Có thể bạn quan tâm
Để giải nhiệt cơn sốt “lạm thu”
Nguyên nhân lạm thu nhìn từ một hướng khác
“Lạm thu” trong nhà trường, đã trở thành dư luận nóng, đầu các năm học. Hầu hết các thông tin phản ánh bình luận, đều hướng vào tâm điểm: có những trường và một số giáo viên “lạm thu”để trục lợi. Phải thừa nhận đây là một sự thật, và chúng tôi không đề cập tới nội dung đáng buồn trong bài viết này. Tuy nhiên, không phải trường nào, giáo viên nào cũng “lạm thu”. Khi điều tra tại 10 trường phổ thông các cấp tại Hải Phòng, 05 Hiệu trưởng và 20 giáo viên chủ nhiệm lớp, mỗi người diễn đạt một cách khác nhau nhưng tựu trung đều giống như một giáo viên văn ở THPT Kiến An “Giá mà nhà nước giúp chúng em không phải thu bất cứ khoản gì từ học sinh là tốt nhất”.Vậy việc “Lạm thu” bắt đầu từ những nguyên nhân nào?
Trước hết phải nói ngay, đó là chính sách cho giáo dục hiện thời , do những khó khăn chung còn chưa tương thích với nhu cầu thực sự, điều này đã được khẳng định. Tuy nhiên giải pháp khắc phục nó còn có nhiều vấn đề bất cập, đặc biệt ở khâu chỉ đạo XHHGD ở cấp tỉnh thành, các sở giáo dục và hệ thống văn bản chỉ đạo bất nhất.
Bộ Giáo dục chỉ đạo không thu tiền xây dựng cơ sở vật chất, nhưng các nhà trường muốn xây dựng thì phải có kinh phí đối ứng là yêu cầu bắt buộc trong tổ chức các gói thầu? Tại Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương tỷ lệ kinh phí đối ứng từ 30- 50%. Giả thiết cần xây dựng 20 tỷ đồng phải có đối ứng 10 tỷ đồng. Tiền đối ứng, nếu đã không phải là ngân sách thì là XHHGD? Mà nguồn XHHGD chỉ dựa vào chính CMHS mà thôi. Nếu một nhà trường có 1000 học sinh thu 200 nghìn đồng/học sinh/năm thì 50 năm sau mới thu đủ số tiền này? Vậy đương nhiên khoản thu hỗ trợ sẽ kéo dài 50 năm, nếu không có một “Mạnh thường quân” nào đó hỗ trợ những khoản tiền khổng lồ.
Những năm gần đây, nhiều bộ môn mới được đưa vào nhà trường số tiết dạy tăng lên, nhưng tỷ lệ giáo viên /lớp không thay đổi, thậm chí tỷ lệ giáo viên THPT ở một số tỉnh thành còn bị rút xuống từ 2,25 GV/lớp xuống 2,2 hoặc thấp hơn. Trong khi để phục vụ hệ thống máy móc ở thời điểm công nghệ dạy học đang phát triển và các chương trình khác như quản lý lao động, tư vấn giáo dục… cần thêm nhân lực. Cách làm này tao ra hiện tượng thiếu giáo viên và phải bố trí dạy thêm giờ, và giờ dạy thêm phải tính giá tăng 150% theo quy định, làm cho chi phí thực tăng cao. Hơn nữa, việc tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với vài chục chủ đề, không thuần túy chỉ “phấn trắng bảng đen”; Thực tế nếu chọn tổ chức quy mô 1-2 chủ đề cho học sinh toàn trường đạt hiệu quả cao đã phải tốn từ 25 -50 triệu đồng.
Các cấp lãnh đạo trên địa bàn, ngành giáo dục và CMHS luôn mong muốn các nhà trường phải có môi trường giáo dục tốt và là trung tâm chính trị văn hóa một vùng. Vô hình chung tạo thành những sức ép xuống cơ sở: xây dựng trường xanh sạch đẹp, trường thân thiện, xây dựng khu vệ sinh, các loại hội thi, giải thi thể thao, văn nghệ ngày truyền thống… các cuộc vận động ủng hộ quyên tiền cho địa phương, cho các tổ chức xã hội, xổ số kiến thiết, phong trào “giọt đồng”,”Viên đá”, làm từ thiện…
Một hiệu trưởng đã cho xem thống kê, trong 1 năm trường chị phải tham gia quyên góp ủng hộ 38 lần, lần ít nhất 500 nghìn đồng và lần cao nhất 40 triệu đồng. Sức ép này không chỉ tạo ra sự “bội thực” về công việc mà còn làm giảm túi tiền vốn nghèo của nhà trường, trong khi mục tiêu chính trị trung tâm là tất cả cho dạy và học!
