Trịnh Công Sơn và bài thơ phản chiến

Trinh_4Trịnh Công Sơn là một nhạc sỹ nổi tiếng. Trong một cuộc gặp gỡ với đoàn khách Nhật Bản tại đám cưới con người bạn thân ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), tôi có hỏi: bạn biết những người nổi tiếng nào ở Việt Nam? Trả lời “Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Trịnh Công Sơn”. Lại hỏi : Sao biết Trịnh Công Sơn? Vì Nhạc Trịnh luôn được biểu diễn và có băng đĩa nhiều ở Nhật. Thì ra vậy! Âm nhạc không có biên giới và nó đi nhanh đi sâu theo cái kiểu riêng mà  những con tàu vũ trụ cũng bó tay. Kể câu chuyện này, để thấy vị trí nhạc sĩ của Trịnh Công Sơn đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng mà không cần phải có thêm danh hiệu nào khác.Thế nhưng, khi tìm về nhạc Trịnh, đọc phần lời ca mới thấy được hầu hết được bắt đầu từ những bài thơ theo cách riêng ông viết. Và trong số ấy có một bài thơ dường như tách riêng biệt lập với tư cách bài thơ độc lập.
Phần lớn bài hát của Trịnh Công Sơn được viết bằng giọng thứ, ca từ mềm mại và luân chuyển theo lối kể chuyện. Dòng ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn , phần ca từ có nhiều bài đứng riêng như những bài thơ trọn vẹn. Ở đó là những hiệu ứng ngôn từ run rẩy.vang lên, những tiếng kêu nhói buốt về chia ly và mất mát giữa đạn bom. Bài thơ Một buổi sáng mùa xuân là một bài thơ như vậy.
trinh1Trịnh Công Sơn viết Một buổi sáng mùa xuân năm 1969. Bài thơ gồm 5 khổ, được phổ nhạc. Hình như đến nay, chỉ duy nhất Khánh Ly thể hiện ca khúc này. Khúc thức của bài hát Một buổi sáng mùa xuân tương đối đơn giản, nhưng ý nghĩa của bài thơ Một buổi sang mùa xuân lại da diết. Một câu chuyện xúc động, một đề tài được kể lại bằng thơ day dứt tâm thức sau mỗi hình ảnh, mỗi giai điệu rung lên:
        Một buổi sáng mùa xuân
        Một đứa bé ra đồng
        Đạp trái mìn nổ chậm
        Xác không còn đôi chân
       Em bé là thiên thần, trong cái thiên đường đồng ruộng bình dị của vùng quê đồng bằng châu thổ yên bình. Với  đất nước khác, với người khác đó là vùng quê nghèo nhưng với em đó là quê hương là cuộc sống là thiên đường. Chỉ một tiếng nổ vang lên, và tất cả đã không còn. Hình ảnh “Xác không còn đôi chân” là hình ảnh tạo ra sự thương cảm buốt tê. Một cái chết hay hai cái chết? cái chết của  toàn bộ con người? cái chết của đôi chân? Cái chết của một bé thơ không nguyên vẹn xác. Thật khốc liệt, dã man và tàn bạo. Chỉ có thiên nhiên hoang dại lắng được nỗi  đau từ con tim trắng trong và khao khát đang bay bỗng nhiên vòm trời sụp đổ:
        Một buổi sáng mùa xuân
        Ngực đứa bé tan tành
        Ngàn hoa đồng cỏ nội
       Cúi xuống nhìn con tim
Điệp khúc “Một buổi sáng màu xuân” xuyên suốt toàn bài làm thành một giai điệu . Nó giống như một trung tâm tạo sóng. Hết lớp này đến lớp khác. Những con sóng đến, mang theo hình ảnh sắc màu không ghê rợn, nhưng gợi những lạnh lùng tê buốt về của hậu quả chiến tranh mang lại.Đọng lại ở đây là hình ảnh ngàn hoa cỏ "Cúi xuống nhìn con tim". Sự cúi đầu tưởng nhớ tiếc nuối cho trái tim thiên thần sáng trong ấy đã bay đi. Trái tim có còn đâu bởi "Ngực đứa bé tan tành". Cả một bầu trời mơ ước khát vọng trẻ thơ bị tan nát. Tiếng mìn cướp đi không chỉ thể xác mà còn cướp đi cả thế giới tinh thần thơ trẻ. Cỏ hoa đồng nội có tình, còn cái ác của con người lại vô tình.
