc xây nhà thờ họ đến đấy cũng đã ngã ngũ, có tình tiết “nhập hồn” này chỉ làm câu chuyện thêm tròn trặn và có phần khiên cưỡng”.

Vũ Hoàng Lâm nhìn vấn đề ở khía cạnh khác, cho rằng chúng ta “nhìn” tâm linh bằng con mắt người trần. ở thế giới bên kia các vong hồn sống nhân hậu chứ không làm điều ác, thằng Tố không đáng bị gãy chân! Nhà văn cho rằng, không phải từ tâm linh mà bản thân mỗi chúng ta cần biết sống sao cho tốt đẹp. Làng Đông Phong và họ Hoàng cần phải có đường lối đúng đắn và người lãnh đạo đủ năng lực và uy tín.

Cần phải lưu ý đến vấn đề cảm hứng nghệ thuật chủ đạo của tác giả. Cảm hứng chủ đạo là tình cảm mãnh liệt nhất xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, thể  hiện ở mọi yếu tố trong tác phẩm, từ nội dung đến hình thức, ở tầm bao quát nó là cảm hứng bi, hùng, cảm thương, ngợi ca, phê phán, lãng mạn, trữ tình hay trào lộng… ở tầm chi tiết rất có thể nó là cảm hứng giải thiêng như  nhận định của Lương Kim Phương: “Tôi ngờ rằng Dương Thị Nhụn không nhìn văn hóa làng xã, văn hóa dòng họ mà chủ yếu chị muốn nhìn đời sống xã hội từ cảm hứng giải thiêng”, “chi tiết chiếc xẻng đâm phập vào làm bay một ống chân Tố trong lúc làm lễ xoay hướng nhà thờ tổ dù là chi tiết lộ rõ sự can thiệp của người viết nhưng càng làm sáng tỏ ý đồ, cảm hứng giải thiêng của tác phẩm”.

3) Nghệ thuật của tác phẩm:

Hầu hết các tham luận đều khẳng định thành công của “Thuyền nghiêng” trong cách dựng chuyện, kể chuyện, trong cách xây dựng nhân vật. Phạm Xuân Trường trong “Thuyền nghiêng” trên cạn viết: “Bức tranh làng quê được nhà văn với ngòi bút sắc sảo như dao lá lúa lách vào từng thớ thịt của xã hội mà lật ra từng mảng… “Thuyền nghiêng” với đầy hình ảnh lớp lang cuộn xoắn vào nhau, lời thoại ngắn, đanh và suy tư nội tâm của các nhân vật được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc…”.

Tựu trung lại có thể đồng tình với Đặng Văn Sinh: “Là tiểu thuyết đầu tay nhưng “Thuyền nghiêng” được xem như một tác phẩm viết khá chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp ở đây không chỉ dừng lại ở nội dung phản ánh hoặc hình thức biểu hiện mà dường như đã đạt đến độ cân đối khi tác giả xác lập được một tiêu chí thẩm mỹ của riêng mình”.

Các tham luận cũng mạnh dạn góp ý với tác giả. Cao Năm cho rằng “đôi chỗ cần sự chăm sóc kỹ hơn nữa”. Lương Kim Phương nghĩ “tác giả cần bớt miên man trong một số đối thoại để gia tăng các dòng độc thoại nội tâm, dòng ý thức, hồi ức để tăng tính khơi mở” ở bạn đọc,

đồng thời cũng cần công phu hơn trong kỹ thuật tiểu thuyết…

Tổng kết tọa đàm nhà văn Đình Kính khẳng định những thành công của “Thuyền nghiêng”: Cái mạnh của văn học chúng ta là viết về nông thôn. Nhà văn Dương Thị Nhụn đã bắt mạch đúng một trong những vấn đề của nông thôn hiện nay. Tên sách hàm ý sâu sắc, cách viết hấp dẫn, câu chuyện ấn tượng với nhiều yếu tố bất ngờ. Chi tiết tâm linh trong “Thuyền nghiêng” hay chỉ tiếc chưa được nhuyễn. Nó làm liên tưởng đến chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel García Marquez. Văn chương là hư cấu để nói lên bản chất của sự thật. Giá tác giả trau chuốt hơn nữa trong văn chương tác phẩm sẽ thành công hơn.

Hoàn toàn có thể khẳng định thành công của tọa đàm về tiểu thuyết “Thuyền nghiêng”.

Tổng thuật: Phương Huyền