Những hoạt động này, oái oăm thay lại đều nằm trong tiêu chí đánh giá thi đua, hoặc chỉ tiêu giao khoán bằng văn bản cho nhà trường cả, bởi vậy không có Hiệu trưởng nào có thể từ chối.
Khi bắt tay vào công việc, Hiệu trưởng được trao quyền thực hiện XHHGD tại cơ sở. Nếu vì mục tiêu muốn nhanh chóng hoàn thiện CSVC thiết bị, muốn sử dụng vật chất bù đắp kích cầu chất lượng, hiệu trưởng thực hiện vận động những khoản kinh phí lớn; hoặc vì mục tiêu bình thường hiệu trưởng vẫn phải vận động XHHGD nhằm bù chi. Hiện tại theo Nghị định 43 của Chính phủ, xét riêng hệ công lập đã tồn tại 3 loại hình trường (Tự chủ kinh tế 100%, tự chủ một phần chi phí và không phải tự chủ). Song hầu hết các nhà trường đều phải giao những định mức tự chủ một phần theo những tỷ lệ khác nhau từ 5% - 20%. Như vậy trên thực tế định mức kinh phí được cấp, ngay từ đầu năm đã nhìn thấy âm chi ở phần tự chủ này.
Vậy phần kinh phí tự chủ này lấy ở đâu nếu không ngoài CMHS? Và nhà trường mang tiếng, nhưng vẫn phải làm.
Một trong những xu hướng hiện nay là nhu cầu của học sinh có sự khác biệt và do những trào lưu cộng đồng các trường học chi phối, nên học sinh phải nộp những khoản thu để học sinh thụ hưởng, ví dụ tiền quần áo đồng phục, tiền giấy kiểm tra trắc nghiệm, đề bài in sẵn., những chuyến dã ngoại , tổ chức giúp bạn gặp hoàn cảnh khó khăn trong lớp… Nhiều khi số tiền này là không nhỏ, nhưng thực tế lại rơi vào sự thụ hưởng của chính học sinh. Tại trường THPT Thăng Long (Hải Phòng) có những lớp VIP, phòng được trang bị 2 máy điều hòa nhiệt độ; hay THPT Lê Quý Đôn (Thành phố HCM) được trang bị cả màn hình lớn, máy in, lớp ngồi có 30 học sinh… nhưng cha mẹ học sinh thường quen tính tổng phải nộp mà bỏ qua phần đóng góp này. Và sau khi so sánh giữa các trường dư luận lại ồn lên…
Có cả ngàn lẻ một nguyên nhân dẫn đến “lạm thu”. Vì thế, khi bàn về nó, chúng ta cũng cần tìm đến những nguyên nhân rất cơ bản khác nữa. Vậy có chấm dứt hiện tượng này được không?
Hạ nhiệt lạm thu bằng chính sách và tăng cường quản lý nhà nước.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, ai cũng biết vậy nhưng cơ chế hiện tại rõ ràng còn bộc lộ quá nhiều bất cập. Tôi đã có dịp dự hội nghị với 1 ban CMHS, Ông Trần Tăng Thái (Bộ đội phục viên xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng) nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ nhà trường, nhưng ngặt nỗi, tiêu chuẩn của cháu chỉ có 1 sào ruộng, mỗi ngày cháu chỉ có 1m2 đất để ăn, mặc chữa bệnh và học hành”. Hình ảnh 1 m2 đất ấy cứ đeo đẳng tôi suốt mấy chục năm mà vẫn chưa dứt bỏ được. Đành rằng chúng ta có chính sách cho học sinh nghèo, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất nhưng chưa đủ mạnh. Đặc biệt về cơ sở vật chất thiết bị, các trường vừa được hỗ trợ quá ít vừa gặp trở ngại về văn bản thủ tục như đã đề cập trên.
