Phiếm chuyện về “Cỏ tương tư”
Tản văn – Nguyễn Đình Minh
Rít một hơi thuốc, sâu tới mức chiếc điếu cày vừa rung vừa thét giãy nảy lên, anh Nguyễn Hán, một vụ trưởng của Ban tuyên giáo Trung ương, vỗ vai hỏi tôi: cái món “cỏ tương tư” này ở quê ta bây giờ thế nào? Tôi cười, dạ thưa anh diện tích trồng bị rút rất nhiều, hiện chỉ có 1 số vùng đất chuyên canh cho ra sản phẩm chất lượng như Cổ Am, Vĩnh Tiến, Thắng Thủy… Theo các cụ đây là các vùng đất “Dệ đê” (Sát đê) do chất đất thế nào đó nên mới cho ra đặc sản. vả lại nhà nước có Luật cấm hút thuốc lá nên mọi người cũng bỏ, em nghĩ rồi chắc chẳng còn ai hút. Thôi cứ để nó thành cỏ tương tư đi anh.
Không ngờ anh quắc mắt: chú chả hiểu gì? Chú có biết người hút thuốc Lào ở nước ta là bao nhiêu người không? Bảy triệu! con số chuẩn đấy, số ấy do nhà văn, Trung tướng Hữu Ước cung cấp, mà ông tướng ấy cũng nghiện thuốc Lào lắm. Với lại, chú nhìn cả dãy quán cóc giữa Thủ đô này xem, quán nào chả bày bán. Đấy những túi giấy bóng xếp trên mặt bàn đó, toàn là các túi thuốc Lào, giá 10 ngàn đồng, nếu ông nào hút “tục” chỉ được 10 điếu là hết.
Rồi anh lơ mơ: Không biết cái “anh cỏ tương tư” này có nguồn gốc từ đâu nhỉ? Theo dõi câu chuyện của chúng tôi từ đầu, nhà thư pháp Lê Thiên Lý nói: cứ như chỗ tôi biết thì Cụ Đào Duy Anh đã xác định cây thuốc Lào có lẽ từ Lào (Ai Lao) du nhập vào. Cũng có giả thiết khác cho rằng, thuốc Lào được trồng và thử nghiệm bởi cụ Hồ Lào vào thế kỷ 18. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn gọi cây thuốc Lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), sở dĩ nó có tên gọi như vậy bởi vì người nghiện thuốc Lào mà 2, 3 ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp vậy.
Anh Hán cười: sao lại “Có lẽ” rồi “giả thiết”, ông đọc trên Wikipedia chứ gì? Tôi hỏi các ông, thế vì sao mà cả thế giới này chỉ có 2 huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng mới có thuốc Lào chính hiệu? Ông đã thấy thuốc Ai Lao, Ấn Độ chiếm thị phần ở ta chưa? Và cũng chẳng hiểu vì sao các cụ quê mình lại không chép lại cái “Gia phả thuốc Lào” truyền cho con cháu nhỉ?
Tôi vội kể: có anh ạ! Em sưu tầm được 5 sự tích cây thuốc Lào, trong đó có một truyện ở quê mình mà lại liên quan đến Cụ Trạng Trình. Nhưng “hai bố” không phải dân văn chương sợ bảo bịa…
Anh Hán và cả anh Lý nhổm dậy, rồi giục: kể ngay đi! Và tôi kể…Cụ Trạng trong giờ phút lâm chung, trong người đau đớn lắm, nhưng trí óc Cụ vẫn sáng suốt lạ thường, Cụ vẫy tay chỉ hộp trầu đã giã nhuyễn, bảo người học trò bỏ vào miệng cụ một miếng. Học trò thưa: sao lại làm vậy thưa thày? Cụ nói nhỏ: "để ta bớt đau khi ra đi và các con đỡ lo lắng... nhưng hãy cho ta một mồi thuốc nữa!". Người học trò ra hiệu lấy thuốc, mọi người nháo nhào hỏi “Thuốc nào? Thuốc nào?”, bởi lúc ấy trên bàn bày la liệt bao nhiêu loại thuốc chữa bệnh. Cuối cùng Cụ chỉ vào tráp “cỏ tương tư”, học trò hỗ trợ Cụ cố hút một hơi … Thế rồi, cốt trầu và hơi thuốc quyện vào làm Cụ say lịm vượt qua cơn đau cho đến lúc Cụ đi… Từ đây, loài “cỏ” không tên được dân gian truyền là Cụ Trạng trước khi mất đã đặt tên là “Thuốc Lào”, bởi dân quê mình nói ngọng từ “Thuốc nào?” thành “Thuốc Lào”.