          Em thơ ơi, chiều nay trường học lại
         Trong sân chơi bạn và thầy im lời
        
Trường học, một góc thiên đường thực sự của trẻ thơ bị mất. Trong cái không gian trường học ấy là sự lặng im “bạn và thày im lời”. Sự mất mát đã lan tỏa bao phủ cái thế giới thiện lương. Giữa cái im lặng nghẹn ngào ấy, câu hỏi nhói buốt dội lên:
        Bài học về yêu thương trên giấy mới
        Sao hôm nay nét mực đã phai
     Ai làm cho nét mực phai? khi mà bài giảng về yêu thương  luôn là tươi mới trong mỗi lời thày. Ai làm mất? Câu hỏi cho ai? Bài học yêu thương có sách giáo khoa nào không dạy? những chính khách có ai không học? Và khi chơi trò chơi của quỷ, họ đã quên đi. Khi thành quỷ, họ quyết quên đi để làm chiến tranh đẫm máu, cho dù hậu quả có trút lên đầu những sinh linh trẻ thơ vô tội.
       Một buổi sáng mùa xuân
       Một đứa bé yên nằm
       Bàn tay cầm cỏ dại
      Có hoa vàng mong manh
       Tác giả nhắc lại hình ảnh em bé, hình ảnh thiên thần mong manh như hoa dại. Chưa kịp thành quả đã lụi tàn. Bàn tay cố níu giằng sự sống “Bàn tay cầm cỏ dại” mà bất lực ra đi. Một đóa hoa mong manh giữa khói lửa chết chóc như cái đẹp cái thiện vốn ngây thơ có thể nào chống lại bạo tàn? Hay đó là màu đèn tín hiệu cảnh báo con người cảnh báo cái ác phải bình tâm mà suy nghĩ dừng lại?
      Câu hỏi  “ không âm thanh” của em bé đã chết mà lại vang lên nhức nhối? Thầm nén mà ý tứ dư ba.Thiên đường hay không ? ai biết được! nhưng có một thiên đường thật sự bị chiến tranh tàn khốc khước từ. Thiên đường ấy, là cuộc sống yên bình với tình yêu trần thế rất bình dị. Nó là quyền được hưởng đương nhiên của trẻ thơ, như bầu khí quyển vốn của mọi người nhưng đã bị tước đoạt. Người tuyên bố chiến tranh, người làm chiến tranh luôn nói vì  hạnh phúc con người, nhưng sự thật lại là:
             Một buổi sáng mùa xuân
             Một đứa bé im lìm
            Bờ môi dường thầm hỏi
            Có thiên đường hay không
trinh5Sáng là cái bắt đầu sớm nhất của một ngày, hóa đêm đen. Xuân là mùa rất sớm của một năm ,thành đông lạnh. Em bé tuổi thần tiên của một đời người bắt đầu, lại bị chấm dứt  đột ngột bởi lưỡi hái tử thần. Đó là ba hình ảnh day dứt láy lại trong toàn bộ thi phẩm và vang lên trong tâm thức người đọc.Toàn bộ thi phẩm với những hình ảnh non tươi, trẻ trung bị biến mất, và từ xác nó tỏa ra một thứ ánh sáng vàng quệch của hoàng hôn sắp chết và âm âm khúc nhạc chậm rãi buồn u uất. Đó cũng là thông điệp chiến tranh luôn mang lại những số không mà Trịnh muốn gửi tới.
Đọc bài thơ này, thêm hiểu mảnh hồn Trịnh Công Sơn day dứt cho số phận con người như thế nào, trong suốt những tháng năm đất nước chia ly và chiến tranh tàn khốc, mà Ông  lại sống ngay trong lòng miền Nam. Chỉ tiếc rằng, Bài hát Ông xây dựng từ bài thơ này, không được phổ biến như nhiều ca khúc khác của ông.
.