Các thày giáo, cô giáo, có thể chấp nhận một mức lương tối thiểu, nhưng việc tạo điều kiện pháp lý (hoặc cho họ) một cơ sở vật chất đầy đủ là điều cần thiết. Thày giáo Mạnh Hoàng (THPT Nguyễn Khuyến) tâm sự: “Chúng em thực sự không muốn thu bất cứ khoản tiền nào từ học sinh, nếu chỉ phải lên lớp giảng dạy và làm các hoạt động giáo dục khác là điều sung sướng nhất”. Một thày hiệu trưởng (Xin dấu tên) nói :”Bản thân hiệu trưởng, hay cả Hội đồng sư phạm cũng chả bao giờ có tiền để xây dựng cơ sở vật chất. Tất cả đều nhờ vào chính sách công. Khi chính sách công đòi đối ứng, thì trường xin cứu trợ phần đối ứng bằng XHHGD, vận động xin cứu trợ thì dính tội lạm thu”. Thế là việc xây dựng CSVC ở trường học giống chuyện “Cây cải” của Truyện Trạng Quỳnh.
Đương nhiên, chúng ta chia sẻ với nhà nước trong bối cảnh hiện tại, và với xu thế thời mở cửa, trong cơ chế thị trường chúng ta cần có những vận động thu hút nguồn để giảm tải gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên sự vận động XHHGD, hiện thời ở các cơ sở vẫn đang trong tình trạng tự phát. Nhiều Hiệu trưởng còn ngỡ ngàng khi biết đó là sai phạm.
Theo Tiến sỹ Ngô Hoàng, Học viện Tài chính Hà Nội, tại lớp bồi dưỡng chủ tài khoản – kế toán tổ chức tại Sở GD Hải Phòng ngày 22/10/2011; một nhà trường chỉ được phép thu duy nhất một loại tiền học phí. Các khoản thu khác nếu có phải được HĐND cấp tỉnh, thành phố nghị bàn thống nhất và sau đó UBND thành phố ra quyết định. Và đó mới là văn bản hiệu lực pháp lý cho hiệu trưởng các trường thi hành. Mặc dù có nhiều hiệu trưởng khôn ngoan, biến tướng đẩy các khoản thu chi sang cho Ban CMHS, nhưng thực chất vẫn thu và chi theo yêu cầu của nhà trường. Theo đó, chiếu vào thực tiễn thì 100% các Hiệu trưởng toàn quốc đều bị kỷ luật kể cả các hiệu trưởng ở vùng rẻo cao hay hải đảo.
Vậy vấn đề ở đây là cơ chế quản lý nhà nước cấp tỉnh thành chưa chặt chẽ và chưa có sự đồng bộ với trung ương. Hiện tại khái niệm XHHGD đến với nhà trường còn mơ hồ. Xã hội hóa những gì, bao nhiêu? theo văn bản nào? Ai là người chịu trách nhiệm tổ chức và trách nhiệm pháp lý?
Để trả lời những câu hỏi này, không quá khó khăn để HĐND và UBND tỉnh/thành phố, sau khi thống nhất với các Bộ liên quan ở Trung ương; xây dựng một chương trình XHHGD cho từng năm. Trên cơ sở tham mưu của Sở giáo dục, Tài Chính vật giá và UBND quận huyện, lãnh đạo tỉnh/thành phố có thể ra văn bản quy định từng nội dung, định mức được phép cho từng cơ sở giáo dục khác nhau (dựa theo đặc điểm khác biệt của từng trường) trong phạm vi quản lý của mình. Văn bản được công bố công khai, người nộp, người thu chi làm theo văn bản. Và rõ ràng, các nhà trường sẽ nhẹ lòng hơn với dân, còn dân thì tin tưởng nhà trường hơn. Đồng thời các hiện tượng lạm thu đích thực dễ dàng bị lột trần và bị xử theo các quy phạm pháp luật.
Từ những phân tích này, bên cạnh việc tăng cường lý luận quản lý cho các Hiệu trưởng nhà trường và tuyên truyền trong nhân dân, thì vấn đề xác lập một chính sách công đủ mạnh, một cơ chế minh bạch của các cấp quản lý nhà nước về giáo dục vẫn là giải pháp quan trọng nhất.\