Tôi không ngờ cả hai anh lại im lặng. Lát sau, anh Hán nói: đó là chuyện dân gian, nhưng không phải là không có lý, bởi đất tổ của thuốc nhất quyết phải có một thuyết về nó. Tổ tiên để lại cho con cháu Vĩnh Bảo, Tiên Lãng một loài cây có một không hai, nhưng dường như chúng mình chưa biết phát huy hết tác dụng của nó.
Anh Lý góp chuyện: thuốc Lào, theo kinh nghiệm dân gian, nó còn là một vị thuốc Nam, nó có thể cầm máu, khử trùng vết thương. Nước điếu trong điếu cày hay điếu bát có thể chữa hắc lào cho người và bệnh ghẻ cho gia súc rất hiệu nghiệm.
- Thế theo các ông có thể “Công nghiệp hóa” cây thuốc Lào được không? Ý tôi là biến nó thành sản phẩm công nghiệp ấy?
- Có - tôi đáp - Em thấy nếu ta làm đóng gói với mẫu mã tốt, quảng cáo mở các đại lý, thậm chí mời các nhà khoa học nghiên cứu sản xuất các loại thuốc Nam thuốc trừ sâu thân thiện môi trường…
Anh Lý thủng thẳng: các ông thử xem ta đóng điếu như xì gà Cuba ấy, cho vào hộp nhãn mác thật “ngon”, có thể kiếm bộn tiền.
Hóa ra các ông cũng ghê thật - Anh Hán nói – Kể các ông nghe, một hôm ông Nhà văn Hữu Ước vừa gặp tôi đã “hoạnh họe” ngay: mày dân Vĩnh Bảo nòi mà không chịu nghiên cứu cây thuốc Lào, hãy làm ra sản phẩm công nghiệp từ nó đi! Tôi hỏi làm thế nào? Lão cười: thì đấy đủ các hãng nước khoáng Kim Bôi, bánh đậu rồng vàng Ninh Giang… chỉ có đóng gói mẫu mã đẹp, tiện dụng khi dùng mà thành đặc sản. Thuốc Lào nếu đóng thành hộp đẹp, khoảng 20 viên nén tương ứng 20 mồi thuốc. Người sử dụng tiện ích, thuốc luôn đảm bảo chất lượng không mất hơi…
Thú thật, tôi hơi bị “choáng” bởi ý nghĩ độc đáo của ông Tướng kiêm Nhà văn này, nhưng lòng tự ái quê hương trỗi dậy, tôi chống chế: “Ông là Nhà văn cứ việc mà sáng tác, tượng tượng. Tôi hỏi ông làm bao bì như vậy, giá thành lên cao ai chịu thấu”. Không ngờ lão trừng mắt: thế mà cũng nói, có nhiều loại sản phẩm, cho nhiều đối tượng. Tôi đây có thiếu tiền đâu, song khi đi công tác cứ phải đóng thuốc vào cái hộp sắt to tướng, lúc ấy cứ nghĩ giá nó như bao thuốc lá…
Không muốn phá câu chuyện của Trung tướng nhà văn Hữu Ước và sự say sưa của anh Hán, nhưng tôi vẫn phải chen vào một câu ngang phè: “Nhưng còn cái điếu hút, phải chế tạo thế nào?”.
- Ừ nhỉ, nhưng thôi thằng em tìm cái điếu cày cho anh “ăn một điếu”, đang nhớ nhung nó quá đây.
Nhìn anh hút và khoan khoái nhả khói như trút tất cả dồn nén trong lòng, tôi chợt nghĩ, cái loài cây ở quê mình, rõ ràng là đặc sản mà con cháu lại đang làm cho nó biến mất… chợt nhớ những chuyến đi du lịch tận Thâm Quyến, anh em tranh nhau “ăn miếng” thuốc Lào , và cái điếu cày chính là lọ nước khoáng bằng nhựa chế thêm cái “lõ điếu” mà thôi.
Ồ nếu ta theo cách ấy cải tiến mẫu mã nhỏ gọn, thay chất liệu.. chế một cái điếu gấp có thể bỏ vào “bao thuốc” thì vẫn oách như ai. Những ý nghĩ của tôi cứ nhẩn nha trôi vào sương Tây Hồ chiều cuối thu, hay khói thuốc anh Hán nhả ra tôi không biết nữa… chợt một câu thơ thoát ra từ trong tâm thức: Tựa vào hồn rơm vía rạ...vắt vai khói thuốc lào thơm...
Phủ Tây Hồ mùa thu 2016